LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết thứ (29) - Quân khu Nam Đồng.
Đây là những ghi chép lại của Giáo sư từ truyện “Quân khu Nam Đồng” - một tác phẩm rất hay và đầy xúc động về tuổi hoa niên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
“Quân khu Nam Đồng” ghi là Truyện, nhưng không phải Tiểu thuyết, không phải Truyện ngắn hay Truyện dài, không phải Bút ký hay Hồi ký mà đúng chỉ là Truyện.
Theo nhà văn Bảo Ninh thì “đây là một tác phẩm viết rất hay và đầy xúc động về tuổi hoa niên.
Tình mẹ con, tình cha con, tình thầy trò, tình huynh đệ chiến hữu cùng trường cùng phố, tình yêu đầu đời vô cùng non nớt mà sâu nặng tuổi học trò, từ trong quá khứ thời gian khổ trở về dào dạt tâm hồn tôi khi đọc cuốn sách phải nói là rất lạ lùng”.
Đúng là cuốn sách có 437 trang này rất hay và rất đáng đọc, tái bản nhiều lần nhưng vẫn rất khó để tìm mua được.
Sách ghi tác giả là Bình Ca, nhưng thực ra anh chỉ là người chắp nối và chấp bút cho hồi ký của cả một hội các con em cán bộ quân đội sống ở khu tập thể Nam Đồng từ thời học sinh cấp hai cho đến ngày kỷ niệm 50 năm thành lập khu tập thể (2014).
Cuốn truyện Quân khu Nam Đồng (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Tôi chỉ xin trích đăng một số câu mà tôi thấy rất tâm đắc:
- Bọn mình cũng đã trải qua đủ ngọt bùi cay đắng, nhưng phải thừa nhận, thời gian sống ở khu Nam Đồng là những ngày vui và đẹp nhất…Chẳng hiểu sao ngày đó, một lũ trẻ ranh mà dám xưng hùng xưng bá với thanh niên Hà Nội.
- Ôi anh Việt, nhớ em không? Hì, nhìn kiểu này chắc không nhớ rồi! Ngày xưa, anh em mình cởi truồng tắm chung với nhau… Vẫn không nhớ à? Ôi chán cái anh này quá! - Anh không nhớ. Nhưng…bây giờ mình trở về quá khứ được không em? - Cô em cười: Anh quá đáng vừa chứ!
- Nếu ngày xưa các ông biết sợ như thế, khu tập thể Nam Đồng đã chẳng biến thành Quân khu.
- Nó nghĩ bụng: Không xuống hầm chưa chắc đã chết, xuống hầm có khi lại chết vì rắn độc. Tuy vậy, quy định báo động phải xuống hầm. Mọi người xuống cả một mình ở trên cũng khó coi.
- Giờ Địa lý của thầy trở thành giờ học được yêu thích nhất. Không hiểu sao, chỉ nghe thầy giảng trên lớp, mọi người đều có cảm giác về nhà không cần học lại vẫn thuộc bài.
- Từ sáng mai, tất cả bọn mình đi học cùng nhau, và chỉ mặc quần áo bộ đội, hay ít nhất cũng mặc áo bộ đội. Chúng mày nghĩ xem, thấy hai chục thằng trông như bộ đội, muốn xông vào cướp cũng thấy ngán. Nếu từ mai nó chặn đường cướp, tất cả anh em sẽ cùng xông vào đánh nhé.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (25) - Máy định vị tấm lòng |
- Tới nơi, cả bọn đều lặng người, không ngờ nhà thầy lại nghèo đến thế. Nhà thầy chỉ là một căn lều nhỏ, lợp mái tôn, mưa dột tí tách, phải hứng bằng mấy chiếc chậu và ca uống nước đặt trên sàn.
Vách nhà là dăm tấm liếp tre buộc vào mấy cái cột. Giường nằm bề bộn đủ thứ, phía trên căng hai tấm ni lông. Nhà có độc một chiếc ghế thầy đang ngồi, cạnh cái bàn nhỏ để chấm bài.
- Với tuổi trẻ nỗi buồn thường qua đi rất nhanh. Lúc nào chúng cũng tìm ra phép thắng lợi tinh thần theo kiểu AQ.
