Từ hiện tượng "đi thầy" ở các lớp cao học suy ngẫm lại đạo làm Thầy

15/01/2021 09:32
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Aristote nói: “Platon là thầy ta, thầy thật đáng quý nhưng chân lý còn quý hơn thầy”.

1. Những ngày đầu năm mới, không hiểu sao mỗi khi nghĩ về giáo dục nước nhà tôi lại nhớ đến câu chuyện của Sơn - học trò cũ của tôi thời sinh viên đại học - trong nỗi ám ảnh khôn nguôi.

“Em muốn học đàng hoàng nhưng người ta lại không cho, thời gì mà muốn tìm một minh sư để học cho tử tế cũng khó.” – Sơn vừa kể với tôi vừa pha trò trong nỗi xót xa.

Đây cũng là lần thứ 2 Sơn kể lại với tôi về quyết định không tiếp tục chương trình cao học ở hai cơ sở đào tạo thạc sĩ khác nhau.

Lý do của cả hai lần này là Sơn không chấp nhận việc phải đóng tiền quỹ lớp quá nhiều để “lo” cho các thầy cô ở mỗi học phần trong suốt khóa học.

Sơn nói với tôi, phần do điều kiện kinh tế khó khăn nhưng quan trọng hơn là “thà bị đánh rớt học phần nào đó chứ không chấp nhận việc giả vờ thầy trò quý mến nhau nhưng thực chất là đổi chác điểm số”.

Tuy vậy, khác với lần trước, lần này Sơn bình tĩnh hơn rất nhiều. Sơn cho tôi xem toàn bộ tin nhắn mà Sơn đã nói chuyện với một cán bộ phụ trách lớp liên quan đến việc lớp phải “chăm sóc” thật chu đáo cho một thầy sắp đến giảng dạy.

Sơn nói rất sốc khi nghe câu nói như một sự gợi ý của một vị giáo sư ngay buổi đầu ông lên lớp:“hôm qua ở khách sạn tôi vô ý làm rớt cái điện thoại iphone…”.

Là người công tác trong môi trường giáo dục, tôi phải thú nhận rằng, việc “lo” cho thầy cô (hay có người nói vui là “đi thầy”) tôi đã nghe nhiều anh chị sinh viên, học viên kể lại. Nhất là với các thầy cô ở miền ngoài vào miền Tây giảng dạy theo diện liên kết hoặc thỉnh giảng.

Trước mỗi học phần, khi cơ sở đào tạo thông báo lịch học thì các thành viên trong lớp phải lên kế hoạch đón tiếp sao cho thật chu đáo.

Trước hết là việc quy định số tiền đóng quỹ tùy vào số thành viên và mức độ “chịu chơi” của một vài học viên khá giả trong lớp.

Tiếp theo là cử người lo việc mua vé máy bay khứ hồi và đón thầy cô từ sân bay về khách sạn nghỉ ngơi. Rồi hàng ngày đưa đón thầy cô từ khách sạn đến lớp.

Tối đến dẫn lại thầy cô dạo phố, đãi thầy cô các món đặc sản miệt vườn sông nước. Trước khi kết thúc học phần, chia tay nhất định cũng phải thể hiện “tinh thần hiếu khách” bởi “không có quà gì thì coi sao được”…

Tất cả những điều này, gần như ai đi học đều biết, nhiều người cũng khó chịu nhưng phản ứng ra bên ngoài hay phản đối bằng cách bỏ dở khóa học như Sơn thì rất hiếm.

Và dĩ nhiên, không phải thầy cô nào cũng dễ dãi thốt ra những lời “gợi ý” kiểu như “tôi nghe nói Cần Thơ có Chợ nổi Cái Răng, Sóc Trăng có bánh Pía, Cà Mau có cua gạch ngon lắm…”

Đạo làm thầy trong xã hội hiện nay là như thế nào? (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn)

Đạo làm thầy trong xã hội hiện nay là như thế nào? (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn)

2. Những năm gần đây, nhu cầu người học thạc sĩ, tiến sĩ ngày một có xu hướng tăng lên.

Thống kê mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 36.000 thạc sĩ và 1.500 tiến sĩ tốt nghiệp.

Một điều đáng chú ý là nhu cầu học lên thạc sĩ, tiến sĩ của khá nhiều người không hẳn để nâng cao trình độ mà chỉ đơn thuần là có được tấm bằng để “nở mày nở mặt” với bạn bè, dòng tộc.

Hay cụ thể và thiết thực nhất là để được đề bạt, bổ nhiệm vào những chức vụ, vị trí cao hơn theo quy định… Có cầu ắt có cung. Nắm bắt nhu cầu này, khá nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay trên cả nước đã mở rộng quy mô và cách thức tuyển sinh dưới nhiều hình thức.

