LTS: Chia sẻ quan điểm của một giảng viên đại học có 46 năm kinh nghiệm, thầy giáo Trần Hinh hiện vẫn tham gia giảng dạy tại Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ những điểm mà đào tạo đại học ở nước ta hiện nay cần hướng tới qua một tuyến bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết đầu tiên.
Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.
Trong ba cấp đào tạo của ngành giáo dục của nước ta hiện nay (phổ thông, đại học và sau đại học), nếu khẳng định cần ưu tiên đầu tư nhiều nhất cho cấp học nào, tôi nghĩ, đó là đại học.
Tại sao? Vì tôi cho rằng so sánh trong ba cấp học, mục tiêu của đào tạo phổ thông có nhiệm vụ cung cấp tri thức chung, phổ cập, bắt buộc với tất cả mọi người (số đông, áp đảo), theo nhận xét của Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, về chất lượng được coi là tạm ổn.
Giáo dục Sau đại học, do là cấp học chuyên sâu, với sự tham gia của một nhóm ít người, là cấp học tinh hoa, chỉ dành cho những nhà nghiên cứu, theo nhận xét chung của nhiều người, chưa thật sự như mong muốn.
Giáo dục đại học, nơi có nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp ban đầu cho số đông công dân, có lẽ đáng được quan tâm nhất cả về chất lượng và mục tiêu đào tạo…
Ở cấp học này, càng ngày, cùng với sự phát triển chung của xã hội, lại càng thu hút số đông người tham gia, cũng như mối quan tâm của xã hội.
Thực ra, cấp học này chỉ được coi là “vỡ vạc”, những người vào đây còn khá ít kinh nghiệm, nhiều người chưa chắc đã nhận ra “sở trường”, “tiềm năng” thực sự của mình là gì?
Để có thể rèn giũa, tích lũy cho mình kinh nghiệm và thói quen nghề nghiệp, họ rất cần nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, đặc biệt là các thầy cô giáo.
Một chuyên đề bàn sâu về vấn đề này, theo tôi là rất cần thiết. Tuy nhiên, chỉ trong một bài viết, thật khó bàn cho thấu đáo, kĩ lưỡng.
Nên tuyển sinh đại học như thế nào? Ảnh minh họa: TTXVN |
Trong bài viết này, tôi chỉ dành sự quan tâm chính cho giáo dục đại học: lựa chọn học sinh như thế nào, tổ chức tuyển sinh ra sao, thiết kế một chương trình giảng dạy, vấn đề nội dung, mục tiêu đào tạo, lựa chọn và đào tạo thầy cô giáo, tiêu chí đánh giá học sinh, gắn kết việc đào tạo trong nhà trường với yêu cầu công việc ngoài xã hội… Rất nhiều vấn đề cần phải được tính đến.
Dù đã có kinh nghiệm gần nửa thế kỉ giảng dạy đại học, tôi không dám khẳng định mình có thể bàn bạc thấu đáo từng vấn đề đã nêu, chỉ xin được bàn riêng về vấn đề đào tạo đại học.
Và xin lưu ý, đây chỉ là góc nhìn nhỏ của một giáo viên giảng dạy môn khoa học xã hội nhân văn tại một trường đại học.
Học tập Descartes, nhà triết học Pháp thế kỉ XVII ở phương pháp tư duy, để vấn đề bàn đến được rõ ràng, khúc chiết, tôi xin được chia bài viết thành từng vấn đề nhỏ, bắt đầu bằng tuyển sinh đại học, sau đó đến vấn đề đề thi, chấm thi, điểm thi và các phương thức tuyển sinh.
Cuối cùng mới bàn đến vấn đề chương trình, thiết kế bài học, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả. Chia thành từng vấn đề như thế, tôi nghĩ ý tưởng của bài viết sẽ được sáng tỏ, rõ ràng.
Trước tiên, về vấn đề tuyển sinh, đây là vấn đề “nóng”, thậm chí rất “nóng” ở nước ta suốt nhiều năm qua.
Có lẽ ít có một quốc gia nào, như nước ta, việc tuyển sinh đại học lại bất ổn và thiếu định hướng như thế.
Trong khi, để một nền giáo dục đại học có được chất lượng tốt, khâu tuyển sinh phải có mục tiêu rõ ràng và phải luôn giữ được sự ổn định.
Ở nước ta, việc tuyển sinh đại học chỉ được chính thức thực hiện từ năm 1970. Trước đó, việc tuyển sinh chỉ dựa trên tiêu chí xét tuyển.
Từ đó đến nay, chúng ta vẫn loay hoay thay đổi, khi thì hạn chế, khi thì mở rộng, có thời điểm việc thi vào đại học là rất khó, nhưng có thời điểm, để có được một suất đại học lại quá dễ dàng (dễ hơn cả thi vào cấp 3).
Mấy năm qua, do tình hình dịch bệnh, phần lớn các trường đại học đều chỉ dựa trên kết quả kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Mà chất lượng của kì thi phổ thông, chắc nhiều người đều biết, gần như không đạt được tiêu chí phân loại. Trong khi chuẩn vào đại học, rất cần đến tiêu chí này.
Trong số hàng trăm trường đại học, có thể tồn tại một nhóm trường nào đó mục tiêu đào tạo giống nhau, nhưng dù giống nhau đến mấy, về mục tiêu, mỗi trường vẫn cần có tiêu chí phân biệt.
