Trước ngày 20 tháng 11, bà giáo già khóc vì giáo dục thời nay

12/11/2019 06:27
Vũ Ninh - Ngọc Trang
(GDVN) - Người giáo viên chúng tôi ngày xưa có thể vá áo, vá quần cho học sinh, có thể bắt chấy, bón cơm cho học sinh, hiện nay nhiều người coi đó là nghề bán chữ.

Nghĩ về nghề giáo - đôi ba điều đọng lại

Nền giáo dục Việt Nam hiện nay đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc với nhiều thành tựu được trong và ngoài nước ghi nhận.

Trong đó có rất nhiều tấm gương giáo viên điển hình, vượt lên khó khăn, hoàn thành công tác tốt, tất cả vì học sinh thân yêu.

Nhưng cũng không phủ nhận một sự thật đau đớn đó là hiện nay có một bộ phận giáo viên coi nghề giáo chỉ như một nghề mưu sinh, một công cụ để kiếm tiền.

Ngày 20/11 trong mơ - suy ngẫm từ ký ức thời học sinh
Ngày 20/11 trong mơ - suy ngẫm từ ký ức thời học sinh

Ngẫm những chuyện buồn trong nghề giáo, người xưa cảnh tỉnh bằng một vài mẩu chuyện lượm lặt, không phải để phán xét ai cả mà chỉ giáo viên soi vào đó để chấn chỉnh mình.

Đây chỉ như một vài nốt nhạc buồn trong bản nhạc vui chung của ngành giáo dục nước nhà.

Đất nước và người dân vẫn còn tin tưởng và biết ơn các thầy cô nhiều lắm!

Người giáo già mà chúng tôi nhắc đến đó chính là bà Hồ Hương Nam. Nhắc đến bà Hồ Hương Nam chắc hẳn cũng nhiều người biết đến lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật đã duy trì 22 năm, được nhiều báo đài ca ngợi.

Khi nhắc đến nền giáo dục hiện nay, bà Nam thở dài, bắt đầu câu chuyện:

“Dù rất đau lòng nhưng tôi cảm nhận nghề giáo ngày nay trong mắt một số thầy cô đã mất đi ý nghĩa của nó.

Người ta làm nghề giáo vì mưu sinh chứ không vì cái Đạo của người đi dạy, nhìn thời nay mà ngẫm đến thời xưa.

Thời xưa người giáo viên rất được coi trọng trong xã hội. Tôi cho rằng một phần vì truyền thống tôn sư trọng đạo, một phần cũng vì giáo viên hết lòng vì học sinh”.

Theo bà Nam chữ “Đạo” rất công bằng đặc biệt là chữ Đạo của người làm nghề dạy học:

“Nếu giáo viên sống vì chữ Đạo, vì yêu nghề, thương yêu học sinh thì học sinh sẽ tự khắc nhớ đến mình.

Còn những giáo viên nào chỉ sống vì đồng tiền, chỉ chăm chăm tổ chức dạy thêm, dạy nếm không vì học sinh thì không đời nào học sinh nó biết ơn mình.

Chữ Đạo trong nghề giáo rất công bằng. Nhiều thầy cô cứ trách vì sao học sinh hiện nay không tôn sư trọng đạo, không tình cảm. 

Tôi cho rằng các thầy cô cũng nhìn nhận lại chính mình xem đã hết lòng vì học sinh chưa, đã hết lòng vì sự nghiệp giáo dục chưa? Nếu mình vì học sinh chắc chắn học sinh sẽ không bao giờ quên mình”.

Đi qua nhiều giai đoạn lịch sử, bà giáo già Hương Nam thấy đau lòng trước giáo dục hiện nay (Ảnh:V.N)
Đi qua nhiều giai đoạn lịch sử, bà giáo già Hương Nam thấy đau lòng trước giáo dục hiện nay (Ảnh:V.N)

Bồi hồi nhớ lại nền giáo dục và nghề giáo ngày xưa, đôi mắt bà giáo già trở nên ưu tư, muộn phiền.

Bà Nam tiếp câu chuyện: “Thời xưa nền giáo dục là một nền giáo dục vì con người. Ai cũng có quyền được học không phân biệt già trẻ, trai gái.

Thời đó giáo viên chúng tôi đi dạy làm gì có được lương cao như bây giờ. Tuy nhiên giáo viên ai cũng nghĩ cái từ giáo dục nó thiêng liêng lắm.

Chúng tôi vá quần, vá áo cho học sinh là bình thường. Thời đó còn khó khăn nhưng cái tình cảm thầy trò thiêng liêng lắm”.

Trong ký ức của bà Hồ Hương Nam, những thế hệ học sinh từng được bà dạy dỗ vẫn nhớ đến bà, cái tình cảm thầy trò không sao quên được:

“Học trò của tôi năm nay đã ngoài 60 hiện đang tu hành. Hai cô trò thất lạc nhau mấy chục năm. 

Năm ngoái cậu ấy có nhìn thấy tôi trên tivi. Sáng hôm sau học trò cùng đệ tử xuống núi tìm cô giáo năm xưa.

Những cái tình cảm đó vàng bạc cũng không mua được. Tôi chỉ mong sao các giáo viên làm việc đều vì cái tâm của mình, vì học sinh.

Người ta nói qua sông phải lụy đò, ví người giáo viên như người lái đò. Thế hệ chúng tôi, người ta qua sông vẫn còn nhớ đến người lái đò.

Nhưng hiện nay tôi vẫn nói, có một số người chưa đến sông họ đã quên mất con đò”.

