Trong các kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và thi Tuyển sinh 10 hiện nay thì việc chấm thi có khâu cán bộ thanh tra chấm thẩm định 5 % tổng số bài thi của thí sinh.
Đây được xem là khâu quan trọng để hạn chế sai sót của các giám khảo nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh.
Song thực tế ở khâu này rất dễ phát sinh ra những tiêu cực bởi đa phần việc chấm thanh tra mà bài nào phải sửa đều là những bài được được nâng thêm điểm cho thí sinh.
Trong bài viết này, chúng tôi phản ánh một "góc khuất" trong khâu chấm thanh tra ở kỳ thi Tuyển sinh 10 mà bản thân đã có nhiều lần tham dự, chứng kiến.
Thi tuyển sinh lớp 10 đang được làm rất nghiêm ngặt ở các khâu đầu...(Ảnh minh họa: TTXVN) |
Với quy định chấm thi hiện nay thì mỗi bài thi có 2 giám khảo chấm độc lập, các Sở thường bố trí một giám khảo dạy Trung học phổ thông và một giám khảo dạy Trung học cơ sở.
Mỗi tổ chấm thi có một tổ trưởng và một tổ phó, những người này sẽ làm nhiệm vụ phân công cho việc giám khảo chấm bài thi. Thông thường, các Hội đồng chấm thi sẽ bố trí hai giám khảo ngồi ở 2 phòng khác nhau.
Giám khảo 1 chấm trước và có một phiếu chấm riêng để ghi những điểm của từng câu trong bài thi của thí sinh.
Đặc biệt, người chấm trước không được để lại dấu vết gì trên bài thi mà mình đã chấm. Khi giám khảo 2 chấm thì sẽ cho điểm trực tiếp trên bài thi. Sau khi 2 người chấm xong một xấp bài sẽ thực hiện việc thống nhất điểm rất cặn kẽ.
Chính vì 2 người chấm độc lập như vậy nên việc chấm thi rất cẩn thận từng chi tiết nhỏ nhất. Vậy nên những sai sót trong việc chấm thi hiếm khi xảy ra đối với các bài thi.
Tuy nhiên, sau khi chấm xong và nộp bài cho Hội đồng chấm thi thì thỉnh thoảng các giám khảo chấm thi vẫn bị thanh tra mời lên để thống nhất lại cách chấm vì bài thi chấm…chưa đúng, chưa sát.
Chưa bao giờ giám khảo bị gọi lên mà điểm thí sinh bị hạ xuống, chỉ có điểm được nâng lên thì cán bộ thanh tra thi mới gọi.
Các thanh tra thường viện lý do câu này phải cho điểm tối đa, câu kia nâng lên bao nhiêu bởi bài này làm tốt, hay, có sáng tạo. Và, việc sửa điểm thường xảy ra với môn Ngữ văn.
Quy trình chấm, vào điểm thi lớp 10 cực kỳ nghiêm, thí sinh có nên phúc khảo? |
Đây là môn thi tự luận hoàn toàn nên việc nâng mỗi bài thi 1-2 điểm vẫn có thể thực hiện được.
Bởi Ngữ văn là môn “định tính”, khi thanh tra chủ ý nâng điểm cho một thí sinh nào đó thì người ta sẽ tìm ra những câu nào, ý nào hay là họ lái bài viết này sáng tạo, mới, thì nên khuyến khích điểm cho thí sinh kẻo…tội nghiệp các em.
Cán bộ thanh tra thi thường là lãnh đạo Sở, lãnh đạo Phòng Giáo dục, thấp nhất cũng là các Hiệu trưởng nhà trường nên thường tiếng nói của họ có vị thế rất lớn và bắt buộc giáo viên phải đồng ý chấp nhận ký vào bài thi ở phần sửa điểm.
Nhiều giám khảo khi về phòng chấm thi xì xào về nỗi bất bình nhưng họ cũng không có thể làm gì hơn.
Một khi muốn nâng điểm cho một thí sinh nào đó thì không phải là điều quá khó khăn với cán bộ thanh tra và lãnh đạo Hội đồng chấm thi.
Bởi số báo danh, số phách thì cũng mấy người ngồi trong Hội đồng chỉ đạo chấm thi với nhau cả.
Một khi đã có ai đó nhờ thì tất nhiên người đó phải có một vai trò, vị thế lớn trong ngành hay ở địa phương. Việc “giúp đỡ” lãnh đạo âu cũng là “bổn phận” của cấp dưới.
Nếu không giúp có lẽ họ cũng gặp những phiền toái chứ đâu dễ dàng gì. Hơn nữa, họ đều là lãnh đạo dù là ngành này, ngành khác nhưng cũng quen biết nhau hoặc quen biết với lãnh đạo của mình.
Mỗi kỳ thi giúp một vài trường hợp cũng có sao, họ cũng chẳng mất mát cái gì cả.
Xét về lý thì rất khó có thể bắt bẻ được những cán bộ thanh tra chấm thẩm định bài bởi quy chế thi cho phép họ chấm như vậy. Xét về tình thì họ bao giờ cũng lấy quyền lợi của thí sinh lên trên.
Họ nói với giám khảo chấm bài là, sửa điểm để các thí sinh khỏi thiệt thòi nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh thì giám khảo 1-2 chấm bài cũng phải chấp nhận sửa và ký vào bài thi.
Có lẽ vì thế mà chúng ta thấy nhiều thí sinh ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình được sửa điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vừa qua có nhiều em đã học ở trường chuyên của tỉnh.
Nhưng, tại sao học trường chuyên mà khi thi làm một đề thi chung với thí sinh đại trà trong cả nước mà lại phải can thiệp điểm để vào đại học?
Trường chuyên thường tuyển chọn được những học sinh ưu tú nhất, đào tạo bài bản nhất thì chất lượng đầu ra phải cao mới đúng chứ? Nhưng không, bên cạnh những em học thật thì vẫn có nhiều thí sinh đã được tác động, gửi gắm ngay từ ngày các em thi tuyển sinh 10.
Có một sự thật là có rất nhiều em là con lãnh đạo tỉnh, ban ngành đã và đang học ở trường chuyên của các tỉnh. Tất nhiên, có nhiều em giỏi thật nhưng cũng có nhiều em chưa giỏi.
Tuy nhiên, nỗi khổ của nhiều người Việt mình khi đã có chút danh phận, địa vị trong xã hội thường cho rằng, với vị trí như vậy của cha mẹ mà con học ở các trường làng nhàng thì sẽ không xứng đáng.
Cha mẹ giỏi thì con cũng phải giỏi nên họ tìm nhiều cách để con em mình có thể vào được trường chuyên của tỉnh để tạo những tiền đề cho việc học sau này.
Nhiều trường hợp không gửi gắm được khi chấm thi thì họ sẽ làm đơn phúc khảo. Tất nhiên, khi đó thì sự việc càng dễ dàng hơn rất nhiều.
Kỳ thi Tuyển sinh lớp 10 của các địa phương cũng lại sắp bắt đầu, chấm thanh tra là điêu cần thiết nhưng cũng đừng vì thế mà một số cá nhân ngầm ra tay giúp đỡ những thí sinh đã được gửi gắm trong Hội đồng thi.
Bởi, cán bộ thanh tra một kỳ thi là những người giám sát mọi người trong Hội đồng thi, Hội đồng chấm thi để đem lại công bằng cho tất cả thí sinh.
Vì thế, cũng đừng nên tiếp tay làm những điều sai trái với đạo đức của người thanh tra, của một nhà giáo đang làm nhiệm vụ của một kỳ thi lớn.