Cơn sốt chứng chỉ chức danh đã bắt đầu, giáo viên cả nước lao vào vòng xoáy mới

03/03/2021 06:34
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường đại học, cao đẳng sư phạm, các tổ chức, các cá nhân cũng nhanh chóng quảng cáo các lớp học online nhằm đáp ứng yêu cầu chứng chỉ cho đội ngũ nhà giáo.

Việc giáo viên đăng ký tham gia học lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đã diễn ra từ nhiều năm qua theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 20, 21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nhưng có lẽ chưa bao giờ lại được đội ngũ giáo viên quan tâm như những ngày gần đây.

Trên các trang facebook của giáo viên các môn học, các cấp học thì gần như ngày nào cũng có hàng chục giáo viên đăng tin hỏi về chuyện giữ hạng, chuyện học lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Bởi các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập ngày 02/2/2021 đã hướng dẫn giáo viên các hạng III, II, I đều phải có loại chứng chỉ này.

Vì thế, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, các tổ chức, các cá nhân cũng nhanh chóng quảng cáo các lớp học online nhằm đáp ứng yêu cầu chứng chỉ cho đội ngũ nhà giáo bởi thời điểm này đang là giữa năm học nên việc học trực tiếp sẽ gặp nhiều khó khăn về thời gian.

Các lớp học online được quảng cáo liên tục trên các trang mạng xã hội của giáo viên (Ảnh chụp từ màn mình: L.V.M)

Các lớp học online được quảng cáo liên tục trên các trang mạng xã hội của giáo viên

(Ảnh chụp từ màn mình: L.V.M)

Nở rộ hình thức học online để lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Theo hướng dẫn của các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên các hạng từ mầm non đến trung học phổ thông đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và ai cũng hiểu đây sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên trong thời gian tới đây.

Những thầy cô đã học tập trong những năm qua thì yên tâm vì mình đã học rồi nhưng những thầy cô chưa có điều kiện học thì bắt đầu phải dò hỏi chỗ nào mở lớp, thời gian, hình thức học tập ra sao, giá học phí cho loại chứng chỉ này là bao nhiêu tiền.

Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm cũng đã nhanh chóng thông báo chiêu sinh để mở lớp. Một số trường đại học bây giờ không chỉ chiêu sinh tại địa phương và các tỉnh lân cận mà họ còn mở rộng ra nhiều tỉnh ở các vùng, miền khác.

Nhất là họ đẩy mạnh hình thức học online thì việc học viên ở đâu cũng có thể học được, miễn là người học đăng ký, đóng tiền thì các trường sư phạm cung cấp đường link và thời điểm học tập.

Hết khóa học, học viên làm bài thu hoạch gửi về trường là hoàn thành việc học và chờ ngày cấp chứng chỉ. Mọi chuyện thuận lợi vô cùng vì lịch học của các trường thường bố trí cho học viên học chủ yếu vào các buổi tối.

Chương trình học online được thiết kế 5-9 buổi học

Những ngày qua, Tạp chí Giáo dục điện tử Việt Nam liên tục nhận được email của nhiều thầy cô giáo ở các tỉnh, thành gửi đến để hỏi về chuyện có bắt buộc phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không.

Sau 18 tiếng đồng hồ là... hoàn thiện khóa học (Ảnh chụp từ màn hình)

Sau 18 tiếng đồng hồ là... hoàn thiện khóa học (Ảnh chụp từ màn hình)

Nhiều người đắn đo nên học trực tiếp hay học online vì sau khi Bộ ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì đã có những trường đại học sư phạm thông báo chiêu sinh các lớp học online theo nhiều hình thức đăng ký khác nhau.

Giáo viên có thể đăng ký học riêng lẻ, có thể đăng ký học theo từng đơn vị…

Đặc biệt là có những bạn đọc còn chuyển tiếp thư, ảnh thông báo chiêu sinh lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp được các Phòng Giáo dục gửi email về các nhà trường thông báo chiêu sinh học online.

Vì thế, nhiều giáo viên đặt câu hỏi chắc là giáo viên bắt buộc phải học tập nên Phòng Giáo dục mới chuyển thư thông báo chiêu sinh để giúp cho giáo viên hoàn thiện các chứng chỉ theo quy định.

Một số thầy cô giáo còn gửi chuyển tiếp email của Phòng Giáo dục giới thiệu chương trình học online lớp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của một trường Đại học sư phạm ở miền Trung cho Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhiều trường học ở khu vực phía Nam nhận được thông báo chiêu sinh (Ảnh: L.V.M)

Nhiều trường học ở khu vực phía Nam nhận được thông báo chiêu sinh (Ảnh: L.V.M)

Chúng tôi thấy, chương trình học được thiết kế làm 3 phần:

Phần I và II: “Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp” được thiết kế 192 tiết và học 5 buổi (chủ yếu là buổi tối).

Phần III: “Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch” được thiết kế 44 tiết, phần này được hướng dẫn là học viên viết bài thu hoạch và gửi về trường đào tạo.

Với một thời lượng học tập như vậy có lẽ giáo viên cũng không tiếp thu được bao nhiêu kiến thức. Hơn nữa, khi xem chương trình học của lớp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II thì chúng tôi thấy 10 chuyên đề học tập rất quen thuộc.

Theo phản ánh của giáo viên thì phần lớn những chuyên đề này họ đã được học khi còn là sinh viên và những năm qua thì họ đã được tập huấn và có nhiều phần việc đã đang áp dụng trong giảng dạy hàng ngày.

2,5 triệu đồng cho một chứng chỉ chức danh học online có nhiều không?

Theo hướng dẫn của các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì đội ngũ nhà giáo đều phải đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở mỗi hạng tương ứng.

Đa phần các lớp học chứng chỉ online có giá 2,5 triệu đồng (Ảnh: L.V.M)

Đa phần các lớp học chứng chỉ online có giá 2,5 triệu đồng (Ảnh: L.V.M)

Mỗi học viên nếu học online sẽ tiết kiệm được thời gian, đỡ tốn chi phí đi lại nhưng học phí mỗi khóa học (5- 9 buổi) có mức học phí là 2,5 triệu đồng quả là không hề thấp chút nào.

Người xưa có câu: “đắt xắt ra miếng” nhưng ở đây “đắt” chưa hẳn đã giúp cho giáo viên lĩnh hội được bao nhiêu kiến thức mới để áp dụng cho công việc thực tiễn của mình bởi nhiều chuyên đề học tập đã quá quen thuộc với giáo viên.

Chợt nghĩ, cả nước có hơn 1,3 triệu giáo viên, mỗi người chỉ cần học 1 chứng chỉ này thì hơn 3000 tỉ đồng sẽ đội nón ra đi…

Vì thế, 4 Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ vừa ban hành sẽ tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm trên cả nước.

Lợi ích của chứng chỉ này thì chưa thấy đâu nhưng rõ ràng 4 Thông tư này sẽ lấy đi của đội ngũ nhà giáo từ mầm non đến trung học phổ thông hơn 3000 tỉ đồng.

Số tiền này, quả là không hề nhỏ trong bối cảnh kinh tế của đội ngũ nhà giáo trong lúc này!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH