Xảy ra tiêu cực thi cử, người đứng đầu kỳ thi ở địa phương phải chịu kỷ luật

02/08/2018 07:40
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nếu phát hiện sai phạm thi cử, người đứng đầu địa phương đó cần phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Sự việc tiêu cực điểm thi cao bất thường ở Hà Giang, Sơn La trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 đã trở thành một cú sốc đối với ngành Giáo dục.

Sau khi có kết luận về sai phạm ở 2 điểm thi này nhiều ý kiến cho rằng việc duy trì hình thức coi thi, chấm thi như hiện nay đã bộc lộ bất cập và đề xuất không nên giao kỳ thi về cho địa phương mà cần mạnh dạn giao việc chủ trì kỳ thi cho các trường đại học.

Hoặc các địa phương nên tổ chức coi thi chéo, chấm thi chéo để đảm bảo công bằng, khách quan và minh bạch.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nên bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; thay vào đó, cho phép các trường trung học phổ thông xét tốt nghiệp dựa vào học bạ, tự cấp bằng;

Các trường đại học tự chủ trong việc tổ chức tuyển sinh để tìm kiếm những sinh viên phù hợp nhất.

Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nếu phát hiện sai phạm thi cử tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, người đứng đầu địa phương đó cần phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc. (Ảnh minh họa: VTV)
Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nếu phát hiện sai phạm thi cử tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, người đứng đầu địa phương đó cần phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc. (Ảnh minh họa: VTV)

Dưới góc độ của một tổ chức tổ xã hội nghề nghiệp, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng những phương án nêu trên đều có những ưu, nhược điểm nhất định và không hoàn toàn chắc chắn sẽ “triệt” được tiêu cực thi cử.

Bởi lẽ dù phương án nào thì cũng đều do bàn tay con người điều khiển, mà nguồn cơn của tiêu cực giáo dục đều do con người.

Cụ thể, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chỉ rõ:

Một là, nếu kỳ thi trung học phổ thông quốc gia không giao về cho địa phương mà việc chủ trì kỳ thi giao cho các trường đại học thì có khác nào lại quay về cách thi cử tốn kém như những năm trước năm 2015.

Như vậy, các thí sinh dự thi tuyển sinh phải đi đến các trường đại học, cao đẳng hoặc đến các cụm thi, tập trung ở các thành phố lớn đồng nghĩa với điều này là thí sinh phải đi quãng đường khá xa, gây áp lực giao thông và chi phí cho việc đi lại rất lớn.

Xảy ra tiêu cực thi cử, người đứng đầu kỳ thi ở địa phương phải chịu kỷ luật ảnh 2Dù thế nào, không thể phủ nhận những ưu điểm của kỳ thi quốc gia

Khi đó, con em của những gia đình không có điều kiện không có sự công bằng, nhiều em mất đi cơ hội học tập.

Còn nếu giao kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cho các trường đại học, ai dám chắc khi đó sẽ không còn tiêu cực?

Hai là, nếu chỉ xét tốt nghiệp bằng kết quả học tập trung học phổ thông, sẽ dẫn đến rất nhiều tiêu cực ở chính các trường vì bệnh thành tích.

Và nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giao hẳn về cho địa phương rồi để tự công nhận, cấp bằng tốt nghiệp luôn thì vô hình trung làm vô hiệu hóa hệ giáo dục phổ thông.

Nếu để "thả" không thi cử gì, học sinh không học, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống rất nhanh. Hơn nữa, kết quả của giáo dục phổ thông kém thì làm sao đòi hỏi chất lượng giáo dục đại học cao được.

Ba là, nếu tổ chức tại địa phương nhưng cần chấm thi chéo giữa các tỉnh, cụm thi thì liệu khả năng thông đồng giữa các tỉnh có chắc chắn không diễn ra?

Nhìn nhận điều đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, trước mắt, vẫn không nên bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Xảy ra tiêu cực thi cử, người đứng đầu kỳ thi ở địa phương phải chịu kỷ luật ảnh 3Hiệp hội khẳng định Thi quốc gia hiện tại là đúng đắn

Thay vào đó muốn có được một kỳ thi quốc gia thành công, “triệt” hết tiêu cực thì kỳ thi vẫn cần giao kỳ thi cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tự quyết định, còn tuyển sinh đại học, cao đẳng nên để các trường tự quyết định phương án phù hợp.

Bộ chỉ nên đưa ra một đề thi mang tính quốc gia đặc biệt ngân hàng đề thi cần phải ngày càng hoàn thiện vì đây là kỳ thi theo tiêu chuẩn hóa.

Còn các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tự tổ chức công tác thi cử. Nếu phát hiện sai phạm, người đứng đầu địa phương đó cần phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chính thức được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, sau 4 năm, kỳ thi vẫn được đánh giá là một kỳ thi tiến bộ, giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh và xã hội…

Do đó, khi sự việc ở Hà Giang diễn ra, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định vẫn sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi quốc gia vào năm 2019, nhưng sẽ có điều chỉnh những bất hợp lý để kỳ thi được tổ chức tốt hơn, trong đó có cả việc thẩm định chuyên môn và đạo đức của cán bộ chấm thi, cán bộ tổ chức thi…

Thậm chí, tại Công văn 6756/VPCP-KGVX ngày 17/7 vừa qua, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát huy ưu điểm của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia những năm vừa qua, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi quốc gia.

Thùy Linh