Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; đề nghị các tổ chức, cá nhân quan tâm góp ý kiến về dự thảo Thông tư trước khi ban hành.
“Điều 13. Hệ thống hồ sơ về hoạt động giáo dục Hệ thống hồ sơ, sổ sách quản lí hoạt động giáo dục trong trường gồm:
1. Đối với nhà trường:
a) Sổ đăng bộ;
b) Sổ theo dõi phổ cập giáo dục (đối với cấp trung học cơ sở);
c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (bao gồm cả học sinh khuyết tật);
d) Sổ ghi đầu bài;
đ) Học bạ học sinh;
e) Sổ quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ;
g) Hồ sơ kiểm tra, đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên và người lao động;
h) Sổ quản lý và hồ sơ lưu trữ các văn bản, công văn đi, đến;
i) Hồ sơ quản lý thiết bị giáo dục, thư viện;
k) Hồ sơ quản lý tài sản, tài chính;
l) Hồ sơ theo dõi sức khoẻ học sinh.
2. Đối với tổ chuyên môn:
a) Kế hoạch hoạt động chuyên môn;
b) Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.
3. Đối với giáo viên:
a) Kế hoạch giáo dục;
b) Kế hoạch bài học (giáo án);
c) Sổ theo dõi, đánh giá học sinh;
d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
4. Trường trung học sử dụng hồ sơ, sổ sách qui định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng số hoá thay cho các loại hồ sơ, sổ sách giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ, sổ sách điện tử. Việc quản lý và lưu giữ hồ sơ, sổ sách điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
5. Việc bảo quản hồ sơ của nhà trường được thực hiện theo các quy định của pháp luật”.
Các loại sổ sách của giáo viên so với trước đây về số lượng vẫn bằng nhau (bốn loại); chỉ khác “Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp” nay được thay bằng sổ “Kế hoạch giáo dục”.
Điểm mới của dự thảo chính là có thêm Khoản 4, khoản 5 trong Điều 13.
Giáo viên trung học có phải in giáo án hay không? (Ảnh minh họa: Baobacgiang.com.vn) |
Tôi xin góp ý Khoản 4, Điều 13 cắt bớt: “Việc quản lý và lưu giữ hồ sơ, sổ sách điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định” và thêm vào “Hồ sơ Giáo viên (Kế hoạch giáo dục; Kế hoạch bài học (giáo án)) được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy, nếu giáo viên có yêu cầu”:
“4. Trường trung học sử dụng hồ sơ, sổ sách qui định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này dạng số hoá thay cho các loại hồ sơ, sổ sách giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ, sổ sách điện tử.
Hồ sơ Giáo viên (Kế hoạch giáo dục; Kế hoạch bài học) được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy, nếu giáo viên có yêu cầu”.
Lý do thứ nhất: Nếu để “Việc quản lý và lưu giữ hồ sơ, sổ sách điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.” chẳng khác nào đẻ ra một “giấy phép con”.
Lý do thứ hai: Kế hoạch giáo dục; Kế hoạch bài học (giáo án) mang tính cá nhân hóa tuyệt đối, không có khuôn mẫu cụ thể; chỉ có giá trị cao nhất với người biên soạn; có thể thay đổi theo giờ, ngày, tháng; vì vậy hồ sơ này lưu trữ dạng điện tử là phù hợp nhất.
Sổ theo dõi, đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm, số lượng ít, do nhà trường cấp phát, nên không cần sổ điện tử.
Lý do thứ 3: Tiết kiệm chi phí in ấn, người dạy dễ dàng chỉnh sửa cho phù hợp; người kiểm tra có thể kiểm tra bất cứ khi nào, nơi nào.
Lý do thứ 4: Thời đại công nghệ thông tin, giáo viên đã biết và có máy tính, điện thoại thông minh…; internet đã phủ kín gần 99,99% trường trung học mà không quản lý bằng công nghệ thông tin là điều lạc hậu, thiệt thòi cho giáo viên và giáo dục.
Lý do thứ 5: Phần lớn giáo viên muốn có văn bản chính thức quy định quản lý, kiểm tra, giám sát giaó án điện tử; Nếu nhà trường không có chủ trương, giáo viên có quyền yêu cầu quản lý giáo án điện tử; buộc nhà trường phải đổi mới quản lý, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý; thực tế hiện nay áp dụng công nghệ vào quản lý hay không phụ thuộc vào lãnh đạo nhà trường.