Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được chia sẻ của một giáo viên tại Bình Phước xung quanh vấn đề tiền công cho người chấm thi tốt nghiệp, cụ thể là với giáo viên chấm thi môn Ngữ văn.
Vị giáo viên này cho biết, thầy cùng với khoảng hơn 80 giáo viên đã tham gia chấm thi môn Ngữ văn trong 9 ngày. Dưới đây là những tâm tư của thầy trước sự chênh lệch rất khác nhau ở mức chi trả tiền công chấm thi của giáo viên ở Bình Phước so với một số địa phương khác.
"Những ngày qua, cùng với giáo viên cả nước, những giáo viên được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước “chọn mặt gửi…trách nhiệm” điều động công tác chấm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn - môn tự luận duy nhất trong kì thi tốt nghiệp cũng đã tiến hành mọi khâu của hoạt động chấm thi.
Theo đó, 83 giáo viên trong Hội đồng chấm thi cũng đã được triển khai quy chế, học đáp án, chấm chung…. đúng theo quy định.
Trong 9 ngày chấm thi, toàn thể giáo viên đã có tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, khách quan trong việc chấm thi và hoàn thành trách nhiệm của mình.
Đến nay, công tác chấm thi tự luận cơ bản đã hoàn thành tốt đẹp. Hơn mười nghìn bài làm của học sinh đã được chấm.
Trong nhiều năm qua, thù lao chấm thi thấp là điều mà giáo viên đi chấm thi như tôi luôn băn khoăn. Trách nhiệm cao, áp lực lớn nhưng tiền chấm thi thấp, đôi khi giáo viên đi chấm xa nhà phải tự bỏ tiền túi để trang trải mọi chi phí.
Năm học này, tôi và nhiều đồng nghiệp đi chấm thi cũng với tâm thế hết sức trách nhiệm, làm tốt nhất bổn phận của mình.
Tuy nhiên, khi đọc thông được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải nêu giáo viên chấm thi tại Thành phố Hồ Chí Minh được trả 1,2 triệu đồng một ngày. Tôi tìm hiểu ở nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Bình Dương cũng trên 700.000 đồng/ ngày. Khiến tôi và nhiều giáo viên cùng đi chấm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn ở Bình Phước không khỏi chạnh lòng.
Rõ ràng, tiền công chấm thi theo bài đã được xoá bỏ. Thù lao chấm thi cũng đã tăng lên tương xứng với công sức giáo viên phải bỏ ra. Thiệt thòi đối với những giáo viên được điều động đi chấm thi là có. Trong khi những giáo viên khác được nghỉ hè, được về quê, được đi du lịch…thì giáo viên chấm thi tốt nghiệp phải lo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thế nên thông tin tăng thù lao chấm thi tốt nghiệp đã khiến những giáo viên đi chấm thi như tôi vui mừng và chờ đợi trong hi vọng.
Thù lao chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Bình Dương. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Thù lao chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Tuy nhiên hy vọng rồi đến thất vọng. Trước ngày kết thúc chấm thi, chúng tôi được thông báo: thù lao chấm thi vẫn trả theo như những năm trước, tức 18.000 đồng/1 bài thi. Số tiền tôi được thực nhận về qua tài khoản là 2.094.000 đồng + 346.000 đồng trừ tiền liên hoan (2.440.000/9 ngày, tính ra khoảng 271.000/ngày).
Buồn, chạnh lòng… là nỗi niềm của không ít giáo viên tham gia chấm thi. Ai cũng đặt câu hỏi tại sao các tỉnh thành khác đều thay đổi, trong khi Bình Phước vẫn giữ nguyên?
Nếu Thành phố Hồ Chí Minh chi trả 1,2 triệu đồng/ ngày, Bình Dương 720.000 đồng/ ngày thì tính tiền theo số bài, mỗi ngày giáo viên Bình Phước được trả khoảng 271.000 đồng/ngày.
Xong những ngày chấm thi, giáo viên như tôi vui, nhẹ lòng vì đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn tâm tư khi nhận được số tiền rất khiêm tốn so với các tỉnh thành khác", vị giáo viên này chia sẻ về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trước thắc mắc, băn khoăn của thầy giáo ở Bình Phước, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước để có thông tin khách quan.
Ông Hồ Hải Thạch, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước cho biết, việc áp dụng thông tư 69/2021/TT-BTC ngày 11/8/2021 mới được Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước thông qua kỳ họp giữa năm, nên chưa có hướng dẫn áp dụng. Vì vậy phải áp dụng theo thông tư cũ là thông tư 66/2012
Còn theo ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước vừa được thông qua, có hiệu lực từ ngày 22/7/2022.
