Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: Cơ chế trả lương Đại học Tôn Đức Thắng cần được biểu dương

28/10/2020 06:18
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với cách làm của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, thu nhập của các vị trí tương xứng với công sức của mỗi cá nhân bỏ ra và họ đóng thuế đầy đủ.

LTS: Cơ chế trả lương theo khối lượng, hiệu quả và chất lượng công việc của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thế Du- giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright, hiện đang là học giả nghiên cứu tại Đại học Indiana Hoa Kỳ ngõ hầu góp thêm tiếng nói giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này.

Phóng viên: Là người nghiên cứu về động cơ, những nhân tố tác động đến động lực làm việc và cách hành xử của những người làm việc trong khu vực công, theo dõi những ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng ông đánh giá như thế nào về cơ chế tiền lương và phân bổ thu thu nhập của Trường Đại học Tôn Đức Thắng?

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: Tôi thấy rằng cơ chế tiền lương và phân bổ thu nhập của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chính là chìa khoá hay cách thức giải quyết bài toán mà Việt Nam đã đau đầu trong nhiều năm qua.

Lương không đủ sống mà ai cũng sống được phản ánh thực trạng của Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác: cái phần giúp nhiều người làm trong khu vực công sống được đó chính là tiêu cực và tham nhũng. Nói thẳng ra đây là sự xấu xa cần loại bỏ. Chúng đã và đang làm băng hoại đạo đức xã hội, gây ra tình trạng bất công, giảm sút niềm tin của công chúng.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Ảnh: fsppm.fulbright.edu.vn)

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Ảnh: fsppm.fulbright.edu.vn)

Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (20 - 25/1/1994), Đảng đã xác định tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ đối với đất nước. Nghị quyết Đại hội XII đánh giá, bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp.

Chiến dịch chống tham nhũng hiện tại có lẽ đã ngăn chặn được việc Việt Nam có khả năng rơi vào vết xe đổ của một số nước mà tham nhũng làm tan rã các chế độ, đẩy lùi sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn phải là đưa những thu nhập không chính thức trở thành chính thức.

Con voi lù lù giữa phòng mà ai cũng thấy là thu nhập của không ít những người làm ở các đại học, nhất là những người có vị trí, lớn hơn rất nhiều tiền lương chính thức của họ (có thể còn cao hơn đáng kể so với tổng mức thu nhập được công bố của ông Lê Vinh Danh).

Có ai đảm bảo đó là những khoản thu nhập do công sức của những người đó đóng góp cho sự phát triển của nhà trường hay nhờ vị trí, chức vụ của họ? Hơn thế, thường thì những khoản thu nhập như vậy là không đóng đủ thuế thu nhập.

Trái lại, với cách làm của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, thu nhập của các vị trí tương xứng với công sức của mỗi cá nhân bỏ ra và họ đóng thuế đầy đủ. Họ đã thiết kế ra được cơ chế mà những ai có khả năng là có thể phát huy và sống khỏe bằng chuyên môn và năng lực của mình. Với mức thu nhập dựa vào chuyên môn đủ sống như vậy thì giá trị và nhân cách của các thầy cô được đảm bảo hơn vì họ không phải lo “mánh mung”.

Ông Lê Vinh Danh và các đồng sự của mình đã có thể sử dụng hiệu quả các nguồn lực được giao, tận dụng được các cơ hội để biến một trường đại học rất ít được biết đến thành một trường có tên tuổi, với cơ sở vật chất và thực lực có thể cạnh tranh sòng phẳng với những “cây đa cây đề” trong ngành giáo dục Việt Nam đã và đang được ưu ái rất nhiều về ngân sách và các nguồn lực khác.

Trong một cơ chế với vô số bất cập, việc sai sót của những người, những nơi tìm cách thoát ra khỏi cái áo cơ chế chật chội thúc đẩy sự phát triển của xã hội là điều khó tránh khỏi. Hơn thế, không mô hình nào có thể thỏa mãn tất cả mọi người. Do vậy, việc có tiếng ra, tiếng vào là điều khó tránh.

