LTS: Tự nhận mình là một công dân "rau muống" trong thời đại mọi người đều hướng đến "công dân toàn cầu", tác giả Đất Việt chia sẻ những góc nhìn, quan điểm và câu chuyện cá nhân về vấn đề giáo dục toàn cầu.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong thời đại mà ai cũng đang bàn đi lên cách mạng công nghệ 4.0, đi lên mặt trăng bằng những tàu tên lửa (mà thời chỉ cách đây 10-15 năm, chúng ta nghe như chuyện du hành của Jules Verne), tôi, con người sinh ra ở đất nước Việt Nam, đi lại lang thang học hỏi ở nhiều nước, thấy mình thật kém cỏi khi nhận ra, cuối cùng tôi nên là công dân rau muống, chứ chả mong gì đến toàn cầu cả!
Có lẽ tôi cần chia sẻ lý do tại sao tôi là công dân rau muống. Tôi sinh ra và lớn lên trong thời kỳ sau năm 1975, hết chiến tranh nhưng vẫn chịu cảnh khó khăn nhiều năm sau đó.
Trong suốt nhiều năm dài ở Hà Nội, rau muống (mà giờ này, nói cạnh khóe là rau cho lợn, mà lợn vẫn chê), được bán theo cân sau khi đã xếp hàng mấy tiếng chờ đợi ở cửa hàng mậu dịch, là thức ăn chủ yếu của gia đình tôi.
Tôi tự thấy, tôi là công dân rau muống, dù có thế nào cũng loanh quanh với rau muống. (Ảnh: Vietq.vn) |
Tôi ăn rau muống hàng ngày và biết chế biến nhiều món ăn từ rau muống, để đến khi bà ngoại tôi kêu lên “Trông cháu xanh như rau muống!”
Tôi không thấy vấn đề gì với việc ăn nhiều rau muống và mình trông xanh như rau, mặc dù đấy có lẽ là một khái niệm rất khoa học, dù chưa được kiểm chứng, do một người học lớp 4 thời Pháp nêu ra.
Hơn 30 năm trôi qua, rau muống vẫn là món ăn tôi yêu thích. Dù tôi và gia đình không ở Việt Nam, rau muống là món tôi và con cái vẫn nhớ đến, mỗi khi nhớ nhà.
Vậy nên, tôi tự thấy, tôi là công dân rau muống, dù có thế nào cũng loanh quanh với rau muống!
Với những câu chuyện cuộc đời trong hơn 40 năm qua của mình, tôi đã thấy rau muống có lẽ hay hơn toàn cầu…
Và cũng xin chia sẻ thật tình là, nó chỉ là góc nhìn cá nhân thôi, vì giờ này, ai cũng thích “lên đời”, thích toàn cầu, chứ mấy ai thích những thứ dân quê là “công dân rau muống” đâu?
Nhưng có lẽ, chúng ta nên nghĩ kỹ lại, với mỗi cá nhân, với mỗi con người và việc trưởng thành của họ, trong giáo dục và học tập của mỗi cá nhân, điều gì tạo ra giá trị toàn cầu, nếu không phải là giá trị đặc trưng dựa trên chính nhận thức của bản thân?
Thế nào là công dân toàn cầu? Tên gọi hay nội dung sẽ quyết định bạn là ai?
Sau hơn 15 năm kinh tế thương mại quốc tế phát triển, đi cùng với bùng nổ của internet và các dịch vụ hỗ trợ cho một mô hình kinh tế “e-trading” (thương mại điện tử), chúng ta mạnh dạn chuyển từ “kinh tế quốc tế” sang “kinh tế toàn cầu”.
Và rồi, để ăn theo với kinh tế toàn cầu, thì cần có “con người toàn cầu”, “công dân toàn cầu”.
Thế nào là công dân toàn cầu? (Ảnh minh họa trên Vietnamnet.vn) |
Rất nhiều nghiên cứu, các lãnh đạo đều khẳng định việc “xu hướng toàn cầu hóa” kinh tế là không thể cưỡng lại, dù bạn muốn hay không.
