Trong thời gian gần đây tôi được nhiều trường trung học phổ thông mời đi nói chuyện với các em học sinh về Kỹ năng sống.
Tôi thật sự cảm động và phấn khích khi thấy khoảng 1.000-2.000 em có thể ngồi ngoài sân suốt hơn hai giờ đồng hồ để nghe tôi kể chuyện.
Các thầy cô nói với tôi rất ít khi các em có thể ngồi yên lặng suốt buổi để nghe một cách hào hứng như vậy. Có những hôm mưa nhỏ các em che ô lên và vẫn đòi nghe đến hết buổi.
Bí quyết của tôi là không thuyết giảng mà chỉ kể chuyện, chuyện xa chuyện gần, nhắc những danh ngôn mà tôi từng ghi lại một cách thú vị khi đọc sách và cuối buổi là phần trao đổi tặng các em những cuốn sách mà tôi mới được xuất bản gần đây.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện cùng các em học sinh Trường trung học phổ thông Đường An (Ảnh: Vũ Ninh). |
Tôi nói đến cuộc Cách mạng 4.0 trong Công nghiệp và Nông nghiệp trên thế giới. Thế nào là Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Robot thế hệ mới, Công nghệ Nano và sự phát triển theo hàm số mũ của các ngành Tin học, Công nghệ sinh học, vật liệu mới, Công nghệ in 3D…
Tôi nhắc đến những ví dụ dễ nhìn thấy như Taxi Uber, Grab, Uber moto, GrabBike, những vật dụng có trí tuệ đang xuất hiện trong đời sống trên thế giới như ô tô tự hành, tủ lạnh biết báo hết trứng, trực thăng Drone chở hàng nhỏ như đồ chơi, người máy y tá, người máy hầu bàn, người máy công nghiệp…
Từ đó, tôi gợi ý các em phấn đấu để trở thành những công dân toàn cầu với tư thế làm chủ kỹ thuật mới.
Nhưng, cũng lo ngại cùng các em vì nếu người ta tự động hoá các ngành may mặc, đóng giầy, lắp ráp điện tử thì có thể có hàng chục vạn công nhân đang làm cho các công ty sẽ thất nghiệp.
Trong tương lai không xa trong hàng hoá chỉ có 30% là nguyên liệu còn có đến 70% sẽ là trí tuệ…
Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 là sự xuất hiện của máy hơi nước, 2.0 là sự xuất hiện của máy nổ, 3.0 là Internet, thì trong Nông nghiệp cuộc cách mạng 1.0 ở đầu thế kỷ 20 lại là nền nông nghiệp nuôi sống dân số nhưng đòi hỏi số lượng lớn các nông hộ nhỏ.
Cách mạng 2.0 gắn với cuộc Cách mạng xanh vào những năm 1950 khởi đầu là giống lúa mỳ lùn và các giống cây khác, cho phép nâng cao năng suất, hạ giá thành nhưng lại cần đến nhiều hơn phân hoá học, thuốc trừ sâu và thiết bị cơ giới.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức và cũng là cơ hội dành cho các em” |
Cách mạng 3.0 với ứng dụng định vị GPS, điều khiển tự động với việc ứng dụng các cảm biến và các thiết bị không dây.
Cách mạng 4.0 với hoạt động trồng trọt, chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị, là thông tin số hoá dành cho các quá trình sản xuất, giao dịch tạo nên nền nông nghiệp thông minh, với các hệ thống có thể đưa ra những quyết định một cách tự động.
Tôi nhắc đến phong trào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với sự hỗ trợ tới 120 nghìn tỷ đồng từ quyết định của Thủ tướng và những mô hình canh tác số hoá bắt đầu hình thành ở một số Hợp tác xã tại Cần Thơ…
Tôi đặt câu hỏi Học để làm gì? Đâu phải chỉ như các em trả lời là để vào đại học, để sau này đỡ khổ, để khỏi phụ công bố mẹ thầy cô…
Hiện nay, trên thế giới người ta nói “Học” để trở thành con người tự do (tự do tư tưởng, tự do lựa chọn, tự do tỉnh thức, tự do trở thành, tự do kiến tạo - tự suy xét, tự chịu trách nhiệm, tự xác định mục tiêu và sẵn sàng vươn đến tương lai bằng tất cả khả năng của mình).
Tôi hỏi bao nhiêu em định không thi vào đại học? Thi có đỗ được không? Tốt nghiệp xong có việc làm thích hợp hay không? Có thể làm giàu hay không ngay trên quê hương mình?
Tôi kể đến những tỷ phú nông dân thường được nêu gương hàng tuần trong chương trình “Sinh ra từ làng”.
Đó là Vua Bơ Trịnh Xuân Mười, Vua Chim Trần Nhữ Giáp, Vua cam chanh không hạt Lê Văn Xê, Vua máy cuộn rơm Phan Tấn Bện, Vua Robot đặt hạt Phạm Văn Hát, Vua Cá chép giòn Nguyễn Thế Phước, Vua Sầu riêng Nguyễn Ngọc Trung, Vua nấm Vân Chi Nguyễn Trường Giang…
Tôi kể đến những người khuyết tật thành đạt như sinh viên ngoại ngữ Lê Thị Thắm viết bằng chân, nhà văn Trần Hồng Giang gõ máy tính bằng nửa chiếc đũa ngậm vào mồm…
Nhìn ra nước ngoài, tôi kể về cuộc đời của Michael Dell (công ty Dell có chi nhánh ở 16 nước với 5.500 nhân viên) với câu nói: “Nếu bạn có một ước mơ, tại sao bạn không thực hiện nổi?”.
Thomas Watson từ giám đốc xí nghiệp sản xuất máy tính đục lỗ đến ông chủ máy tính IBM.
Taikichiro Mori lúc 19 tuổi chứng kiến trận động đất dữ dội tiếp đến hoả hoạn thiêu rụi gần hết các biệt thự bằng gỗ ở Tokyo (năm 1923) về sau quyết tâm theo đuổi việc xây nhà bê tông và đã trở thành chủ nhân của 81 toà nhà chọc trời với tài sản tới 18 tỷ USD.
Howard Schultz năm 1983 đi du lịch qua Ý thấy dân chúng quen đến “chốn thứ ba” để uống cà phê với bạn bè mà dần dần xây dựng nên thương hiệu quán cà phê Starbucks khắp nước Mỹ và lan ra các nước khác, tạo doanh thu tới 2 tỷ USD/năm.
Thời đại 4.0 học sinh phải giỏi ngoại ngữ và công nghệ thông tin |
K.I.Rokke, sinh năm 1958 bị chứng mù đọc (alexie) không nhận được mặt chữ, quyết tâm học nghề câu cá, dần dần thành ông chủ tàu cá và thành lập Công ty American Seafoods rồi trở thành người Na Uy duy nhất trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới.
Vencent Safrat chỉ tốt nghiệp trung học mà về sau trở thành nhà sáng lập ra nhà xuất bản Lire danh tiếng ở Pháp.
Bắt đầu từ một máy in nhỏ, chọn các tác phẩm nổi tiếng nhưng không cần trả tác quyền in thành các tập không quá 160 trang, giá có 4 franc, về sau đi quyên sách cũ hay có lỗi in ấn để phát không cho người nghèo ham đọc (tới 10.000 cuốn mỗi tháng) tạo ra số lượng bạn đọc rộng lớn.
Shih Chen Jung mồ côi cha từ khi lên 3, phụ giúp mẹ bán trứng vịt, lao động cực nhọc để học đại học.
Sau khi tốt nghiệp rủ bạn bè lập công ty Multitech và đến năm 1986 tung ra máy tính Acer nổi tiếng thế giới.
Geroge Young xuất thân từ một gia đình nuôi vịt về sau trở thành Vua vịt ở Mỹ với doanh thu 45 triệu USD/năm.
R.Branson xuất thân nghèo khó, phải nghỉ học để kiếm sống. Vậy mà làm việc vất vả để đến năm 46 tuổi đã trở thành tỷ phú với doanh thu 5 tỷ USD/năm và quản lý 15.000 nhân viên.
George Soros chàng trai Do Thái năm 1944 phải lẩn tránh quân Đức vậy mà trở thành ông chủ của Công ty QuantumFund ở Mỹ.
Năm 49 tuổi định tự sát vì vợ bỏ đi kèm theo 100 triệu USD, để lại hai đứa con. May mà thức tỉnh kịp thời để làm lại từ đầu và trở thành ông Vua không ngai với tài sản chưa ai định được.
Mc Donald cùng em tha hương đến California làm đủ thứ để kiếm sống. Năm 1940 mở quán ăn phục vụ lái xe và khách qua đường. Vì phục vụ chậm trễ nên nhiều khách bỏ đi.
Từ đó, ông mới nảy ra sáng kiến mở cửa hàng thức ăn nhanh bán bánh mỳ kẹp thịt cùng với khoai tây chiên bán có 15 xu một suất.
Dần dần trở thành thương hiệu MacDonald nổi tiếng đặc thù của văn hoá ẩm thực Mỹ.
Eastman mồ côi cha phải bươn chải kiếm sống. Sớm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, năm 23 tuổi ông sáng tạo ra tấm cản quang khô; năm 26 tuổi sản xuất thành công phim nhựa và năm 34 tuổi sáng tạo ra máy ảnh Kodax giá chỉ có 25 USD, với ưu việt là chỉ cần bấm nút 100 lần rồi đưa máy lại, vài hôm sau nhận 100 bức ảnh cùng với chiếc máy đã lắp phim mới.
Peter Rigby đến 30 tuổi vẫn nghèo khổ, không nhà cửa, nuôi hai con nợ nần ngập đầu. Vậy mà với lòng say mê máy tính và khởi nghiệp, chỉ 20 năm sau đã trở thành một trong những người giàu nhất nước Anh với Công ty phân phối Tin học…
Tôi kể câu chuyện một người khi lìa đời nhìn thấy Phật tổ đeo bên người chiếc hòm và dẫn đi.
Người ấy hỏi trong hòm có gì vậy. Trả lời: Đó là di vật của con.
Người ấy hỏi có phải là quần áo và tiền bạc? Trả lời: Chúng thuộc về trái đất.
Hỏi: Hay là ký ức của con. Trả lời: Chúng thuộc về thời gian.
Hỏi: Hay là thiên phú của con. Trả lời: Chúng thuộc về cảnh ngộ.
Hỏi: Hay là bạn bè, họ hàng của con. Trả lời: Họ thuộc về hành trình mà con đã đi qua.
Hỏi: Hay là vợ và các con của con. Trả lời: Họ thuộc về trái tim con.
Hỏi: Vậy là thân xác của con. Trả lời: Cái đó thuộc về cát bụi.
Vậy thì cái gì mới thuộc về con. Trả lời: Mỗi tích tắc khi con đang sống chúng mới thuộc về con.
Các em cười ồ vui vẻ và không thể không suy nghĩ về chuyện lãng phí thời gian sống không mục đích, không hiệu quả.
Tôi kể chuyện về thói kiêu ngạo của một tiến sĩ khi đi qua đò. Anh ta hỏi cụ lái đò ba câu là: Cụ có biết gì về Triết học, về Thiên văn, về Kiến trúc. Cụ đều trả lời không biết. Anh ta cười ngạo nghễ: Thế thì khác gì cụ mất đi 3/4 cuộc sống rồi!
Bỗng gió bão nổi lên, con thuyền chao đảo. Cụ già vội hỏi anh: Ông có biết bơi không? Nếu không biết thì dễ mất 4/4 cuộc sống đấy!
Các em lại cười nghiêng ngả. Mỗi câu chuyện đó là một bài học giản đơn nhưng các em sẽ nhớ mãi.
Tôi lại đố các em về Ba điều: ba điều không lấy lại được (thời gian, lời nói, cơ hội); ba điều không được đánh mất (sự thanh thản, niềm hy vọng, tính trung thực); ba điều có giá trị nhất (tình yêu, lòng tin, bạn bè); ba điều không bền vững (giấc mơ, sự thành công, tài sản); ba điều làm nên giá trị con người (chân thành, siêng năng, thành đạt); ba điều làm hư hỏng con người (rượu chè cờ bạc, lòng tự cao, sự giận dữ). Các em đoán rôm rả và cười thích thú.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói, học để thành người hạnh phúc và tự do |
Các em hỏi tôi: Vì sao thầy trông trẻ hơn tuổi 81? Tôi trả lời chỉ có ba chữ: Không ghét ai! Các em cười phá lên. Chúng em ghét nhiều đứa lắm.
Các em lại hỏi tôi: Phương châm sống của tôi? Tôi trả lời giống nhiều người khác: Sống khoẻ, Chết nhanh, Ít của để dành, nhiều người thương tiếc! Các em nhắc lại một cách thích thú.
Trước khi thực hiện việc đối thoại có thưởng sách của tôi, còn bao nhiêu thời gian tôi đọc cho các em những câu danh ngôn sâu sắc về lòng hiếu thảo, lòng hiếu học, tình bạn, tình nghĩa thầy trò, tình yêu đôi lứa, nghị lực sống, ý chí vượt khó…
Các em muốn hỏi tôi địa chỉ email để có thể tiếp tục trao đổi thêm về các câu hỏi mà các em muốn hỏi.
Tôi trả lời và sẵn sàng dành thời gian trao đổi với các em trên quãng đường đời sắp tới.
Thời gian trôi qua quá nhanh và các em tranh nhau chụp ảnh với tôi để đăng lên Facebook. Mỗi lần như vậy tôi thấy mình trẻ hẳn lại vì được hoà mình với tuổi trẻ của các em.
Một mùa xuân đang về cùng với tuổi trẻ của các em cùng với mùa xuân trên toàn đất nước.