Trò đánh thầy: Đừng nhìn học sinh là kẻ cá biệt!

13/11/2012 06:42
Theo VTC
Trước hàng loạt vụ việc học sinh đánh thầy cô giáo diễn ra trong thời gian qua, Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã có những nhận định về nguyên nhân và cách xử lý vấn đề này.
Rất nhiều người phẫn nộ trước sự việc nam sinh đánh thầy giáo. Là một giáo viên, anh có nhận định gì về hiện tượng bất thường này?
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Trước tiên, học trò đánh thầy là sai rành rành. Nhưng tôi băn khoăn không hiểu lý do thật sự lúc đó vì sao trò lại đánh thầy.
Có phải do một số bạn trẻ ngày càng manh động, do giá trị tôn sư trọng đạo bị xói mòn hay do thầy ứng xử chưa mềm mại, chưa phù hợp với tâm lý của trẻ bây giờ, làm một số trẻ không kiềm chế được cảm xúc và hành vi bùng nổ?

Thầy giáo gây sốt cộng đồng mạng Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.
Thầy giáo gây sốt cộng đồng mạng Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Đặt trong trường hợp nếu anh là một giáo viên bị rơi vào hoàn cảnh này, anh sẽ xử lý ra sao?
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Đã để một đám cháy xảy ra, có chữa thì cũng đã cháy rồi. Tốt nhất là đừng để điều đó xảy ra. Ông bà ta đã dạy: lấy nhu thắng cương. 
Đối với những trẻ cứng đầu, bất cần, hung hăng thì kỷ luật hay la mắng hầu như không có tác dụng. Cái có thể tác động đến các em chính là tình cảm, đó là “quyền lực mềm” mà kỷ luật khuôn phép không có được.
Thực ra, cái vỏ gai góc bên ngoài chỉ là che đậy che cái tâm hồn yếu đuối bên trong của các em mà thôi. Để yêu những đứa trẻ “cá biệt”, để hiểu chúng, để thông cảm và đặc biệt là kiên nhẫn để dùng tình cảm với chúng là điều có vẻ “không tưởng” với chúng ta. 
Tuy nhiên, đó là cách hiệu quả nhất mà một nhà sư phạm nên tập luyện cho mình.
Dưới góc độ tâm lý lứa tuổi, nguyên nhân của vấn đề sẽ được giải thích như thế nào?
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Một là, từ xưa, lứa tuổi mới lớn rất dễ có hành động bột phát do hưng phấn thần kinh mạnh. Cộng hưởng với việc thiếu chín chắn trong suy nghĩ, thiếu kinh nghiệm trong phản ứng nên hành động rất mạnh mẽ bất ngờ.
Hai là, giới trẻ bây giờ cái tôi phát triển rất sớm. Ngày xưa thầy cô là số một, là chân lý, thầy cô cha mẹ bảo gì thì nghe đấy. Nhưng bây giờ xã hội đã hiện đại, tôn trọng cái tôi cá nhân của mỗi người, thế nên một số bạn trẻ thổi phồng cái tôi của mình quá mức và làm thui chột đi giá trị tôn sư trọng đạo.
Ba là, học sinh ít được dạy về kỹ năng kiềm chế cảm xúc và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Cảm xúc bản năng chưa được thuần dưỡng, mâu thuẫn với thầy cô chưa biết cách giải quyết. Thế nên học sinh khi tự ái, khi bức bối là phản ứng một cách rất “bản năng”.
Đó là chỉ riêng dưới góc độ từ học sinh. Hiện tượng này còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như cách ứng xử của người lớn chẳng hạn.
Phải chăng, trong xã hội hiện đại, mối quan hệ thầy trò đang bị thương mại hóa dẫn tới học sinh không còn “tôn sư trọng đạo”? Học sinh ngày nay hư hơn so với trước kia?
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Không có thế hệ trẻ nào khi sinh ra mà tự nó hư hơn thế hệ trước cả. Tôi không cho rằng học sinh ngày nay hư hơn, mà là thế hệ trẻ ngày nay phức tạp hơn, người lớn không bắt kịp sự phát triển của trẻ để có thể giáo dục được chúng. 
Về việc “thương mại hóa” mối quan hệ thầy trò, thật đau lòng khi phải thừa nhận điều đó có thật, làm cho cái nhìn về thầy cô không còn đẹp như trước đây nữa. Tuy nhiên, hiện tượng đó không phải là quá phổ biến, không thể lấy đó làm lý do biện minh cho hành động đánh thầy đánh cô. 
Để những hiện tượng học sinh đánh lại thầy cô giáo không còn tái diễn, theo anh cần phải có biện pháp gì?
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Tôi nghĩ thay đổi đầu tiên là ở người thầy. Nguyên tắc cơ bản trong giáo dục là nguyên tắc “may đo”, mỗi học sinh là một bản chính – không có bản photocopy, mỗi học sinh có cá tính riêng, suy nghĩ riêng.
Do đó chỉ có một cách giáo dục là “nhắc nhở, phê bình” mà áp dụng cho tất cả các học sinh thì rõ ràng là sẽ không có tác dụng đối với một số học sinh và phản tác dụng với một số học sinh khác. 
Phương pháp giáo dục ông thầy đưa ra phải hợp với tâm lý của từng kiểu học trò. Tác động cách này không thành công thì phải tác động bằng phương pháp khác. Phương pháp giáo dục của thầy phải đánh động được suy nghĩ và tình cảm của học sinh.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cái tình của người thầy. Một tên tướng cướp đôi khi lại rất thương vợ, một kẻ thủ ác đôi khi lại rất hiếu thảo với mẹ mình, vì đó là người duy nhất chấp nhận họ và yêu thương một “kẻ xấu” như họ. 
Thầy cô cũng cần như thế, đừng nhìn học sinh với ánh mắt là một kẻ cá biệt, một kẻ hư hỏng, một tên tội phạm. 
Phải nhìn học sinh với ánh mắt đồng cảm, vì các em vẫn còn đang lớn, vẫn còn những khiếm khuyết, vì thế mới cần đến nhà trường. Cái gì xuất phát từ trái tim thì mới được đáp lại bằng trái tim. Nếu tin tưởng và kiên nhẫn thực hiện đến tận cùng điều này, bạn sẽ thấy điều này hoàn toàn đúng.

