Diễn đàn dạy thật, học thật vẫn đang rất sôi nổi, nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này. Người bất bình khi ai đó nói giáo dục dạy chưa thật, người tỏ ra đồng tình nhất trí vì những gì họ thấy, họ biết về giáo dục của chúng ta hiện nay.
Ai cũng có cái lý của mình. Và đúng như thế thật, mọi sự chỉ là tương đối. Bởi, vẫn còn những giáo viên luôn dạy thật, không bao giờ thỏa hiệp với những điều chưa thật. Tuy nhiên về cơ bản, những điều chưa thật vẫn còn khá nhiều. Dũng cảm nhìn vào sự thật mới mong thay đổi theo hướng tích cực.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn. |
Cũng như vấn đề chúng tôi sẽ nói đến trong bài viết này “Giáo viên còn chưa học thật thì lấy gì để học sinh học thật?” chắc chắn cũng sẽ đụng chạm đến lòng tự tôn của không ít thầy cô giáo dạy và học nghiêm túc.
Bài viết không chỉ trích một cá nhân nào, cũng không vơ đũa cả nắm. Những thầy cô giáo dạy và học nghiêm túc hiện nay không phải là đối tượng chúng tôi bàn đến trong bài viết này.
Nói về việc giáo viên chưa học thật thì có rất nhiều minh chứng chỉ ra, trong phạm vi bài viết này chỉ xin nêu những việc điển hình mà ai cũng thấy, cũng biết.
Thứ nhất, nạn học giả mà chứng chỉ thật
Hiện giáo viên có 3 loại chứng chỉ: Anh văn, Tin học và chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Chúng tôi phải khẳng định ngay rằng, nhiều thầy cô giáo có chứng chỉ Anh văn B nhưng không nói nổi một câu chào đơn giản mà chúng tôi hay nói một chữ tiếng Anh cắn đôi cũng không biết.
Một số thầy cô giáo cũng có chứng chỉ Tin học hẳn hoi nhưng chưa một lần biết dùng máy vi tính để làm việc. Có chứng chỉ để làm minh chứng còn thực hành làm việc luôn nhờ đồng nghiệp giúp đỡ.
Nhiều thầy cô giáo thường thông cảm vì cô/thầy ấy gần về hưu nên thấy tội.
Ngoài 2 chứng chỉ trên, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cũng được cấp một cách khá dễ dàng. Có những thầy cô chỉ đăng ký, nộp tiền chứ chưa hề ngồi học buổi nào nhưng vẫn có được chứng chỉ.
Thứ hai, sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp giáo dục copy, mua bán tràn lan
Điều này, chính giáo viên phải rõ hơn ai hết chuyện mình có tự viết được một cái sáng kiến kinh nghiệm hay không? Một giáo viên có thâm niên 30 năm có lẽ phải viết đến hơn 20 cái sáng kiến kinh nghiệm.
Nhưng thử hỏi, có bao nhiêu cái không phải copy? Bao nhiêu cái không phải xin cho, mua bán? Bao nhiêu cái tự viết bằng năng lực của mình, bằng kinh nghiệm giảng dạy thực sự?
Và, cả nước mỗi năm ngành giáo dục sản xuất ra hàng trăm ngàn cái sáng kiến kinh nghiệm nhưng có bao nhiêu cái thực sự được áp dụng trong giảng dạy hiện nay?
Thứ ba, học chuyên đề, học chuẩn hóa, học bồi dưỡng mấy thầy cô không quay tài liệu?
Giáo viên trình độ từ trung cấp chuẩn hóa lên cao đẳng, đại học. Hay như việc hàng năm, giáo viên đều phải hoàn thành chương trình tự học bằng các bài kiểm tra để cấp giấy chúng nhận đã học tập, tự bồi dưỡng. Mấy ai trong chúng ta tự tin để nói rằng, tôi tự làm bài mà không cần một sự hỗ trợ từ tài liệu?
Những điểm giỏi, khá, trung bình…ít thể hiện năng lực bản thân mà chỉ hơn nhau biết copy giỏi, copy đúng chỗ.
Những điều chúng tôi đã phân tích, lỗi không hoàn toàn thuộc về phía giáo viên. Điều giả dối, điều không thật được sinh ra từ những quy định vô lý mà bên trên áp xuống.
Ví như, những giáo viên thời trước, 12 năm phổ thông chưa được học Anh văn một lần, vào trung cấp, cao đẳng cũng chỉ được học qua loa đại khái.
Thế mà, vẫn có yêu cầu buộc các thầy cô phải có chứng chỉ B, không “học giả” thì biết làm thế nào?
Cũng như, năm nào cũng bắt giáo viên phải có một sáng kiến kinh nghiệm. Trong khi, kinh nghiệm phải được đúc kết từ thực tế giảng dạy nhiều năm mới có thể viết được. Nhưng quy định năm nào cũng phải có, không copy “ xào nấu” hay mua bán thì biết lấy ở đâu ra?
Cũng như việc học bồi dưỡng thường xuyên, những kiến thức cũ rích, xa rời thực tế, không ăn nhập gì với công việc dạy và học, không giở tài liệu, không copy thì giáo viên biết làm thế nào?
Để giáo viên không học thật, lỗi phần nhiều ở giáo dục, do nhiều quy định vô lý, nhiêu khê gây ra.
Vậy nên, trước khi làm trong sạch giáo dục cần để người thầy được học thật, bằng cách bỏ đi những quy định vô lý, dư thừa như việc buộc phải có các loại chứng chỉ như hiện nay và rà soát, bỏ hết những nội dung học tập bồi dưỡng không thật sự hữu ích cho công việc giảng dạy.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.