Với những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa, 51 tuổi, Trưởng Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế được vinh danh tại Giải thưởng Kovalevskaia 2023.
“Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành một giải thưởng có uy tín lớn trong giới khoa học Việt Nam. Giải thưởng mang ý nghĩa quốc tế này đã góp phần động viên các nhà khoa học nữ của Việt Nam, trong đó có tôi phấn đấu có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế - xã hội được ứng dụng trong thực tế, nhằm tăng thêm uy tín của hoạt động khoa học của phụ nữ Việt Nam trên thế giới”, Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa - chủ nhân Giải thưởng Kovalevskaia 2023 chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Chưa bao giờ hoài nghi về lựa chọn của bản thân
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ba mẹ đều là cựu cán bộ giáo viên của Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, bởi vậy như một lẽ tự nhiên, nữ sinh xứ Huế khi ấy cũng được truyền cảm hứng sâu sắc và quyết định lựa chọn theo học về nông nghiệp.
Trải qua hơn 30 năm học tập và giảng dạy, nghiên cứu về nông nghiệp, nữ giáo sư tâm sự chưa bao giờ hoài nghi về lựa chọn của mình. Từ những năm tháng đầu tiên trên giảng đường đại học tới khi chính thức trở thành giảng viên tại chính nơi cô đã được học, đến nay nữ giáo sư đã gắn bó với Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế hơn 30 năm.
“Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế chính là ngôi nhà thứ hai của tôi, nơi đã đào tạo và hỗ trợ tôi trong suốt quá trình học tập, giảng dạy và nghiên cứu trong thời gian qua. Để có được những thành tích như ngày hôm nay, tôi đã luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp uỷ Đảng và lãnh đạo nhà trường, sự đồng hành, động viên, yêu thương và chia sẻ của thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè và sinh viên qua các thế hệ”, Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa bày tỏ.
Và trong suốt hơn 30 năm qua, nữ giáo sư đã tích cực tham gia giảng dạy, nghiên cứu và thường xuyên đi xuống các vùng nông thôn để thực hiện các đề tài dự án, tiếp xúc với những người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở các vùng miền núi.
“Tôi cảm thấy công việc của mình rất có ý nghĩa vì đã góp phần giúp người nông dân tiếp cận được với các tiến bộ kỹ thuật, cải thiện thu nhập cho họ, góp phần sản xuất cây trồng bền vững hơn và đảm bảo được môi trường sinh thái”, cô Hòa tâm sự.
Tính đến nay, nữ giáo sư đã công bố 148 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế; trong đó, có 19 bài trên tạp chí ISI/Scopus. Trong đó có 6 hợp đồng tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ, sở hữu 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích về quy trình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và quy trình sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh.
Hướng nghiên cứu chính mà Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa theo đuổi là quản lý tổng hợp đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững. Trong đó, lĩnh vực tập trung là nghiên cứu độ phì nhiêu của đất và xây dựng quy trình sản xuất, sử dụng phân bón cho cây trồng ở miền Trung. Đây là hướng nghiên cứu có khả năng ứng dụng tại miền Trung Việt Nam, đã được đưa vào sử dụng trong thực tế.
Đồng thời, tập trung vào ứng dụng biện pháp phi hóa học để giảm sử dụng phân bón hóa học, giải quyết vấn đề an toàn nông sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng.
Ngoài ra, Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa còn có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng đặc biệt thành công, như nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và phế phụ phẩm nông nghiệp. Công trình này đã góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời cung cấp nguồn phân hữu cơ chất lượng cao cho sản xuất nông nghiệp xanh, tạo ra lợi ích kinh tế xã hội to lớn.
Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa đã được trao 9 giải thưởng cấp quốc gia và cấp tỉnh dành cho các công trình nghiên cứu. Nhận được nhiều danh hiệu thi đua khen thưởng như chiến sĩ thi đua cấp Bộ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chia sẻ về hướng nghiên cứu của mình, Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa cho biết, nghiên cứu độ phì đất là công việc cần thiết để đánh giá được độ phì nhiêu thực tế và độ phì tiềm tàng, từ đó xác định được các biện pháp sử dụng đất một cách hợp lý.
“Hiện nay, sản xuất cây trồng đang đứng trước thách thức lớn về vấn đề an toàn nông sản và tác động của biến đổi khí hậu. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tính mất an toàn trong sản xuất là do việc sử dụng quá mức phân bón hóa học.
Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp phi hóa học nhằm thay thế hoặc giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học là hết sức cần thiết. Sử dụng phân bón không hợp lý cũng gây nên những ảnh hưởng đến môi trường như thoái hóa đất, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tác động đến biến đổi khí hậu, đến cây trồng, vì vậy cần thiết phải tìm ra các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp cho các loại cây trồng ở các điều kiện khác nhau để sản xuất ra nông sản phẩm an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, nữ giáo sư phân tích thêm.
