Giáo dục mở ở bậc phổ thông: Có thể học ở nhà nhưng vẫn đi thi?

19/05/2018 06:25
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tiến sĩ Đặng Bá Lãm đặt ra vấn đề này tại phiên thảo luận về Hệ thống giáo dục mở.

Hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa tổ chức đã thu hút nhiều ý kiến tham gia về chủ đề này.

Tại tiểu ban thảo luận về nội dung Hệ thống giáo dục mở trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, các chuyên gia giáo dục đã nên các quan điểm liên quan đến hệ thống giáo dục mở.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Bá Lãm, Trưởng ban Khoa học và Dịch vụ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam nhấn mạnh: “Theo tôi, cần quy định rõ giáo dục theo hướng mở là thế nào và có những dạng thức mở gì? Những dạng thức mở ra sao thì cần khuyến khích.

Việc giáo dục mở không chỉ đối với đại học mà còn ở cả phổ thông.

Tôi ví dụ, chương trình giáo dục phổ thông sau này, người ta có thể học ở nhà nhưng vẫn đi thi được. Chúng ta có nên cho phép học ở nhà?”.

Tiến sĩ Đặng Bá Lãm phát biểu tại phiên thảo luận về Hệ thống giáo dục mở. (Ảnh: Đỗ Thơm)
Tiến sĩ Đặng Bá Lãm phát biểu tại phiên thảo luận về Hệ thống giáo dục mở. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Ở trình độ đại học, Tiến sĩ Lãm phân tích, trước đây chúng ta có chủ trương xây dựng đại học mở. Và chúng ta đã có một số trường, bây giờ làm sao thực hiện được chức năng của nó.

Theo ông Lãm, có hai dạng giáo dục mở. Một là đào tạo từ xa, không đến trường, không thấy thầy mà vẫn học được. Dạng này chúng ta nên phát triển như thế nào.

Thứ hai, giáo dục mở nhất là không cần tuyển sinh.

“Hai dạng này, chúng tôi đã đi tham quan ở Thái Lan. Tuy nhiên về Việt Nam, các dạng này không làm được. Thực tế hiện nay, các trường không mở lại làm được nhiều hơn trường mở.

Giáo dục mở rõ ràng nhất ở Việt Nam là các đại học mở. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa làm rõ được”, ông Lãm chỉ rõ.

Cũng liên quan đến vấn đề tại sao giáo dục mở ở Việt Nam chưa phát triển, một đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, đại học mở giờ đã "mở toang". Không còn địa điểm, không còn thầy nữa.

Giơ chiếc smarphone lên, vị đại biểu này nhấn mạnh: “Anh chỉ cần smartphone này là có thể học. Điều chúng ta cần xem xét là lý do tại sao “mở toang” như vậy mà không làm được”.

Vị này cho rằng, nguyên nhân là ở nhà quản trị.

Giáo dục mở ở bậc phổ thông: Có thể học ở nhà nhưng vẫn đi thi? ảnh 2“Muốn giáo dục phát triển thì giải pháp tốt nhất là tìm đến giáo dục mở"

Ngày trước, người học cần bằng, các trường cấp bằng nhưng kiến thức chưa chắc đã cung cấp đủ. Đó là nhà quản trị dở.

Những nhà quản trị bây giờ mà cấp bằng không đúng chất lượng. Người ta sẽ loại, dần dần tiến tới là không còn ai học nữa.

“Chúng tôi rất muốn việc học và cấp văn bằng phải xuất phát từ nhà quản trị, từ giá trị thật.

Nói bằng chính quy, bằng không chính quy, theo tôi, những phân biệt này sắp bị xói mòn.

Như đại học Funix dạy khoảng một nghìn sinh viên. Nhưng họ đâu có phòng học, văn bằng họ vẫn được công nhận", vị đại biểu này dẫn chứng.

Theo quan điểm của đại biểu, nhà quản trị cần phải nhận thức rõ cấp kiến thức thế nào để người học cầm tấm bằng đúng chất lượng.

"Theo tôi, chúng ta cần cơ chế cho tất cả các đơn vị giáo dục đại học theo hướng mở. Không nên chỉ đề xuất đầu tư cho đại học Mở Hà Nội và Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh”, vị đại biểu này nêu quan điểm.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lâm Quang Thiệp chủ tọa tiểu ban thảo luận nội dung về Hệ thống giáo dục mở. Ảnh: Trinh Phúc
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lâm Quang Thiệp chủ tọa tiểu ban thảo luận nội dung về Hệ thống giáo dục mở. Ảnh: Trinh Phúc

Trao đổi lại ý kiến của đại biểu này, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lâm Quang Thiệp nói: “Theo tôi, khi chúng ta “lực bất tòng tâm”, các trường đầu tư đào tạo theo hướng mở tốn quá nhiều tiền thì Nhà nước cần tâp trung đầu tư có trọng điểm.

Nếu đầu tư vào hệ thống giáo dục mở, đào tạo từ xa, theo tôi nên đầu tư vào 2 Đại học Mở . Bởi nếu đầu tư dàn trải, từng trường sẽ không làm được gì cả"

Giáo sư Thiệp minh chứng, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, họ phải đầu tư rất lớn cho các đại học mở trọng điểm, dẫn dắt hệ thống giáo dục mở. Còn các đại học mở của nước ta, chưa hề được đầu tư.

Một vị đại biểu tham dự Hội thảo đặt câu hỏi, dạng học online có được gọi là dạng giáo dục mở không? Thật sự khái niệm mở, trong nhiều văn bản chỉ mới đề cập mà chưa nói đến nội hàm.

Giáo dục mở ở bậc phổ thông: Có thể học ở nhà nhưng vẫn đi thi? ảnh 4Những bất cập khi đào tạo theo giáo dục mở và từ xa

Vì thế, theo vị này, mỗi người đang hiểu giáo dục mở theo một cách khác nhau. Theo vị đại biều này, nên nói rõ nội hàm của giáo dục mở.

Bàn thêm về giáo dục mở ở bậc học phổ thông. Tiến sĩ Phạm Quang Tiến, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, độ mở ở bậc học này đến đâu là phù hợp, phải cân nhắc”, Tiến sĩ Tiến nói.

Ông lấy ví dụ, trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có môn học bắt buộc (Văn, Toán, Ngoại ngữ) và các môn học tự chọn. Đối với cá môn học tự chọn có tự chọn bắt buộc và không bắt buộc.

“Điều này làm cho độ mở theo tôi thành mở toang. Học sinh thích học gì thì học, không thích học thì thôi.

Thực tế có những năm, học sinh ngoài 3 môn bắt buộc thì chỉ chọn môn khoa học tự nhiên là môn tự chọn.

Các em không chọn môn học xã hội. Vậy thì giáo viên Sử, Địa, Giáo dục Công dân làm thế nào?

Theo tôi, đó lại là điều nguy hiểm.

Những năm như vậy, ban giám hiệu nhiều trường lao đao.

Quan điểm mở toang như vậy cần nhìn nhận lại”, Tiến sĩ Tiến băn khoăn.

Đỗ Thơm