Nếu hỏi, giáo dục đã dậy thật chưa? Học sinh đã học thật chưa? Chúng ta dễ dàng nhận được câu trả lời chắc như đinh đóng cột rằng chưa.
Bảng điểm hoàn hảo của một học sinh (Ảnh minh họa, nguồn: VOV) |
Nhưng hỏi nguyên nhân nào để tình trạng này xảy ra thì gần như ai cũng đổ lỗi cho ngành giáo dục mà quên đi chính xã hội, chính mỗi phụ huynh chúng ta cũng đã và đang góp phần không nhỏ làm cho việc dạy, việc học đã trở nên ít thật hơn.
Hội chứng "con nhà người ta"
Cứ vào dịp cuối năm, trên các diễn đàn thông tin nhiều bà mẹ thi nhau đưa giấy khen, bảng điểm của con làm minh chứng con mình học giỏi, xuất sắc.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh đã lấy con người ta làm thước đo cho con mình. Và những lời sỉ vả, la mắng, chì chiết con lại vang lên mỗi ngày. Người ta quan tâm nhiều đến điểm số, đến thành tích trong học tập của các con mà quên mất các con đã học được những gì?
Thế là, để con bằng bạn bằng bè, nhiều gia đình đã sẵn sàng bỏ ra nhiều khoản tiền cho con vừa đi học thêm, vừa thuê gia sư dạy kèm.
Chúng tôi đã gặp không ít phụ huynh buộc con phải đi học thêm 2 thầy cô giáo/môn học, mặc dù những đứa trẻ than rằng con rất mệt mỏi khi phải học suốt ngày đêm. Hỏi ra vì sao chỉ một môn học lại phải cho con đi học đến 2 người?
Lời giải thích của phụ huynh chỉ đơn giản là học thêm với thầy chủ nhiệm chỉ để có những con điểm số cao, còn học thêm với một giáo viên ngoài trung tâm để có thêm kiến thức nâng cao phục vụ cho việc thi cử.
Cô bé Mai, học trò cũ của tôi đã học lớp 6. Em luôn có một cuốn sổ tay trong cặp chỉ để ghi điểm số của 2 bạn học giỏi trong lớp. Mai kể với tôi rằng, mẹ bảo phải ghi để mẹ theo dõi xem các bạn có học vượt con không.
Hỏi kỹ ra được biết, Mai và 2 bạn kia luôn nằm trong tốp dẫn đầu của lớp. mẹ Mai khi nào cũng muốn con mình ở vị trí thứ nhất, nếu vị trí thứ hai, thứ ba cũng xem là thất bại.
Vì thế, Mai nói mình sợ mẹ lắm. Khi nào làm bài kiểm tra đạt 9 điểm cũng run trừ khi 2 bạn được xem là đối thủ cũng đạt điểm như thế.
Không ít phụ huynh chỉ quan tâm đến điểm số nên gặp con sau một ngày ở trường về nhà, câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: Hôm nay con được mấy điểm? Còn các bạn khác thế nào?
Thui chột sự sáng tạo của con trẻ
Do các điểm bài kiểm tra định kỳ sẽ nhân hệ số, đạt điểm cao hoặc thấp ở những bài kiểm tra này sẽ làm thay đổi rất nhiều kết quả học tập. Thế là, nhiều phụ huynh tăng tốc cho con đi học thêm thời vụ.
Có người không tiếc tiền chỉ để thuê giáo viên dạy kèm đặc biệt (kiểu như học một mình nhưng tiền phụ huynh phải trả giống như đang học chung cả một nhóm).
Thế là, không chỉ những môn như Sử, Địa, Giáo dục công dân…phải học thuộc đề cương mà những môn có bài tập như tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa…các con vẫn phải học thuộc lòng các dạng bài tập, các câu lý luận…
Nhờ thế, nhiều em điểm thi cứ cao ngất ngưởng, tổng kết điểm có môn đạt tuyệt đối 10.0 hoặc ít nhất cũng là 9.7; 9.8…Do học vẹt, học thuộc lòng để thi nên thi xong thì kiến thức cũng trả lại cho thầy cô giáo gần hết.
Chả thế mà chỉ nghỉ hè 2 tháng, vào năm học mới khi lên học lớp mới nhà trường kiểm tra chất lượng đầu năm đã có những học sinh cuối năm xếp loại xuất sắc nhưng điểm kiểm tra đầu năm (do chưa đi học thêm) bị rớt xuống trung bình, thậm chí là điểm yếu kém.
Thắc mắc, kiện cáo chỉ vì con không được khen
Bậc tiểu học hiện nhiều môn học không đánh giá bằng điểm số. Việc xét khen thưởng cuối năm cũng không căn cứ vào điểm số là để tra mà kết hợp nhiều yếu tố như việc cả quá trình học năng lực phẩm chất của các em trong một năm học…
Tuy nhiên, đã có những phụ huynh khi thấy con mình không được khen (chỉ căn cứ vào điểm số ví như con mình kiểm tra được 9 điểm Toán để so với một học sinh được khen nhưng môn kiểm tra chỉ đạt điểm 8) để thắc mắc.
Dù giáo viên giải thích điểm số chỉ là một trong những căn cứ, giáo viên còn phải xét cả quá trình học tập, rèn luyện mới đưa ra kết quả nhưng có người vẫn không vừa lòng.
Có thể nói, một số phụ huynh đã góp phần làm cho việc học của học sinh chưa thật. Và như thế, phụ huynh đã góp phần không nhỏ làm căn bệnh giả dối trong giáo dục phát triển hơn.
Bởi thế, muốn giáo dục phải dạy thật, học sinh phải học thật không chỉ riêng giáo dục cần phải đổi mới mà ngay chính mỗi người trong xã hội, mỗi một phụ huynh học sinh cũng cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm như hiện nay.