LTS: Là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm tham gia vào công tác chấm thi tuyển sinh lớp 10, thầy giáo Thanh An đã có những chia sẻ sau những câu văn "sáng tạo" của các học trò.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Phải nói rằng trong các bài thi tuyển sinh 10 hay thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay thì bài thi môn Ngữ văn của học trò thường được học sinh “sáng tạo” nhiều nhất.
Bởi, một số em cứ quan niệm là làm văn cứ viết bừa vài câu, vài đoạn là sẽ được thầy cô cho điểm.
Chính vì vậy, mỗi khi tham gia chấm thi tuyển sinh 10 thì các giám khảo đã bắt gặp vô vàn những câu, đoạn văn rất “độc đáo”của các thí sinh.
Có lẽ, nếu những nhà văn, nhà thơ mà đọc được những bài văn của học trò chắc họ cũng sẽ “bất giác bật cười” bởi những đứa con tinh thần của mình đã được nhiều học trò suy diễn và đưa vào vô vàn những chi tiết mới lạ đến không ngờ.
Công tác chấm thi (Ảnh minh họa: Hồng Hạnh). |
Hiện nay, chương trình Ngữ văn lớp 9 có 175 tiết học, mỗi tuần các em phải học 5 tiết Văn - đây là môn học có số lượng nhiều tiết nhất của lớp 9.
Trong đó, phần tác phẩm văn học Việt Nam chính khóa thường được ra đề thi nhiều nhất.
Phần này, có tới 19 tác phẩm, đoạn trích văn học bao gồm cả văn học trung đại và hiện đại.
Ngoài ra, còn có một số tác phẩm văn học nước ngoài nữa nên nội dung được xem là khá nặng.
Nếu học sinh không tập trung học tập trên lớp và thường xuyên ôn tập thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bước vào kỳ thi.
Thế nhưng, thực tế lại có những học sinh chưa chú ý học tập và coi thường môn học này nên mãi khi “nước đến chân mới nhảy” thành ra không kịp.
Vì thế, chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia” không hiếm trong các bài thi của học trò.
Ngoài những tác phẩm văn học thì học sinh đang phải học phần nội dung tiếng Việt rất nặng.
Ngoài kiến thức tiếng Việt ở lớp 9 thì học sinh còn phải ôn lại toàn bộ nội dung tiếng Việt của các lớp 6, 7, 8.
Mặc dù khi học ở lớp 9, các em đều được học lại các bài tổng kết, ôn tập nhưng nó chỉ mang tính khái lược lại, trong khi phần bài tập lại rất nặng nề.
Vì thế, nếu học sinh nắm không chắc kiến thức ở lớp dưới thì lên đến lớp 9 sẽ rất vất vả khi ôn tập và thi môn Văn.
Theo dõi các đề thi tuyển sinh 10 môn Ngữ văn những năm qua của các địa phương, chúng tôi nhận thấy phần lớn ở phần đọc - hiểu (3-4 điểm) thì người ra đề lấy phần lớn nội dung tiếng Việt của các lớp 6, 7, 8.
Vì thế, dù nói là phần vận dụng thấp của bài Ngữ văn nhưng có rất nhiều học sinh không làm được bài bởi vì các em nắm lơ mơ và quên mất kiến thức cơ bản từ các năm học trước.
Phần vận dụng cao thường có thang điểm là 5, chủ yếu các đề Văn tuyển sinh 10 yêu cầu viết theo kiểu bài nghị luận văn học.
Phần này, các em phải nắm được được nội dung văn bản thì mới có thể triển khai tốt các luận điểm trong phần làm văn của mình.
Tuy nhiên, trong quá trình chấm bài thì những giám khảo luôn gặp những bài văn rất yếu, thậm chí có những em viết mấy trang giấy mà chẳng có chữ nào trúng với văn bản mà đề bài yêu cầu.
Một giáo viên đang công tác tại tỉnh An Giang đã chia sẻ với chúng tôi: năm nay, đề thi tuyển sinh 10 của địa phương yêu cầu học sinh cảm nhận về nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê.
Sự thật là học trò học Văn chỉ để thi, không vì một mục đích nào khác |
Tác phẩm này được ra đời vào năm 1971 - khi mà cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.
Dù là một tác phẩm khá quen thuộc với học sinh bởi truyện ngắn này là 1 trong 4 truyện hiện đại của văn học Việt Nam ở chương trình Ngữ văn lớp 9. Thế nhưng, có nhiều em không nắm được nội dung chính của truyện.
