Trải lòng của học sinh Trường Ams đầu tiên đạt giải Nhất quốc gia môn Lịch sử

21/01/2021 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luyện trong đội tuyển Sử cũng khá vất vả, sau mỗi buổi học thì những kiến thức mà các thầy cô truyền cho em đều đọc lại rất kỹ, ngấm dần trong cả một thời gian...

“Trong các môn học thì em thích nhất môn Lịch sử và từ năm lớp 9 cho đến nay em tập trung vào học môn này. Khi học Lịch sử nó gợi lại cho em thấy những truyền thống, những mốc thời gian của dân tộc.

Hơn nữa em được sự cổ vũ từ gia đình và đặc biệt là từ ông nội, ông là người đã từng sống qua hai cuộc kháng chiến đã kể lại cho em nghe rất nhiều câu chuyện, việc đó đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều.

Ngoài ra còn các thầy cô giáo trực tiếp dạy em như thầy Dũng, cô Dung cũng truyền cảm hứng, giúp em ôn luyện kiến thức, động viên hàng ngày.

Nhớ lại từ hồi còn học lớp 3, mỗi khi ông nội đưa em đi qua các phố và đến mỗi di tích ông đều kể cho em nghe về lịch sử nơi đó. Ví dụ đi qua Hoàng thành Thăng Long ông lại chỉ vào lỗ đạn đại bác ở trên tường thành và nói: Đây là vết tích ngày xưa quân Pháp đã nã pháo vào đây.

Rồi đi qua Bảo tàng Chiến tích B 52 ông lại kể cho em nghe ngày xưa quân và dân ta đã bắn rơi máy bay Mỹ như thế nào…rồi còn nhiều di tích lịch sử nữa và em rất thích nghe”.

Em Nguyễn Tùng Dương - Học sinh lớp 11 Sử, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, người vừa đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi Trung học phổ thông cấp Quốc gia năm 2021 môn Lịch sử đã cho biết khi trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam và thầy giáo Khuất Duy Dũng - Tổ trưởng Tổ Lịch sử chụp ảnh lưu niệm với học sinh Nguyễn Tùng Dương. Ảnh: Tùng Dương.
Nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam và thầy giáo Khuất Duy Dũng - Tổ trưởng Tổ Lịch sử chụp ảnh lưu niệm với học sinh Nguyễn Tùng Dương. Ảnh: Tùng Dương.

Những lúc rảnh lại mang sách Lịch sử ra đọc

Em Dương chia sẻ: “Vào những lúc quan trọng hoặc có cảm hứng thì em thường mang sách Lịch sử ra đọc, một phần để tiếp thu thêm kiến thức và cũng là để ôn lại. Em hay đọc hồi ký, tiểu thuyết chiến tranh, chuyện thời phong kiến và cả lịch sử nước ngoài.

Một đến hai lần đọc sách cũng chưa thể nhớ được ngay mà cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần thì mới thấm được nội dung, ý nghĩa của nó mà tác giả đề cập đến.

Từ hồi lớp 3 đến lớp 9 em đã quan tâm đến phần Pháp xâm lược Việt Nam. Phần sử phong kiến cũng rất thú vị, theo em điểm nổi bật nhất là các cuộc đấu đá nội bộ của các triều đại phong kiến, nó rất cuốn hút và những chính sách của các Vua đời trước cũng phần nào có phần liên hệ đến những thực tiễn hiện nay.

Theo em học Lịch sử không phải là để nhớ ngày tháng vì đó chỉ là những chi tiết nhỏ, phần ý nghĩa sâu sắc mới quan trọng, ví dụ đọc một vấn đề mang tính chất nhạy cảm và qua đó mình sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân, cũng như ở tầm quốc gia cũng có thể vận dụng.

Phần Lịch sử thế giới em quan tâm đến Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh thế giới thứ 2 và hậu Chiến tranh Lạnh. Lịch sử thế giới có tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, nó cho ta nhiều bài học kinh nghiệm luôn phải biết vận dụng những yếu tố khách quan bên ngoài của thế giới để tận dụng, để phát triển bản thân cũng như phát triển đất nước”.

