Giáo viên hiện nay ở bậc phổ thông đang thực hiện chế độ làm việc theo định mức tiết dạy quy định của từng cấp học và sự phân công của thủ trưởng, của cấp trên khi có lệnh điều động, triệu tập,…
Nhiều ý kiến cho rằng, bức xúc về dạy thêm học thêm, chất lượng học sinh không tăng, giáo viên làm chậm trễ công việc chuyên môn, báo cáo, ít tham gia phong trào,…có 1 phần do giáo viên không làm việc giờ hành chính mà chỉ đi dạy theo số tiết định mức.
Quy định về thời gian làm việc của giáo viên hiện nay
Theo Văn bản hợp nhất 03/2017/VBHN-BGDĐT về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông quy định:
Thời lượng làm việc của giáo viên ở cấp tiểu học trong một năm học là 42 tuần, trong đó bao gồm:
35 tuần đối với việc giảng dạy, các hoạt động giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục về kế hoạch thời gian năm học;
05 tuần đối với việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn;
01 tuần đối với việc chuẩn bị cho năm học mới;
01 tuần đối với việc tổng kết năm học.
Thời lượng làm việc của giáo viên ở cấp bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông trong một năm học cũng là 42 tuần, trong đó bao gồm:
37 tuần đối với việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục về kế hoạch thời gian năm học;
03 tuần đối với việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn;
01 tuần đối với việc chuẩn bị năm học mới;
01 tuần đối với việc tổng kết năm học.
Định mức tiết dạy của giáo viên ở cấp bậc tiểu học là 23 tiết, giáo viên ở cấp bậc trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên ở cấp bậc trung học phổ thông là 17 tiết mỗi tuần.
Như vậy, mặc dù có quy định cụ thể thời gian làm việc 42 tuần (khoảng 10 tháng) nhưng trong thời gian đó, giáo viên dạy theo định mức tiết dạy mỗi tuần.
Đối với người làm việc giờ hành chính, mỗi người thực hiện khoảng 8 buổi/tuần, tương đương 40 giờ mỗi tuần.
Giả sử mỗi buổi giáo viên được phân công 4 tiết dạy thì đối với giáo viên tiểu học dạy 6 buổi, giáo viên trung học cơ sở 5 buổi, giáo viên trung học phổ thông 4-5 buổi mỗi tuần.
Nếu giáo viên kiêm thêm chức vụ tổ trưởng hay kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm, công đoàn thì thời gian dạy có thể ít hơn. Như bản thân tôi, vừa kiêm nhiệm tổ trưởng (giảm 3 tiết), giáo viên chủ nhiệm (giảm 4 tiết), tôi chỉ dạy 12 tiết và ban giám hiệu phân công tôi thực dạy 4 buổi/tuần.
Giáo viên khi đi dạy chỉ 4-5 buổi mỗi tuần, thời gian còn lại đôi khi cũng có việc vào cơ quan giải quyết công việc nhưng rất ít.
Tôi cho rằng, giáo viên làm việc mỗi tuần 4-5 buổi là ít, chưa phát huy công sức và trí tuệ giáo viên.
Tất nhiên, giáo viên còn làm nhiều việc khác như soạn bài, chấm bài, tập huấn, bồi dưỡng, tham gia hội thi, phong trào,…nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin những việc đó không tốn quá nhiều thời gian, một số giáo viên chưa nghiên cứu bài mà chỉ sao chép trên mạng, chỉnh sửa,..
Nhiều giáo viên hiện nay thường than khi làm việc không xuể, bận rộn, tuy nhiên thực tế chỉ khi dịp thanh tra, dịp kiểm tra hồ sơ,…thời gian còn lại giáo viên khá rảnh rỗi, nhàn nhất là đối với giáo viên không giữ chức vụ kiêm nhiệm như tổ trưởng, giáo viên chủ nhiệm,…một số giáo viên còn né tránh khi được phân công công việc ngoài số tiết giảng dạy.
Giáo viên phổ thông nên thực hiện theo giờ hành chính tại cơ quan
Hiện nay, tại các cơ sở giáo dục, ngoài hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các nhân viên làm việc giờ hành chính, riêng giáo viên chỉ làm việc theo định mức giảng dạy theo quy định hiện hành đã trình bày ở trên.
Người viết cho rằng giáo viên nên có sự công bằng với các ngành nghề khác, nên làm việc giờ hành chính, giải quyết toàn bộ công việc tại cơ quan sẽ thuận lợi, chất lượng làm việc, chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên, có lợi cho ngành giáo dục, có lợi cho học sinh,…
Dưới đây là một số nguyên nhân mà người viết cho rằng, giáo viên nên làm việc giờ hành chính.
Thứ nhất, giáo viên là viên chức
Hiện nay, không chỉ viên chức mà cả công chức ở tất cả các ban ngành đều làm việc giờ hành chính, nếu có hoán đổi thì cũng phải đảm bảo 40 giờ/tuần.
