Giáo viên tham gia trực tết vào thời điểm nào thì được hưởng tiền làm thêm giờ?

07/01/2024 06:47
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những giáo viên cho rằng mình cũng tham gia trực nhưng không được nhà trường chi trả tiền làm thêm giờ như người khác nên có những thắc mắc, ý kiến.

Thời điểm này, đa phần các địa phương đã có lịch nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn (2024) và thông báo đến các nhà trường. Đa phần, học sinh mầm non và học sinh phổ thông sẽ được nghỉ từ 10-15 ngày liên tục.

Học sinh nghỉ Tết cũng dẫn đến hoạt động dạy và học ở nhà trường tạm nghỉ nhưng điều này không có nghĩa là học sinh nghỉ thì giáo viên cũng được nghỉ như học sinh. Bởi, lịch nghỉ Tết của giáo viên theo lịch nghỉ chung của cán bộ, công chức, viên chức.

Vì thế, trước và sau tết Nguyên đán, nhà trường có thể điều động giáo viên tham gia một số hoạt động như hội họp, tập huấn, một số phong trào của công đoàn, đoàn thanh niên, trực trường, thậm chí là trực trong những ngày Tết.

Nhưng, giáo viên trực ngày nào thì có chế độ làm thêm giờ và trực ngày nào thì không được chi trả chế độ không phải giáo viên nào cũng nắm được. Chính vì thế, vào dịp trước và sau Tết, chúng ta vẫn thấy một số giáo viên lên tiếng về việc được nhà trường phân công trực trường nhưng không có chế độ làm thêm giờ.

Lịch nghỉ Tết của cán bộ, công chức, viên chức tết Giáp Thìn tới đây (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Lịch nghỉ Tết của cán bộ, công chức, viên chức tết Giáp Thìn tới đây

(Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Tết tết Nguyên đán Giáp Thìn tới đây, giáo viên được nghỉ bao nhiêu ngày?

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán nhưng nhiều kế hoạch của ngành đã được các địa phương triển khai đến nhà trường. Trong đó, có lịch nghỉ Tết và hướng dẫn trực Tết đối với các nhà trường.

Theo điểm b khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định số ngày nghỉ tết Nguyên đán hưởng nguyên lương của người lao động cụ thể như sau:

Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); tết Âm lịch: 05 ngày; Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Như vậy, người lao động, trong đó có giáo viên sẽ được nghỉ 5 ngày tết Nguyên đán và được hưởng nguyên lương.

Năm nay, theo Công văn 8662/VPCP-KGVX ngày 3/11/2023, xét đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại văn bản số 4594/LĐTBXH-ATLĐ ngày 27/10/2023 về việc đề xuất nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến như sau:

Đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại văn bản nêu trên về việc nghỉ tết Âm lịch từ ngày 08/02/2024 đến hết ngày 14/02/2024 và nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 31/8/2024 đến hết ngày 03/9/2024.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp, người lao động về việc nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024.

Chính vì thế, tết Nguyên đán 2024 tới đây, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ tết Âm lịch năm 2024 từ thứ Năm ngày 8/2/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Tuy nhiên, ngày thứ Bảy và Chủ nhật rơi vào thời điểm nghỉ Tết nên người lao động nói chung, giáo viên ở các nhà trường nói riêng sẽ được nghỉ tất cả 7 ngày (bao gồm 5 ngày Tết và cả 2 ngày nghỉ bù cho thứ Bảy và Chủ nhật).

Trong khi đó, một số địa phương cho học sinh nghỉ 2 tuần, cộng với ngày Chủ nhật trước ngày nghỉ nên sẽ có tới 15 ngày nghỉ Tết. Một số giáo viên vẫn nghĩ lịch nghỉ Tết của sở giáo dục và đào tạo gửi đến các nhà trường thì giáo viên sẽ được nghỉ bằng số ngày của học sinh.

Nếu hiểu như vậy là không đúng vì giáo viên là viên chức phải thực hiện theo Luật Viên chức và Bộ luật Lao động hiện hành.

Nếu giáo viên trực Tết có được chi trả tiền chế độ làm thêm giờ hay không?

Thực tế, khoảng thời gian không phải là 5 ngày nghỉ tết Nguyên đán, đa phần các trường học vẫn có một số hoạt động và điều động giáo viên vào trường như họp Hội đồng sư phạm; họp chi Bộ; tập huấn; tổ chức một số phong trào vui chơi giải trí nhằm mừng Đảng, mừng Xuân.

Ngoài ra, một số trường còn phân công giáo viên các tổ, khối chuyên môn vào trực trường vào các ngày trước và sau tết Nguyên đán. Việc giáo viên được nhà trường phân công trực trường vào những ngày này không được tính tiền làm thêm giờ như những ngày trực Tết.

Vì thế, khi kế toán nhà trường gửi bảng lương, trong đó có việc chi tiền trực Tết nhưng có người được, người không. Có những giáo viên cho rằng mình cũng tham gia trực nhưng không được nhà trường chi trả tiền nên có những thắc mắc, ý kiến.

Tuy nhiên, không phải giáo viên nào tham gia trực cũng đều được đơn vị chi trả tiền làm thêm giờ.

Chẳng hạn, như tết Nguyên đán Giáp Thìn tới đây, giáo viên được được nghỉ từ thứ Năm ngày 8/2/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Tuy nhiên, ngày 13-14/2 (mồng 4 và mồng 5 Tết) là ngày nghỉ bù.

Vì thế, nếu giáo viên tham gia trực từ 8-12/2 (từ ngày 29 đến hết ngày mồng 3 tết) thì mới được chi trả tiền làm thêm giờ. Trực ngoài khoảng thời gian này, giáo viên sẽ không được chi trả tiền làm thêm giờ mà chỉ là trực hành chính bình thường theo phân công của thủ trưởng đơn vị mà thôi.

Đối với những giáo viên tham gia trực Tết trong 5 ngày nghỉ được Luật và các văn bản hiện hành hướng dẫn cho nghỉ thì sẽ được tính tiền làm thêm giờ. Căn cứ quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

“Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.

Có nghĩa, những cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia trực Tết (5 ngày Tết), ngoài tiền lương được nhận bình thường, những ngày trực Tết sẽ được tính ít nhất bằng 300% nữa.

Trong khi đó, một số địa phương hướng dẫn rất kĩ đối tượng trực tết bao gồm: bảo vệ nhà trường (trực đêm); hiệu trưởng; phó hiệu trưởng; chủ tịch công đoàn; bí thư đoàn trường; tổng phụ trách đội; nhân viên (trực ngày).

Mỗi ngày trực, sẽ có 1 người trực lãnh đạo (Ban giám hiệu) và 1 người trực hành chính nên 5 ngày này cũng chỉ cần tối đa là 10 lượt trực. Thông thường, những thành viên Ban giám hiệu sẽ luân phiên trực chính, trường loại I thì có thể mỗi người trực khoảng 1,5- 2 ngày; trường loại II, loại III thì nhiều hơn.

Chính vì ngày trực tết được hưởng “ít nhất bằng 300%” lương nên mỗi đợt trực Tết thì lãnh đạo nhà trường thường được nhận số tiền làm thêm giờ khoảng một vài triệu đồng (tùy vào số ngày trực, hệ số lương đang hưởng).

Nếu Ban giám hiệu giải thích rõ, giáo viên nắm được những hướng dẫn về thời gian nghỉ Tết của viên chức, hiểu rõ về trực tết, trực hành chính sẽ biết mình trực ngày nào sẽ được nhận tiền làm thêm giờ, trực ngày nào không có và sẽ không có những ý kiến trái chiều.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG