Giáo viên sẽ được thanh toán tiền tăng giờ trong những trường hợp nào?

13/10/2023 06:42
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu tổng số tiết thực hiện cộng với kiêm nhiệm, quy đổi cả năm lớn hơn định mức giảng dạy/năm học sẽ được thanh toán tiền tăng giờ theo quy định.

Xin được cung cấp thông tin giáo viên quan tâm là trường hợp nào giáo viên phổ thông được hưởng chế độ tăng giờ theo quy định hiện hành.

Giáo viên được hưởng tăng giờ khi dạy, kiêm nhiệm vượt số tiết định mức/năm học

Căn cứ pháp lý là Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ trả thêm giờ đối với giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và Văn bản hợp nhất 03/2017/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT ban hành chế độ làm việc của giáo viên phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh minh họa: Mộc Trà

Ảnh minh họa: Mộc Trà

Tiền lương dạy thêm giờ được tính theo các công thức sau:

Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy x 150%.

Trong đó: Tiền lương 01 giờ dạy = [(Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học) : (Định mức giờ dạy/năm)] x [Số tuần dành cho giảng dạy: 52 tuần].

Số giờ dạy thêm/năm học = [Số giờ dạy thực tế/năm học + Số giờ dạy quy đổi/năm học (nếu có) + Số giờ dạy tính thêm/năm học (nếu có) + Số giờ dạy được giảm theo chế độ/năm học (nếu có)] - (Định mức giờ dạy/năm).

Định mức giờ dạy/năm đối với trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được tính như sau:

+ Định mức với giáo viên = [Định mức tiết dạy (tiêu chuẩn giờ giảng)/tuần] x (Số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục/năm học).

+ Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.

Theo đó, định mức tiết dạy của giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần x 35 tuần/năm = 595 tiết/năm, trung học cơ sở là 19 tiết/tuần x 35 tuần = 665 tiết/năm, tiểu học 23 tiết/tuần x 35 tuần = 805 tiết.

Trường hợp giáo viên làm quá số tiết này sẽ được tính lương thừa giờ (lương làm thêm giờ).

Tuy nhiên, chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lưu ý, số tiết định mức tính luôn cả số tiết do kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác như giáo viên chủ nhiệm, phụ trách phòng bộ môn hoặc các tiết quy đổi do thực hiện các nhiệm vụ khác.

Giáo viên sẽ được tính tăng giờ do dạy thay nếu tổng số tiết thực hiện lớn hơn tiết định mức/năm học

Trường hợp giáo viên đã thực hiện đủ tiết định mức giảng dạy của mình/năm học, nhưng do dạy thay đồng nghiệp đi công tác, ốm đau, thai sản,…sẽ được tính tăng giờ cho những tiết dạy thay trên.

Tại khoản 6 Điều 3 nguyên tắc trả thêm giờ có quy định “6. Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.”

Nếu tổng số tiết thực hiện cộng với kiêm nhiệm, quy đổi và dạy thay lớn hơn định mức giảng dạy/năm học sẽ được thanh toán tiền tăng giờ theo quy định trên.

Thời gian giáo viên công tác, ốm đau,…vẫn được tính dạy đủ tiết

Tại khoản 6 Điều 3 nguyên tắc trả thêm giờ có quy định

“7. Thời gian không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ giảng dạy và được tính vào giờ dạy quy đổi, bao gồm: thời gian nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian đi làm nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động.”

Theo quy định này, nếu một giáo viên trung học phổ thông được phân công thực hiện giảng dạy và kiêm nhiệm 20 tiết/tuần, nhưng cả tuần đó được cấp có thẩm quyền điều động đi công tác thì trong tuần trên giáo viên vẫn tính thực hiện đủ 20 tiết/tuần.

Nếu tổng số tiết thực hiện cộng với kiêm nhiệm, quy đổi cả năm lớn hơn định mức giảng dạy/năm học sẽ được thanh toán tiền tăng giờ theo quy định.

Thời gian giáo viên đào tạo, bồi dưỡng vẫn được tính thực hiện đủ số tiết theo phân công

Tại điểm b khoản 1 Điều 37 Văn bản hợp nhất 6/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 2017 và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức “b) Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục;..”

Do đó, giáo viên nếu được cấp có thẩm quyền điều động, cử đi đào tạo, bồi dưỡng sẽ được tính là thời gian công tác liên tục, được tính thực hiện đủ số tiết định mức theo quy định.

Ví dụ, một giáo viên được phân công dạy 20 tiết/tuần, trong năm học được Sở Giáo dục và Đào tạo cử đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trong 2 tuần thì 2 tuần trên, giáo viên đó vẫn được tính thực hiện đủ 20 tiết/tuần.

Nếu tổng số tiết thực hiện cộng với kiêm nhiệm, quy đổi cả năm lớn hơn định mức giảng dạy/năm học sẽ được thanh toán tiền tăng giờ theo quy định.

Trên đây là một số trường hợp giáo viên sẽ được tính và thanh toán tiền thừa giờ theo quy định hiện hành.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam