LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết thứ 44 - 100 ý tưởng PR tuyệt hay.
Đây là những ghi chép lại của Giáo sư từ cuốn “100 ý tưởng tiếp thị tuyệt hay” do Nhà xuất bản Trẻ phát hành với bản dịch của Mạc Tú Anh và Hoàng Dương.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Jim Blythe là Giáo sư thỉnh giảng Marketing tại Đại học Plymouth, Vương quốc Anh.
Jim Blythe đã từng là một sĩ quan Hải quân, một thợ làm tóc nữ, một nhà tư vấn kinh doanh, một nhạc sĩ nhạc rock, một tài xế xe tải, một giám đốc công ty và một nhà viết kịch .
Anh đã viết 18 cuốn sách và là đồng tác giả cho 8 cuốn sách khác. Cuốn “100 Great PR Ideas” còn được dịch là “100 ý tưởng tiếp thị tuyệt hay”do Nhà xuất bản Trẻ phát hành với bản dịch của Mạc Tú Anh và Hoàng Dương.
Những tiếp thị (PR) nêu trong sách là của các Công ty hàng đầu trên khắp thế giới.
Bìa cuốn sách 100 ý tưởng PR tuyệt hay (Ảnh: tác giả cung cấp). |
- Chọn người thích hợp vào nhóm nghiên cứu khủng hoảng. Họ cần phải đủ chín chắn để chiếm đoạt tín nhiệm từ phía công chúng của công ty, đoán biết được các vấn đề và giải pháp có thể xảy ra.
- Buộc các đối thủ rơi vào thế tiêu cực, tạo cho bạn lợi thế tức thời trong việc thiết lập uy tín trong tâm trí công chúng. Hãy chăm chú vào điểm tích cực mà bạn đã lựa chọn.
- Mỗi cửa hàng đều được khuyến khích làm từ thiện cho cộng đồng địa phương. Kết quả là nhân viên cảm nhận được họ là một phần của cộng đồng địa phương, họ cảm thấy đang làm việc cho một người chủ có đạo đức và cảm thấy gắn bó với tập thể hơn.
- Dàn dựng một vụ mâu thuẫn giữa một người nổi tiếng với một kẻ ngoài cuộc, chẳng hạn, công thức pha rượu trái cây Pimm... Khán giả vừa sửng sốt, vừa bị lôi cuốn, hình tượng sản phẩm được nổi bật vì đáng để tranh luận.
- Việc trở thành nhà tài trợ chính thức cho World Cup 1998 làm cho Adidas tốn hết 20 triệu bảng Anh. Nike tìm cách khác- làm ra làng bóng đá ở gần Paris và miễn phí vào cửa để xem nhiều sự kiện vui thú dành cho các fan bóng đá trẻ. Nike còn tổ chức road show khắp nước Pháp. Rất hiệu quả mà chỉ tốn có 4,2 triệu bảng Anh. Cách này gọi là PR mai phục.
- Nhiều công ty thành công trong việc cho ra đời những mẫu quảng cáo hài hước. Khi các quảng cáo về thuốc lá bị cấm, công ty xì gà Hamlet đã tài trợ cho giải thưởng Bad Sex (tình dục xấu) cho các tác phẩm văn học của tạp chí Literary Review và đã nhận được hiệu quả rất cao.
- Thành công vượt bậc trong PR là nhờ làm khác với những gì mà tất cả những người khác đang làm. Trong khi cuốn Harry Potter và chiếc cốc lửa chưa được phép bán, một siêu thị đã tung ra video chiếu cảnh sách được đưa đến các hiệu sách trong... xe bọc thép. Thế là khi đã chính thức được bán người ta xếp hàng rồng rắn để mua sách.
- Có một số hình thức thi đấu được báo chí đưa tin mang lại hiệu quả PR rất cao. Năm 1950 có một làng chài đẹp như tranh ở Tây Ban Nha, lại gần sân bay, vì muốn thu hút khách du lịch nước ngoài nên ngài Thị trưởng đã quyết định tổ chức thi sáng tác bài hát về ngôi làng này.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (13) - Cần làm gì để giàu có? |
Bài hát đoạt giải đã vang lên khắp các nước nói tiếng Tây Ban Nha và du khách tấp nập kéo đến sau khi các nhà đầu tư đã tạo nên rất nhiều khách sạn tại thị trấn Benidorn mới được lập giữa ngôi làng này.
