Tự bồi dưỡng – chìa khóa để trở thành giáo viên hạnh phúc

01/09/2019 07:52
Nguyễn Thị Hà
(GDVN) - Để mỗi người giáo viên hạnh phúc, từ đó xây dựng trường học hạnh phúc, cần có một hệ thống giải pháp toàn diện, bắt đầu từ việc cải cách chế độ tiền lương.

LTS: Đưa ra quan điểm cho rằng "mỗi thầy cô giáo cần hiểu rằng hạnh phúc do chính mình lựa chọn", cô Nguyễn Thị Hà - Giáo viên Ngữ văn Trường trung học phổ thông Quỳnh Lưu 4 (Nghệ An) đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Trong nhiều diễn đàn về Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nhấn mạnh: Giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc. Hẳn mỗi giáo viên chúng ta khi quyết định chọn nghề giáo đều tự nói với mình: nhất định mình sẽ là một giáo viên hạnh phúc.

Tuy nhiên, tháng ngày trôi đi, áp lực công việc, gánh nặng cơm áo, bộn bề lo toan cuộc sống, đến một lúc nào đó, ta giật mình tự hỏi: ta có hạnh phúc không?

Điều gì khiến ta không tìm được hạnh phúc trong công việc? Câu hỏi lớn nhất khiến bao thầy cô giáo phải trở trăn, day dứt không nguôi: liệu ta có thể trở thành một giáo viên hạnh phúc?

Làm thế nào để trở thành giáo viên hạnh phúc? (Ảnh: tác giả cung cấp).
Làm thế nào để trở thành giáo viên hạnh phúc? (Ảnh: tác giả cung cấp).

Rào cản trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc

Trong xã hội hiện đại, thu nhập là một trong những tiêu chuẩn đánh giá thành công của đời người và là yếu tố có tác động rất lớn đến cảm giác hạnh phúc.

Với nghề giáo, câu hỏi: “Bao giờ thầy cô sống được bằng lương?” thật không dễ trả lời khi vẫn có những thầy/cô vẫn phải chấp nhận mức lương 1,2- 1,5 triệu đồng/tháng dù có thâm niên công tác, năng lực chuyên môn tốt.

Với những người đã được biên chế, tình hình có khá hơn song mức lương của giáo viên vẫn thấp, chưa bảo đảm được mức sống trung bình.  

Có một thời, giáo giới truyền tai nhau câu “ăn khoai dạy khoai”, lương thế nào thì giảng dạy và cống hiến như thế ấy.

Vì lương thấp nên không ít người có tâm lí dạy cầm chừng, không nỗ lực, không chú trọng đổi mới phương pháp dạy học để thu hút học sinh.

Thu nhập thấp nhưng áp lực công việc lại nặng nề. Rất nhiều loại hồ sơ sổ sách, nhiều chỉ tiêu thi đua phải thực hiện trong một năm học giống như những chiếc vòng kim cô trên đầu mỗi thầy cô.

Phụ huynh đặt kì vọng ở thầy cô, “trăm sự nhờ thầy”, phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường.

Tuy nhiên, khi thầy cô phạm sai lầm, có những ông bố bà mẹ thiếu sự thông cảm, sẵn sàng phản ứng thái quá.

Những vụ phụ huynh xúc phạm, hành hung giáo viên khiến nhiều giáo viên đau lòng, cảm thấy nghề giáo thật bạc bẽo.

Giáo viên làm gì để học trò hạnh phúc?
Giáo viên làm gì để học trò hạnh phúc?

So với thời trước, việc giáo dục đạo đức học sinh bây giờ phức tạp hơn rất nhiều. Truyền thông và dư luận cũng góp phần không nhỏ vào việc gia tăng áp lực của xã hội đối với nghề giáo.

Một sơ suất nhỏ, một lời nói bột phát, một hành động khi nóng giận… rất có thể khiến các thầy cô nổi tiếng bất đắc dĩ. Thậm chí, tìm tòi đổi mới không vừa ý với số đông cũng bị ném đá, kỉ luật…

Từ đó, một bộ phận giáo viên chán nản, không còn hứng thú trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, giữ mọi thứ trong “ngưỡng an toàn”.

Tự bồi dưỡng - chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc

Để mỗi người giáo viên hạnh phúc, từ đó xây dựng trường học hạnh phúc, cần có một hệ thống giải pháp toàn diện, bắt đầu từ việc cải cách chế độ tiền lương cho nhà giáo.

