Trường công chất lượng cao, song bằng biến tuyển sinh thành cuộc đua khốc liệt

13/08/2020 06:09
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình đào tạo chất lượng cao, song bằng đã đưa kỳ thi tuyển sinh lớp 6 trở thành một cuộc đua căng thẳng, khốc liệt.

Để đạt được mục tiêu đỗ vào các lớp chất lượng cao, lớp song bằng, từ những năm tiểu học, nhiều học sinh đã phải vùi đầu vào sách vở và quay cuồng với những trung tâm luyện thi.

Trong khi đó, bố mẹ các em cũng chật vật không kém khi tìm đủ mọi cách để con có cơ hội ôn luyện tốt nhất.

Sau kì thi là giây phút nín thở chờ đợi kết quả, là những cuộc đua nộp hồ sơ, rút hồ sơ, chọn trường, chờ đợi hạ điểm chuẩn,…

5 tuổi đã nháo nhào chọn trường để cấp 2 vào chuyên!

Trên Facebook, những hội nhóm của các phụ huynh được lập ra để trao đổi, thảo luận về nhiều chủ đề nóng liên quan đến việc chọn trường, chọn lớp, ôn thi, thi tuyển sinh vào lớp 6.

Hầu hết, các bố mẹ có con đang học tiểu học đều hỏi thăm, tìm kiếm một trung tâm ôn luyện hiệu quả để sau này giúp con thi vào trường chuyên hay các lớp chất lượng cao, song bằng.

Thậm chí, có phụ huynh đã tham khảo chọn trường tiểu học đào tạo chất lượng cao khi con mới 5 tuổi chỉ để cấp 2 cho con thi trường chuyên. Cuộc đua ấy đã được bố mẹ sắp đặt cho con ngay cả khi một đứa trẻ chưa có nhận thức gì về việc học tập.

Phụ huynh tham khảo chọn trường khi con chỉ mới 5 tuổi (Ảnh: chụp màn hình facebook)

Phụ huynh tham khảo chọn trường khi con chỉ mới 5 tuổi (Ảnh: chụp màn hình facebook)

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Đăng Vượng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhận xét quá trình ôn luyện của con để vào lớp chất lượng cao là rất vất vả.

“Con tôi thi đỗ hệ chất lượng cao cả hai trường trung học cơ sở Cầu Giấy và trung học cơ sở Thanh Xuân.

Quá trình ôn thi rất vất vả, cả bố mẹ và con đều phải chuẩn bị kỹ và có sự đầu tư từ đầu.

Cháu học thêm cả 3 môn Văn, Toán, Anh, lịch học gần như kín tuần. Ngoài ra, lúc về bố mẹ còn phải kèm cặp cháu học”, anh Vượng tâm sự.

Nói về lý do chọn hệ đào tạo này, anh Vượng cho rằng, đây là môi trường đào tạo tốt và học sinh có sự ngang bằng về trình độ.

Đặc biệt, các trường chất lượng cao có tỷ lệ tốt nghiệp điểm cao và vào được các trường cấp 3 uy tín. Vì vậy, dù vất vả học tập ôn luyện nhưng gia đình định hướng cho con hướng đi này.

Có con trai thi vào hệ chất lượng cao Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Mai Hương (huyện Gia Lâm) chia sẻ về quá trình học tập căng thẳng của con:

“Tôi cho con học thêm vào thứ Bảy, Chủ nhật và về nhà bố mẹ cũng có rèn luyện thêm cho con. Các bạn học thêm cùng con còn ôn thi từ năm lớp 3 nên áp lực học tập để vào các lớp chất lượng cao thực sự rất lớn”.

Chị Trần Thị Hoa (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con thi tuyển hệ song bằng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân chia sẻ:

“Mình cho bé học thêm tiếng Anh bắt đầu từ hè năm lớp 1. Còn để thi song bằng thì con ôn luyện thêm môn Toán, tiếng Anh và bố mẹ cho con làm đề thi là chủ yếu”.

Theo chia sẻ của đa số phụ huynh, việc con thi vào các lớp chất lượng cao, song bằng là định hướng của bố mẹ.

Với chị Mai Hương, “chọn hệ đào tạo chất lượng cao là mong muốn và nguyện vọng của bố mẹ vì con bây giờ chưa thể tự định hướng được cho mình”.

Thi tuyển vào hệ chất lượng cao, song bằng là cuộc đua căng thẳng với nhiều học sinh, phụ huynh (Ảnh: PM)

Thi tuyển vào hệ chất lượng cao, song bằng là cuộc đua căng thẳng với nhiều học sinh, phụ huynh (Ảnh: PM)

Nuối tiếc vì điểm học bạ

Năm nay, kỳ thi tuyển sinh lớp 6 hệ chất lượng cao của một số trường như Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân đều tính thêm điểm học bạ.

Đối với Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, điểm tuyển sinh sẽ được tính bằng tổng điểm xét tuyển (học bạ) cộng với điểm kiểm tra và điểm ưu tiên. Trong đó, điểm xét tuyển theo thang điểm 10, điểm kiểm tra theo hệ số 2.

Với cách tính điểm này, nhiều bố mẹ bày tỏ sự tiếc nuối khi con trượt lớp chất lượng cao chỉ vì thiếu điểm học bạ.

