Tiền đâu nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, cơ chế nào ngăn chặn lạm thu?

19/01/2018 07:10
Phan Tuyết
(GDVN) - Những hoạt động trải nghiệm cần có kinh phí để tổ chức, tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là kinh phí này được lấy từ đâu và làm cách nào để quản lý minh bạch?

LTS: Băn khoăn về kinh phí của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông, cô giáo Phan Tuyết lo ngại tình trạng lạm thu sẽ tiếp tục diễn ra nếu kêu gọi sự đóng góp từ phụ huynh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hoạt động trải nghiệm trong chương trình phổ thông mới không phải là một môn học mà là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 như khẳng định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm.

Tuy nhiên, học sinh sẽ phải tham gia các hoạt động trải nghiệm và được đánh giá.

Đây là điểm mới khác xa với chương trình cũ.

Một hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học. (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn)
Một hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học. (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn)

Thế nhưng khá nhiều người lại tỏ ra băn khoăn, lo lắng vì ngoài cách tổ chức giảng dạy ở trường sao cho hiệu quả còn phải tổ chức cho các em đi tham quan dã ngoại, đi vào thực tế.

Như thế mới đúng với cụm từ “trải nghiệm sáng tạo”.

Câu hỏi đặt ra, kinh phí nào chi cho những hoạt động này? Nếu là xã hội hóa thì mức đóng góp của phụ huynh là bao nhiêu một năm?

Kiểm soát, chế tài thế nào để tránh xảy ra tình trạng lạm thu như quỹ hội phụ huynh?

Khó khăn khi tổ chức trải nghiệm ở trường tiểu học

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ có 4 nhóm nội dung được triển khai thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động trải nghiệm trong nhà trường. Những loại hình này chẳng khác gì chương trình hiện hành.

Đó là sinh hoạt dưới cờ; sinh hoạt lớp; hoạt động giáo dục theo chủ đề và cuối cùng là hoạt động những câu lạc bộ.

Hiện nay, dù đang học chương trình cũ không có hoạt động giáo dục có tên là Hoạt động trải nghiệm sáng tạo như chương trình mới nhưng nhiều trường học hiện nay cũng đang thực hiện dạy đầy đủ 4 nội dung giảng dạy thế này.

Tiền đâu nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, cơ chế nào ngăn chặn lạm thu? ảnh 2Tại sao Hoạt động trải nghiệm giáo dục phổ thông đang lay lắt?

Nếu chỉ như thế thì có nhất thiết phải có thêm Hoạt động trải nghiệm sáng tạo hay không?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa - Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói về Hoạt động trải nghiệm sáng tạo: 

"Như vậy làm, thực hành, trải nghiệm đều là những phương thức học hiệu quả, gắn với vận động, với thao tác vật chất, với đời sống thực. 

Việc học thông qua làm, học đi đôi với hành và học từ trải nghiệm đều giúp người học đạt được tri thức và kinh nghiệm nhưng theo các hướng tiếp cận không hoàn toàn như nhau, trong đó trải nghiệm có ý nghĩa giáo dục cao nhất và có phần bao hàm cả làm và thực hành".

Làm được như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa nói mới thật sự là điểm khác biệt so với chương trình cũ.

Những thực hành, trải nghiệm thông qua những việc làm cụ thể cho các em như lao động công ích, quét dọn sân trường, làm đất, trồng rau, trồng hoa, nhổ cỏ, bắt sâu, chăm bón cây… sẽ hiệu quả hơn rất nhiều việc học sinh chỉ ngồi nghe những bài giảng về kĩ năng sống trong lớp.

Mà những việc này thì các trường học ở nông thôn vẫn làm mấy chục năm qua.

Còn đòi hỏi các "trải nghiệm" cao hơn như tham quan, quan sát thực tế đòi hỏi phải tổ chức chặt chẽ và kinh phí đảm bảo.

Những trường không có đất làm vườn trường họ thường liên hệ với nhiều cơ sở sản xuất xung quanh vùng để tổ chức cho học sinh đi tham quan, đi thực tế một ngày.

Những cô cậu học trò được hóa thân thành bác nông dân, xuống hồ đơm cá, lội ruộng nhổ cỏ hay gói bánh chưng hay anh chị công nhân làm gốm, đúc gạch… thông qua trải nghiệm bằng việc làm cụ thể này thấy các em rất sôi nổi, hào hứng.

Có trường lại tổ chức cho các em đi tham quan các di tích lịch sử, các thắng cảnh, đi viếng nghĩa trang liệt sĩ để nghe kể chuyện về các anh hùng, thăm và giúp đỡ gia đình neo đơn, bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Làm được những điều ấy mới thật sự đúng ý nghĩa Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Thế nhưng để làm được như thế buộc phải có kinh phí. Vậy kinh phí lấy từ đâu?

