LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết thứ 4 đọc giùm bạn: Tôi học được nhiều từ cháu.
Đây là những ghi chép lại của chính Giáo sư từ cuốn sách “Du học Mỹ tuổi 16” vừa mới xuất bản của cô học trò nhỏ Trịnh Thị Huyền Vi.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
- Đi du học cái gì cũng phải tự động não mà nghĩ chứ không còn văn mẫu, sách mẫu, sách giải bài tập nào nữa. Chúng tôi phải đến trường hàng ngày, làm bài tập, đọc rất nhiều sách, tìm hiểu nhiều tư liệu.
- Học hay thi hay làm bất cứ thứ gì ở Mỹ đều như đánh một trận chiến mà ai cũng hiếu thắng vậy. Áp lực và nhiệt độ như một cái lò nung. Nhưng không nung thì đất sét mãi chỉ là đất sét.
- Học sinh nào cần thấy học thêm thì giáo viên vẫn luôn ở đấy, vấn đề là mình có đến hỏi họ hay không?
- Ở Mỹ mỗi tiết học là một tiếng rưỡi, thiên về những cuộc thảo luận hơn là giáo viên đứng lớp và giảng. Họ không bắt ai học, họ không thúc giục học sinh là phải học đi. Nhưng bài tập thì rất nhiều.
- Gian lận và sao chép ở Mỹ là hai thứ mà họ ghét nhất. Cậu bạn tôi từng gian lận trong một bài luận. Cậu ấy kiếm được cái bài văn đó ở một trang web tận Thụy Điển nên đinh ninh là sẽ không làm sao cả, trường vẫn bắt được. Kết quả là cậu ấy bị kỷ luật rất nặng.
- Những người nỗ lực hết mình, hay tham gia góp ý vào các tiết học, có ý kiến riêng của bản thân, hoàn thành bài tập đầy đủ và bỏ thời gian của mình ra sẽ luôn luôn được đánh giá rất cao. Nỗ lực ở Mỹ là không bao giờ thừa. Các thầy cô giáo sẽ chấm thêm điểm nỗ lực.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Phải dám tin để luôn là chính mình |
- Mỗi đề thi của chúng tôi dài từ 14 đến 20 trang khổ giấy A4. Khi họ đưa cho bạn cái tập đề thi ấy, nếu bạn không chạy nước rút với thời gian, không ôn tập kỹ, không huy động tất cả chất xám trong đầu bạn về lĩnh vực ấy thì xin chúc mừng, bạn chắc chắn sẽ trượt.
- Nếu họ không thấy rằng bạn là người có thể “dạy được” họ sẵn sàng trả bạn về cho gia đình. Trường tôi không đuổi học sinh, nhưng họ đã từng viết thư cho một học sinh quốc tế rằng họ hy vọng không phải gặp lại học sinh đó ở trường. Thế thôi.
- Ở Mỹ tôi được dạy là tôi luôn phải cố gắng để tìm ra con đường của mình vì tôi còn trẻ, và người trẻ nào thì cũng lạc lối, vấp ngã rất nhiều lần.
- Sang Mỹ rồi càng hiểu không phải là cặp sách nặng mà ước mơ mới là nặng. Ước mơ để trở thành một con người hoàn thiện hơn và tốt đẹp hơn.
- Tôi chỉ có một con đường là cố gắng hết sức, vì thanh xuân có hạn và còn vì không ai đánh thuế mơ ước. Nhưng cái mà người ta đánh thuế là sự nỗ lực. Bạn không thể cứ mãi sống một cách bất cẩn rồi mong mơ ước của mình thành sự thật.
- Ai biết sau này sẽ như thế nào, nhưng thanh xuân chỉ có một lần, lãng phí nó để sống một cuộc đời núp sau bóng người khác thì không bao giờ là đáng nhớ cả.
- Hãy sống và học tập hết mình vì chiếc cặp bạn mang trên lưng có thể chứa đựng ước mơ của cả cuộc đời bạn mà bạn chưa tìm ra.