Cách nhìn hợp lý vì sự tiến bộ của xã hội là tổng lợi ích và giá trị mà cá nhân/đơn vị đấy mang lại cho xã hội chứ không phải là vạch lá tìm sâu.

Do vậy, những người thực tâm muốn chống tham nhũng, thúc đẩy sự phát triển của đất nước thì cần phải tìm cách đưa cái cơ chế hết sức bất cập đang vận hành ở không ít trường công hiện nay sang cơ chế tương tự như Trường Đại học Tôn Đức Thắngcần phải biểu dương mô hình này chứ không phải tìm cách đánh sập nó.

Tôi xin nhắc lại rằng những người dám bước vào các “vùng xám” của các quy định hay cơ chế hiện hữu để tìm những cách thức thúc đẩy sự phát triển của xã hội, giải quyết những yêu cầu của cuộc sống thì cần được biểu dương và khuyến khích. Vùng xám, nếu lý giải các quy định theo kiểu trắng – đen thì bới bèo nào chẳng ra bọ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận thức rất rõ đó là những việc có ích cho xã hội.

Do vậy, khi phát hiện ra những điều chưa hợp lý, chưa đúng quy định thì tìm cách giải quyết để khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm chứ không phải làm thui chột nó. Nó không chỉ tác động đến một số cá nhân hay đơn vị cụ thể mà là tất cả những người có ý nghĩ dấn thân. Nếu để xảy ra tình trạng số đông tặc lưỡi rằng “làm tốt mà bị đánh tơi tả như vậy thì làm làm gì?”

Theo như ông nói thì cần phải biểu dương cơ chế “trả lương” như Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Vậy ông nhìn nhận vấn đề đang xảy ra như thế nào?

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: Là người rất quan tâm đến các mô hình thúc đẩy sự phát triển của xã hội, giải quyết những bài toán hóc búa, tôi đã rất kỳ vọng rằng Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ được tìm hiểu để giải bài toán cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay quả là cám cảnh và thất vọng khi phải thấy điều ngược lại.

Singapore đã hoá rồng dựa vào tài năng của con người như phát biểu của ông Lý Quang Diệu sau đây:

Chúng tôi không đưa Singapore từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất bằng việc săn lùng những vị bộ trưởng sẵn sàng hy sinh tương lai con cái của mình khi phải gánh vác nhiệm vụ phục vụ công chúng.

Chúng tôi có một quá trình rất thực dụng, không đòi hỏi người có năng lực phải từ bỏ quá nhiều từ cộng đồng.

Chúng tôi không hạ thấp Singapore thành một quốc gia bình thường khác ở thế giới thứ ba bằng việc né tránh vấn đề trả lương cho các bộ trưởng với mức lương cạnh tranh.”

Việt Nam chúng ta cần phải tìm cơ chế như Singapore đã làm và Đại học Tôn Đức Thắng là một ví dụ hay hình mẫu cụ thể đã làm được điều này. Những kết quả đạt được của họ cho thấy rất rõ.

Xin ông chia sẻ thêm về quan điểm của mình đối với các phương thức làm việc và cơ chế thu nhập trong khu vực công đối với sự phát triển, tiến bộ xã hội?

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: Theo tôi, những người trong khu vực công về cơ bản có thể chia làm ba nhóm như sau:

Nhóm thứ nhất năng động, sáng tạo biết sử dụng các nguồn lực trong tay và tận dụng được mọi cơ hội trong khả năng để đưa địa phương hay đơn vị mình đi lên. Kết quả nhiều người được hưởng lợi từ sự phát triển này, xã hội tốt lên.

Thành quả mang lại thì ai cũng có nhu cầu được hưởng. Có thể có một ai đó tuyệt đối trong sạch không muốn tơ hào hay chút mảy may nghĩ cho lợi ích bản thân, nhưng đâu thể làm ngơ với nhu cầu có cuộc sống đầy đủ hơn của cộng sự và người thân. Đó là đòi hỏi nhu cầu và chính đáng mà!.

