Trường nào có dạy thêm, trường đó có thêm nhiều điều phức tạp!

15/09/2020 05:52
Lê Văn Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều đáng buồn là nội bộ của một số tổ chuyên môn, nhà trường có thêm những điều phức tạp trong mối quan hệ giữa các thầy cô dạy thêm với nhau...

Năm học 2020-2021 mới chính thức được hơn 1 tuần lễ nhưng việc mở lớp dạy thêm của nhiều giáo viên ở các trường học đã hình thành và thu hút được một lượng đông đảo học sinh đến học thêm.

Có những thầy cô thu hút được học trò đến học thêm vì uy tín của mình, có những thầy cô mở lớp được vì môn dạy của mình là môn chính và đương nhiên là học sinh chính khóa của mình sẽ đến học thêm với mình.

Nếu như dạy thêm, học thêm trên tinh thần tự nguyện từ hai phía và trong quá trình dạy thêm không làm ảnh hưởng đến nhà trường, đến đồng nghiệp thì cũng không có gì đáng nói.

Nhưng, thực tế từ việc dạy thêm, học thêm của một số giáo viên trong những năm học qua đã để lại những hệ lụy đáng buồn.

Trong đó, điều đáng buồn là nội bộ của một số tổ chuyên môn, nhà trường có thêm những điều phức tạp trong mối quan hệ giữa các thầy cô dạy thêm với nhau và cả với những thầy cô không dạy thêm.

Việc dạy thêm đã để lại nhiều hệ lụy ở các trường học (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Việc dạy thêm đã để lại nhiều hệ lụy ở các trường học

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Cạnh tranh dạy thêm bằng điểm số

Nếu như với cấp Tiểu học thì việc dạy thêm chủ yếu chỉ diễn ra với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên Tiếng Anh. Học sinh học lớp nào thì học thêm với giáo viên đó và từ lâu nó đã trở thành luật bất thành văn đối với các giáo viên ở những trường học có điều kiện.

Tuy nhiên, đối với cấp học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông lại hoàn toàn khác bởi 2 cấp học này thì học sinh chủ yếu học thêm một số môn như: Toán, Anh, Văn, Lí, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ…

Trong khi, mỗi giáo viên đảm nhận một môn nhưng có thể một khối học có nhiều giáo viên cùng tham gia giảng dạy cùng môn học đó.

Thế nhưng, mỗi tổ chuyên môn thì cũng có giáo viên dạy thêm và cũng có giáo viên không dạy thêm. Người dạy thêm được vì nhà gần trường và cũng có thể vì có uy tín.

Người không dạy thêm có thể vì nhà xa trường và họ cũng không muốn dạy thêm nếu nhà trường không bắt buộc ôn tập cho học sinh cuối khóa.

Vì vậy, phụ huynh, học sinh cũng có thể lựa chọn những giáo viên mà mình cảm thấy phù hợp nhất để học thêm.

Nhưng, nếu việc dạy thêm và dạy thêm tự nguyện và không làm ảnh hưởng đến ai thì cũng là chuyện rất bình thường bởi thực tế Bộ chỉ cấm dạy thêm ở Tiểu học. Song, trong quá trình dạy thêm thì nó cũng đã phát sinh một số mâu thuẫn nhất định.

Đó là có những giáo viên mở lớp dạy thêm cho học sinh nhưng lại quá ôm đồm về điểm số và có những hành động không phù hợp với đồng nghiệp của mình và có những can thiệp về điểm kiểm tra một cách thô bạo.

Bởi, chính vì dạy thêm cho học trò nên một số giáo viên rất coi trọng điểm kiểm tra vì phải đảm bảo điểm số cao cho học trò thì phụ huynh học sinh mới tin tưởng. Trong khi, ở lớp dạy thêm của mình lại có những học sinh của đồng nghiệp học trong tổ chuyên môn.

Vì thế, khi kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ mà điểm số thấp thì người dạy thêm thường can thiệp, chất vấn đồng nghiệp vì sao điểm của em này thấp, điểm của em kia không đúng với học lực.

Từ đó, có những lời qua tiếng lại và có những thầy cô dạy thêm cho cho rằng đồng nghiệp chơi xấu mình.

Trong khi, giáo viên dạy trên lớp, cho học sinh làm các bài kiểm tra thì họ căn cứ vào giấy trắng, mực đen, học sinh làm sao thì họ chấm vậy.

Thế nhưng, sự việc lại không đơn giản như vậy và những mối hiềm khích cứ âm thầm diễn ra. Thậm chí có những mối xung đột, dẫn đến bất hòa giữa các đồng nghiệp trong tổ, trong trường với nhau.

Hy vọng Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sẽ giảm đi áp lực về học thêm

Chính vì trước đây, học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thực hiện việc cho điểm, đánh giá học sinh theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT có quá nhiều đầu điểm nên việc học thêm diễn ra tràn lan.

Từ năm học này, khi thực hiện theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT thì học sinh đã giảm được các đầu điểm định kỳ. Mỗi môn học chỉ còn 1 bài kiểm tra giữa kỳ và 1 bài kiểm tra cuối kỳ- điều này đồng nghĩa điểm số không còn là vấn đề quá lớn trong học tập.

Khi kiểm tra giữa kỳ hay cuối kỳ thì có lẽ các nhà trường sẽ ra đề kiểm tra chung, chấm chung nên giáo viên bộ môn cũng không phải quá nặng về việc ra đề, chấm bài kiểm tra.

Và, điều quan trọng hơn nữa là những giáo viên dạy thêm không còn nhiều cơ hội để can thiệp, thắc mắc với đồng nghiệp về điểm số của học trò đang học thêm với mình.

Thực ra, việc đoàn kết nội bộ trong bất kỳ đơn vị nào cũng rất cần thiết để cùng phát triển, nhất là môi trường giáo dục- nơi giảng dạy và giáo dục con người.

Tuy nhiên, chính vì yếu tố dạy thêm mà có khi đã làm vẩn đục môi trường được xem là trong sáng bởi có những người thầy cô dạy thêm đã có lúc đã chà đạp lên những giá trị cốt lõi của những người đảm nhận vai trò dạy người.

Vẫn biết, chuyện dạy thêm cũng là một phần nhu cầu của phụ huynh nhưng cũng từ việc dạy thêm của một số giáo viên mà nó để lại nhiều hệ lụy trong mỗi trường học.

Có nơi thì mối quan hệ bất hòa giữa các giáo viên chỉ diễn ra âm thầm, nhưng cũng có nơi đã hình thành những xung đột giữa giáo viên với nhau. Từ đó, nội bộ mất đoàn kết và tổ chuyên môn, tập thể nhà trường cũng bị kéo vào những mối xung đột không đáng có.

Lê Văn Minh