- Cho dù là ích kỷ thì vẫn phải yêu bản thân trước tiên. Phải yêu bản thân thì mới yêu người khác được. Không có gì sai khi yêu bản thân một tý, hiếu thắng và điên rồ một tý.
- Ở Mỹ người ta vẫn dạy: Nếu bạn chán ghét một điều gì, hãy cứ cố gắng níu giữ thêm một ngày nữa thôi vì ai mà biết điều gì sẽ xảy ra trong ngày mai.
- Tất cả những gì nền giáo dục Mỹ làm đều nhằm mục đích giúp học sinh tiếp thu tốt nhất. Họ không quy chuẩn giáo dục dựa trên bất kỳ một ai. Vì mỗi người có một khó khăn riêng trong việc tiếp thu mà có khi chính người đó cũng không hề hay biết. Giáo dục vốn dĩ là dành cho tất cả mọi người thì nó phải thật sự là dành cho tất cả mọi người.
- Lớp học của chúng tôi thiên về những cuộc thảo luận hơn là giáo viên đứng giảng, học sinh ngồi chép. Thậm chí có nhiều hôm lớp học như một cái chợ vì bất đồng quan điểm và mọi người bắt đầu cãi nhau. Giáo viên tất nhiên sẽ không đập bàn hay gõ thước nhắc “cả lớp trật tự” mà họ còn tham gia góp vui vào cái chợ đó. Ở Mỹ chẳng có một thiếu niên nào rụt rè trong việc chia sẻ ý kiến của họ.
- Trong tất cả các lớp học của Mỹ, chắc là trừ môn Toán ra, chúng tôi đều phải đọc rất nhiều sách. Ở đây người ta gọi là “được đọc rất nhiều sách”. Và đọc ở đây không phải chỉ là đọc cho vui. Sau mỗi quyển sách đọc ở lớp tiếng Anh học sinh chúng tôi phải viết bài luận 2 đến 5 trang giấy để phân tích một chủ đề nào đó trong tác phẩm ấy.
- Chúng tôi được dạy là phải đẩy giới hạn của mình lên cao hơn, phải bước ra ngoài cái vòng an toàn để mạnh mẽ hơn.
- Từ sau khi sang Mỹ cuộc sống của tôi đều bị đảo lộn. Tuy nhiên lúc nào cũng bất ngờ, cũng hào hứng lại là cách sống mà tôi thấy phù hợp với bản thân, với những người không thích yên vị, không thích sự bình lặng.
- Sang Mỹ rồi tôi mới bắt đầu tin rằng kiến thức thật sự có thể kéo ta đi một con đường dài và vững chắc hơn.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Nói nhiều thêm hối hận (3) |
- Theo các nghiên cứu tâm lý học mà tôi vừa học được cách đây chưa lâu, độ tuổi thích hợp nhất để học ngôn ngữ là từ 0 đến 7 tuổi. Sau năm thứ 7 của đời người khả năng học ngôn ngữ mới sẽ liên tục giảm dần đều theo thời gian. Đó là lý do tại sao bố mẹ nên cho con đi học càng sớm càng tốt.
- Những mẫu câu như quá khứ hoàn thành, tương lai hoàn thành, tương lai hoàn thành tiếp diễn, bị động, và nhiều thứ khác, nói thẳng ra là không cần thiết. Ở Mỹ người ta không kiểm tra những mẫu câu như thế hay là bắt bạn điền từ vào chỗ trống.
- Bí quyết để học tốt tiếng Anh, đầu tiên là đọc. Đọc sách, báo, tiểu thuyết, truyện tranh…Càng đọc sẽ càng quen. Xem phim phụ đề tiếng Anh. Dùng từ điển Anh-Anh thay vì Anh-Việt và nói chuyện một mình bằng tiếng Anh (nhưng đừng để bị bắt gặp vì người ta sẽ tưởng thần kinh mình có vấn đề).