Làm thế nào để bảo vệ các “nguyên khí quốc gia”

28/10/2021 06:46
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vụ việc của ông Nguyễn Quang Tuấn liên quan đến sự xuống cấp đạo đức cán bộ hay chỉ là hậu quả của chuyện biến một nhà khoa học giỏi thành một nhà quản lý tồi?

Gần đây, không ít nhà khoa học, nhà giáo làm công tác quản lý bị kỷ luật Đảng, bị cơ quan chức năng truy tố, bị bắt tạm giam hoặc cho tại ngoại.

Chỉ trong vòng 05 năm đã có gần một chục Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, một số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ bị kỷ luật hoặc bị khởi tố, điều đáng nói là trong số đó có những người thực sự giỏi về chuyên môn, được dư luận trong ngoài nước đánh giá cao như GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội.

Liệu có phải chính ông Nguyễn Quang Tuấn đã đề đạt nguyện vọng và đã thành công trong cuộc vận động để được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai hay ông được toàn thể nhân sự bệnh viện này nhất trí kiến nghị cấp trên bổ nhiệm?

Liệu có khả năng ông chỉ là người được cấp trên lựa chọn?

Ông Nguyễn Quang Tuấn. (Ảnh: VOV)

Ông Nguyễn Quang Tuấn. (Ảnh: VOV)

Có một thời, trước các chức vụ chính quyền người ta thường viết thêm vào học hàm, học vị thế nhưng các văn bản ban hành sai luật hoặc không phù hợp với thực tiễn luôn là lỗi của thư ký, của văn thư, đánh máy, đôi khi còn là lỗi của phông (font) chữ, lỗi văn phòng, lỗi của anh em,…

Liệu ông Nguyễn Quang Tuấn với tư cách là chuyên gia đầu ngành về tim có biết hết những lắt léo mà chức vụ Giám đốc bệnh viện sẽ phải đối mặt?

Liệu ông Tuấn có biết tập trung cho chuyên môn tim mạch thì không còn nhiều thời gian cho hoạt động quản lý và việc bị cấp dưới qua mặt không phải là không thể.

Và liệu ông Tuấn với chức Giám đốc bệnh viện có đầy đủ quyền hạn đề bạt hoặc cách chức những cán bộ dưới quyền, bao gồm các Phó Giám đốc, các Trưởng khoa, phòng,…?

Cơ chế hiện nay cho thấy Bộ trưởng không thể cách chức Thứ trưởng, Thủ tướng không thể cách chức Bộ trưởng mà phải trình ra Quốc hội.

Các cấp lãnh đạo trước khi bổ nhiệm ông Tuấn liệu đã cân nhắc, đánh giá khả năng của ông phù hợp với chức vụ quản lý (Giám đốc bệnh viện) hơn là công việc chuyên môn về phẫu thuật tim?

Trước khi bổ nhiệm ông Tuấn, cơ quan chức năng cấp trên (Tổ chức, Nội vụ, Y tế,…) có phải đã chuẩn bị những trợ giúp về pháp lý, về quản lý nhà nước để ông Tuấn hoàn thành nhiệm vụ?

Vụ việc của ông Nguyễn Quang Tuấn liên quan đến sự xuống cấp đạo đức cán bộ hay chỉ là hậu quả của chuyện biến một nhà khoa học giỏi thành một nhà quản lý tồi?

Trong quá khứ, có nhà giáo giỏi chuyên môn lãnh đạo một đại học được bổ nhiệm làm Bộ trưởng, khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm thì bị xếp hạng chót và không thể tiếp tục nhiệm kỳ sau.

Câu chuyện lấy phiếu tín nhiệm chưa bao giờ làm hệ thống mất đi một vị Bộ trưởng bởi luôn có người sẵn sàng ngồi vào chiếc ghế đó.

Thế nhưng sau nhiều năm làm quản lý, bỏ bê khoa học, sự thui chột năng lực chuyên môn là hoàn toàn có thể xảy ra, kết quả là đất nước mất một nhà khoa học. Bằng chứng là nhà khoa học sau thời kỳ làm Bộ trưởng không trở về làm công tác chuyên môn nữa dù chế độ vẫn cho phép (với người quá tuổi nghỉ hưu nhưng có học hàm, học vị cao).

Phải chăng đã tồn tại một kiểu tư duy về công tác tổ chức cán bộ, rằng Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Giám đốc sở, người đứng đầu cơ quan, đơn vị… chắc chắn sẽ tìm thấy sau khi quy hoạch được thông qua và được xác nhận sau một phiên bầu cử.

Tuy vậy, một nhà khoa học có tâm và tầm không thể xuất hiện thông qua quy hoạch.

Gần chục năm trước, đề cập đến chuyện bang giao quốc tế, Tạp chí Cộng sản đã đăng một bài viết với tiêu đề: “Không thể đồng thời ngồi trên hai chiếc ghế”.

Việc một nhà khoa học trở thành người đứng đầu cơ quan công quyền, hoặc một cán bộ có thể làm người đứng đầu lần lượt nhiều cơ quan khác nhau cũng không khác mấy so với hiện tượng “ngồi trên hai chiếc ghế”.

Phải chăng vì thế, đã đến lúc cần loại bỏ tư duy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Y tế phải là bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phải là giáo sư, tiến sĩ hay ít nhất cũng phải kinh qua công tác khoa học – công nghệ,…

Hãy để những người giỏi quản lý làm Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc điều hành tập đoàn, tổng công ty,… và để người giỏi chuyên môn, khoa học làm đúng lĩnh vực họ có năng lực.