Cô Nguyễn Thị Tươi  Trường trung học phổ thông Duy Minh, Duy  Tiên, Hà Nam:

Học sinh bây giờ có nhiều thiên hướng về hưởng thụ, thích chơi hơn học. Nhiều em thì ham mê game, thờ ơ với cả những lời giáo dục của thầy cô.

Thậm chí khi mắc lỗi bị giáo viên phạt các em còn có thái độ bất cần tuy nhiên sự phản kháng này chỉ thể hiện qua nét mặt chứ chưa có sự phản kháng rõ rệt.

Các em học sinh cấp II thì chưa có được những suy nghĩ chín chắn nhưng lại muốn chứng tỏ mình là người lớn. Học sinh ngày nay đang mất dần truyền thống “Tôn sư trọng đạo” do lối sống nửa đô thị nửa nông thôn đang diễn ra tại đây. Các em mải chơi quên việc học hành cũng một phần do cách giáo dục, quan tâm của bố mẹ.

Cô Chi, giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Cừ, Quảng Ninh:

Lứa tuổi cấp 2, 3 là lứa tuổi ương bướng, khó nói, thích thể hiện cái tôi. Bởi vậy, nếu thầy cô động chạm đến cá nhân, động chạm đến lòng tự ái của em đó thì tất sẽ sinh ra những suy nghĩ và hành động không đúng.

Có trường hợp, nhiều học sinh nam để tóc dài, giáo viên chủ nhiệm hoặc quản giáo dọa sẽ cắt tóc của các em từ đó dẫn tới việc các em thù ghét giáo viên.

Tuy nhiên, là người thầy, người cô ai cũng mong các em học tốt hơn, hoàn thiện nhân cách tốt hơn trước khi bước ra xã hội.

Thầy cô không khác nào người cha, người mẹ thứ 2 của các em, bởi vậy chỉ vì phút nông nổi, phút nóng giận mà đánh thầy cô là hoàn toàn sai trái, đó là hành vi vi phạm đạo đức người học sinh, cần có biện pháp kỷ luật thích đáng

Hồng Hạnh - Nhung Vũ

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Nam sinh đạp xe hơn 300km đi thi có thể đã mắc bệnh tâm thần từ trước

Chùm ảnh: Trường em ở lưng chừng núi 

Chỉ học 2 giờ mỗi ngày, vẫn trở thành thủ khoa đại học

Tâm sự xúc động của sinh viên cả đời học cho bố mẹ

Nam sinh đạp xe hơn 300km đi thi có thể đã mắc bệnh tâm thần từ trước

Vĩnh Phúc từ chối SV tốt nghiệp ĐH Hùng Vương và Tây Bắc

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo VTC