Lịch sử không phải là học thuộc

Em Dương nói: “Trên lớp em cũng học môn Lịch sử đều như các bạn nhưng về nhà bao giờ em cũng đọc lại để ngấm được ý nghĩa của bài học hoặc câu chuyện đó, hiểu được nó. Lịch sử không phải là học thuộc mà phải hiểu nó thì mới học được.

Luyện trong đội tuyển Sử cũng khá vất vả, sau mỗi buổi học thì những kiến thức mà các thầy cô truyền cho em đều đọc lại rất kỹ, ngấm dần trong cả một thời gian dài để hiểu rõ bản chất vấn đề và lúc này thì việc học thuộc lòng sẽ không cần thiết nữa.

Đã ngấm kỹ rồi thì khi làm bài mọi vấn đề sẽ tự “nổ” ra trong đầu, cứ thế mà viết. Có một cách thứ hai nữa là em thường xuyên tập viết ở nhà dựa trên nội dung kiến thức thầy cô dã dạy trên lớp, mục đích viết diễn đạt ra để hiểu, đó cũng là tài liệu riêng em để tự học”.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung - Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho biết: “Tôi đã dạy em Dương từ đầu năm lớp 10 cho đến nay, tính cách em khá vui vẻ với các bạn, hơi ít nói nhưng khi học và lên thuyết trình bài Sử mới thấy Dương là một học sinh cực kỳ đặc biệt, có tố chất về môn này. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung - Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho biết: “Tôi đã dạy em Dương từ đầu năm lớp 10 cho đến nay, tính cách em khá vui vẻ với các bạn, hơi ít nói nhưng khi học và lên thuyết trình bài Sử mới thấy Dương là một học sinh cực kỳ đặc biệt, có tố chất về môn này. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Em Dương cho biết: “Hôm bước vào kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia vừa qua, sau khi đọc đề bài em thấy có thể làm đủ cả 7 câu hỏi trong 180 phút theo yêu cầu.

Dành mấy phút để dàn ý trong đầu, chia thời gian làm bài cho từng câu, và từ dàn ý đó sẽ “nổ” ra ý tưởng và triển khai. Dàn ý này giống như xây móng của một tòa tháp, móng có vững thì nhà mới tốt.

Khi thực hiện xong bài thi, tự nhận định bài của mình cũng chưa được tốt lắm, nội dung chưa có sự liên kết chặt chẽ, phần nữa vì chữ em viết hơi xấu và nhỏ.

Nhưng khi biết kết quả bài thi đó đã đạt giải Nhất môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia em hơi bất ngờ và không thể tin nổi, ngay lập tức em đã mời mấy người bạn thân đi ăn một bữa cơm gà”.

Thầy Khuất Duy Dũng - Tổ trưởng Tổ Lịch sử và cũng là người dẫn dắt đội tuyển Sử của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho biết:

“Khối chuyên Sử của trường chúng tôi thành lập vừa tròn 10 năm và kể cả quá trình thành lập trường 35 năm cho đến nay thì đây là lần đầu tiên học sinh Nguyễn Tùng Dương của trường đạt giải Nhất Học sinh giỏi Trung học phổ thông cấp Quốc gia môn Lịch sử.

Chúng tôi xây dựng từ những bước đi đầu tiên và cô Dương, Hiệu trưởng của nhà trường rất chú ý đến môn Lịch sử, với quan điểm giáo dục học sinh của trường phải vừa hồng vừa chuyên.

Học sinh giỏi về kiến thức, giỏi về chuyên môn nhưng phải được giáo dục truyền thống, vừa có tài vừa có đức. Cô Dương đã giao nhiệm vụ xây dựng và hướng học sinh nhà trường ngoài giỏi về các lĩnh vực quốc tế thì phải yêu truyền thống dân tộc, giỏi môn Lịch sử”.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung và tập thể các em học sinh lớp 11 Sử Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung và tập thể các em học sinh lớp 11 Sử Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thầy Dũng cho biết: “Tôi là người phát hiện ra học sinh Nguyễn Tùng Dương có tố chất rất đặc biệt về môn Sử từ năm lớp 9 khi em thi đỗ vào chuyên Sử Trường Ams, năm lớp 10 em Dương đã tham dự thi Học sinh giỏi môn Sử lớp 12 và đạt giải nhất toàn Thành phố Hà Nội.

