Kí ức của những ông giáo già và chuyện tranh luận về "Bộ phim Thông tư 30"

14/10/2016 06:27
Nhóm tác giả Hoàng Hữu Đức
(GDVN) - Chỉ có rút kinh nghiệm sâu sắc và toàn diện việc ban hành, thực hiện Thông tư 30 thì mới hạn chế được việc ban hành những “Thông tư lên giời” trong tương lai!

LTS: Thông tư 30 từ khi ra đời đến nay đã nhận được nhiều luồng dư luận trái chiều và qua nhiều bài viết phản ánh bất cập của Thông tư đã góp phần quan trong giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh rõ rệt.

Nhìn nhận lại quá trình phản ánh của những bài viết này, nhóm các “lão giáo già” (gồm 22 giáo viên từng giữ các chức vị quan trọng trong quản lý giáo dục và có kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp) mà đại diện là người chắp bút Hoàng Hữu Đức đánh giá cao về tính định hướng của báo chí cũng như phê phán trách nhiệm của những người đã đề ra những quyết sách thiếu đúng đắn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Như có lần đã giới thiệu với bạn đọc trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi là một nhóm các ông bà giáo già, sinh hoạt trong một Câu lạc bộ giáo chức ở một phường lớn tại Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, câu lạc bộ của chúng tôi đã lên đến 22 người, đa phần là giáo viên từ bậc Tiểu học, đến Cao đẳng, Đại học; một số người là cán bộ quản lý cấp trường, cấp Phòng, cấp Sở; có 2 người là chuyên viên cấp Bộ; 4 người là giáo viên ở các tỉnh khác sau khi về hưu chuyển về sinh sống ở phường chúng tôi cùng với con cháu.

Điều khá thú vị của câu lạc bộ giáo chức này là các hội viên đều có con hoặc cháu công tác trong ngành giáo dục; một số gia đình cả 3 đời đều làm giáo viên; một số người có số lượng học trò khá lớn đang dạy học và làm cán bộ quản lý giáo dục.

Bởi vậy, chúng tôi không chỉ nắm bắt ngay những vấn đề thời sự trên báo chí mà còn hàng ngày được nghe những trao đổi, tâm tình từ chính đội ngũ những người “làm công ăn lương” trong ngành giáo dục ở xung quanh mình.

Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh Thông tư 22/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký ngày 22/9/2016, ban hành những sửa đổi “rất cần thiết và đáng trân trọng” như bài báo của nhóm tác giả Việt Cường đã khẳng định ngày 6/10/2016.

Ảnh minh họa trên báo giaoduc.net.vn.
Ảnh minh họa trên báo giaoduc.net.vn.

Qua việc tổng hợp dư luận trực tiếp từ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mà chúng tôi gắn bó, chúng tôi nhận thấy tất cả đều rất phấn khởi, vui mừng trước những điều khoản sửa đổi mà Thông tư 22 ban hành.

100% ý kiến được chúng tôi phỏng vấn, trao đổi đều đánh giá rất cao Thông tư 22 và ca ngợi sự dũng cảm, thẳng thắn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Một lần nữa, câu lạc bộ giáo chức hưu trí chúng tôi trân trọng hoan nghênh và ghi nhận ý thức “nhìn thẳng vào sự thật, sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến góp ý, phản biện từ dư luận; dám công nhận và sửa sai, hạn chế thấp nhất những bất cập và bức xúc của một Thông tư bàn giấy” của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chung và của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói riêng.

Kí ức của những ông giáo già và chuyện tranh luận về "Bộ phim Thông tư 30" ảnh 2

Muốn đổi mới giáo dục, nhất định phải thay đổi đội ngũ quản lý trước

Người già thì hay lẩn mẩn, vả lại đã về hưu thì cũng nhiều rỗi rãi, thế là chúng tôi cùng nhau đọc lại và trao đổi về cuộc tranh luận gay gắt, kéo dài về Thông tư 30 từ đầu năm 2015 đến nay mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin.

Chúng tôi còn cẩn thận đọc kỹ những comment ở dưới các bài viết; phân công nhau thống kê, tổng hợp các ý kiến để có cơ sở nhận xét.

Và, ký ức của những “lão giáo già” chúng tôi xin được quay lại toàn cảnh “Bộ phim Thông tư 30” trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ở những nét khái quát và cơ bản nhất để gửi tới đông đảo độc giả và cả Bộ Giáo dục và Đào tạo những tâm tư, góp ý gan ruột của mình.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bắt đầu nóng rực lên từ bài báo “Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp dụng Thông tư 30” của Tiến sĩ Ngô Gia Võ (Trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên), đăng ngày 29/1/2015.

Dưới bài báo này có tới 263 comment của bạn đọc.