- Hoà ngẫm nghĩ, thấy trình độ văn chương của Việt đúng là khó mà viết được một bức thư tình hay. Nhưng khi Hoà hỏi Việt muốn viết cái gì thì nó bảo: Tuỳ mày, viết sao cho nó yêu tao là được. Mày cứ tưởng tượng như đang viết thư cho người yêu của mày ấy.
- Việt sợ Mai Hương giận vội vã cam kết, nếu sau này tay nó còn tự động cầm tay Mai Hương thì nó sẽ tự nguyện chặt một tay, chặt hết tay nó sẽ chặt đến chân…
Nghe tới đoạn Việt cam kết, Khanh bò ra cười: Cứ đà này chẳng mấy chốc mày sẽ cụt hết tứ chi. Hòa phản đối: Làm sao hết tứ chi được. Chặt hết hai tay rồi, lấy đâu tay đụng vào nó nữa mà mất chân!
- Các ông bố quân nhân thời đó có ít thời gian ngó ngàng tới con cái. Mọi việc chăm sóc, dạy dỗ con đều khoán trọn cho vợ.
Các bà vợ ngoài công việc cơ quan còn phải thức khuya dạy sớm hứng nước, xếp hàng mua gạo, mua dầu, mua cá, mua đậu, nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau, rồi thì nhận đan len, dán hộp, gói kẹo thuê…
Vì vậy, việc giáo dục trẻ con được các bà mẹ tin tưởng giao cho nhà trường và sau đó là phó mặc cho chính bản thân chúng “tự giáo dục”.
- Hôm vừa rồi thằng Tường khu mình đến cưa con Hải Nhà 7 bị chúng nó đánh cho chạy mất dép. Sáng hôm sau thằng Quốc Tẩm sách cả đôi dép tông Trung Quốc lên tận lớp 10B rêu rao:
Chúng tôi đánh anh chứ có ăn cướp dép của anh đâu? Lần sau anh ăn đòn xong nhớ đứng lại nhặt dép, đừng để tôi phải làm thằng xách dép cho anh!
- Anh em Quân khu, dù không nói, nhưng đều tuân thủ nguyên tắc “Tất cả vì một người, một người vì tất cả”. Dù anh em có sai đi nữa, nhưng nếu bị ai đánh, mình phải coi như chính mình bị đánh!
- Mình là con nhà lính, làm chuyện gì cũng phải đàng hoàng. Nếu mày không vượt qua được lần này thì sau này mày sẽ lại ăn cắp tiền của mẹ mày nữa.
- Cô Chung cạnh nhà tao còn nhường cả phòng tắm cho lợn. Lợn có khăn mặt riêng, buổi sáng được lau mặt như người. Cả nhà có mỗi cái quạt tai voi cũng dành cho lợn.
- Bố thằng Khanh bảo Nguyễn Hữu An khu mình là một trong bốn tướng tài nhất bây giờ. Thằng Đính vẫn khăng khăng “Tướng giỏi thì xếp hàng cũng phải giỏi”.
- Đứa bé chỉ cái bể nước chính: “Anh ấy bơi trong này cơ”. Việt càng tức. Nó tưởng tượng ngay ra cảnh một thằng ghẻ lở hắc lào kỳ cọ đủ các thứ bẩn thỉu vào bể nước ăn của cả khu, và quyết định: “Tối nay tao sẽ rình bắt và đánh cho thằng này một trận nhớ đời”.
- Ngày 16/4/1972, Mỹ lại ném bom Hà Nội. Học sinh lớp 10 được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông mà không phải thi. Nhiều đứa sau khi nhận bằng, chẳng chờ tới kỳ thi đại học, viết đơn xung phong vào bộ đội luôn.
- Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao ngày ấy con trai và con gái khu Nam Đồng có rất ít đôi nên duyên?
