Giáo viên đánh giá đề KHTN có độ phân hóa tốt, sẽ ít có khả năng "mưa điểm 10"

08/07/2022 13:21
Nhóm PV
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo nhận định của giáo viên, đề thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên có độ phân hóa tương đối, phổ điểm các môn chủ yếu ở mức 6 -7 điểm.

Đánh giá về đề thi môn Sinh học, thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định, đề thi có cấu trúc khá tương đồng với đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó với 10% nội dung kiến thức của chương trình lớp 11 và 90% của lớp 12.

"Đề có một số dạng câu hỏi mới thay cho dạng hỏi cũ của đề thi minh họa. Thông thường bài toán phả hệ là câu vận dụng cao luôn có trong đề thi môn Sinh từ trước đến nay nhưng phần nội dung này đã không còn xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay.

Số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu khoảng 70%. Mức độ vận dụng, vận dụng cao khoảng 30%

Theo tôi, đề thi lần này cũng nghiêng về bản chất môn Sinh học nhiều hơn, giảm bớt những câu tính toán và chú trọng các dạng câu hỏi đồ thị, biểu đồ. Vì vậy, học sinh phải có năng lực đọc, hiểu, năng lực phân tích biểu đồ, hình vẽ mới có thể đưa ra kết luận và chọn được đáp án đúng", thầy Hiền chia sẻ.

Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Hiền cho rằng, đề thi năm nay hơi dài so với mọi năm, mức độ phân hóa vừa phải. Phổ điểm chính sẽ khoảng 5 - 6 điểm, dự đoán số thí sinh đạt 9, 10 sẽ hạn chế.

Trong khi đó, với môn Vật lý, cô Nguyễn Thị Hân - giáo viên môn Vật lý - Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên B (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đánh giá đề có sự phân loại tương đối tốt. Một số câu hỏi có nội dung khá hay, mục đích là để phân loại học sinh, nhất là 4 câu trắc nghiệm cuối của đề thi.

Theo ý kiến của cô Hân, đề thi môn Vật lý có phần “dễ thở” hơn so với năm trước. Với đề thi này, nếu học sinh nắm chắc kiến thức thì sẽ dễ dàng đạt mức điểm 7, điểm 8.

“Số học sinh đạt điểm 8, điểm 9 ở môn Vật lý sẽ nhiều hơn năm ngoái. Điểm 10 vẫn sẽ ít, bởi 4 câu cuối rất khó, dùng để phân loại thí sinh”, cô Nguyễn Thị Hân nhận định.

Nhận định về đề thi Hóa năm nay, thầy Nguyễn Phương Duy - giáo viên bộ môn Hóa học (Trường Phổ thông Liên cấp Olympia) cho biết, cấu trúc đề thi năm nay khá tương đồng với mẫu đề thi minh họa của Bộ đã công bố và cũng tương tự với đề thi năm trước.

"Nhìn chung đề khá dễ thở, vẫn khoảng 20 câu đầu ở mức độ nhận biết, khoảng 10 câu tiếp theo ở mức độ thông hiểu. Năm nay có những câu khiến thí sinh mất nhiều thời gian để làm bài như 71, 72, 73 (mã đề 215). Các dạng bài tập trong đề cũng khá quen thuộc với các thí sinh. Năm nay không thấy xuất hiện câu hỏi về thí nghiệm.

Dự kiến học sinh trung bình sẽ đạt từ 5 đến 6 điểm, học sinh khá giỏi không khó để đạt được điểm 8, 9,10. Đối với các câu mang tính phân loại, độ khó ở mức vừa phải, chỉ cần các em tư duy sâu là dễ dàng giải được và tìm ra đáp án. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian học trực tuyến khá dài, đề thi năm nay hoàn toàn phù hợp với tình hình và năng lực học tập của các em”, thầy Nguyễn Phương Duy nêu quan điểm.

Thầy Trương Tuấn Linh - giáo viên dạy Hóa học ở thành phố Vinh, Nghệ An cho rằng: "Đề thi Hóa học năm nay có độ khó tương đương với 2021 và đề minh họa, tuy nhiên khó như các năm 2018 và 2019.

Theo tôi, đề thi năm nay có cấu trúc đề không mới lạ, khá an toàn và bám sát cấu trúc các năm qua cũng như đề minh họa, tuy nhiên vẫn có sự phân hoá. Với đề thi này, học sinh học lực khá có thể được 8, 8+ còn muốn được 9, 9+ phải thật sự giỏi và xuất sắc. Nếu so sánh với đề thi Toán tôi cho rằng Hóa dễ hơn. Phổ điểm các môn Hoá học, Vật lý sẽ cao hơn môn Toán. Khả năng sẽ có nhiều điểm 10, tuy nhiên khả năng mưa điểm 10 là thấp".

Nhóm PV