Giáo dục, tiếp tục...nói cho ra nhẽ!

20/06/2019 06:09
Xuân Dương
(GDVN) - Khởi nguồn của “phong trào” học thêm, dạy thêm trong hàng ngũ viên chức giáo dục là Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Cứ tưởng chuyện học thêm chỉ liên quan đến học sinh phổ thông và chuyện dạy thêm chỉ liên quan đến thày cô giáo, không ngờ gần đây đối tượng buộc phải đi “học thêm” chính là nhà giáo còn lực lượng tham gia “dạy thêm” được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn và công bố công khai.

Nhưng, công đầu trong việc buộc nhà giáo phải “học thêm” lại thuộc về ngành Nội vụ chứ không phải ngành Giáo dục.

Thầy cô cần nắm rõ các quy định này trước khi đăng ký học bồi dưỡng thăng hạng
Thầy cô cần nắm rõ các quy định này trước khi đăng ký học bồi dưỡng thăng hạng

Khởi nguồn của “phong trào” học thêm, dạy thêm trong hàng ngũ viên chức giáo dục là Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT “Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/8/2017.

Chủ trương này đáp ứng đúng nguyện vọng của hàng triệu thày cô giáo mầm non và phổ thông cả nước thì chưa thể khẳng định nhưng gây phiền hà thì chắc chắn.

Không lâu khi Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT được ban hành, ngày 21/11/2017 ấn phẩm “Thời Nay” thuộc báo Nhân Dân điện tử (Nhandan.org.vn) đã đăng bài viết với tiêu đề: “Nhiều giáo viên không có cơ hội”. [1]

Ảnh minh họa một lễ khai giảng lớp bồi dưỡng chứng chỉ thăng hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. (Nguồn: Easup.daklak.gov.vn)
Ảnh minh họa một lễ khai giảng lớp bồi dưỡng chứng chỉ thăng hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. (Nguồn: Easup.daklak.gov.vn)

Không có cơ hội vì Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng khá nhiều tiêu chuẩn, điều kiện không hợp lý, chẳng hạn trình độ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên miền núi, hải đảo, những giáo viên lớn tuổi,…

Một trong những điều có thể gọi là vô lý mà bài báo trên trích dẫn là quy định nhà giáo phải được cấp có thẩm quyền “cử” đi dự thi thăng hạng. 

Giáo viên thực sự giỏi, có nhu cầu vẫn không thể tự mình đăng ký dự thi thăng hạng mà phải qua bước “cử”, muốn vượt bức tường mang tên “cử”, giáo viên phải làm gì thì không mấy ai dám thổ lộ.

Với các trường ngoài công lập (tư thục) người ta quan tâm đến chất lượng giảng dạy chứ không phải “hạng” được xếp, chuyện lương cao hay thấp là thỏa thuận giữa chủ đầu tư (người/tổ chức thành lập trường) với người ký hợp đồng lao động.

Ngay cả với nhà giáo hệ thống trường công lập, thi thăng hạng giáo viên không phải là bắt buộc nhưng có không ít nhà giáo chưa hiểu rõ hoặc không biết điều này.

Thu tiền học thăng hạng giáo viên là vi phạm Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT
Thu tiền học thăng hạng giáo viên là vi phạm Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT

Đối với chính quyền địa phương, thi thăng hạng giáo viên cũng không phải là bắt buộc bởi địa phương có thể chọn hình thức “Xét thăng hạng”.

Việc không nắm được các quy định mang tính pháp lý hoặc nhận thức mập mờ thông tin về thi thăng hạng một phần là lỗi của các thày cô giáo bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có khá nhiều giải thích về vấn đề này. [2]

Tuy nhiên lỗi chính là ở cơ quan chức năng bởi có những nơi, chính quyền bắt buộc nhà giáo phải tham gia học các lớp bồi dưỡng kiến thức thăng hạng giáo viên bằng việc ban hành các mệnh lệnh hành chính.

Những quy định trong Luật Giáo dục, Nghị định của Chính phủ hay Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến “thi hoặc xét thăng hạng giáo viên” đã được nhiều tác giả đề cập.

Trong loạt bài đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (Giaoduc.net.vn) tác giả Phan Tuyết đã phân tích, trích dẫn khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật này. [3], [4]

Vấn đề là các địa phương có làm trái luật khi thu hai khoản tiền đối với nhà giáo tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, thi hoặc xét thăng hạng, nếu có thì cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?

Theo quy định hiện hành, thể hiện trong các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương có thể vận dụng một trong hai hình thức, “Thi thăng hạng” hoặc “Xét thăng hạng” giáo viên.

“Thi thăng hạng” thực hiện theo Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập”;

Bộ Giáo dục không bắt thi thăng hạng, nhưng buộc giáo viên vẫn phải giữ hạng
Bộ Giáo dục không bắt thi thăng hạng, nhưng buộc giáo viên vẫn phải giữ hạng

“Xét thăng hạng” thực hiện theo Thông tư số 28/2017 TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập”.

Tại Hà Nội, thông báo tổ chức thi thăng hạng giáo viên mầm non, tiểu học từ hạng IV lên hạng III năm 2018 do Sở Nội vụ ban hành, sở này quy định lệ phí dự thi thăng hạng là 500.000 đồng một người. [5]

Năm 2018, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi ban hành công văn số 1829/SNV- CCVC “Về danh mục tài liệu ôn thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên”.

Kinh phí dự thi dựa vào Thông tư số 228/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức cụ thể là 500.000 đồng/ thí sinh. Công văn quy định: “Sở Nội vụ tổ chức việc thu phí dự thi, quản lý chi tiêu và thanh quyết toán phí dự thi theo đúng quy định”. [6]

Cũng trong năm 2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo về việc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học từ hạng IV lên hạng III.

Thông báo quy định: “Hồ sơ và lệ phí nộp trong giờ hành chính các ngày 12 và 13/11/2018 tại phòng Tiếp dân – Sở Giáo dục và Đào tạo”. [7]

Chọn ba địa phương đại diện cho ba vùng lãnh thổ Bắc, Trung, Nam vì người viết cho rằng tình trạng tại các tỉnh, thành phố còn lại cũng không có gì khác.

Chính vì có hai văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên các địa phương thực hiện không giống nhau.

Cùng là hoạt động thăng hạng giáo viên, cách ban hành văn bản quy phạm pháp luật như vậy đã hợp lý chưa là câu hỏi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải trả lời?

(Còn nữa)

Xuân Dương