Sau bài báo ấy, xuất hiện hàng loạt bài của nhóm tác giả Việt Cường và của nhiều tác giả khác đã phân tích, chứng minh những vấn đề bất cập, phản khoa học, sai lầm của Thông tư 30.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện hàng loạt bài viết của: Hoàng Mai Lê (Vụ Tiểu học), Dương Quốc Nam (Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình), Phạm Ngọc Định (Vụ trưởng Vụ Tiểu học), Vũ Thị Thắm (Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học)… giải thích và bênh vực cho cái đúng, cái hay, cái đổi mới của Thông tư 30 hoặc để trấn an dư luận.

Kí ức của những ông giáo già và chuyện tranh luận về "Bộ phim Thông tư 30" ảnh 3

Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30

Điều đáng chú ý là ý kiến bênh vực Thông tư 30 ngay lập tức bị bạn đọc “rầm rầm” phản đối, mỉa mai, bôi bác; còn ý kiến phê phán Thông tư 30 thì lại được hơn 90% bạn đọc đồng tình, ca ngợi.

Ấn tượng nhất là khi báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mở cuộc thăm dò dư luận xã hội về Thông tư 30 thì liên tục trong nhiều ngày hơn 86% ý kiến thăm dò không đồng tình thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thăm dò, có một thời điểm bất thường là trong vòng hơn một ngày xuất hiện đến mấy nghìn ý kiến đồng tình thực hiện Thông tư 30 khiến cho tỉ lệ phản đối thông tư này sụt giảm đáng kể, nhưng vẫn còn tới hơn 78% không đồng tình.

Những người hiểu biết về báo chí đều cho rằng đây là hành động khuất tất của một nhóm người bất chấp lẽ phải, cố ý bênh vực Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong số những ý kiến bình luận về Thông tư 30, nổi lên một số cái tên như: Nguyễn Lự, Hoàng Minh, Nhà báo trẻ, Văn Lư, Nguyễn Huệ, Phùng Đức Cường, Dương Quốc Nam, Hoàng Mai Lê, Việt Khuê, Chung Hoàng, Cần phải nói, GV lớp 1... đã cố ý “cãi cùn” với các comment và các tác giả phê phán Thông tư 30; hết lời ca ngợi Thông tư 30 như là một khâu đột phá, một thành tựu lớn của đổi mới giáo dục Việt Nam.

Đặc biệt nhất là những người có trách nhiệm cao trong việc ban hành Thông tư 30 ở Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vào cuộc.

Bà Vũ Thị Thắm (Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học) thì tuyên bố như đinh đóng cột rằng: “Không có điều chỉnh gì hết”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đương thời lúc ấy thì khẳng định: “Trồng người không có chỗ làm lại”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trong ý kiến chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn yêu cầu “Nghiêm túc thực hiện đầy đủ Thông tư 30”.

Bây giờ, Thông tư 22 đã được ban hành.

Nhóm tác giả Việt Cường và nhiều tác giả khác đã so sánh cụ thể những điểm mới, điểm tiến bộ của Thông tư 22 so với Thông tư 30 như bạn đọc đã biết.

Điều đó chứng tỏ Thông tư 30 đã sai, đã có những chỗ phản khoa học, ban hành vội vàng, thiếu thực tế, gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm dư luận xã hội bức xúc.

Thông tư 30 đúng là một “Thông tư bàn giấy” của “một nhóm người có thể không thiếu cái tâm nhưng lại rất thiếu cái tầm”.

Từ giá trị đổi mới, tính chất khoa học, tính thực tiễn của Thông tư 22 so với Thông tư 30, “Những lão giáo già” chúng tôi có một vài ngẫm ngợi như sau:

1. Để có được kết quả tốt đẹp từ Thông tư 22, công lao đầu tiên thuộc về báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Quý báo đã rất nhạy bén với dư luận xã hội, biết lắng nghe ý kiến nhiều chiều, cho đăng tải hàng loạt những bài phản biện Thông tư 30 với mục đích góp phần làm cho nền giáo dục nước nhà tốt đẹp hơn.

2. Thống kê, quan sát những ý kiến bênh vực, ca ngợi Thông tư 30, chúng tôi nhận thấy cả một hệ thống quản lý giáo dục đã vào cuộc.

Từ người “Tư lệnh ngành” Bộ trưởng, đến Thứ trưởng, Vụ trưởng, Vụ phó, rồi xuống đến đội ngũ chuyên viên của Bộ…, tất cả đều “đồng thanh tương ứng” bảo vệ Thông tư 30, phản bác lại các ý kiến phê phán Thông tư này, áp đặt việc thực hiện cho đội ngũ giáo viên một cách nóng nảy và thiếu cân nhắc.