Nghị quyết này không cho phép lùi thời gian áp dụng, nên vẫn phải áp dụng theo thông tư 66/2012/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 26/4/2012, tiếp tục vận dụng theo công văn 2354/UBND-VX ngày 18/7/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước.
Được biết, mức thù lao mới cho giáo viên chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Bình Phước sẽ là 800 nghìn đồng/người/ngày.
Theo Thông tư 69/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông, tại Khoản 10, Điều 8 quy định mức chi nêu: "Tiền công chấm bài thi tự luận, bài thi nói và bài thi thực hành, bài thi tin học đối với thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển quốc gia; tiền công chấm thi, chấm phúc khảo bài thi trắc nghiệm; tiền công chấm phúc khảo bài thi tự luận tốt nghiệp trung học phổ thông, chấm thẩm định bài thi tự luận tốt nghiệp trung học phổ thông, chấm phúc khảo bài thi chọn học sinh giỏi quốc gia, chấm phúc khảo bài thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực (nếu có); Áp dụng cách thức tính toán tiền công theo ngày cho người chấm thi nhưng không phân biệt trình độ đào tạo và thâm niên công tác theo mức lương quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH. Số lượng bài thi mỗi cán bộ chấm thi phải chấm hoàn thành trong một ngày theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương".
Điều 3, Điều 4 Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH nêu cụ thể như sau:
Điều 3. Mức lương theo tháng của chuyên gia tư vấn trong nước
Mức lương theo tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn trong nước (sau đây gọi là chuyên gia tư vấn) làm việc đủ thời gian theo tháng được quy định như sau:
1. Mức 1, không quá 40.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chuyên gia tư vấn có bằng đại học đúng chuyên ngành tư vấn và có từ 15 năm kinh nghiệm trở lên trong chuyên ngành tư vấn.
b) Chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên đúng chuyên ngành tư vấn và có từ 8 năm kinh nghiệm trở lên trong chuyên ngành tư vấn.
c) Chuyên gia tư vấn đảm nhiệm chức danh Trưởng nhóm tư vấn hoặc chủ trì tổ chức, điều hành gói thầu tư vấn.
2. Mức 2, không quá 30.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chuyên gia tư vấn có bằng đại học đúng chuyên ngành tư vấn và có từ 10 đến dưới 15 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn.
b) Chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên đúng chuyên ngành tư vấn và có từ 5 đến dưới 8 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn.
c) Chuyên gia tư vấn đảm nhiệm chức danh chủ trì triển khai một hoặc một số hạng mục thuộc gói thầu tư vấn.
3. Mức 3, không quá 20.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chuyên gia tư vấn có bằng đại học đúng chuyên ngành tư vấn và có từ 5 đến dưới 10 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn.
b) Chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên và có từ 3 đến dưới 5 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn.
4. Mức 4, không quá 15.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với một trong các trường hợp sau đây:
a) Chuyên gia tư vấn có bằng đại học đúng chuyên ngành tư vấn và có dưới 5 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn.
b) Chuyên gia tư vấn có bằng thạc sĩ trở lên đúng chuyên ngành tư vấn và có dưới 3 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành tư vấn.
Trường hợp cần thiết, đối với dự án, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ hiện đại đòi hỏi chuyên gia tư vấn có trình độ chuyên môn kỹ thuật đặc biệt, khả năng cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế hoặc điều kiện làm việc khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, chủ đầu tư hoặc bên mời thầu lựa chọn, báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định mức lương chuyên gia tư vấn cao hơn nhưng tối đa không quá 1,5 lần so với mức lương quy định tại Điều này.
Điều 4. Mức lương theo tuần, theo ngày và theo giờ của chuyên gia tư vấn
1. Mức lương theo tuần áp dụng đối với chuyên gia tư vấn làm việc từ 6 ngày trở lên nhưng không đủ một tháng được xác định trên cơ sở mức lương theo tháng quy định tại Điều 3 Thông tư này nhân với 12 tháng, chia cho 52 tuần và nhân với hệ số 1,2.
2. Mức lương theo ngày áp dụng đối với chuyên gia tư vấn làm việc từ 8 giờ trở lên nhưng không đủ 6 ngày, được xác định trên cơ sở mức lương theo tháng quy định tại Điều 3 Thông tư này chia cho 26 ngày và nhân với hệ số 1,3.
3. Mức lương theo giờ áp dụng đối với chuyên gia tư vấn làm việc dưới 8 giờ, được xác định trên cơ sở mức lương theo tháng quy định tại Điều 3 Thông tư này chia cho 26 ngày, chia cho 8 giờ và nhân với hệ số 1,3.