Do vậy, việc tạo ra các cơ chế không có trong quy định hoặc vận dụng các quy định để những người tạo ra các thành quả cũng có phần tương xứng và hợp lý là điều xảy ra gần như khắp mọi nơi.

Tuy nhiên, nếu xét theo lý trắng đen như tôi đã nói ở trên thì các cơ chế này khó mà đúng quy định hoàn toàn. Nếu bắt bẻ theo kiểu không đúng là sai thì thua.

Nhóm thứ hai chỉ tuân thủ các quy định cứng, không có động cơ năng động sáng tạo, cứ để các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả (thực ra là lãng phí), cốt giữ mình yên bình trong một tình hình luật lệ còn rất bất cập và do đó rất dễ vướng rủi ro. Từ đó, địa phương hay đơn vị không phát triển. Đời sống người dân hay đội ngũ nhân sự vẫn khó khăn, luôn phải ngửa tay đi xin sự hỗ trợ của cấp trên.

Nhóm thứ ba chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân và phe nhóm của mình. Họ luôn tìm cách ăn không chừa một thứ gì với đủ mọi thủ đoạn, kể cả bước qua luật lệ vì họ có cả nhóm quyền lực cùng chia và cùng bảo vệ nhau. Điều đáng lên án là những người này nhân danh đủ thứ để hại và cướp công của những người thuộc nhóm thứ nhất.

Trong ba nhóm trên, để thúc đẩy tiến triển của xã hội thì nhóm thứ nhất nên được nuôi dưỡng và khuyến khích, nhóm thứ hai cần giảm thiểu và nhóm thứ ba phải loại bỏ.

Tiếc là trong không ít trường hợp, do sự ràng buộc của cơ chế và các quy định trong khu vực công mà những người làm tốt lại bị phạt và tiểu nhân đắc ý; mà nhiều người muốn cứu người làm tốt và vạch mặt những kẻ tiểu nhân cũng không được. Muốn làm được điều này, thì điều kiện cần là phải có sự tỉnh táo và thông thái của cả xã hội.

Khi dư luận chung ủng hộ người làm tốt, nói không và vạch mặt những kẻ làm sai trái thì những người đưa ra quyết định sẽ dễ hơn. Trái lại, nếu sự cảm tính của số đông bị thổi phồng bởi một vài thông tin hay con số bị giật dây, không phản ánh đúng sự thật thì sẽ rất khó.

Chính điều này lại dung dưỡng cho những điều vô lý và bất công trong xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo lý giải của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, con số 556 triệu đồng thu nhập của Hiệu trưởng Lê Vinh Danh không phải thu nhập theo tháng, mà là cộng gộp.

Cụ thể, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng gặp khó khăn trong tài chính. Để chia sẻ khó khăn này, nhiều giảng viên, viên chức đã tự nguyện nhận lương ít hơn trong các tháng 3 và 4/2020, phần còn lại cho phép Nhà trường chậm trả. Trong đó có thầy Danh tự nguyện chậm trả 60% thu nhập/tháng, Chủ tịch Công đoàn trường tự nguyện chậm trả 100%.

Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, tình hình tài chính của Nhà trường dần quay về bình thường, Nhà trường thực hiện việc hoàn trả lại khoản thu nhập đó cho giảng viên, viên chức. Do số tiền mà giảng viên, viên chức tự nguyện cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng chậm trả khá lớn, nên không thể thanh toán một lần, mà tiến hành trả chia nhỏ ra trong ba tháng 6, 7 và 8/2020.

Như vậy, trong ba tháng này, ngoài tổng thu nhập bình thường/tháng của giảng viên, viên chức, họ còn được nhận lại một phần thu nhập của tháng 3 và 4/2020 của họ. Mọi người đều có bảng thu nhập cao hơn các tháng khác.

Thùy Linh