Câu chuyện “đi thầy” không biết tự bao giờ đã trở thành luật bất thành văn nhằm đổi lại một sự dễ dãi, “nhẹ nhàng” trong vấn đề đánh giá năng lực người học cũng từ đây mà ra.

Nếu không muốn nói sự dễ dãi này còn là một phương án cạnh tranh nhằm thu hút người học của các cơ sở đào tạo hiện nay.

Bởi trên thực tế, những cơ sở đào tạo nào mà thầy cô nghiêm túc và “trong sáng” trong giảng dạy và cho điểm người học có khi lại thất thế trong tuyển sinh. Vấn đề này trước đây đã có nhiều chuyên gia chỉ ra [1]. Riêng tôi, từ câu chuyện của Sơn tôi muốn bàn thêm một vấn đề khác.

3. Người Việt có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Điều này thật đáng quý. Tuy vậy, có vẻ như cái truyền thống này đến nay vẫn chỉ nhìn nhận một chiều.

Nghĩa là đa phần chỉ đề cao thậm chí tuyệt đối hóa vai trò của người dạy và mà ít khi lật lại vấn đề, nhất là suy nghĩ và cảm xúc, cảm nhận từ phía người học.

“Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy”, “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý…”.

Những câu nói và cách tư duy này liệu còn phù hợp trong bối cảnh xã hội hôm nay không là vấn đề nhìn chung vẫn rất ít người dũng cảm mang ra trao đổi và phản biện lại.

Trước đây, trong một xã hội khép kín, một môi trường với những quan niệm giáo dục cũ; và do không có nhiều sự lựa chọn nên vai trò của người thầy lúc ấy là rất quan trọng. Nhưng xã hội giờ đã khác. Kiến thức, tri thức của nhân loại là vô biên còn việc học là việc cả đời.

Không ai phủ nhận trong việc học, nếu muốn giỏi thì phải có thầy giỏi dẫn dắt, khai mở. Nhưng đỉnh cao của sự học là nằm ở ý thức và tinh thần tự học của mỗi cá nhân.

Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ truyền thông hôm nay, có lẽ không ai làm thầy của ai suốt đời. Hay nói khác đi, trong bể học cuộc đời chúng ta có khi vừa là “thầy” vừa là “trò” của nhau.

Ngoài ra, theo thói quen chúng ta hay nói “nghề giáo là cao quý nhất…”. Nhưng ngẫm kỹ lại, trong cuộc sống cao quý hay không là ở cách hành xử của con người.

Nếu nói nghề giáo cao quý nhất thì nghề nào cao quý nhì hay có nghề nào đó thấp hèn chăng?

Là người dạy học, phải nói thật lòng, tôi thấy nghề giáo, đạo làm thầy ở xã hội ta hôm nay đang có những sứt mẻ rất đáng xấu hổ mà nguyên nhân không nhỏ là từ phía những người làm nghề mà ra.

Thực tế cho thấy có những người thầy rất đáng trọng nhưng cũng có không ít người rất không đáng trọng dù cũng mang danh thầy.

Thế nên, người thầy tử tế và đáng kính trong xã hội hôm nay có lẽ cần bổ sung thêm một tiêu chuẩn quan trọng: vượt qua cái tôi của bản thân với tư cách “người lớn”, “người đi trước” để cầu thị học hỏi và nhất là chân thành cảm ơn học trò của mình về những vấn đề mình chưa/không biết hoặc thua kém.

3. “Con người xin tự hiểu mình”. Triết gia cổ đại Hy Lạp – Socrates đã nói như thế. Một xã hội thật sự biết “tôn sư trọng đạo” không thể có sự dễ dãi để rồi vô tình tầm thường hóa mối quan hệ giữa thầy và trò.

Nếu cả hai phía người dạy và người học không có lòng tự trọng để “tự hiểu mình” để kịp thời điều chỉnh hành vi, thái độ của bản thân thì nguy cơ dẫn đến những bi kịch cho cộng đồng là điều khó tránh khỏi.

Nghĩ về đạo làm thầy trong xã hội hôm nay tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của triết gia Hy Lạp cổ đại khác là Aristote khi ông nói về người thầy của mình là Platon. Aristote nói: “Platon là thầy ta, thầy thật đáng quý nhưng chân lý còn quý hơn thầy”.

Tôi cảm ơn Sơn – học trò cũ của tôi vì đã bỏ học đến 2 lần như một cách để tỏ thái độ nhằm phản đối và cảnh báo không chỉ hiện tượng “bán phá giá tri thức” trên giảng đường trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay mà quan trọng hơn là giữ gìn cái cái truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc một cách biện chứng và đáng suy ngẫm.

Tài liệu tham khảo:

[1]: “Đào tạo thạc sĩ ngày càng dễ dãi: Trường lớn cũng cũng phải thoáng”. https://thanhnien.vn/giao-duc/dao-tao-thac-si-ngay-cang-de-dai-truong-lon-cung-phai-thoang-1136999.html

Nguyễn Trọng Bình