LTS: Vừa qua, cuộc trả lời phỏng vấn của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh về VNEN đã gây sự bức xúc cho nhiều người vì lãnh đạo tỉnh này tỏ ra “đụng đến đâu vướng đến đó".
Cô giáo Đỗ Quyên cũng có bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Đọc bài báo “Tiến sỹ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh không hiểu gì về VNEN”? đăng trên báo Tầm Nhìn, với cách trả lời vòng vo, né tránh trách nhiệm, ông Giám đốc Sở Giáo dục đã đổ lỗi cho cơ sở còn quá máy móc, rập khuôn nên mô hình VNEN mới thất bại.
Nhưng đáng sợ nhất là việc một người trực tiếp chỉ đạo chuyên môn như ông lại “hiểu nhầm” về VNEN một cách trầm trọng như thế, nên VNEN “vỡ trận” cũng chẳng có gì phải bất ngờ.
Chẳng hạn, Giám đốc sở nói:
“Không phải cứ đập bục giảng, cưa ngắn bàn hay mua tài liệu mới là thực hiện mô hình trường học mới. Vì đó chỉ là những yếu tố hỗ trợ để chúng ta thực hiện tốt hơn. Nhưng để nguyên thì vẫn triển khai được, chúng ra phát triển dần.
Sách VNEN là công cụ để hỗ trợ chúng ta thực hiện chương trình tốt hơn. Có thể thực hiện không cần sách này.
Sách này bản chất gần như là giáo án trong hồ sơ chuyên môn. Bản chất tài liệu này là đưa ra các yêu cầu, hình thành các hoạt động cho giáo viên và học sinh”…
Với cách “hiểu nhầm” tai hại như thế nên Hà Tĩnh đã cùng một lúc cho ồ ạt triển khai hàng loạt trường thực hiện theo mô hình trường học mới này.
Trong đó có nhiều trường bậc Trung học Cơ sở, dẫn đến chất lượng học tập của học sinh lao dốc và hàng ngàn phụ huynh phải là người lên tiếng để bảo vệ con mình.
Học sinh lớp 7C (trường Trung học Cơ sở Nam Hồng, Hà Tĩnh) hân hoan đề nghị bỏ chương trình VNEN (Ảnh Lê Văn Vỵ). |
Lãnh đạo bưng bít thông tin
“Mọi lý thuyết đều trở thành màu xám/ Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Cán bộ, chuyên viên giáo dục giỏi lý thuyết nhưng hiệu quả, chất lượng giảng dạy phải hỏi ý kiến giáo viên mới chuẩn nhất. Với cách bưng bít thông tin như hiện nay ở các cơ sở giáo dục chỉ cho ta kết quả đẹp như mơ trong từng bản báo cáo nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Sao không thấy ai chịu trách nhiệm về hậu quả VNEN để lại? |
Ngay từ những ngày đầu khi chương trình mới được triển khai thí điểm ở một số trường, giáo viên - những người trực tiếp giảng dạy đã có nhiều ý kiến phản hồi về tính không hiệu quả của mô hình, nhưng mọi ý kiến đều bị phủ nhận.
Được sự chỉ đạo của các chuyên viên cấp Phòng, Sở, lãnh đạo từng trường luôn “cung cúc” tuân theo dù họ vẫn biết khó thực hiện được, thế rồi những chỉ đạo được ban xuống cho giáo viên như: “phải cố gắng thực hiện bằng mọi cách. Tuyệt đối không được bàn ra vì đây là chủ trương đổi mới Giáo dục của toàn ngành”.
Nực cười hơn nữa cấm giáo viên “share, like những bài viết trái chiều về giáo dục trên các mạng thông tin chính thống…”.
Một số thầy cô đã bất chấp lời cảnh báo khi có ý kiến trái chiều, share, like những bài viết mình tâm đắc về những điều bất cập khi thực hiện mô hình trường học mới lập tức được lãnh đạo mời lên phòng nhắc nhở.
Bị bưng bít thông tin, lãnh đạo không dám nghe lời nói thật. Phần lớn giáo viên chỉ dám nói nhỏ cho nhau nghe ngoài hành lang các cuộc họp.
Họ tự lừa dối, ru ngủ mình bằng những lời nhận xét thật mĩ miều mỗi khi được hỏi, được ghi vào các báo cáo trình lên, bởi ai cũng biết cấp trên lại rất thích nghe những điều như thế.
Với cách quản lý, thi hành như vậy bảo sao mãi sau tới vài năm thực hiện mô hình trường học mới VNEN mới bị bung bét như thế.
Đã đến lúc sự thật cần được nhìn nhận
Cảm xúc của thầy trò trường Cẩm Trung sau khi không phải học theo VNEN |
Trước sức ép của nhiều phụ huynh, nhiều trường học bậc Trung học Cơ sở đã mạnh dạn bỏ việc dạy học theo mô hình mới VNEN.
Lúc này, nhiều giáo viên mới dám chia sẻ suy nghĩ thật của mình.
Một giáo viên dạy toán bậc Trung học Cơ sở nói: “Nhiều bài toán mình giảng đi giảng lại nhiều lần học sinh làm còn sai lên sai xuống. Nay bắt chúng tự làm, bạn giỏi dìu bạn yếu nên học sinh yếu càng yếu hơn”.
Một giáo viên dạy văn lại nói:
“Dạy văn mà không được truyền cảm xúc cho các em, bằng những bình luận, những liên hệ thực tế, những trải nghiệm của giáo viên để giáo dục học sinh về nhân cách sống, bồi dưỡng cho tâm hồn các em thêm phong phú thì không có gì chán bằng.
Giờ văn, các em chỉ đọc thông tin trong Sách giáo khoa, thảo luận, trả lời dăm ba câu hỏi một cách máy móc là xong. Học thế, các em không thể viết nổi đơn xin phép nghỉ học cũng là điều bình thường”.
Chẳng riêng gì vị Tiến sĩ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo này mà rất nhiều cán bộ giáo dục ở khắp nơi trực tiếp chỉ đạo nhưng lại không hiểu rõ về VNEN; thế mà họ chỉ đạo rất hay, nói rất giỏi.
Giờ thì tôi mới thật sự hiểu mô hình trường học mới có rất nhiều ưu điểm nhưng được chỉ đạo bởi những người không hiểu gì về VNEN cộng với việc luôn bưng bít thông tin nên mới nhận kết quả thảm hại như thế!