Chẳng hạn, cùng đào tạo kinh tế, nhưng kinh tế của Đại học Quốc gia không hoàn toàn giống kinh tế của Kinh tế Quốc dân; cùng đào tạo ngoại ngữ, nhưng Đại học Quốc gia không hoàn toàn giống với Đại học Hà Nội.
Khi mục tiêu đào tạo có sự khác nhau như thế, việc tuyển sinh đầu vào tất yếu cần đến những chuẩn kiến thức khác nhau, phải có sự phân loại.
Việc đánh đồng tiêu chuẩn, chỉ thuần túy dựa trên kết quả cao thấp từ kết quả kì thi tốt nghiệp phổ thông, khó đạt được sự phân loại.
Chính từ cách lựa chọn như vậy, nhiều năm qua, chất lượng đào tạo đại học ở nước ta luôn có “vấn đề”. Có học sinh học trong trường rất giỏi, nhưng khi ra trường, làm việc rất “tồi”. Có những học sinh, kết quả đầu vào đại học rất cao, nhưng khi vào học, kết quả lại không tốt.
Sở dĩ như vậy, tôi cho rằng, vì nội dung và tiêu chí đánh giá của kì thi đại học chưa phù hợp. Điều đó có phần lỗi cả từ phía học sinh. Bản thân học sinh trước mỗi kì thi đại học đều chưa được định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn ngành nghề.
Rồi còn do những thay đổi thường xuyên của các kì thi tuyển sinh đại học, và cả sự thiếu chuẩn bị, định hướng kĩ càng từ phía các nhà trường, việc tuyển chọn học sinh mỗi kì xét tuyển thường ít hiệu quả.
Thực tế cho thấy ở một số trường, ngay cả khi đã vào học, học sinh vẫn không yên tâm, thậm chí ngay sau một năm, họ lại tìm cách thay đổi.
Số còn lại, không ít người vẫn loay hoay nghi ngờ khả năng và và sự thích hợp với ngành học của mình. Họ học chỉ để học. Điều đó dẫn đến sự tốn kém không cần thiết về mặt thời gian và sức lực. Đó là lí do thứ nhất dẫn tới việc đào tạo đại học ở nước ta không như mong muốn.
Thứ hai, trong khi tiêu chí và nội dung của việc tuyển sinh đại học ở nước ta nghèo nàn, chưa bám sát nội dung yêu cầu của đào tạo trong nhà trường và trong cuộc sống, phương thức tuyển sinh ở ta lại đơn điệu, thiếu tính đa dạng và sáng tạo.
Một mặt, Bộ Giáo dục và Đào tạo kêu gọi các trường nên tự chủ tuyển sinh; mặt khác đa số các trường vẫn chỉ bám vào kết quả kì thi tốt nghiệp.
Chỉ từ mươi năm trở lại đây, do sự thúc bách của yêu cầu đổi mới, một vài cơ sở đào tạo đã có sáng kiến đa dạng hóa việc tuyển sinh.
Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thực hiện kì thi Đánh giá năng lực, Đại học Bách khoa tổ chức thi Đánh giá tư duy.
Đại học Luật, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân…, cũng đổi mới mình bằng cách liên kết với các kì thi của một số trường đại học lớn, chỉ dựa rất ít vào kết quả kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Xu hướng đó vẫn tiếp tục mở rộng sang nhiều trường đại học khác.
Song song đó, rất nhiều phương án xét tuyển được đưa ra trong thời gian qua: xét kết quả học bạ phổ thông, dựa trên điểm kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học, kết quả các kì thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế, kể cả dựa theo tiêu chí chứng chỉ IELTS (tiếng Anh).
Nhưng tôi nghĩ, tất cả đó chỉ là biện pháp tình thế. Chẳng hạn, với kết quả học bạ phổ thông, thật khó tin việc đánh giá đó là khách quan; kết quả thi tốt nghiệp thì vẫn còn đó sự nghi ngờ trung thực khi giao việc chấm thi cho các trường cơ sở.
Các kì thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế, lại chỉ là kết quả nhất thời của việc “luyện gà nòi”.
Trong khi chứng chỉ tiếng Anh IELTS, có lẽ chỉ chứng tỏ được một phần khả năng học đại học. Khả năng này có trong phần lớn trẻ em ở nước ta hiện nay, đặc biệt là khu vực thành thị.
Trong khi để tham gia học đại học, còn cần đến nhiều kĩ năng khác (tôi xin được bàn sâu đến vấn đề này ở bài viết sau).
Đó là chưa nói đến tính công bằng trong điều kiện học tiếng Anh giữa các vùng nông thôn và thành thị. Nghĩa là các chuẩn tiêu chí đầu vào tuyển sinh đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất.
Trước thực trạng trên, tôi cho rằng, các trường đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung suy nghĩ cải tiến, hoàn thiện nội dung, quy trình, nội dung và phương thức kì thi tuyển sinh đại học.
Chỉ khi nào một kì thi đại học đạt được tính khoa học, hiện đại, quốc tế và ổn định, khi đó chúng ta mới có được yếu tố cơ bản đầu tiên cho một nền đại học có chất lượng.
(Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2 bàn về Đề thi, chấm thi, điểm thi)