Đây là “lỗi hệ thống” của bộ máy quản lý giáo dục ở nước ta, cần phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc và sâu sắc.

Chúng tôi đã có ý kiến về điều này trong bài báo “Muốn đổi mới giáo dục, nhất định phải thay đổi đội ngũ quản lý trước” trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đăng ngày 4/6/2016

3. Đọc lại những comment của một số người như Nguyễn Lự, Hoàng Minh, Nhà báo trẻ, Văn Lư, Nguyễn Huệ, Phùng Đức Cường, Việt Khuê, Chung Hoàng, Cần phải nói, GV lớp 1..., những “lão giáo già” chúng tôi cảm thấy buồn vô hạn.

Trong số những cái tên ấy không biết có những ai là chuyên viên giáo dục của Bộ, hoặc là “quân xanh” của Vụ Tiểu học?

Họ phê phán các tác giả viết bài phản biện Thông tư 30 một cách thật phi lý, ví dụ như: “đi tập huấn tại sao không có ý kiến… hay là chưa hiểu …”.

Kí ức của những ông giáo già và chuyện tranh luận về "Bộ phim Thông tư 30" ảnh 4

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận giáo viên tiểu học chịu nhiều áp lực

Họ còn nói bừa rằng các tác giả này “chưa đọc kỹ”,chưa hiểu” thậm chí “chưa đọc Thông tư 30”.

Một số người còn nói năng hồ đồ, xúc phạm tuổi đời nhân cách của các tác giả, đại loại như “càng già càng dại…”.

Cách nói miệt thị, coi thường người khác, rồi mỉa mai, phủ nhận vô căn cứ ý kiến những người phản biện Thông tư 30, chúng tôi thống kê được không phải là ít.

Cuộc đời này có ai giỏi hết mọi thứ?

Con người còn sống còn sai là quy luật của muôn đời, vấn đế mấu chốt là cái sai, cái hạn chế ấy như thế nào, ở mức độ nào?

Nhưng sai và bất cập đến mức như Thông tư 30 thì đúng là nghiêm trọng.

Vấn đề quan trọng hơn nữa là tâm thế và thái độ nhìn nhận, sửa chữa cái sai ấy. 

Những người trong cuộc cần phải hết hết sức bình tĩnh, điềm đạm lắng nghe những ý kiến phản biện, nghiêm túc suy nghĩ và nhìn nhận mọi góp ý, phản hồi thì may ra mới rút kinh nghiệm và sửa chữa được những sai lầm, bất cập của mình.

Nếu không có hàng loạt bài báo và hàng nghìn ý kiến comment phê phán Thông tư  30 thì làm sao có đủ sức ép của thực tế và dư luận để dẫn tới việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ban hành Thông tư 22 đầy giá trị thực tiễn kia?

4. Chúng tôi cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng và sâu sắc về quá trình ban hành, thực hiện Thông tư 30.

Kiểm tra toàn diện các khâu: từ chuẩn bị đề cương, soạn thảo văn bản, ban hành Thông tư, tổ chức tập huấn, thực hiện thí điểm và thực hiện đại trà cho đến cả các vấn đề như: Dự toán tài chính, thực tế giải ngân… trong 2 năm thực hiện Thông tư 30 để rút kinh nghiệm quý báu cho những người làm công tác quản lý giáo dục ở Bộ.

Điều đó sẽ tạo ra sự nghiêm túc và đổi mới ngay trong nhận thức của đội ngũ cán bộ chuyên viên quản lý giáo dục.

Nếu chỉ “đổi mới bằng mồm” chưa đổi mới từ trong suy nghĩ và nhận thức thì chắc chắn sẽ chẳng thực hiện được một điều gì có giá trị.

Chỉ có rút kinh nghiệm sâu sắc và toàn diện việc ban hành và thực hiện Thông tư 30 cũng như một số Thông tư, chỉ thị đã từng sai lầm khác thì mới hạn chế và tránh được việc ban hành những “Thông tư lên giời” trong tương lai, góp phần làm cho công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” theo Nghị quyết 29 của Đảng đi vào đời sống một cách thiết thực và hiệu quả.

5. Chúng tôi cũng muốn được chia sẻ một chút với Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, mặc dù ông đã về hưu, có thể nói là đã “Hạ cánh an toàn”.

Những “lão giáo già” chúng tôi không hiểu ông có áy náy chút nào không về chính cái Thông tư do ông ký ban hành ngày 28/8/2014 kia?

Bài viết đã quá dài, nếu có điều gì làm mếch lòng bạn đọc hoặc ai đó, những “lão giáo già” chúng tôi xin được lượng thứ!

Nhóm tác giả Hoàng Hữu Đức