Giáo viên là viên chức đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng chỉ làm việc theo định mức tiết dạy có nhiều thời gian rảnh để làm công việc không liên quan đến giảng dạy, giáo dục, liên quan đến công việc chuyên môn là chưa phù hợp.
Tuy mức lương giáo viên còn thấp, chưa tương xứng nhưng hình ảnh giáo viên dùng giờ hành chính bán hàng online, giao hàng, làm thêm công việc khác,…là chưa thật sự phù hợp.
Từ 01/7 tới sẽ thực hiện lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27-NQ/TW, và lương giáo viên sẽ có một số ưu tiên nhất định, đến lúc này nên có những nghiên cứu thấu đáo, khoa học về thời gian làm việc, nghỉ ngơi của giáo viên, để phát huy tốt nhất hiệu quả công việc, tạo sự công bằng hơn trong đối tượng hưởng lương từ ngân sách.
Thứ hai, mọi công việc nên phải giải quyết tại cơ quan trong giờ hành chính
Nhiều giáo viên có khi thực hiện công việc như chấm bài, soạn giáo án, hồ sơ,..phải thức cả đêm để làm.
Tuy nhiên, phần nhiều trong số đó lấy giờ hành chính để làm việc khác, những công việc không liên quan giáo dục.
Nếu làm việc giờ hành chính, thì ngoài thời gian giảng dạy, các công việc ra đề kiểm tra, chấm bài, soạn giáo án, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn,…đều được giải quyết tại cơ quan với chất lượng và hiệu quả cao nhất.
Khi đó sẽ không còn cảnh giáo viên thức đêm soạn giáo án, chấm bài kiểm tra,…vì mọi công việc đều được giải quyết tại cơ quan trong giờ hành chính, hết giờ hành chính, giáo viên có thể tập trung tập thể thao lo sức khỏe, tập trung lo cho gia đình,…
Thứ ba, giáo viên đã có nghỉ 2 tháng hè
Theo quy định hiện nay, giáo viên được nghỉ 2 tháng hè (tháng 6, 7) và trong tháng 8 dù có giải quyết công việc nhưng giáo viên cũng chỉ làm việc rất ít, giáo viên còn được nghỉ theo học sinh dịp Tết Âm lịch (khoảng 2 tuần) trong khi viên chức khác chỉ nghỉ 5 ngày.
Các ban ngành khác chỉ được nghỉ phép với số ngày không nhiều, giáo viên được nghỉ hè, nghỉ Tết như trên là khá nhiều so với các ban ngành khác.
Nếu trong thời gian làm việc, giáo viên chỉ dạy theo định mức tiết, thời gian nghỉ nhiều là có phần chưa hợp lý, cần được nghiên cứu thay đổi.
Thứ tư, giảm dạy thêm trong giờ hành chính
Hiện nay, tình trạng dạy thêm học thêm còn diễn ra, nhiều học sinh học vẹt, học thụ động, mất tư duy,…
Nếu giáo viên làm việc giờ hành chính, giáo viên sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ tại cơ quan, không còn cảnh sáng dạy chính khóa, chiều kéo học sinh học thêm để thu tiền.
Cũng chấm dứt việc giáo viên giảng dạy trường này nhưng chưa kịp nghỉ trưa đã dạy sang trường khác để dạy thỉnh giảng, vừa mất sức khỏe, vừa kém hiệu quả.
Cũng chấm dứt việc giáo viên sáng dạy, chiều bán hàng online, giao hàng hoặc làm thêm các công việc khác, không còn thời gian để chăm lo cho học sinh, lo cho việc giảng dạy, giáo dục.
Thứ năm, các phong trào giáo viên tham gia sẽ tốt hơn
Nếu làm việc giờ hành chính thì ngoài thời gian giảng dạy, thời gian còn lại giáo viên có thể tham gia làm đồ dùng dạy học, nghiên cứu bài dạy, bồi dưỡng chuyên môn, tham gia các kỳ thi, hội thi online, tham gia các kỳ thi giáo viên giỏi,…dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhà trường, chất lượng sẽ tăng lên đáng kể.
Qua quá trình hơn 20 năm công tác, giữ nhiệm vụ tổ trưởng cũng hơn 13 năm, tôi nhận thấy ngành giáo dục còn một số tồn tại, hạn chế, chất lượng chưa được nâng lên, dạy thêm học thêm tràn lan, giáo viên thực hiện hồ sơ chậm trễ,…đa phần đều xuất phát từ việc giáo viên tham gia quá nhiều công việc bên ngoài không liên quan giáo dục.
Nếu, giáo viên giống như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và nhân viên đều làm việc giờ hành chính thì mọi công việc sẽ được giải quyết tại cơ quan, giáo viên đoàn kết hơn, mọi công việc, phong trào,..sẽ được giải quyết tốt hơn nhiều, ngành giáo dục, nhà trường, học sinh đều được hưởng lợi, tạo ra sự công bằng hơn giữa ngành giáo dục và các ngành khác.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.