Tuy nhiên, giải quyết hết mọi rào cản, khó khăn đối với giáo viên nói riêng, ngành giáo dục nói chung luôn là điều không tưởng.

Bất cứ xã hội nào, ngành nghề nào cũng có những vấn đề của nó, không có một nền giáo dục nào là hoàn hảo.

Điều này cũng có nghĩa là, trước khi trông chờ vào sự thay đổi đến từ bên ngoài, mỗi thầy cô giáo cần hiểu rằng hạnh phúc do chính mình lựa chọn.

Nếu không thể đến với một công việc khác thì hãy biến chuỗi ngày đến trường buồn chán, tẻ nhạt thành những tháng ngày vui vẻ, ý nghĩa, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. 

Trước hết, một người hạnh phúc là một người tự tin vào giá trị bản thân và không ngừng bồi đắp cho trí tuệ tâm hồn mình hàng ngày.

Nghề giáo là nghề học tập suốt đời, mỗi thầy cô giáo cần thường xuyên tự bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ.

Vốn kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được không bao giờ là đủ, trong khi nhu cầu của giáo dục hiện đại ngày càng cao.

Người giáo viên hạnh phúc sẽ luôn trăn trở, suy nghĩ tìm hướng đi mới trong từng bài giảng, cố gắng không lặp lại mình.

Kho giáo án, tài liệu, các khóa học online vô cùng phong phú trên mạng Internet là nơi mỗi thầy cô có thể khám phá, học hỏi và đưa ra các ý tưởng mới.

Với mạng xã hội, các thầy cô cũng có cơ hội tham gia các hội/nhóm trên mạng, kết nối với nhiều giáo viên có năng lực, tâm huyết ở khắp mọi miền. Đó là điều kiện để giáo viên giao lưu, học hỏi không giới hạn.

Trong công tác tự bồi dưỡng của mỗi giáo viên, khâu yếu nhất, khó nhất chính là đổi mới phương pháp dạy học.

Các đợt tập huấn, các module bồi dưỡng vẫn nặng về cung cấp lí thuyết, chưa tập trung tháo gỡ vướng mắc về phương pháp, chưa tạo cơ hội để giáo viên thực hành đổi mới phương pháp.

Giáo viên phải phấn đấu thành một nhà giáo dục, đừng vì dạy giỏi
Giáo viên phải phấn đấu thành một nhà giáo dục, đừng vì dạy giỏi

Thời lượng dành cho thực hành, thể nghiệm, vận dụng chưa đủ trong khi kiến thức lí thuyết thường trừu tượng, khó hình dung.

Do vậy, chủ động tìm hiểu, tham gia các khóa học kĩ năng mềm sẽ giúp các thầy cô linh hoạt, sáng tạo hơn trong dạy học, có những giờ dạy thú vị và hiệu quả.

Mặt khác, thật khó hình dung về một giáo viên hạnh phúc nhưng lại ít đọc sách. Đọc sách hàng ngày sẽ bồi đắp tâm hồn, trí tuệ, giúp các thầy cô có tâm thế vững vàng hơn trước học trò.

Hình ảnh người thầy đọc sách cũng là nguồn cảm hứng để thôi thúc học sinh đến với sách, trải nghiệm niềm hạnh phúc của việc tự học, tự khám phá tri thức.

Chủ động kết nối với phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp, dành thời gian lắng nghe, chia sẻ, ta sẽ có cơ hội để tháo gỡ các vướng mắc trước khi mọi chuyện đi quá xa.

Đầu và cuối mỗi năm học, nên dành thời gian cho học sinh bày tỏ nguyện vọng của mình với thầy cô.

Một tờ giấy nhỏ ghi lại ý kiến, nhận xét, góp ý của các em thực sự giúp chúng ta nhìn nhận bản thân ở những góc khuất mà mình không nhận thấy. Đó là định hướng quý báu để ta tự điều chỉnh mình.

“Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” (thiền sư Thích Nhất Hạnh). Xã hội ngày càng phát triển, nền giáo dục ngày càng thay đổi mạnh mẽ. Đó vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho mỗi thầy cô giáo.

Hơn ai hết, chính các thầy cô giáo phải chủ động kiếm tìm hạnh phúc trong nghề bằng cách không ngừng làm mới mình, tích cực tìm tòi, học hỏi, cập nhật các kiến thức, kĩ năng mới.

Bởi lẽ, xét đến cùng, càng khao khát đổi thay thế giới, ta càng nhận ra rằng thứ cần thay đổi trước nhất và cũng dễ thay đổi nhất là chính mình.

Nguyễn Thị Hà