Trong các hoạt động nghiên cứu hiện tại và tương lai của mình, nữ chủ nhân Giải thưởng Kovalevskaia 2023 chia sẻ, có nhiều vấn đề về đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững có thể được nghiên cứu tiếp như quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập của người sản xuất, an toàn với người sản xuất và người tiêu dùng đóng góp vào phát triển nông nghiệp bền vững cũng như góp phần giảm phát thải carbon để giảm thiểu tác động của sản xuất nông nghiệp đến hệ sinh thái tự nhiên.
Nghiên cứu khoa học là một công việc đầy gian khó đối với cả nam giới và phụ nữ
Theo cô Hòa, làm việc và nghiên cứu về nông nghiệp cần thực hiện ở cả phòng thí nghiệm và cả trang trại, đồng ruộng. Khác với các ngành nghề khác, nghiên cứu về nông nghiệp yêu cầu nhà khoa học phải tiếp xúc trên thực tế trong điều kiện làm việc khó khăn hơn như chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khí hậu, thiên tai, bão lụt... Vì việc nghiên cứu, khảo sát thực tế sẽ giúp ích trong vấn đề thử nghiệm, lên ý tưởng mô hình, đề xuất các biện pháp và đồng hành cùng nông dân trong khâu sản xuất.
“Nghiên cứu khoa học là một công việc đầy gian khó đối với cả nam giới lẫn phụ nữ. Nhưng phụ nữ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi bước chân vào nghiên cứu khoa học. Đặc biệt các khó khăn về thời gian do phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình, nên phụ nữ khó có thể dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học”, vị giáo sư phân tích.
Nói thêm về những đặc thù nghiên cứu trong lĩnh vực của mình, cô Hòa cho biết do lĩnh vực nghiên cứu trong nông nghiệp, nên phải tiến hành các thí nghiệm. Các nghiên cứu trên đồng ruộng chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khí hậu, nên không phải lúc nào các nghiên cứu cũng thành công và phải thực hiện lại mới đạt được kết quả mong muốn. Ngoài ra còn gặp phải các khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn kinh phí phục vụ cho nghiên cứu.
“Để nghiên cứu khoa học thành công, đòi hỏi phải có sự đam mê, nhiệt huyết, kiên trì và bền bỉ mới đạt được mục tiêu đề ra”, Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa nhấn mạnh.
Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển và có nhiều đóng góp to lớn trên mọi lĩnh vực. Trong nghiên cứu khoa học, để khuyến khích và phát triển đội ngũ các nhà khoa học nữ phát huy vai trò của mình, chủ nhân Giải thưởng Kovalevskaia 2023 đề xuất cần có các chính sách đặc thù về hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ cho phụ nữ như chính sách khen thưởng, nâng lương, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, lựa chọn và tuyển dụng,... Khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ như tăng cường giao các đề tài, dự án cho các nhà khoa học nữ để sử dụng tài năng của họ một cách tối đa. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường nghiên cứu tốt cho phụ nữ. Cần bổ sung nhiều những chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia áp dụng cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc để khuyến khích sự phát triển các nhà khoa học nữ.
Không chỉ nổi bật về nghiên cứu khoa học, Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa, với vai trò là một Trưởng khoa Nông học, một giảng viên, cô luôn đặt trách nhiệm công việc lên hàng đầu, hướng dẫn tận tâm, truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.
Hiện nay, một trong những thách thức lớn trong đào tạo nhân lực về nông nghiệp hiện nay là số lượng thí sinh chọn học về ngành này ngày càng giảm. Nữ Trưởng khoa Nông học trăn trở:
“Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sinh viên theo học ngành nông nghiệp đang giảm dần, cứ sau 5 năm lại giảm từ 10-15%. Do đó, nguồn nhân lực được đào tạo cho ngành nông nghiệp càng thiếu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành này về lâu dài”.
Nhằm khuyến khích người học quan tâm hơn tới các ngành về nông nghiệp, Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa cho rằng nhà nước cần có chính sách đặc thù đối với các trường đào tạo ngành nông nghiệp như hỗ trợ học phí, cung cấp học bổng, tăng cường công tác truyền thông để thấy rõ vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước và trong thay đổi nhận thức sai lầm cho rằng nông nghiệp là nghèo khó.
“Hầu hết sinh viên học nông nghiệp đều xuất phát từ các vùng nông thôn, do vậy các em hãy quý trọng nông nghiệp, yêu quý quê hương và có trách nhiệm với quê hương, cộng đồng. Các em hãy tin tưởng chọn ngành nông nghiệp, vì sau khi ra trường các em chính là những người sẽ phục vụ cho sự phát triển của quê hương. Nông nghiệp thông minh là xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Xu hướng này hiện đã được cập nhật vào chương trình đào tạo cho sinh viên Việt Nam để sẵn sàng phát triển một nguồn nhân lực thế hệ mới cho phát triển nông nghiệp” - Giáo sư Hoàng Thị Thái Hòa nhắn gửi tới các sinh viên.
Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà toán học Nga Sophia Kovalevskaia. Giải thưởng được trao thường niên từ năm 1985 nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên – một lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức.