Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho khoảng 6.000 học sinh Hải Phòng

29/12/2020 06:36
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khoảng 6.000 học sinh lớp 11, 12 ở Hải Phòng được tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, giải đáp thắc mắc về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học.

Tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Báo Tuổi trẻ phối hợp Vụ giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ Lao động Thương binh, Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Thành Đoàn Hải Phòng tổ chức chương trình tư vấn Tuyển sinh- Hướng nghiệp.

Chương trình thu hút khoảng 6.000 học sinh lớp 11 và lớp 12 của các trường trung học phổ thông trên địa bàn Hải Phòng tới dự vào sáng 27/12.

Đây là năm thứ 9 liên tục Chương trình tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp được tổ chức tại Hải Phòng do Báo Tuổi trẻ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức (Ảnh: CTV)

Đây là năm thứ 9 liên tục Chương trình tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp được tổ chức tại Hải Phòng do Báo Tuổi trẻ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức (Ảnh: CTV)

Tại chương trình, các em học sinh sẽ được nghe các chuyên gia từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học uy tín giải đáp băn khoăn thắc mắc về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, quy định tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và định hướng tuyển sinh, các ngành đào tạo của các lĩnh vực nghề nghiệp.

Chương trình cũng giúp các em học sinh tiếp cận, tìm hiểu thông tin trực tiếp của các trường đại học, cao đẳng tại hơn 40 gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.

Chuyển đổi số, kinh tế số... nên chú ý

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng: “Nếu như bức tranh hoạt động nghề nghiệp của năm 2020 gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 thì năm 2021 lại liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển dịch vụ logistics, phát triển kinh tế biển...

Những mục tiêu phát triển của Chính phủ sẽ là những định hướng quan trọng cho các học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam phát biểu tại chương trình (Ảnh: CTV)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam phát biểu tại chương trình (Ảnh: CTV)

“Trong bối cảnh chuyển đổi số, ngành nào là cần thiết?”, một học sinh trung học phổ thông hỏi.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Khối ngành Toán tin, Toán ứng dụng là những ngành cần cho việc chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực chuyển đổi số.

Đây cũng là những ngành được nhiều trường đại học đào tạo. Riêng trong khối ngành công nghệ thông tin có những chuyên ngành như khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, an ninh mạng... rất cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Phó giáo sư Trần Trung Kiên cũng lưu ý “chuyển đổi số” đang diễn ra ở mọi lĩnh vực xã hội nên không có nghĩa chỉ làm việc ở các cơ sở chuyên về công nghệ thông tin mới cần thiết với mục tiêu chuyển đổi số.

Ở mỗi ngành nghề cần phải có hiểu biết kiến thức chuyên ngành, những đòi hỏi mang tính đặc thù của mỗi ngành nghề với mục tiêu “chuyển đổi số”.

Kỹ năng để “nhảy việc”

Theo các thầy trong Ban tư vấn của chương trình, có nhiều ngành đào tạo cho phép sinh viên ra trường chọn nghề ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng cũng có những ngành hẹp mà nhu cầu nhân lực chỉ tập trung ở một lĩnh vực cụ thể.

Tuy nhiên, những người trẻ có thể “nhảy việc” khi có những thay đổi khách quan về cấu trúc nghề nghiệp trong xã hội hoặc khi tìm được một nghề mình đam mê không giống với điều mình từng theo đuổi.

Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam (Ảnh: CTV)

Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam (Ảnh: CTV)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, cho biết: “Trường đại học là nơi cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất của ngành nào đó.

Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, sinh viên đều được trang bị kiến thức nền và các kỹ năng mềm để có thể ứng dụng khi làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau”.

Nói thêm về khả năng linh hoạt chuyển đổi vị trí công việc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương cho rằng, đừng bao giờ nghĩ vừa ra trường đã có thể làm ở những vị trí tốt nhất hoặc làm ông chủ.

Mà người trẻ cần có ý thức tích lũy kinh nghiệm, rèn giũa kỹ năng ở những công việc nhỏ nhất.

Chia sẻ về những ngành thuộc khối xã hội - nhân văn, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thành Nam, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra ví dụ về nhóm ngành tâm lý với các chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, tâm lý tham vấn, tâm lý học quản trị kinh doanh, tâm lý học xã hội...

