Thông tin chính thức về Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015

26/02/2015 19:35
Xuân Trung
(GDVN) - Cuối giờ chiều nay (26/2), Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Như vậy, chậm hơn dự kiến (trước ngày 10/2/2015), sau 45 ngày xin ý kiến xã hội, ngày hôm nay (26/12) Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia 2015 và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2015. Với bản Quy chế này học sinh và các thí sinh tự do rất quan tâm vì có nhiều điểm cải tiến so với hai kỳ thi như những năm trước đây.

Quy định mới về lệ phí thi

Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT thông báo trước đó quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh). Với thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi chỉ để xét tốt nghiệp THPTsẽ không thu phí dự thi, dự tuyển.

Ngược lại, với thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH, nộp phí dự thi 35.000 đồng/môn thi/thí sinh, 30.000 đồng/hồ sơ dự tuyển vào các trường. Riêng thí sinh đăng ký vào các trường khối quốc phòng, an ninh phải nộp thêm phí sơ tuyển 50.000 đồng/hồ sơ khi đăng ký dự thi.

Thí sinh tham gia Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Ảnh Xuân Trung
Thí sinh tham gia Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Ảnh Xuân Trung

Thí sinh đăng ký vào trường tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển, nộp phí dự thi 35.000 đồng/môn thi/thí sinh cho các môn văn hóa chuyên ngành; 300.000 đồng/hồ sơ bao gồm tất cả các môn năng khiếu.

Thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các ngành năng khiếu có quy định riêng về lệ phí. Đối với các trường tuyển sinh bằng phương thức dự tuyển, thí sinh nộp phí dự tuyển 30.000 đồng/hồ sơ.

Chốt đăng ký dự thi trước ngày 15/4 hàng năm

Điểm khác biệt nữa là thời hạn đăng ký dự thi đối với những thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, không còn là hạn 1/4 như hàng năm, thay vào đó trước ngày 15/4 hàng năm các thí sinh phải hoàn thành hồ sơ dự thi.

Giữ thang điểm 10

Bản dự thảo Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia có nhắc tới thang điểm 20, tuy nhiên sau khi xin ý kiến rộng rãi từ xã hội, Bộ GD&ĐT quyết định thống nhất vẫn giữ thang điểm 10 như mọi năm.

Vì vậy, khi chấm thi theo thang điểm 10 với điểm lẻ đến 0,25, không quy tròn điểm. Do có sự thay đổi theo thang điểm 10 cho nên việc xét công nhận tốt nghiệp cũng có sự điều chỉnh. Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên, không có bài thi nào từ 1 điểm trở xuống và có điểm xét tốt nghiệp quy định cho từng diện được công nhận tốt nghiệp.

Sử dụng kết quả Kỳ thi quốc gia để xét tuyển như thế nào?

Theo Bộ GD&ĐT, các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ  cần xác định và công bố công khai tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành; Căn cứ hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT, quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của các đối tượng dự thi.

Với trường có các ngành năng khiếu và có tổ chức sơ tuyển: xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển, phương thức tổ chức thi và phương thức xét tuyển môn năng khiếu.

Thông tin chính thức về Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 ảnh 2

Chính thức công bố Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia 2015

(GDVN) - Sau buổi họp bàn thảo về các nội dung trong Dự thảo Quy chế, Bộ GD&ĐT đã chính thức ban hành Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia chậm hơn dự kiến.

Quy chế mới ban hành cũng quy định về các trường và nhóm trường tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng. Theo đó, các trường xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo nội dung quy định; lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 của Luật Giáo dục đại học.

Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tổ chức thi tuyển); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.

Kết quả thi của thí sinh vào trường (hoặc nhóm trường) tổ chức tuyển sinh riêng bằng phương thức thi tuyển chỉ có giá trị xét tuyển vào trường (hoặc nhóm trường) đó, không có giá trị xét tuyển sang trường (hoặc nhóm trường) khác; đối với ngành năng khiếu, các trường có thể xét tuyển thí sinh đã dự thi vào ngành đó tại các trường khác và phải quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường.

Với các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định.

Ngoài ra, các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. 

Các trường tổ chức thực hiện đề án tự chủ tuyển sinh đảm bảo các yêu cầu như; Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi. Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
Những thí sinh nào được tham gia tuyển sinh?

Bộ GD&ĐT cho hay, những thí sịn tính đến thời điểm xét tuyển, đã tốt nghiệp THPT (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trung cấp (trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề) được tham gia tuyển sinh.
Thí sinh tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT được tham dự. 

Đối với thí sinh là người khuyết tật được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt và học tập do hậu quả của chất độc hoá học là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học: Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định cho dự tuyển sinh vào các ngành học phù hợp với tình trạng sức khoẻ.

Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi vào đại học, cao đẳng

Nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các môn thi để xét tuyển là các trường xét tuyển duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 và các năm trước.

Bộ GD&ĐT lưu ý, nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GD&ĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng. 

Với những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.

Căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.

Cụ thể hơn, thí sinh có thể xem chi tiết tại đây. 

Xuân Trung