Giáo viên nhận xét đề Sử dễ, có sự chênh lệch về độ khó giữa đề chẵn và lẻ

08/07/2022 14:00
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên nhận định đề thi Lịch sử năm nay khá dễ tuy nhiên vẫn đảm bảo được mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, phổ điểm từ 5-8.

Sáng nay, thí sinh đã hoàn thành xong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Đề thi dễ là nhận định chung của nhiều thí sinh năm nay.

Đánh giá đề thi môn Lịch sử, nhiều giáo viên cũng cho biết đề thi môn Lịch sử khá dễ, bám sát đề thi minh họa, thí sinh nếu nắm vững kiến thức cơ bản thì dễ dàng đạt điểm trung bình. Về cơ bản đề thi năm nay vẫn đảm bảo được mục tiêu xét tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học.

Nhiều giáo viên nhận định đề thi năm nay khá dễ, dự đoán sẽ có nhiều điểm 10. Ảnh: Doãn Nhàn

Nhiều giáo viên nhận định đề thi năm nay khá dễ, dự đoán sẽ có nhiều điểm 10. Ảnh: Doãn Nhàn

Cô Hồ Ái Linh, người có nhiều năm kinh nghiệm ôn thi cùng các học sinh lớp 12 các môn khối C nhận định:

"Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử năm nay có nội dung tập trung trọng tâm vào kiến thức lớp 12 và tương đối là khá phù hợp với tính chất của kì thi 2 trong 1.

Đề thi phù hợp để phân hóa học sinh bao gồm 60% – 75% số điểm dành cho học sinh trung bình để xét tốt nghiệp và các câu còn lại nhằm mục đích phân loại học sinh khá giỏi dành cho xét tuyển đại học".

Cùng chung nhận định này, thầy Nguyễn Bá Tú, giáo viên bộ môn Lịch sử, trường Trung học phổ thông Yên Thành 2 cũng đánh giá đề thi Lịch sử năm nay khá dễ:

"Nhìn chung đề thi Lịch sử năm nay về cơ bản là dễ, phổ điểm chủ yếu từ 5-8 điểm. Đối với các câu phân hóa thí sinh sẽ nằm từ câu 31 trở đi. Đề bám sát đề minh họa, ra sát nội dung ôn tập của chương trình lớp 12. Đề cũng có những câu nhận biết, thông hiểu nằm trong chương trình lớp 11.

So với đề thi minh họa, thì mức độ của đề thi chính thức có khó hơn một chút nhưng khá dễ thở. Phổ điểm dự kiến sẽ rơi nhiều vào 6 – 7 và học sinh có nhiều học sinh đạt điểm 10.

Mức độ khó đề 2022 tương đương với đề năm 2021. Dự đoán điểm 9-10 cũng có số lượng tương đương như năm ngoái".

Cô Linh cũng cho rằng đề thi năm nay có cấu trúc tương đương năm ngoái. "Có 3 câu nằm trong chương trình của lớp 11 bao gồm cả thế giới và Việt Nam, không mang tính chất đánh đố nên học sinh chỉ cần có tư duy và biết cơ bản sẽ làm được.

Lịch sử thế giới chiếm 10 câu trong đề và còn lại 17 câu thuộc lịch sử Việt Nam, các giai đoạn được phân bố đều về số lượng câu hỏi. Tập trung nhiều vào chương trình học kì 2 giai đoạn từ 1930 – 1975.

Số câu vận dụng cao mang định hướng đối sánh các sự kiện nhằm đánh giá khả năng tổng hợp kiến thức của học sinh có khoảng 4 câu. Vận dụng thấp về ý nghĩa, kết quả các sự kiện có khoảng 6 – 8 câu. Còn lại nhận biết và thông hiểu dành cho xét tốt nghiệp", cô Linh nói.

Vì vậy theo cô Linh, thí sinh chỉ cần học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, có khả năng tư duy và tổng hợp, phân tích hiểu các mốc sự kiện và vấn đề thì sẽ dễ dàng đạt điểm cao.

Theo cô Hồ Ái Linh, đề thi năm nay có cấu trúc tương đương năm ngoái. Ảnh: NVCC

Theo cô Hồ Ái Linh, đề thi năm nay có cấu trúc tương đương năm ngoái. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, theo thầy Tú, có sự chênh lệch nhẹ về độ khó giữa các câu hỏi nhận biết ở 2 đề thi chẵn và lẻ. Cụ thể:

"Đề thi Lịch sử năm nay với các câu ở mức độ nhận biết thì đề chẵn dễ hơn so với đề lẻ. Đề lẻ có vài câu mang tính phân hóa yêu cầu học sinh cần đọc kĩ đề, lưu ý các mốc thời gian được đưa ra ở đáp án vì các con số rất sát nhau. Đề chẵn dễ, học sinh trung bình-khá có thể làm từ 6-7 điểm. Học sinh giỏi từ 9-10 điểm".

Doãn Nhàn