Trường ĐH tư thục: Vì lợi nhuận hay Không vì lợi nhuận?

16/12/2011 10:16
Ts Lê Viết Khuyến
Điều 20 Luật GD khẳng định: “cấm lợi dụng các hoạt động GD vì mục đích vụ lợi”. Điều 66 lại quy định “…thu nhập còn lại được phân chia cho các thành viên góp vốn..."

Với tư duy đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích phát triển. Trong lĩnh vực giáo dục đại học (GDĐH) một trong những ý tưởng đổi mới là việc chấp nhận sự tồn tại của các của các cơ sở GDĐH ngoài công lập. Theo tinh thần đó, cuối năm 1988 Trung tâm đại học dân lập Thăng long ra đời.

Sau 5 năm thí điểm hoạt động của trung tâm đại học dân lập Thăng Long, năm 1994 hàng loạt trường đại học ngoài công lập khác ra đời.  Cho đến tháng 8/2009 cả nước đã có 82 trường đại học và cao đẳng ngoài công lập.

ĐH Thăng Long, trường ĐH Dân lập đầu tiên của Việt Nam

1.Về mặt chính sách, Nghị quyết 4 BCHTW khóa 7 khẳng định ba loại hình của giáo dục ngoài công lập đó là: bán công, dân lập và tư thục.

Nghị quyết 2 BCHTW khóa 8 khẳng định tiếp: “… tiếp tục phát triển các trường dân lập ở tất cả các bậc học. Từng bước phát triển vững chắc các trường lớp tư thục ở giáo dục mầm non, phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và đại học…”

Trên tinh thần đó quy chế đầu tiên về đại học tư thục ( ĐHTT ) đã được ban hành tại quyết định số 240/TTg ngày 24/5/1993 của Thủ tướng chính phủ.  Tuy quy chế này vẫn còn tồn tại, không bị hủy bỏ, nhưng nó đã không được đưa vào cuộc sống. Do vậy, cho tới năm 2005 vẫn chưa có trường đại học tư thục ở Việt Nam.     

Để hướng dẫn hoạt động cho các trường đại học dân lập ( ĐHDL), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế tạm thời về ĐHDL tại quyết định số 86/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quy chế 86 có một số đặc điểm như sau:

Một là, trường ĐHDL phải do một tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế đứng đơn xin thành lập trên cơ sở huy động các nhà giáo, nhà đầu tư cùng đóng góp công sức, kinh phí và cơ sở vật chất ban đầu từ nguồn ngoài ngân sách Nhà nước. 

Hai là, khẳng định tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của các thành viên trong nhà trường.

Ba là, khẳng định phần góp vốn của các nhà đầu tư trong tài sản của trường nhưng không khẳng định rõ quyền lợi của họ.

Bốn là, hội đồng quản trị đại diện cho quyền sở hữu tập thể của các thành viên trong nhà trường (cộng đồng nhà trường) 

Như vậy, với 4 đặc điểm nêu trên có thể xếp trường ĐHDL theo quy chế 86 thuộc loại hình tổ chức không vì lợi nhuận.

2. Những thay đổi lớn liên quan tới chính sách phát triển giáo dục ngoài công lập  diễn ra từ năm 2005.

* Văn bản quan trọng hàng đầu là Luật giáo dục 2005.

Điều 20 Luật Giáo dục khẳng định: “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”. Điều đó cũng có nghĩa là Nhà nước không chấp nhận loại hình cơ sở Giáo dục vì lợi nhuận.

Điều 48 khẳng định có ba loại hình trường của hệ thống giáo dục quốc dân: công, dân lập, tư thục. Tuy nhiên, khái niệm trường dân lập theo cách hiểu mới là phải do cộng đồng dân cư thành lập, còn trường tư thục là do các tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp, kinh tế hoạc do các nhân thành lập. Điều đó cũng có nghĩa là: Trường dân lập thuộc hình thức sở hữu chung của cộng đồng (không vì lợi nhuận); trường tư thục thuộc hình thức sở hữu chung (không vì lợi nhuận) hoặc sở hữu cá nhân (vì lợi nhuận).

Điều 66 quy định “…thu nhập còn lại được phân chia cho các thành viên góp vốn theo tỉ lệ vốn góp” dẫn đến cách hiểu là cả hai loại hình dân lập và tư thục đều có chia lợi nhuận, tức là đều mang thuộc tính ví lợi nhuận. Ở đây có cái gì chưa ổn!

Điều 67 khẳng định: “tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn”. Nội dung như vậy cho phép hiểu trường dân lập thuộc hình thức không vì lợi nhuận, còn trường tư thục thuộc hình thức vì lợi nhuận.

Tất cả những bất nhất nêu trên ở Luật Giáo dục 2005 vẫn chưa được chỉnh sửa ở Luật Giáo dục 2009.

Cũng tại Luật Giáo dục 2005 còn khẳng định những ưu đãi của Nhà nước cho các trường dân lập và tự thục (điều 68) và những chính sách khuyến khích đối với các nhà đầu tư cho Giáo dục (Điều 104).