Trả lời trên VOV, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa chia sẻ rằng, chương trình Hoạt động trải nghiệm là chương trình giáo dục bắt buộc nên không đòi hỏi việc đóng góp ngoài quy định.

Các trường học có thể tổ chức những hoạt động trải nghiệm mang tính xã hội như tình nguyện, vì cộng đồng một cách rất tốt nhưng kinh phí không tốn kém và lại rất hiệu quả, thiết thực với xã hội.

Còn những hoạt động mang tính chất khám phá hay đi thực địa như các cuộc tham quan, dã ngoại, chuyến đi thực tế... có thể được “xã hội hóa” từ các tổ chức đoàn thể, các đơn vị, cá nhân hỗ trợ để nhà trường thực hiện tốt.

Tiền đâu nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, cơ chế nào ngăn chặn lạm thu? ảnh 3Tôi rất băn khoăn về việc dạy hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học

Điều này đòi hỏi nhà trường chủ động thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục.

Các khoản kinh phí phát sinh có thể sử dụng từ đóng góp của phụ huynh và từ công tác xã hội hóa nhưng cũng cần được các bên thống nhất, công khai minh bạch về tài chính để sử dụng đúng mục đích.

Nói đến xã hội hóa là phải huy động đóng góp. Vậy nếu huy động sự đóng góp từ phụ huynh sẽ góp bao nhiêu?

Làm không khéo chuyện lạm thu sẽ bùng phát. Người dân đang kêu trời vì quỹ hội phụ huynh tự nguyện mỗi năm một lạm thu mà chưa có cách gì chấm dứt.

Nay thêm quỹ tham quan, trải nghiệm liệu gánh nặng kinh tế có đổ lên vai phụ huynh nhất là phụ huynh nghèo?

Và nếu một trong những phụ huynh ấy không đồng ý nộp tiền cho con thì học sinh ấy chắc chắn sẽ không có tên trong danh sách đi thực tế.

Em ấy sẽ bị xếp kết quả hoạt động này thế nào?

Thế mới thấy, các nhà soạn chương trình hoạt động trải nghiệm mới chỉ thấy Hàn Quốc người ta tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, mà chưa thấy nguồn lực tài chính để thực hiện nó.

Quý thầy quý cô càng chưa đặt mình vào địa vị của phần đông cha mẹ học sinh là người lao động có thu nhập không mấy dư dật.

Nhưng những gì quý thầy, quý cô đang viết ra để chúng tôi thực hiện, có thể làm tăng gánh nặng cho xã hội, cha mẹ học sinh và phức tạp thêm rất nhiều vấn nạn lạm thu trường học.

Những câu chuyện từ thực tế

Vài năm nay, khá nhiều trường học ở các địa phương đã tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích, đi thực tế… những địa điểm tham quan này thường ở khá xa với trường. Vì thế, nhà trường phải thuê xe để chở học sinh.

Kinh phí phát sinh nào tiền xe, tiền ăn, uống, tiền vé vào cổng… không có trường học nào lo nổi số tiền này và phụ huynh phải đóng góp.

Thế rồi có trường đóng cao, trường đóng thấp vì liên quan đến địa điểm nhà trường sẽ đi xa hay gần, liên quan đến việc tổ chức ăn ngon hay dở.

Có phụ huynh muốn con được hưởng cái gì cũng tốt nhất nên muốn đóng tiền nhiều. Phụ huynh nghèo lại muốn đơn giản.

Để đưa ra mức giá vừa phải hợp lòng tất cả phụ huynh cũng chẳng hề đơn giản. Có phụ huynh lại cương quyết không cho con đi. Rồi sau khi tham quan về, việc khen chê đắt rẻ cũng cứ xôn xao nơi này, nơi khác.

Khó khăn lớn nhất để thực hiện tốt mục tiêu của Hoạt động trải nghiệm sáng tạo vẫn là kinh phí.

Ngân sách nhà nước không thể kham nổi cho hoạt động này thì đương nhiên phải xã hội hóa.

Sợ rằng tình trạng lạm thu lại xuất hiện như quỹ hội phụ huynh. Bởi thế, ban soạn thảo chương trình cần có sự tính toán cụ thể cho phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương trên cả nước.

Tài liệu tham khảo: 

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/dua-hoat-dong-trai-nghiem-vao-truong-hoc-lieu-co-xay-ra-lam-thu-718535.vov

Phan Tuyết