- Cố gắng đăng được một bài báo viết từ chi tiết đến khái quát và phải hấp dẫn. Chẳng hạn đưa tin nhà máy tạo thêm được 250 việc làm mới và vẫn đang tiếp tục tuyển thêm công nhân.
- Tổ chức các sự kiện truyền thông sao cho khác với thông cáo báo chí. Tạo điều kiện để các nhà báo phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo công ty và sự kiện công bố phải có tính thời sự.
- Tìm ra phương tiện thích hợp để tiếp thị trẻ em trước khi đối thủ cạnh tranh làm chuyện đó. Có thể là cột tranh vui hay trò chơi vi tính tải được các thông tin cần tiếp thị.
- Một lời khen ngợi thích đáng cho nhà báo mà công ty đã có mối quan hệ thường xuyên sẽ làm tăng tình cảm và lòng tự hào của nhà báo.
- Nên làm PR thông qua các cơ quan truyền thông nhỏ hơn là dính vào các ông lớn. Các chuyên san nhỏ, các đài phát thanh và truyền hình địa phương thường chuyên biệt hơn và dễ tiếp cận hơn .
- Đọc kỹ để hiểu rõ nhà báo mà mình đang giao thiệp, giúp cho nhà báo tạo thêm sự hấp dẫn với độc giả.
- Mở ra tranh luận trong công chúng, ví dụ Công ty Starbucks - chuỗi nhà hàng bán cà phê - đã thay đổi một chút logo nàng tiên cá (để lộ ngực nhiều hơn) gây ra sự tranh luận sôi nổi trên báo chí và làm tăng tiếp thị cho thương hiệu.
- Tạo trang web nằm trong 10 kết quả tìm kiếm đầu tiên trên Google. Việc chọn từ khoá là rất quan trọng, sao cho mọi người dễ dàng nhìn thấy khi tìm kiếm trên internet.
- Doanh nhân đừng tách bạch đời sống cá nhân với doanh nghiệp. Cần tạo điều kiện để tiếp thị mọi nơi, mọi lúc. Có thể in logo hay slogan của công ty ngay trên áo mặc đi làm hay trên áo mưa phát cho nhiều người.
- Xem xét tất cả những nơi có thể gửi bài và gửi những bài thích hợp cho từng tờ báo. Ví dụ viết bài lợi ích của ăn chay đăng trên một tạp chí về sức khoẻ. Bài báo chỉ tạo được hiệu quả khi các ký giả thấy được tính đương thời của câu chuyện.
- Việc có nhiếp ảnh gia đến chụp hình cho sự kiện truyền thông của bạn sẽ làm tăng ảnh hưởng cho bài viết lên rất nhiều và làm tăng thêm hứng thú của công chúng đối với sản phẩm của công ty.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (12) - Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi |
- Cần tạo điểm nhấn cho chương trình PR trên truyền hình. Ví dụ để quảng bá cho thương hiệu tuyển giáo viên nước ngoài có thể bố trí quay lén hai giáo viên người Úc giảng dạy tại Anh với các yếu tố vừa hài hước lẫn bi kịch.
- Có thể viết bài chuyên đề động chạm đến mối quan tâm chung của nhiều người. Ví dụ một công ty Luật ở London viết chuyên đề về các khía cạnh chi tiết của việc dọn nhà khiến tiết kiệm được chi phí. Không cần nhắc đến công ty của mình nhưng được đông đảo nhiều người quan tâm và nhiều báo có thể đăng tới, đăng lui, đem lại hiệu quả PR rất lớn.
- Ăn ké câu chuyện cũng là một cách PR có hiệu quả. Ví dụ một công ty rất lớn quảng cáo loại điện thoại nhỏ nhất và có chuỗi nhà hàng ăn theo bằng cách cấm mang các loại điện thoại vào nhà hàng vì lấy cớ là làm phiền các khách hàng khác.
- Một công ty quần áo đã công bố danh sách các nghị sĩ ăn mặc đẹp và ăn mặc xấu, nhân một cuộc Tổng tuyển cử. Một PR hấp dẫn, hài hước về một chủ đề vốn nghiêm túc đã đưa lại hiệu quả tiếp thị lớn.
