Tiền buổi 2 nhiều người ăn theo, không phải giáo viên nào cũng muốn dạy

12/12/2020 06:11
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thật sự vì học sinh, vì chất lượng học tập, các trường hãy để học sinh tự nguyện đăng ký theo đúng nhu cầu sở thích của các em như môn học, giáo viên dạy...

Chuyện dạy học buổi 2 ở một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đang mang lại nguồn lợi lớn cho Ban giám hiệu nhiều trường học. Bên cạnh đó, những bộ phận “ăn theo” như kế toán, thủ quỹ, giám thị…cũng được nhờ.

Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về việc dạy 2 buổi/ngày (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Gia Lai).Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Lợi lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về việc dạy 2 buổi/ngày (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Gia Lai).

Thế nên, những người không đứng lớp dạy buổi 2 hầu như ai cũng hết lòng ủng hộ hình thức dạy học kiểu này.

Về phía giáo viên, những thầy cô giáo dạy bình thường lại rất thích được dạy buổi 2 để tăng thu nhập. Nhưng những giáo viên giỏi, có chuyên môn sâu, đặc biệt những thầy cô dạy những môn mũi nhọn như toán, Anh văn, lý, hóa…được học sinh tín nhiệm lại không bao giờ thích dạy buổi 2 trên trường.

Nguyên nhân nào lại có những mong muốn trái chiều như vậy?

a/ Ban giám hiệu

Ban giám hiệu không phải trực tiếp giảng dạy buổi 2 nhưng thu nhập có khi cao gấp vài lần giáo viên. Bởi, Ban giám hiệu sẽ nhận số tiền được trích từ phần trăm tổng số tiền thu được từ dạy thêm của toàn trường.

Ví như, mức thu học phí của các trường hiện dao động từ 1.200.000đ đến 1.500.000đ/năm/học sinh. Một trường trung học thường có từ 1 ngàn đến 2 ngàn học sinh thì một năm số tiền thu học phí từ buổi 2 lên đến vài tỉ đồng.

Trường càng trả phần trăm giảng dạy cho giáo viên ít như (65%) thì % dành chi trả cho Ban giám hiệu càng cao. Vì thế, thu nhập một tháng từ khoản tiền thu học phí buổi 2 của các thành viên Ban giám hiệu cúng không hề nhỏ.

Đây cũng là một trong những lý do để nhiều trường học thích tổ chức dạy buổi 2 mặc dù phụ huynh và học sinh không muốn.

b/ Giáo viên dạy làng nhàng thích được dạy buổi 2

Những giáo viên dạy môn mũi nhọn hay còn gọi là môn trọng tâm nhưng không được học sinh yêu thích sẽ rất thích được dạy buổi 2 ở trường.

Vì, khi phân công giảng dạy cho giáo viên, nhiều trường học thường phân đổ đồng như nhau một cách cào bằng mà không căn cứ vào năng lực của giáo viên hay nhu cầu của học sinh.

Những giáo viên dạy làng nhàng, không tên tuổi nếu không đi dạy trên trường thì cũng không có nhiều học sinh tìm đến nhà để học trừ khi những thầy cô giáo này vì kế sinh nhai đã dùng đến “thủ thuật” để kéo trò đến lớp học thêm của mình.

Bởi thế, dạy học buổi 2 đối với họ cũng là cách kiếm thu nhập ổn định nhất.

c/ Những thầy cô giáo giỏi, có tay nghề không thích dạy buổi 2

Một số giáo viên dạy toán, Anh văn bậc trung học phổ thông đã nói với chúng tôi dạy buổi 2 rất mệt (kéo dài cả buổi) mà thu nhập lại chẳng là bao. Đối với họ, dăm triệu đồng, thậm chí mười triệu cũng chẳng thấm tháp gì.

Với những giáo viên giỏi, có tiếng học trò khắp nơi sẽ tự ùn ùn kéo đến xin học. Có giáo viên học sinh muốn có tên trong lớp học thêm, phải ghi danh trước đó vài tháng, có người phải nhờ đến các mối quan hệ mới xin được vì không đủ sức để nhận thêm.

Thu nhập từ việc dạy thêm ngoài nhà trường có khi lên đến vài chục hoặc cả trăm triệu đồng/tháng.

Nếu vì học sinh, vì chất lượng học tập sẽ không ép buộc các em học buổi 2

Khi tổ chức dạy buổi 2, trường học nào cũng khẳng định để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Thế nhưng, trong thực tế chất lượng được nâng lên lại không nhờ học buổi 2 mà nhờ chạy xô học thêm vào các buổi tối của các em sau khi tan trường.

Khi được hỏi “vì sao lại phản đối việc học phụ đạo buổi 2 ở trường?”, nhiều em cho biết lý do:

Thứ nhất, các em học 4 tiết ở trường đến hơn 11 giờ mới tan. Đi về tới nhà cũng gần 12 giờ, có bạn mất hơn 12 giờ nhưng 1 giờ 30 phút lại phải vào học phụ đạo nên rất mệt mỏi.

Thứ hai, các em đã tìm cho mình thầy cô để ôn luyện những môn trọng tâm thi đại học. Nay, học phụ đạo trên trường sẽ không còn thời gian đi học theo sở thích của mình.

Thứ ba, học phụ đạo ở trường là học lại với các bạn và giáo viên ở buổi chính khóa. Một số thầy cô dạy không nhiệt tình, dạy khó hiểu nhưng buổi chiều vẫn phải học lại những thầy cô này chắc chắn sẽ không đạt chất lượng.

Vì học chung với các bạn chính khóa, lớp học đông và đủ các trình độ nên thầy cô không thể dạy nâng cao, dạy chuyên sâu hoặc không thể phụ đạo để bù các kiến thức hổng cho học sinh yếu. Học kiểu này, chất lượng không thể nâng lên.

Thứ tư, (một số học sinh giỏi có ý kiến) không phải giáo viên nào cũng có khả năng ôn luyện thi đại học. Học mà không được chọn thầy cô theo ý thích thì rất là chán.

Thứ năm, học phụ đạo nhà trường buộc học nhiều môn vừa tốn tiền lại mất thời gian. Trong khi tự mình đi học có thể chỉ chọn một vài môn mình cần tập trung, cần nâng cao kiến thức.

Thứ sáu, học phụ đạo giờ giấc cố định nên rất mệt mỏi. Học tự do khỏe thì đi học, mệt nghỉ cũng chẳng sao. Tự học sinh sẽ sắp xếp thời gian để học như thế nào cho linh động.

Bởi thế, nếu thật sự vì học sinh, vì chất lượng học tập của các em thì các trường học bậc phổ thông tự nguyện đăng ký theo đúng nhu cầu sở thích của các em như môn học, giáo viên dạy, tuyệt đối không có một sự tác động nào khác. Chỉ khi các em thật sự được chọn theo sở thích thì việc dạy buổi 2 ở trường mới thật sự hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Đỗ Quyên