Chia sẻ về hình thức tính điểm này, chị N.M.T (quận Cầu Giấy), có con vừa tham gia kỳ thi tuyển sinh hệ chất lượng cao Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy phân tích: “Theo hình thức tính điểm này, học bạ của con bị một điểm 9 sẽ bị trừ mất 0.5 điểm”.

Con chị T. có điểm học bạ là 9.5, điểm thi thiếu mất 0.5 điểm, khi điểm chuẩn giảm 0.45 thì con chị vẫn thiếu 0.05 điểm để vào được lớp chất lượng cao.

Chị T. chia sẻ, khi đến trường nộp hồ sơ, chị mới thấy học bạ các học sinh điểm 10 rất nhiều, đáng buồn là có bạn 10 điểm học bạ nhưng điểm thi lại thấp.

"Việc xét điểm học bạ chỉ nên đưa vào điều kiện cần để tuyển sinh, nhưng không nên tính điểm xét tuyển.

Việc đánh giá quá cao điểm học bạ dẫn tới tình trạng nhiều học sinh điểm thi cao vẫn trượt do học bạ điểm thấp. Và khi điểm học bạ ảnh hưởng nhiều tới kết quả thi thì dễ dẫn tới tiêu cực trong học tập, thi cử”, chị T. bày tỏ quan điểm.

Băn khoăn về điểm học bạ và sự công bằng trong đánh giá học sinh

Nhiều phụ huynh cho rằng tính điểm học bạ khó đạt được công bằng do điểm học bạ có trường chấm khắt khe, có trường lại nương tay nhẹ nhàng nên không thể đánh giá đúng năng lực học sinh.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thái Lê, giáo viên trường Marie Curie (Hà Nội) khẳng định:

“Không thể phủ nhận hoàn toàn khả năng đánh giá năng lực học sinh qua điểm số học bạ. Bởi lẽ, học bạ ghi nhận cả một quá trình học tập của học sinh qua từng kỳ, từng năm học.

Chính vì vậy, nó đánh giá chính xác năng lực của một học sinh hơn là qua một bài thi”.

Mặc dù vậy, khi nói đến những nghi ngờ, băn khoăn của một số phụ huynh điểm số học bạ, cô Lê cho rằng:

“Điều này đã phản ánh niềm tin dành cho kết quả đánh giá của giáo dục đã bị lung lay. Những người làm giáo dục phải suy nghĩ, đặt ra câu hỏi về vấn đề này”.

Theo cô Lê, để phụ huynh (dù chỉ là số ít) không tin vào kết quả học bạ thì đó đã là thất bại của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, sau kỳ thi tuyển sinh lớp 6, không chỉ có câu chuyện về niềm tin đối với kết quả đánh giá chất lượng giáo dục mà còn có những câu chuyện gây nhiều bức xúc.

Qua phản ánh của một số giáo viên và kết quả điểm tuyển sinh lớp 6 hệ chất lượng cao năm học 2020-2021 được công bố trên trang web của Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, có nhiều học sinh học bạ điểm 10 nhưng kết quả thi lại cực thấp. Thậm chí có em chưa được 1 điểm thi.

Sự chênh lệch điểm học bạ và điểm thi của một số học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh hệ chất lượng cao lớp 6 (Ảnh: Chụp màn hình trang web của Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy)

Sự chênh lệch điểm học bạ và điểm thi của một số học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh hệ chất lượng cao lớp 6 (Ảnh: Chụp màn hình trang web của Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy)

Bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại, cô Lê chia sẻ: “Nếu tình trạng chênh lệch điểm học bạ và điểm thi xảy ra với nhiều học sinh thì rõ ràng đã có vấn đề bất thường, sai lệch.

Cái sai này có thể do khâu tổ chức kỳ thi hoặc do quá trình đánh giá học tập trong học bạ của học sinh”.

Cô Lê cũng nhấn mạnh: “Nếu học bạ đã đánh giá sai năng lực học sinh thì rõ ràng buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi về vấn đề gian dối, tiêu cực trong giáo dục”.

Theo đó, những nghi ngờ của phụ huynh, của dư luận về kết quả học bạ là có cơ sở.

Chính vì vậy, theo cô Lê, ngành giáo dục, những người làm giáo dục cần nhìn nhận thẳng thắn vấn đề này, không thể để giáo dục mất đi sự chuẩn mực và mất đi niềm tin của người dân.

Đối với việc định hướng chọn trường, chọn lớp cho con, cô Phạm Thái Lê chia sẻ:

“Hiện nay, chúng ta có một bức tranh giáo dục vô cùng sinh động. Cha mẹ và các em học sinh có nhiều lựa chọn mô hình đào tạo cũng như các phân khúc giáo dục khác nhau.

Đầu tiên, khi chọn trường, chọn lớp, bố mẹ cần xác định tiêu chí của mình và của con. Bên cạnh đó, cần xem xét năng lực của con trẻ đáp ứng được đến đâu so với tiêu chí đã nêu ra”.

Theo cô Lê, bố mẹ không nên duy lý, cứng nhắc, áp đặt mà phải cân nhắc kỹ lưỡng để chọn cho con mô hình đào đạo, môi trường học tập phù hợp với năng lực của trẻ.

Và để làm được điều đó, bố mẹ phải dành thời gian cho con, hiểu con, biết con thích gì, cần gì và làm được gì.

Bố mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến của cô giáo chủ nhiệm để nắm rõ năng lực, trình độ của con mình. Từ đó, chọn cho con một môi trường học tập phù hợp nhất.

Phạm Minh