Hơn nữa đang là học sinh lớp 10 nhưng Dương đã đạt tiêu chuẩn vào đội tuyển Quốc gia của Hà Nội, mặc dù trình độ có hơi non một chút nhưng với người khác có lẽ đã bỏ cuộc.

Nhưng với Dương thì không, tiếp tục ôn luyện và đây là lần thứ hai Dương tham dự cuộc thi, là học sinh lớp 11 nhưng thi môn Sử lớp 12 và đạt giải Nhất toàn Quốc. Đó là điều phi thường.

Dạy em Dương từ năm lớp 9, tôi đã có những "bí kíp" riêng để bồi dưỡng nâng cao kiến thức môn Sử cho em, đồng thời một mặt động viên tinh thần tạo động lực.

Có được giải Nhất năm nay cũng phải cảm ơn cô Dương, Hiệu trưởng nhà trường đã quyết tâm chỉ đạo cho đội tuyển mà 10 năm qua chưa đạt giải Nhất, cô là người đầu tiên làm được việc đó, thật sự đây cũng là “gánh nặng” cho chúng tôi nhưng trên hết là hướng chỉ đạo đúng đắn”.

Thầy Dũng chia sẻ: “Em Dương đạt giải nhất lần này là rất xứng đáng, em là con người đặc biệt, nếu là môn Khoa học tự nhiên thì các con giỏi từ lớp 10 là chuyện bình thường.

Nhưng với môn Xã hội thì bắt buộc phải có một cái nền móng kiến thức vững chắc. Hơn nữa nếu năm ngoái vì em không đạt giải và bỏ cuộc thì sẽ không có em Dương hôm nay, thật đáng khâm phục”.

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Kim Dung dạy môn Lịch sử lớp 11 Sử Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho biết: “Tôi đã dạy em Dương từ đầu năm lớp 10 cho đến nay, tính cách em khá vui vẻ với các bạn, hơi ít nói nhưng khi học và lên thuyết trình bài Sử mới thấy Dương là một học sinh cực kỳ đặc biệt, có tố chất về môn này.

Em Dương rất thích môn Sử, có tư duy rất tốt nên các vấn đề em viết ra rất sâu, chắc và đa chiều. Em rất có ý chí, đã định làm việc gì thì quyết tâm làm cho bằng được.

Dương học trên lớp thì cũng với giáo trình bình thường như các bạn, chỉ khi vào đội tuyển thì chúng tôi mới có giáo trình ôn luyện riêng, nhưng có thể nói là Dương học Sử không vất vả như các bạn khác, học nhưng rất vui vẻ thoải mái”.

Em Nguyễn Tùng Dương - Học sinh lớp 11 Sử, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, người vừa đạt giải Nhất Học sinh giỏi Trung học phổ thông cấp Quốc gia năm 2021 môn Lịch sử.

Qua Tòa soạn, Nguyễn Tùng Dương muốn được gửi lời cảm ơn đến các thầy cô trong Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã tạo mọi điều kiện để cho em có được kết quả như ngày hôm nay. Dương nhắn nhủ:

"Em cũng gửi lời cảm ơn thầy Khuất Duy Dũng, người đã đôn đốc và ôn luyện cho em ở đội tuyển của Trường Ams trong suốt 3 năm qua, và cô Nguyễn Thị Kim Dung dạy môn Lịch sử ở lớp 11 Sử cũng đã dạy và động viên em rất nhiều.

Em cũng xin được cảm ơn cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Giáo viên dạy môn Lịch sử cho em hồi cấp 2 ở Trường Lê Quý Đôn. Cả ba thầy cô đã có công trong việc dạy dỗ, tạo nền móng vững chắc cho em đến với môn Lịch sử và đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Dương cũng xin cảm ơn tập thể các bạn ở lớp 11 Sử Trường Ams đã ủng hộ mình trong suốt thời gian vừa qua."

Tùng Dương