Giáo viên tích hợp đào tạo ở đâu?

13/06/2018 06:37
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Trong một thời gian rất “dài”, 8 ngày, tối đa là 32 tiết học liệu những giáo viên cốt cán trên đã đủ để thành giáo viên “tích hợp” chưa?

LTS: Đưa ra câu hỏi "Giáo viên tích hợp đào tạo ở đâu?", tác giả Sơn Quang Huyến gửi đến độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội, thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Trong bậc học trung học cơ sở môn khoa học tự nhiên là môn tích hợp của (Hóa học, Sinh học, Vật lý trước đây); môn (Lịch sử và Địa lý) là hai môn học mới.

34 nghìn tỷ có đào tạo được đội ngũ giáo viên tích hợp?

Thế nhưng tham khảo chỉ tiêu đào tạo của các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm hàng đầu của cả nước, tuyệt nhiên không hề có ngành đào tạo (Khoa học tự nhiên), (Lịch sử-Địa lý).

Theo lộ trình đã được thống nhất, ngành giáo dục tiểu học còn hai năm, trung học cơ sở còn ba năm, trung học phổ thông còn 4 năm.

Như vậy, trong vòng 4 năm tới ngành giáo dục sẽ chưa có giáo viên “đạt chuẩn” phục vụ cho hai bộ môn này trong chương trình mới ở trung học cơ sở.

Giáo viên “tích hợp” chỉ có nguồn đào tạo duy nhất từ kế hoạch 270/KH-BGDĐT.

Theo Kế hoạch 270/KH-BGDĐT thì trong những năm tới, Bộ sẽ tiến hành bồi dưỡng giáo viên cốt các môn học ở trung ương và số lượng giáo viên cốt cán của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyển chọn 3 giáo viên/môn học/cấp học để đào tạo mỗi năm một đợt 8 ngày.

Ba giáo viên cốt cán này sẽ là ba giáo viên đang dạy môn Hóa, Lý, Sinh hoặc Sử, Địa được sở cử đi tiếp thu từ bộ giáo dục để về “đào tạo” giáo viên tích hợp cho địa phương mình. 

Giáo viên tích hợp đào tạo ở đâu? (Ảnh minh họa: TTXVN).
Giáo viên tích hợp đào tạo ở đâu? (Ảnh minh họa: TTXVN).

Trong một thời gian rất “dài”, 8 ngày, tối đa là 32 tiết học liệu những giáo viên cốt cán trên đã đủ để thành giáo viên “tích hợp” chưa?

Liệu họ có thể trở thành “máy cái” về địa phương cho ra lò “giáo viên tích hợp” con được chưa?

Nếu có được giáo viên tích hợp từ mô hình đào tạo trên thì phải khẳng định là giáo viên ta “giỏi” thật.

Một mô hình đào tạo “cấp tốc ra giáo viên dạy học tích hợp”.

Dù ở đâu, chính thể nào, nội dung chương trình ra sao, vai trò của giáo viên rất quan trọng trong giáo dục. Vai trò quyết định đó không thể đảo ngược được.

Vì vậy kết hợp với lộ trình đổi mới chương trình, không thể tách rời lộ trình đào tạo giáo viên.

Để có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, không gì thay thế được đó là sự đào tạo của các trường đại học sư phạm, đặc biệt là giáo viên dạy các môn tích hợp. 

5 đợt 8 ngày tập huấn liệu có cho ra lò lứa “giáo viên tích hợp”?

Đào tạo theo nhu cầu của đổi mới chương trình như thế này cũng góp phần đảm bảo sinh viên sư phạm ra trường không thất nghiệp.

Nên chăng, Bộ giáo dục phải chỉ đạo các trường sư phạm gấp rút mở ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, hoặc có kế hoạch dài hơi hơn trong việc bồi dưỡng các giáo viên môn Hóa, Sinh, Lý, Sử, Địa thành giáo viên tích hợp đạt yêu cầu.

Đào tạo và tự đào tạo là xu hướng tất yếu mà mỗi giáo viên phải thực hiện. Vì vậy giáo viên chúng ta phải tự học, tự bồi dưỡng để trang bị kiến thức, phương pháp trở thành giáo viên “tích hợp” trong lộ trình thực hiện chương trình mới của ngành giáo dục.     

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Ke-hoach-270-KH-BGDDT-2018-dao-tao-boi-duong-giao-vien-co-so-giao-duc-pho-thong-381419.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-quyet-51-2017-QH14-dieu-chinh-lo-trinh-thuc-hien-chuong-trinh-sach-giao-khoa-pho-thong-368014.aspx

http://thongtintuyensinh.vn/Truong-Dai-hoc-Su-pham-Ha-Noi_C50_D617.htm

http://www.thongtintuyensinh.vn/Truong-Dai-hoc-Su-pham-DH-Hue_C93_D840.htm

http://www.thongtintuyensinh.vn/Truong_Dai_hoc_Su_pham_TPHCM_C51_D705.htm

Sơn Quang Huyến