Theo ông Nam, triển vọng việc làm của ngành này rất cao và đa dạng. Ví dụ như ngành tâm lý học lâm sàng và tâm lý tham vấn có thể hỗ trợ trong việc chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán các bệnh về tâm thần, hay tư vấn tổ chức khởi nghiệp, kinh doanh.

Chuyên ngành tâm lý học quản trị kinh doanh hiện đang có việc làm rất tốt vì bộ phận bán hàng rất cần người am hiểu lĩnh vực tâm lý học quản trị kinh doanh để nắm bắt tâm lý khách hàng, tham vấn cho lãnh đạo...

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, xu thế đào tạo đa ngành, liên ngành hiện rất phổ biến. Với cơ chế đào tạo mềm dẻo, một sinh viên có thể tiết kiệm thời gian để học song ngành.

Việc đào tạo liên ngành cũng cho phép sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn với các ngành gần nhau.

Vì thế, cơ hội công việc trong tương lai chẳng những tăng thêm mà còn tạo thuận lợi cho sinh viên ra trường điều chỉnh nghề nghiệp so với định hướng ban đầu.

Yên tâm khi có “nhiều nguyện vọng”

Tuy kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và phương thức tuyển sinh năm 2021 sẽ cơ bản giữ ổn định như khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) tại chương trình, nhưng theo các thầy, cô trong ban tư vấn thì những vấn đề thời sự đang diễn ra trong xã hội sẽ tác động đếu những điều chỉnh về ngành đào tạo.

Nhiều cơ sở đào tạo năm nay cũng sẽ chọn kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh đa dạng.

Nhiều học sinh đặt câu hỏi liên quan đến các quy định về tuyển sinh (Ảnh: CTV)

Nhiều học sinh đặt câu hỏi liên quan đến các quy định về tuyển sinh (Ảnh: CTV)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, quy định về tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho thí sinh.

Theo đó, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng khác nhau và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như căn cứ vào phương thức tuyển sinh do các trường công bố.

Nhưng ông Hùng cũng lưu ý những thí sinh đăng ký vào các ngành thuộc khối đào tạo giáo viên và sức khỏe cần biết quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Nhiều học sinh bày tỏ quan tâm tới các chính sách tuyển thẳng, cộng điểm đối với học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định về ưu tiên xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ ổn định.

Tuy nhiên hiện nay các cơ sở đào tạo có quyền tự chủ trong tuyển sinh nên việc ưu tiên tuyển sinh cụ thể như thế nào còn lệ thuộc vào quy định của mỗi trường.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành phương án thi 2021-2025 vào tuần tới", ông Hùng cho biết.

Làm cho nhà nước hay tư nhân?

Nhiều học sinh Hải Phòng cho biết gia đình muốn các em làm ở khối nhà nước, trong khi đó các em lại muốn làm ở khối tư nhân nên rất băn khoăn trong việc chọn nghề.

Khoảng 6.000 học sinh lớp 11,12 tại Hải Phòng được tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp (Ảnh: CTV)

Khoảng 6.000 học sinh lớp 11,12 tại Hải Phòng được tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp (Ảnh: CTV)

Giải đáp băn khoăn này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều cuộc khảo sát về mong muốn việc làm của sinh viên và một kết quả rất ấn tượng là 50% sinh viên năm nhất muốn làm công chức, nhưng đến năm thứ 4 thì 70% muốn ra ngoài làm việc.

Trong quá trình học, lựa chọn của các em sẽ thay đổi rất nhiều. Có bạn chưa học xong đã được tuyển, có bạn thì đi du học. Do đó ngay từ đầu các em không nên bó hẹp trong đầu chọn cái gì.

Theo ông Thảo, trong 4-5 năm tới, chắc chắn nhiều học sinh đang ngồi đây sẽ có những thay đổi về quan điểm trong việc “chọn là công chức hay công việc bên ngoài”.

“Điều tôi mong muốn là các nhà trường có thể đồng hành, hỗ trợ để những sinh viên khi ra trường có đủ kiến thức, năng lực và bản lĩnh khởi nghiệp.

Khi đó, các em không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn mang lại việc làm cho nhiều người khác. Đó mới là mục đích cao cả”, ông Thảo chia sẻ.

LÃ TIẾN