Vụ trưởng Vụ tiểu học chia sẻ về quy trình thẩm định sách giáo khoa

08/10/2019 07:00
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Lần đầu tiên trong lịch sử, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa có cơ cấu đa dạng, có nhà khoa học, chuyên gia sư phạm, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy.

Hiện Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đang thẩm định sách giáo khoa lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các bản thảo sách giáo khoa lớp 1 đạt sẽ được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo công bố trong tháng 10. Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học những sách này.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, trong lần thẩm định này, có 9 bản thảo sách giáo khoa được đánh giá “không đạt” ở các môn: Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất, Tự nhiên và Xã hội, Toán, Tiếng Việt.

Liên quan đến bản thảo sách Toán công nghệ, Tiếng Việt công nghệ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại “không đạt” trong lần thẩm định này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng:

"Không chỉ riêng sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có thời gian sử dụng lâu năm, lượng học sinh lớn nhưng không được Hội đồng thẩm định thông qua mà tất cả sách giáo khoa hiện hành nếu không chỉnh sửa để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới thì cũng sẽ “rớt” ngay từ đầu. 

Mặc dù những cuốn sách giáo khoa hiện hành cũng đã sử dụng được gần 20 năm, có hàng triệu học sinh đang học và nội dung xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 5. 

Sách giáo khoa hiện hành muốn được sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới đều phải chỉnh sửa, theo mạch nội dung, kiến thức quy định tại Thông tư 32".

Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - ông Thái Văn Tài chia sẻ về quy trình thẩm định sách giáo khoa (Ảnh: Thùy Linh)
Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - ông Thái Văn Tài chia sẻ về quy trình thẩm định sách giáo khoa (Ảnh: Thùy Linh)

Vị Vụ trưởng này thông tin, hiện nay, chúng ta đang thực hiện theo Luật Giáo dục, quy định “một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa”. Do vậy, khi đánh giá cuốn sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại “không đạt” vì không phù hợp với chương trình mới, một số ý kiến cho rằng, cần có đường đi riêng cho cuốn sách này.

Tuy nhiên, đây là điều Luật không cho phép và không công bằng với hàng trăm tác giả khác đang thực hiện viết sách giáo khoa.

Nói rõ hơn về quy trình thẩm định sách giáo khoa lần này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài chia sẻ: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hội đồng thẩm định có cơ cấu đa dạng và phủ kín, có nhà khoa học, chuyên gia sư phạm, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. 

Hội đồng thẩm định có quy trình làm việc rất chặt chẽ, qua 2 vòng. Vòng 1, khi tác giả nghiên cứu chương trình, nghiên cứu Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT và xây dựng ra bản thảo sách giáo khoa cần phải thông qua nhà xuất bản, nghĩa là được lọc qua một lần theo Luật Xuất bản.

Khi nhà xuất bản trình cuốn sách lên phải qua một Hội đồng, các thành viên có 15 ngày đọc sách, 1 lần nghe tác giả báo cáo và 7 ngày để thảo luận xem bản thảo đó đạt hay không đạt. Kết thúc vòng 1, tác giả có 1 tháng để tiếp thu, chỉnh sửa. 

Đến vòng 2, tác giả có 3 tiếng báo cáo Hội đồng về sản phẩm sau khi tiếp thu, trình bày phần chỉnh sửa. 

Sau đó, Hội đồng tiếp tục có 7 ngày để đánh giá lại và đưa ra kết luận cuối cùng. 

Ông Tài nói: “Có những cuốn đạt ở vòng 1 nhưng vòng 2 không đáp ứng”. 

“Với tinh thần trách nhiệm cao và thời gian làm việc kỹ lưỡng, chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn sẽ có những bộ sách giáo khoa tốt để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 vào năm 2020”, ông Tài kỳ vọng. 

Sách Công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại bị loại, oan ức gì?

Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, ngày 16/7/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập chín Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng được quy định rõ:

Có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt; có đủ sức khỏe và thời gian tham gia thẩm định sách giáo khoa.

Có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp sách giáo khoa được thẩm định.

Đã từng tham gia một trong các công việc: Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa, thẩm định sách giáo khoa; hoặc có ít nhất ba năm trực tiếp dạy học ở cấp học có sách giáo khoa được thẩm định.

Quy trình thẩm định sách giáo khoa được nêu tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Theo đó, chậm nhất 15 ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng, bản mẫu sách giáo khoa được đơn vị tổ chức thẩm định gửi cho các thành viên Hội đồng.

Thành viên Hội đồng đọc, nghiên cứu và viết nhận xét, đánh giá bản mẫu sách giáo khoa; Hội đồng họp, thảo luận về bản mẫu sách giáo khoa theo quy định. Thành viên Hội đồng đánh giá và xếp loại bản mẫu sách giáo khoa.

Đánh giá của Hội đồng sẽ vào một trong ba loại: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”.

Thùy Linh (ghi)