*  Văn bản quan trọng thứ hai là nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động Giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao ban hành ngày 18/5/2005.

Nghị quyết 05 khẳng định Nhà nước chủ trương “ …phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình:dân lập và tư nhân. Quyền sở hữu của các cơ sở ngoài công lập được xác định theo Bộ luật dân sự… không duy trì bán công”.

Mỗi cơ sở ngoài công lập đều có thể hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận hoặc theo cơ chế lợi nhuận. Theo cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần được dùng để đảm bảo  lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, phần để tham gia thực hiện các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, trợ giúp người nghèo, lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển. Theo cơ chế lợi nhuận, thì lợi nhuận có thể được chia cho các cá nhân và cơ sở phải chịu thuế.

Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận

Về các giải pháp, Nghị quyết 05 chỉ rõ phải hoàn thiện “quy định chế độ tài chính và trách nhiệm thực hiện chính sách và nghĩa vụ xã hội của các tổ chức xã hội hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận và áp dụng cơ chế lợi nhuận”, “hỗ trợ khuyến khích các cơ sở ngoài công lập đăng ký hoạt đông theo cơ chế phi lợi nhuận”, “có chính sách ưu đãi đối với các cơ sở ngoài công lập, đặc biệt là với các cơ sở hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận”, ban hành “chính sách đào tạo và hỗ trợ  của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các cơ sở ngoài công lập tự đào tạo, phát triển nhân lực”.

Đồng thời, tại Nghị quyết 05 Chính phủ cũng giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối  hợp với các Bộ, Ngành liên quan “nghiên cứu làm rõ những vẫn đề về sở hữu , tính chất lợi nhuận và phi lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở và hình thức xã hội hóa trong từng lĩnh vực, kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp trong năm 2005”; đồng thời “nghiên cứu xây dựng chính sách đấu thầu cung cấp dịch vụ do Nhà nước đặt hàng”.

Sau hai văn bản quan trọng trên, trong năm 2005 và các năm tiếp theo, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản khác có liên quan tới định hướng cụ thể cho khu vực GDĐH ngoài công lập.

* Nghị định số 75/2005/NĐ-CP ngày 2/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày  11/5/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2006/NĐ-CP.

Trong cả hai nghị định này đều khẳng định “không thành lập các cơ sở Giáo dục dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học” và “đối tượng tham gia Hội đồng quản trị (của các trường dân lập, tư thục) phải là những người có vốn góp xây dựng trường”.

Đây là điều rất khó hiểu bởi vì bản thân loại hình trường ĐHDL vốn chứa khá nhiều yếu tố “không vì lợi nhuận” như đã nhận xét ở trên nhưng lại bị loại bỏ.

* Định hướng cho hoạt động của các trường đại học tư thục ( ĐHTT) là Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐHTT ban hành tại Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế thay thế ban hành tại Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Cả hai quy chế này đều quy định các trường ĐHTT  được xây dựng theo cơ chế cổ phần, cổ đông và có chia lợi nhuận cho những người được góp vốn. Thành phần của hội đồng quản trị trường ĐHTT được quy định chỉ có các cổ đông, không nhắc đến các thành phần đại diện cho cộng đồng xã hội, các tổ chức chính trị trong nhà trường, đội ngũ giáo chức, sinh viên.

Rõ ràng là khái niệm ĐHTT thể hiện ở cả hai quy chế 14 và 61 đều mang đậm nét bản chất “vì lợi nhuận”.

Với sự ra đời của các quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐHTT, cho đến cuối năm học 2005 – 2006, trong khu vực GDĐH ngoài công lập chỉ còn hai  loại hình trường dân lập (19 trườn ) và tư thục, trong đó loại hình đầu còn mang một số sắc thái “ không vì lợi nhuận” song hai loại hình sau đã chuyển hẳn qua cơ chế vì lợi nhuận.

* Để tiếp tục triển khai Nghị định 75/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 29/5/2006 chuyển toàn bộ 19 trường ĐHDL qua loại hình ĐHTT.

Với quyết định này trong khu vực GDĐH, các yếu tố “không vì lợi nhuận” đã dần được thay thế bằng các yếu tố “vì lợi nhuận”. Ở đây dường như đã có sự đi lệch với hướng chỉ đạo của Luật Giáo dục và từ Nghị quyết 05 của Chính phủ.

* Để triển khai Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT ngày 16/7/2010 quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi  trường  ĐHDL sang loại hình ĐHTT.

Theo thông tư này, căn cứ để được công nhận là “người góp vốn” là tiền bạc, đất đai, vật dụng mà người đó mang vào trường, không tính đến các loại vốn “trừu tượng” như trí tuệ, công sức của nhà giáo dục, nhà quản lý.

Bởi vậy, có tình trạng là sau chuyển đổi, ở một số trường ĐHDL trường bị tuột khỏi tay số đông người thực sự có công lớn trong việc thành lập và xây dựng để rơi vào những nhà đầu tư có nhiều tiền. Chính vô lý đó hiện đang làm cho Quyết định 122 và Thông tư 20 khó đi vào cuộc sống.

Ts Lê Viết Khuyến