Điều này đúng, ở góc độ tìm kiếm lợi nhuận.
Lấy ví dụ, tại sao các hãng của Mỹ, thiết kế tại Mỹ, thương hiệu Mỹ, nhưng gia công ở bất kỳ góc bể chân trời nào trên trái đất? Đó là vì họ mong muốn tối đa hóa lợi nhuận.
Lời trình bày gần đây của lãnh đạo Việt Nam khi sang thăm Mỹ là nếu hàng xuất khẩu vào Mỹ có giá 100 đồng, các hãng của Mỹ có lợi khoảng 80 đồng, còn 20 đồng Việt Nam mới hưởng.
Đây là ví dụ tốt để nói lên lý do của toàn cầu hóa kinh tế, mặc dù thực tế, giá trị Việt Nam được nhận có khi còn thấp hơn nhiều so với con số nói ra trên đây.
Nhưng nếu nói đến giáo dục và đối tượng là con người, có nên nghiên cứu kỹ về khả năng quốc tế hóa giáo dục hay không, nếu chỉ vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận giáo dục và cho hơn 7 tỷ người trên trái đất này?
Trong thời gian trước năm 2015, đi cùng với kinh tế quốc tế, các nhà nghiên cứu về giáo dục quốc tế chỉ sử dụng từ “giáo dục quốc tế” (international education).
Nhưng vài ba năm gần đây, hầu hết các từ ngữ được chuyển sang thành “quốc tế hóa giáo dục” (internationalization of education) như một từ thời thượng (fashionable), mà đâu đó, có nhiều người lên tiếng vì quan ngại khi nó khá gần với mô hình sản xuất sản phẩm GMO (sản phẩm biến đổi gen), với lý do để đảm bảo an ninh lương thực cho 7 tỷ người (mặc dù, cuối cùng thì người đói vẫn đói thôi, và đói vì nhiều lý do khác nhau, chứ không chỉ thuần túy thiếu lương thực!)
Đừng để mình trở thành "kẻ mù chữ" trong thế kỷ 21 |
Tôi, mặc dù là công dân rau muống, tôi tin vào những giá trị cơ bản của con người, của nhân loại.
Tôi tin vào những hoạt động trao đổi và hợp tác quốc tế, vào những mục đích chung hướng mọi người.
Dù khác biệt về màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, nhưng vẫn có nhiều mục tiêu chung để phấn đấu, để chia sẻ và theo tôi nghĩ, ít nhất, làm cho xã hội và thế giới chúng ta đang sống, đỡ tệ hơn.
Con tôi theo học các chương trình quốc tế, của Anh, Úc, Singapore và Mỹ. Qua hơn 12 năm đi học cùng con, tôi hiểu rõ được một điều: không phải chúng ta gọi nó là quốc tế thì nó là quốc tế!
Chương trình giáo dục của Singapore rất tuyệt vời, những thành tựu học sinh đạt được trong kỳ thi PISA quá hay, nhưng điều cơ bản là học sinh Singapore cảm nhận cuộc sống học tập của họ ra sao?
Hay cái giá để trả của PISA, cho điểm Toán rất tốt lại chỉ là một cuộc chạy đua học – thi và để đạt được 5C (cash - car-credit-condomium-country club, tạm dịch: tiền mặt - xe ô tô - thẻ tín dụng - căn hộ - thẻ thành viên câu lạc bộ).
Con người họ, xã hội của họ, mặc dù đạt được thành tựu nổi bật và trở thành một con hổ của châu Á, vậy tại sao người Singapore, đặc biệt là dân tri thức và có tài chính, lại lặng lẽ ra đi?
Mục tiêu của quốc tế hóa kinh tế và giáo dục của Singapore là trở thành một đất nước có khả năng dẫn đầu, có thể thu hút nước ngoài và cạnh tranh với các nước khác…
Nhưng giờ này, ai đang làm việc ở những vị trí quan trọng của nền kinh tế tư nhân ở Singapore? Ai đang đứng sau các ngân hàng của Singapore? Có phải là người Singapore không?