Vì vậy, khi các em trình bày bài văn đã đưa vào rất nhiều chi tiết “lạ” và hoàn toàn không hề có trong tác phẩm, dẫn đến lạc đề và không có điểm.
Có em trình bày rằng nhân vật Phương Định cùng 2 đồng đội của mình là chị Thao và Nho làm nhiệm vụ đo khối lượng đất đá của những hố bom rồi gọi điện thoại để thuê cửa hàng vật liệu xây dựng cho ô tô vận chuyển đất vào san lấp mặt đường;
Có em lại nói sở thích của chị Phương Định ở chiến trường là thường xuyên đuổi bướm, hái hoa;
Có em lại kể rất hồn nhiên là chị Thao và Phương Định bị giặc đuổi, sau đó 2 chị chạy vào nhà Phương Định nhưng trớ trêu là chồng của Phương Định lại theo giặc nên cả 2 đều bị bắt và hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn quá trẻ.
Độc đáo nhất là chi tiết phá bom của Phương Định cũng được học sinh “sáng tạo” đến bất ngờ.
Có em nói là chị Phương Định đi hái bom trên cây; có em lại nói là các nhân vật trong truyện làm nghề cưa bom để bán phế liệu.
Ngộ nghĩnh hơn, có em có em còn viết hẳn một lá thư dài để mong các thầy cô giáo chấm bài thi thông cảm bởi em không nhớ được nội dung của truyện ngắn này.
Trong quá trình chấm, giám khảo gặp những bài văn viết rất dài mà nội dung chẳng đâu vào đâu, khi chấm những bài như vậy có giám khảo cho điểm 0 nhưng rồi khi thảo luận điểm thống nhất thì thầy cô cũng cố gắng đọc lại lần nữa và tìm lấy một chút ý có nói loáng thoáng về nội dung để cho là 0,25 điểm.
Bởi, nếu cho các em điểm 0 cũng đồng nghĩa là em thí sinh đó không còn cơ hội xét tuyển. Cánh cửa trường trung học phổ thông sẽ đóng sầm lại nên rồi thầy cô cũng tạo cho các em một tia hy vọng cuối cùng là điểm số 0,25. Bởi, các em còn 2 môn thi khác, nhỡ các em được điểm cao thì tội nghiệp…!
Môn Văn ít điểm 10 là phản ánh trung thực cách chấm của giáo viên |
Nhìn vào bảng phổ điểm Văn của kì thi tuyển sinh 10, thậm chí là thi trung học phổ thông quốc gia những năm qua, chúng ta đều nhận thấy điểm thi môn Văn đa phần là không cao.
Việc học sinh có điểm thi thấp, ngoài chuyện các em không nắm được kiến thức cơ bản thì công tác ra đề hiện nay cũng đặt ra nhiều câu hỏi lớn.
Chúng tôi không phủ nhận những cố gắng của người ra đề để môn Văn phải bám được hơi thở cuộc sống của xã hội nhằm hướng tới việc ra đề môn Văn không nhàm chán với học trò.
Tuy nhiên, vấn đề là nên mở như thế nào cho phù hợp với học trò lại là câu chuyện đáng bàn.
Chẳng hạn có địa phương lấy một đoạn ngữ liệu nói về những chiếc điện thoại thông minh hiện nay. Trong đoạn ngữ liệu đó có rất nhiều cụm từ như: điện thoại smartphone; nghiện selfie; nghiện đăng status...
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều học sinh người dân tộc ít người, nhiều học sinh đang sống ở mức nghèo khó nào có biết smartphone hay internet là gì bởi các em đang được hưởng chế độ chính sách vì nghèo khó thì làm gì biết điện thoại thông minh và các thuật ngữ về chức năng của điện thoại như đề bài Văn yêu cầu.
Thế mà, người ra đề lại lấy những ngữ liệu ấy làm các câu hỏi chiếm đến 1/3 điểm của bài thi. Vô tình, nhiều học sinh mất trắng điểm ở những câu hỏi như vậy chỉ vì người ra đề!
Rất nhiều những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh tham gia thi môn Văn bị điểm kém, đó là thực trạng của sách giáo khoa nặng nề, là việc dạy, học, ra đề Văn hiện nay của các trường phổ thông.
Vì thế, chất lượng bộ môn Văn được thể hiện rõ nhất qua các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp.
Hy vọng, lãnh đạo ngành giáo dục nhìn thấy thực trạng để có những điều chỉnh kịp thời trong lần thay sách tới đây.
Đồng thời, cũng cần thay đổi cách dạy và học Văn hiện nay để nâng cao chất lượng bộ môn ngày một tốt hơn.