- Giáng sinh là thời điểm tuyệt vời để PR. Có thể tạo đường dây nóng để trẻ em có thể gọi điện cho ông già Noel hay cách dò tìm vị trí xe trượt tuyết của ông già Noel. Có tới 15 triệu lượt truy cập vào trang web của công ty này vào thời điểm đó.
- Tạo ra một sự kiện có sức ảnh hưởng cao là loại PR có hiệu quả. Công ty FOE (Những người bạn của Trái đất) đã chất 1.500 chiếc chai nhựa chắn cửa ra vào của nhà máy đóng chai Schweppes, tạo cơ hội cho báo chí và truyền hình PR cho hoạt động của công ty FOE.
- Tạo thương hiệu cho doanh nghiệp chứ không phải cho từng sản phẩm sẽ tạo uy tín rộng khắp cho công ty. Công ty xe tải Stobart tự PR cho công ty mình bằng các xe đều mang tên các nữ nghệ sĩ nổi tiếng, lái xe được ăn mặc chỉn chu và lịch thiệp với khách hàng.
- Tài trợ cho các tổ chức hay các sự kiện tạo sự quảng bá tốt trong công chúng và đưa tên tuổi công ty đến đúng ngay đối tượng quần chúng mục tiêu. Tài trợ quảng cáo cấp độ ba là cách PR rất hiệu quả. Ví dụ đoàn xiếc nổi tiếng Soleil thực hiện tour diễn dưới sự tài trợ của công ty ô tô Ford đã làm cho doanh số xe Lincoln tăng một cách đột biến.
- Lôi kéo cổ đông tham gia PR làm cho họ có cảm giác sở hữu và trung thành với dự án. Ví dụ thị trấn Belmont ở Tây Úc vốn bị đánh giá thấp ngay cả với cư dân ở đó. Công ty tư vấn IMG đã tạo dựng thương hiệu Thành phố cơ hội khiến thu hút được tới 150 triệu đô la Úc nhờ nhiều hình thức quảng bá dọc đường, trên giấy viết thư, trên cửa sổ các doanh nghiệp, trên danh thiếp... đồng thời với việc giảm giá nếu mua sắm tại địa phương, doanh nghiệp được tiếp thị miễn phí...
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (11): Thay đổi cuộc sống |
- Tài trợ theo kiểu hợp tác không chỉ đơn thuần là đổi tiền lấy tiếng. Công ty Inmarsat chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông di động qua vệ tinh cho những nơi không có các trạm mặt đất.
Công ty này đã tài trợ cho giải đua xe WRC là giải đua ở những vùng xa xôi hẻo lánh trên thế giới. Đổi lại, công ty này đã được quảng bá hình ảnh tại truyền hình ở hơn 200 quốc gia.
- Hãy lập bản tin và xuất bản mỗi tuần một lần hay ít nhất cũng một tháng một lần. Cổ vũ nhân viên viết tin cho bản tin và tạo ra mối quan hệ liên lạc thân thiện giữa nhân viên với nhà quản lý, giữa nhân viên với nhau. Chỉ đăng những điều tích cực, còn các vấn đề tiêu cực sẽ được thảo luận ở chỗ khác.
- Hãy kiểm soát các buổi phỏng vấn để tránh phản ánh không chính xác (ghi âm thay vì ghi chép), tránh lộ các thông tin không định nói. Hãy cân nhắc kỹ các điều định nói trước buổi phóng vấn.
- Đừng kiện những công ty nhỏ đang ăn cắp ý tưởng của bạn. Điều này chỉ tổ làm ra vẻ bạn là một kẻ bắt nạt. Khách hàng không tín nhiệm kẻ cắp, cho nên bạn chẳng việc gì phải sợ loại hình cạnh tranh này.
- Hãy tham gia một tổ chức nghề nghiệp thích hợp. Nếu bạn tích cực và hoà đồng, điều tích cực nhất định sẽ đến với bạn. Hãy xung phong làm người phát ngôn báo chí. Việc này sẽ giúp bạn là người đầu tiên được nghe những tiến triển mới và làm cho các thành viên khác yêu thích mình, đồng thời giúp thiết lập quan hệ tốt hơn với giới báo chí.
Trên đây là 33 ý tưởng PR trong số 100 ý tưởng PR tuyệt hay. Nếu bạn định khởi nghiệp, bạn không thể không mua cuốn sách này để nắm thật kỹ cả 100 ý tưởng mà Jim Blythe đã dày công đúc kết.