Hãy lựa chọn những người am hiểu về luật để soạn thảo dự án luật và biểu quyết thông qua các đạo luật chứ không phải người tuổi mới 20, học hết lớp 12 hoặc sơ cấp nghề.

Hãy tìm người quản lý giỏi qua thi tuyển chứ không phải qua quy hoạch.

Và dù người tài đến mấy làm lãnh đạo thì cũng phải có sự kiểm tra, giám sát quyền lực. Phải có cơ chế ưu tiên bảo vệ người tài bởi nguyên khí quốc gia không bao giờ dư thừa.

Ngày 28/07/2021, Trung ương ban hành Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (thay thế Quy định 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016), theo đó “công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung”.

Quy định “phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung” đưa ra thời điểm này tuy chưa muộn nhưng không phải là sớm bởi nếu đưa ra sớm hơn có thể sẽ không xảy ra chuyện buồn của ông Kim Ngọc và ông Lê Huy Ngọ.

Câu chuyện của cố Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc từ vụ việc “khoán hộ” trong những năm 60 của thế kỷ trước và vụ việc cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ gần đây hẳn không nhiều người quên.

Năm 2004 ông Lê Huy Ngọ nộp đơn xin từ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quốc hội đã đồng ý miễn nhiệm ông.

Báo Vietnamnet.vn do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ quản trích dẫn lời ông Ngọ:

“Về trách nhiệm và ý thức chính trị thì mình ý thức rằng mình nên làm theo tổ chức (tức là xin từ nhiệm - NV). Còn thực tình trong thâm tâm mình vẫn luôn khao khát được tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn. Bởi vì gần như cả cuộc đời mình gắn bó với nó, lăn lộn với nó”. [1]

Là vị Bộ trưởng có năng lực, có trách nhiệm, tâm huyết với nông nghiệp và nông thôn, được nhiều người nể trọng nhưng ông Lê Huy Ngọ lại phải nộp đơn xin từ nhiệm bởi một vụ việc do cấp dưới gây ra từ trước khi ông nhận chức Bộ trưởng!

Vấn đề là bao nhiêu người dũng cảm như ông Lê Huy Ngọ hay phải chờ đến khi biết mình sẽ bị kỷ luật mới xin không làm Đại biểu Quốc hội như cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam?

Vì sao trong vòng 05 năm kể từ sau khi bế mạc Đại hội lần thứ 12 của Đảng, số cán bộ cao cấp trong cơ quan dân sự, quân sự và trong giới khoa học bị xử lý nhiều như vậy?

Rõ ràng đây không hoàn toàn do công tác cán bộ trong thời gian này làm chưa đạt mà phải là từ những năm trước dồn lại.

Một trong những biểu hiện “chưa đạt” của công tác cán bộ là kê khai tài sản. Với số lượng khoảng một triệu người phải kê khai mỗi năm, số người bị phát hiện có vấn đề không mấy khi quá 10 người và trong 05 năm là chưa đến 50 người.

Cũng nên biết rằng “Hơn 87.000 đảng viên bị kỷ luật trong 5 năm”. (Vnexpress.net - 06/07/2021) và “Hơn 55.000 đảng viên bị thi hành kỷ luật trong năm 2019”. (hcmcpv.org.vn - 23/01/2020).

Ngày 25/10/2017, Trung ương ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương khóa 12 (số 19-NQ/TW) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Hệ thống trường học, bệnh viện công hiện nay đều là đơn vị sự nghiệp công lập.

Nếu “hệ thống tổ chức và quản lý” chỉ đổi mới về quy trình mà không đổi mới tư duy, nếu cứ tiếp tục “đẩy” những chuyên gia đầu ngành, những nhà khoa học giỏi vào guồng máy quyền lực - lãnh đạo thì khả năng mất người tài là rất có thể.

Cần nhận thức lại, rằng quản lý nhà nước là một khoa học và vì vậy, đào tạo trình độ đại học chuyên ngành quản lý nhà nước (và cả trên đại học nữa) là điều cần phải chú trọng đặc biệt.

Chính các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành quản lý nhà nước mới là người phù hợp cho các vị trí lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương chứ không phải các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ các ngành khoa học kỹ thuật khác.

"Đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập"

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017

Nếu chưa có hoặc chưa đủ người làm công tác quản lý, không nên ngại thuê chuyên gia nước ngoài. Về điều này việc thuê huấn luyện viên đội tuyển bóng đã quốc gia (nam) là ví dụ điển hình.

Hiện vẫn còn ý kiến cho rằng “Theo Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09/5/2017 của Bộ Nội vụ thì những trường hợp “đã được quy hoạch” mà không tham gia thi tuyển sẽ bị loại khỏi quy hoạch là chưa hợp lý, do đó, cần rà soát lại hướng dẫn này”. [2]

Phải chăng đây là tàn dư còn rơi rớt của tư duy công tác cán bộ cũ, rằng đã được quy hoạch thì chắc chắn phải được bổ nhiệm mà không cần thi tuyển?

Muốn đất nước hùng cường không thể không thay đổi tư duy về công tác cán bộ, càng không thể cho rằng tất cả những gì hôm nay là chân lý thì tương lai vẫn luôn là chân lý.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/psks/nhanvat/2004/06/156926/

[2] https://www.moha.gov.vn/tin-noi-bat/hoi-nghi-so-ket-3-nam-thuc-hien-de-an-thi-diem-doi-moi-cach-tuyen-chon-lanh-dao-quan-ly-cap-vu-cap-so-cap-phong-44221.html

Xuân Dương