Những câu hỏi đối với Singapore và việc quốc tế hóa kinh tế, đi cùng với quốc tế hóa giáo dục Singapore, là những thách thức, không chỉ cho lãnh đạo và xã hội của Singapore, mà cho nhiều nước khác, trong đó gồm cả những nước rất phát triển và những nước đang phát triển.
Mặt trời, Thần chết và Trí tuệ |
Thách thức này đòi hỏi tìm kiếm sự cân bằng giữa kinh tế và giáo dục, giữa xã hội và phát triển con người, có bản sắc và năng lực riêng biệt.
Cá nhân tôi không trả lời được câu hỏi về quốc tế hóa, toàn cầu hóa giáo dục để tạo ra công dân toàn cầu sẽ như thế nào?.
Nhưng, xin nhắc lại ý kiến cá nhân, nếu chỉ là đặt tên quốc tế hóa giáo dục, tên của công dân toàn cầu, nhằm tối đa hóa lợi nhuận của công nghiệp giáo dục, tôi không tin các thế hệ tiếp sau sẽ có tương lai tốt hơn chúng ta.
Hãy tìm kiếm giá trị thật trong học tập, thay vì những chương trình marketing về tên gọi của giáo dục công dân toàn cầu!
Kinh tế toàn cầu, giáo dục toàn cầu và văn hóa toàn cầu: cần tư duy như thế nào?
Như chia sẻ ở trên, xuất phát từ kinh tế toàn cầu với những ứng dụng của internet, chúng ta đã đặt tên cho những chương trình giáo dục toàn cầu và có lẽ, sẽ dẫn đến, mô hình mà người ta sẽ gọi là “văn hóa toàn cầu”, mà các cửa hàng ăn nhanh có lẽ là một ví dụ điển hình.
Trong một bài luận viết cho chương trình quản trị thành công trong giáo dục đại học đa văn hóa, tôi có nêu ra một số suy nghĩ, về việc, dù chúng ta gọi là công dân địa phương hay toàn cầu, chúng ta cần phải xác định được rõ trước, tôi là ai, tôi từ đâu đến, tôi có những giá trị và phẩm chất gì, và lý do gì tôi cần quan tâm đến những điều bên ngoài xã hội, văn hóa, và công việc của tôi, và bằng cách nào tôi đi ra với thế giới tri thức, công việc và quan hệ.
Hiện tại, nhiều người đang nói đến việc đi du học để trở thành công dân toàn cầu.
Xin thưa, đó chỉ là lý do để thúc đẩy thị trường du học trên toàn cầu, từ mức 4 triệu du học sinh hiện nay lên đến 10 triệu vào năm 2025.
Việt Nam có đào tạo được công dân toàn cầu trong thời đại 4.0 không? |
Nhưng, bản chất của du học có tạo ra công dân toàn cầu hay không?
Chưa chắc, nếu nhìn vào du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, ít nhất, ở những nước như Mỹ, Úc, Singapore, Malaysia, New Zealand, nơi mà tôi có dịp trực tiếp gặp gỡ và tiếp xúc với du học sinh Việt Nam.
Nó không khác gì hình ảnh của một số trẻ em Việt, được sinh tại Sydney (Úc), nhưng lên đến 7 tuổi, không nói được tiếng Anh, bởi bố mẹ bận đi làm và gửi con cho gia đình người quen, cũng không biết nói tiếng Anh!
Đó là lý do tại sao, các tổ chức giáo dục quốc tế, ví dụ như NAFSA của Mỹ, hiện đang phải tổ chức nghiên cứu và đánh giá rất cẩn trọng những hoạt động thúc đẩy sự “hội nhập” của du học sinh quốc tế với địa phương, với học sinh bản địa và với văn hóa, con người và cuộc sống ở nơi các du học sinh đến học.
