Tiêu chí mới thăng hạng giáo viên khó khăn, khắt khe hơn trước rất nhiều

07/03/2021 06:59
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp chỉ làm cho giáo viên có thêm gánh nặng về mặt kinh tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành các thông tư 01,02,03 và 04/2021/TT-BGDĐT có những quy định liên quan đến việc bổ nhiệm, thăng hạng, xếp lương cho giáo viên, thì đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc đi học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Bé – một giáo viên tiểu học ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Quy định về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để xét thăng hạng đã có từ 3 năm nay, nhưng trước đây là không bắt buộc.

Chứng chỉ khi đó là một trong những điều kiện nằm trong hồ sơ minh chứng xét thăng hạng, như bằng cấp, chứng chỉ…Còn bây giờ thì mới bắt buộc phải có chứng chỉ này.

Theo cô Bé, hiện ngành không xét thứ hạng của giáo viên (căn cứ để xét mức lương) dựa vào bằng cấp, mà cả bằng cấp và chứng chỉ cùng phải đi song song.

Giáo viên cho rằng, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp chỉ làm thêm gánh nặng kinh tế cho họ (ảnh minh họa: CTV)

Giáo viên cho rằng, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp chỉ làm thêm gánh nặng kinh tế cho họ (ảnh minh họa: CTV)

Từ thực tế của mình đã đi học chứng chỉ này từ cách đây 3 năm, cô Bé nhận xét rằng, học chủ yếu là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi, chứ cũng không hiệu quả lắm.

Nữ giáo viên này nhấn mạnh: Những loại chứng chỉ kiểu như vậy chỉ làm khó cho giáo viên, hình thức và quá rườm rà, chỉ làm thêm gánh nặng về mặt kinh tế cho giáo viên.

“Nó chỉ làm lợi cho những nơi đào tạo ra lấy những chứng chỉ này, chủ yếu là những trường đại học có đào tạo ngành sư phạm, vì học phí toàn vài triệu đồng một khóa (một tháng). Thầy giáo dạy thì chán.” – cô Bé nói tiếp.

Cô Nguyễn Thị Bé đề xuất: Với các cử nhân sư phạm, có học đại học ra trường, trải qua quá trình tuyển dụng rồi thì nên xếp hạng cho họ, chứ thêm chứng chỉ thì tốn kém quá.

Đồng quan điểm này, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, các điều kiện để nâng hạng là rất khó, như một giáo viên của trường này nói rằng thời gian để đầu tư nâng hạng thì để đi học tiến sĩ vẫn hạnh phúc hơn.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Huỳnh Thanh Phú lý giải: Nghề dạy học căn cứ vào nguồn đào tạo chính quy, qua công tác tuyển dụng của địa phương thì đã đủ chuẩn làm thầy rồi.

Trong vài năm gần đây, thầy cô đã phải sống trong cảnh phải có các loại chứng chỉ nên cũng khó toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy, sẽ rất đuối. Gần đây thì thêm đại dịch Covid-19, giáo viên phải kiêm thêm việc giảng dạy trực tuyến, nên thầy cô có cả trăm thứ phải lo toan, vất vả lắm.

“Chúng ta đang đầu tư cho người thầy quá manh mún” – thầy Huỳnh Thanh Phú nói tiếp.

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 nêu: Giáo viên phải học thêm chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để làm gì? Đã được cơ quan đầu ngành tuyển dụng rồi, giờ phải có thêm chứng chỉ thì có phải làm giàu thêm cho các trung tâm không?

Nếu thầy cô đã đi dạy được 10, 20 năm mà thiếu chứng chỉ này thì chúng ta sẽ xử lý ra sao đây?

Ngay cả đối với bản thân thầy Phú là người lãnh đạo nhà trường, thầy cũng thấy khó làm hồ sơ nâng hạng.

Do làm lãnh đạo, đứng đầu cả một ngôi trường đã có cả trăm đầu việc mỗi ngày, còn nay đầu tư vào việc làm hồ sơ nâng hạng nữa sẽ rất mệt mỏi, làm sao “toàn tâm, toàn ý” vào việc lãnh đạo, quản lý trường.

Thầy Huỳnh Thanh Phú bộc bạch: Đầu tư vào việc nâng hạng cho giáo viên không phải là cách cống hiến cho ngành giáo dục hay cải thiện cho cuộc sống của người thầy, mà nên đầu tư vào quá trình lao động thực tế của người thầy trên bục giảng.

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 đưa ra một kiến nghị: Lãnh đạo cấp trên nên dựa vào quá trình lao động thực tế của người thầy để mà xét nâng hạng.

Ví dụ: Thầy cô giáo chỉ cần 15 năm lao động, cống hiến cho ngành, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cần nâng lên bậc 2 cho họ.

Còn nếu thêm 10 năm nữa, vẫn cống hiến cho ngành, vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì nâng lên bậc 1.

Nói chung là cần nhìn vào quá trình lao động thực tế của thầy cô mà nâng hạng, nâng bậc chứ không phải chỉ căn cứ vào những chứng chỉ, bằng cấp để xét.

Ngoài ra, cũng cần phải xem xét lại quỹ lương dành cho ngành giáo dục, dành cho giáo viên ở các trường, vì nếu tất cả các giáo viên đều được nâng hạng, nâng bậc thì chắc chắn sẽ được nâng lương.

Vậy thì với quỹ lương như hiện tại thì có đáp ứng đủ hay không, hay cần phải tăng thêm?

Một giáo viên trung học phổ thông ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh thì nhận xét: Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dành cho giáo viên hoàn toàn không cần thiết, vì có những nội dung giáo viên đã từng được bồi dưỡng rồi.

“Giáo viên hoàn toàn có thể tự học được, do có những nội dung trong chứng chỉ này chỉ học trực tuyến thôi thì làm sao đảm bảo chất lượng được.

Các điều kiện, tiêu chí để xét nâng hạng trong năm 2021 hoàn toàn khắt khe, khó hơn so với năm ngoái rất nhiều. Do đó, ai chưa được xét nâng hạng trong năm 2020 chắc chắn sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho thầy cô.”

Việt Dũng