Bà Nam sống trong những ký ức tươi đẹp của nền giáo dục trước đây (Ảnh:V.N)
Bà Nam sống trong những ký ức tươi đẹp của nền giáo dục trước đây (Ảnh:V.N)

Theo quan điểm của bà Hương Nam: Nền giáo dục nên trả về bản chất vốn có của nó là một nền giáo dục vì con người và thúc đẩy sự tiến bộ của con người chứ không phải một nền giáo dục của các mối quan hệ của người mua chữ và bán chữ.

Bà Nam chia sẻ: “Tôi vẫn biết có nhiều giáo viên họ rất tốt, hết lòng vì công việc, vì học sinh. 

Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại, hiện nay cũng có một bộ phận giáo viên họ chưa hiểu hết ý nghĩa của 2 từ giáo dục.

Trong mắt tôi, nghề giáo luôn đẹp và luôn được trân trọng. Sự trân trọng ở đây đó chính là cái đạo của nghề dạy người. 

Làm nghề giáo thì sao mà giàu được mà xác định làm giàu thì đừng làm nghề giáo mà làm mất đi bản chất trong sáng, tốt đẹp của nó”.

Bà Nam trăn trở: Người giáo viên là những người ươm mầm xanh, hạt giống có tốt, mảnh đất có tốt mà thiếu người vun trồng, chăm nom thì cái cây cũng đâu phát triển được. 

Bác Hồ đã nói: Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Làm nghề giáo phải dạy học sinh cả con chữ, tri thức, đạo lý, lối sống. Có như vậy học sinh mới nhớ đến mình, trân trọng mình”.

Nên trả giáo dục về đúng bản chất của nó – Giáo dục vị nhân sinh

Bà Hồ Hương Nam cũng mong muốn ngành giáo dục phải là ngành nhân văn nhất, một ngành hướng đến con người.

Bà lo sợ: “Nếu giáo dục mà bị thương mại hóa, thị trường hóa thì nó sẽ mất đi bản chất tốt đẹp vốn có. 

Quà của học trò dưới ánh mắt thầy Trần Nguyên Hào
Quà của học trò dưới ánh mắt thầy Trần Nguyên Hào

Giáo dục theo định nghĩa của tôi là hình thành bởi 2 từ giáo điều và dưỡng dục, dạy con người ta khuôn phép, cách hành xử.

Vì thế giáo dục không thể xa rời bản chất là nhân văn, hướng đến con người.

Tôi rất đau lòng khi hiện nay một phần nào giáo dục bị méo mó, là nơi để người ta kiếm tiền, là nơi để người ta trục lợi.

Sự xa rời bản chất của giáo dục sẽ thấy hình ảnh người thầy, người cô bớt cao quý, bớt lung linh hơn”.

Trong nỗi nhớ của bà giáo già Hồ Hương Nam, ngày 20 tháng 11 là ngày của sự tri ân, đâu cần mâm cao cỗ đầy, chỉ cần học trò còn nhớ đến người thầy, người cô đó mới là món quà to lớn nhất:

“Xã hội ngày càng phát triển, ngày 20 tháng 11 tôi thấy người ta khệ nệ mang quà đến nhà các thầy cô đủ các loại.

Thời chúng tôi đâu cần quà cáp cao sang gì, chỉ cần học sinh nhớ đến mình, yêu thương và tôn trọng mình đó mới là món quà to lớn nhất.

Ngày nay tôi chỉ dám nói một số giáo viên cứ đến ngày 20 tháng 11 là gợi ý phụ huynh, học sinh chuẩn bị quà nọ, quà kia. Họ đã coi đây là một ngày để kiếm tiền chứ không còn là một ngày để tri ân nữa”.

Lớp học tình thương của bà giáo già Hồ Hương Nam (Ảnh:V.N)
Lớp học tình thương của bà giáo già Hồ Hương Nam (Ảnh:V.N)

Trong ngày 20 tháng 11 tới đây, bà Hương mong sao ngành giáo dục sẽ quan tâm nhiều hơn đối với những học sinh khuyết tật, khiếm khuyết.

Bà tâm sự: “Như tôi nói: Học sinh khuyết tật, khiếm khuyết cũng là con người, cũng có quyền được đi học, bình đẳng với tất cả mọi người.

Tôi mong sao ngành giáo dục có nhiều hơn sự quan tâm đến các em. Kể ra thì buồn nhưng từ khi tôi mở lớp học tình thương hơn 22 năm chưa có một lần nào có lãnh đạo hoặc báo của ngành về thăm nom trong khi đó cả xã hội họ đều biết đến lớp học này.

Tôi nghĩ rằng ngành giáo dục hơn ai hết phải là ngành nhân văn và văn minh nhất vì mình giáo dục con người cơ mà”.

Giáo dục phải là sự bình đẳng, không phân biệt giới tính, tuổi tác (Ảnh:V.N)
Giáo dục phải là sự bình đẳng, không phân biệt giới tính, tuổi tác (Ảnh:V.N)

Những lời tâm sự thẳng thắn mà cũng đầy đau đớn của một bà giáo già 25 năm giảng dạy trong ngành giáo dục, 22 năm về hưu mở lớp tình thương. 

Nhân ngày 20 tháng 11 sắp tới, cũng xin góp một câu chuyện để những giáo viên soi mình vào đó để tự răn mình. 

Suy cho cùng giáo dục muôn đời vẫn cao quý nhưng để ươm trồng được những mầm non cho đất nước, người giáo viên trước tiên phải có một cái Tâm sáng, vô tư, không vụ lợi. Như thế có đúng không các thầy cô? 

Vũ Ninh - Ngọc Trang