Việc sống và học tập ở nước ngoài là một lợi thế trong việc tạo dựng lên những nhận thức và chấp nhận sự khác biệt trong thế giới đa dạng này, nhưng liệu nó đã đủ để tạo nên công dân toàn cầu?
Lại phải quay về để hình dung và đồng thuận về định nghĩa, thế nào là công dân toàn cầu, khi chưa có một định nghĩa chính thức được thừa nhận.
Đo lường công dân thông thường đã không phải dễ.
Bây giờ xây dựng đo lường công dân toàn cầu, trong khi những chỉ trích về chất lượng giáo dục, xếp hạng đại học, xếp hạng kinh tế, các chỉ số phát triển một quốc gia… đang ngày càng gia tăng trên khắp các diễn đàn quốc tế, có lẽ sẽ là một công việc khó, để chúng ta cùng xác định công dân toàn cầu là ai?
Để gút lại vấn đề về giáo dục công dân rau muống hay công dân toàn cầu, xin có chuyện cá nhân rất nhỏ tôi trực tiếp biết, nhằm giúp cho chúng ta cũng suy ngẫm tiếp.
Tôi là con người thích du lịch, và dù là không có tiền nhiều, tôi cố gắng đi đây đó, chụp ảnh, nói chuyện với dân địa phương và đọc hiểu về những gì liên quan đến nơi mình đến.
Thực ra, tất cả những gì tôi làm, cũng giống y như những gì các bạn sinh viên và dân du lịch các nước đều làm trong nhiều năm rồi, nhưng không ai gọi đó là “công dân toàn cầu”.
Thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ, hơn 40 triệu dân Việt mình có điện thoại thông minh, lướt mạng xã hội hàng ngày ít nhất 2 – 4 tiếng… và có gì, đi đâu ăn gì, cũng cập nhật.
Ba phẩm chất của công dân toàn cầu, Giáo dục Việt Nam đã nghĩ hay chạm tới chưa? |
“Thích là nhích”… là khẩu hiệu của thế hệ bây giờ.
Câu hỏi đặt ra là, mặc dù có điện thoại thông minh, mặc dù có internet để tiếp xúc với toàn thế giới, có bao nhiêu người trẻ của Việt Nam dùng những thiết bị này để nâng cao kiến thức và năng lực của bản thân?
Thậm chí, chỉ nói ở một góc nhỏ, là thói quen đọc sách, hay hành xử văn hóa trên mạng xã hội?
Giá trị của toàn cầu đâu chỉ nằm trong việc bạn có điện thoại thông minh, hay bạn đang chạy 4G nhỉ?
Thậm chí, tôi không tin là công dân toàn cầu là những ai đó đi bảo vệ môi trường trong một hay hai ngày, viết thư hỏi thăm con trẻ nghèo khổ, hay tình nguyện làm giáo viên giảng dạy một vài lúc nào đó…
Những việc này là việc rất tốt, nhưng đã đủ để minh chứng cho khái niệm tôi là công dân toàn cầu… vì tôi đã tham gia giải quyết hay thực hiện những vấn đề toàn cầu?
Có lẽ tôi có quan điểm “bảo thủ”, nhưng những giá trị nhân văn của bất kỳ con người nào, tôi tin nó nằm trong văn hóa, trong hành xử, trong tư thế và vị trí mà mỗi người hàng ngày đang phải tự học hỏi.
Khi chúng ta nói đến giá trị công dân toàn cầu, nhưng những nhận thức về tự do bị giới hạn hay bị áp đặt (dù qua hệ tư tưởng hay qua tự do internet), những hành động xâm phạm và cư xử xấu với người khác (như ăn cắp tên tuổi, tài khoản mạng, tài khoản email), kêu gọi đi dạy tình nguyện cho con trẻ nhưng mức lương và coi trọng giáo viên chính thức chưa có gì cải thiện… có lẽ toàn cầu chỉ là một cách để marketing cho chương trình giáo dục mà thôi!
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, kinh nghiệm và cách hành văn của riêng tác giả.