Từ nhỏ hai bên đã coi nhau như bạn bè, bằng vai phải lứa, đã từng tranh nhau một chỗ xếp hàng mua thực phẩm, cãi nhau vì hứng trước, hứng sau một xô nước, đánh nhau vì tội mách lẻo với thầy cô, xưng hô mày tao chi tớ… nói chung là biết nhau quá rõ.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (23) - Hạnh phúc do bạn lựa chọn |
Tình yêu vốn dĩ mù loà. Trong khi bọn chúng đến gần nhau mà mắt sáng choang như đèn ô tô, chưa cần tìm hiểu đã biết rõ nhau đến chân tơ kẽ tóc, đúng là khó… yêu.
- Trong giờ học Lịch sử, Khanh ném cho Hoà một mảnh giấy viết mấy chữ, thách Hoà đối “QUÂN NGÃ RA BÌNH, THÔI SẮC TỆ”.
Hoà càng nghĩ càng tắc tỵ. Tan học Hoà hỏi Khanh: “Cái câu tiếng Hán ấy nghĩa là gì? Khanh cười: “Hán đâu mà Hán. Quân ngã là Quẫn. Quẫn ra bình là Bĩnh ra quần, làm gì mà chẳng Thôi sắc!
- Hè năm lớp Chín trôi qua thật nhanh và các trận đánh nhau cũng giảm. Nghĩ lại, có lẽ là do tình yêu. Trong ngày, thời gian là một hằng số. Nếu dành nhiều thời gian cho tình yêu sẽ ít thời gian cho đánh nhau. Hơn nữa, ai khi yêu cũng hiền, vì trước tình yêu con người trở nên hướng thiện.
- Mặc dù các bạn trai lớp mình hay đánh nhau, nhưng phải thừa nhận các bạn ấy là những người rất nghĩa hiệp, tôn thờ tính cộng đồng và sẵn sàng xả thân vì bạn bè.
- Với dòng máu con nhà lính chảy trong huyết quản, chúng rất tự hào khi khoác bộ áo lính lên người, bộ quần áo mà chúng đã xin bố để mặc từ những ngày lớp bảy, lớp tám. Không ít đứa đã chọn việc nhận giấy trúng tuyển nghĩa vụ quân sự thay vì nhận giấy gọi vào đại học.
- Nó trả lời chấm Hà 10 điểm. Khanh nói: Vấn đề không phải là điểm nhiều hay ít, mà là sự cân bằng. Bây giờ mày tìm hiểu xem Hà mong muốn người yêu của nó có những đặc điểm gì, mày có bao nhiêu điều đáp ứng được? Sự tương đồng tạo nên cân bằng cho tình yêu.
- Tao cũng không hiểu vì sao nó sợ đi bộ đội đến thế? Khu mình có hàng trăm thanh niên, thằng nào đến tuổi nghĩa vụ quân sự cũng vui vẻ lên đường. Ông Thọ anh trai trằng Minh, ông ấy có giấy gọi đi nước ngoài học nhưng không đi, còn viết đơn bằng máu xin nhập ngũ.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (20) - Tuổi trẻ không hối tiếc |
- Cách đây một tuần Hương lên thăm tao. Hương cho biết sẽ bỏ học và xin gia nhập “Đoàn Văn công Quân giải phóng”. Như vậy Hương sẽ cùng tao vào chiến trường. Sau này giải phóng, tao về đâu, Hương sẽ tới đó.
- Có những thời điểm, việc bày tỏ tình cảm của các chàng trai dễ được các cô gái chấp nhận. Đó là vào dịp họ chuẩn bị nhập ngũ hoặc chuẩn bị lên đường ra mặt trận.
- Ngọc đã không nói được với Liên lời tỏ tình. Sau khi nhập ngũ nó phải tập trung huấn luyện gấp rút rồi vào thẳng chiến trường miền Nam, không kịp rẽ qua gặp Liên tạm biệt. Ngọc hy sinh ở mặt trận Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn, một vài tuần trước ngày 30/4/1975.
- Cuốn sách này để dành tặng cho tất cả các cư dân của khu tập thể quân đội Nam Đồng và những người yêu mến các chàng trai, cô gái nghịch ngợm ngày xưa ấy.
Xin cám ơn vì mấy chục năm qua, họ đã cùng nhau gìn giữ cho chúng ta những hồi ức về một khu gia binh đầy kỷ niệm.