Vụ xé đề cương môn Sử: Sao lại có đề cương nhanh đến thế?

08/04/2013 08:01
P.V (tổng hợp)
(GDVN) - Sự việc hàng trăm em học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM xé đề cương môn Lịch sử đang gây bất ngờ lớn trong dư luận. Rất nhiều ý kiến cho rằng điều đó thể hiện ý thức kém của thế hệ trẻ, coi thường và xem nhẹ truyền thống của cha ông. Tuy nhiên cũng không ít phản hồi tới Báo Giáo dục Việt Nam lại cho rằng lỗi chủ yếu không phải ở các em. Dưới đây là một số ý kiến chúng tôi tổng hợp lại.
Đinh Khắc Bình
Thực ra đây là hành động bột phát của học sinh. Nhưng đó là sai, kể cả xé giấy loại... tung hê lên trời trong trường như vây. Lễ chào cờ Hiệu trưởng phải nhắc nhở học sinh khối 12 này. 
Các giáo viên lịch sử cũng không nên buồn. Giả sử năm nay bộ có bỏ môn Văn, Toán không thi nữa thì có lẽ xé đề cương còn nhiều hơn và diễn ra ở nhiều trường. Như tôi đã nói, cũng không nên trầm trọng hóa vấn đề, cái cốt yếu phải tạo tâm lí ổn định cho kì thi cuối cùng của PT. 
Có điều các thày dạy lịch sử trường đó nên trả lời: sao lại có Đề cương ôn thi môn lịch sử nhanh thế? Thường tôi biết, cuối tháng 3, Bộ mới công bố môn thi, sau đó lại có hướng dẫn ôn thi, lúc đó mới có thể có đề cường chứ? Đảm bảo học sinh có tối thiểu 1-2 tháng ôn theo đề cương, và từng trường không thể bỏ dạy, bỏ học sớm quá những môn không thi? Học bây giờ là để thi, chứ đâu phải là học để biết, học để toàn diện đâu. Hiện tượng lúc nào cũng là hiện tượng. Học sinh đi học bố mẹ chúng phải đóng tiền, thế mà được nghỉ vẫn cứ nháy lên hò reo... cũng là bình thường thôi.

Học sinh đồng loạt xé và ném đề cương từ trên tầng xuống sân trường.
Học sinh đồng loạt xé và ném đề cương từ trên tầng xuống sân trường.

Nguyễn Nguyễn
Tôi vừa đi thăm khu di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút ở Mỹ Tho về. Có một chuyện xãy ra đã làm tôi băn khoăn suy nghĩ mãi tới giờ. Dưới bờ sông trong khu di tich tôi gặp một đôi nam nữ mặc đồng phục lớp 12 của một trường ở TP Mỹ Tho và tôi hỏi: "Em ơi sông này có phải sông Rạch Gầm mà ngày xưa vua Quang Trung đánh quân Xiêm không em?". Và câu trả lời làm tôi hơi sững sờ: "Dạ! Sông này đúng là sông Rạch Gầm nhưng còn ai đánh nhau với ai thì em không biết". Dù rằng em đó đang đứng trong khu di tích. 
Điều tôi trong thấy là từng cặp đang ôm ắp nhau nơi tượng đài trong khu di tích chứ chẳng có ai đi tìm hiểu, tham quan một nơi từng làm cho kẻ thù khiếp vía. Thật đáng buồn.
hoan
Tại sao lại xem nhẹ môn Lịch sử vậy? Rồi đây hoc sinh sẽ dần quên hết lịch sử nước nhà, chúng chỉ biết lịch sử Trung Quốc thôi (ngày nào các đài THVN cũng chiếu phim TQ).
Huỳnh Văn Nhiều 
Đó là hệ quả tất yếu của cách dạy và học hiện nay, lỗi không phải hoàn toàn do các em, các nhà làm giáo dục "uyên bác" của Việt Nam lẽ ra phải nhận lấy trách nhiệm này. Quá nhiều yếu kém, ham quyền chức vị. Hết cải cách này tới cải cách nọ lấy học sinh làm đối tượng thí nghiệm, chạy theo thành tích. Kính mong quí báo gởi ý kiến này của tôi lên Bộ trưởng dùm và có trả lời trước quốc dân trách nhiệm của ai? Ai chịu trách nhiệm này. 
Vân Lâm 
Đây là một hành động tưởng như bất thường nhưng lại là một thói quen học tập của phần đông học sinh hiện nay. Học để thi thôi còn các kiến thức không thi thì các em không học. 
Năm nay lúc đầu các em tưởng rằng sẽ thi môn Lịch sử còn giờ thì cần gì kiến thức lịch sử nữa mà không vứt đi. Và Bộ GD-ĐT cũng biết rằng còn bao nhiêu môn khác đã không thi trong mấy chục năm qua các em đã học như thế nào? Và việc dạy nghề phổ thông cũng vậy, Các em chỉ cần cộng thêm một vài điểm khi thi tốt nghiệp thôi mà Bộ đã đổ không biết bao nhiêu tiền của và công sức vào đó, hiệu quả học tập cũng chẵng khác gì các môn học không thi mà thôi. Người ta khuyên Bộ GD-ĐT nên "vi hành" là vì thế.
van do
Tại sao các em lại có hành động này? Các em không thích môn lịch sử, nhưng hành động đó là rất coi thường, không tôn trọng... thầy cô, đồng thời cũng là hành động bức xúc bấy lâu nay. Đồng ý rằng học môn lịch sử khô khan ít em thích học. Độc giả đề nghị cần phải xem lại những biểu hiện các em đã thể hiên, có ý thức gì, hay chỉ là hành động ngẫu hứng.
Nguyễn Minh Tú
Hành động vô lễ, đáng hổ thẹn phản ánh sự xuống cấp của đạo đức học sinh! Tiếc thay, nhiều người đang đá quả bóng trách nhiệm về phía thầy cô và nhà trường. Các vị nên nhớ rằng cái thứ dân chủ trong nhà trường mà các vị đang cổ súy "thầy với trò là bạn" đang giết chết giáo dục VN dẫn đến thầy không ra thầy, trò không ra trò, kiến thức trở thành hàng hóa, trường học trở thành cái chợ để trao đổi, mua bán thứ hàng hóa kiến thức đó. Buồn thay!
P.V (tổng hợp)