LTS: Trong chuyên đề bàn về "Thất vọng và kỳ vọng" vào giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Xuân Hãn (Công tác tại Hội Vật lý Việt Nam, từng giảng dạy tại ĐH QGHN) cho rằng, SGK là tài liệu mang tính pháp lý trong dạy và học, song ở nước ta chương trình giáo dục chuẩn từ phổ thông đến đại học đều chưa có. Ở bậc phổ thông, học sinh bị bội thực vì sách, còn ở bậc đại học sinh viên đói sách cho nên học chay triền miên. Nghịch lý này tồn tại từ khi ta đổi mới, cải cách giáo dục đến nay.
Lỗi hệ thống trong việc thiết kế chương trình SGK
GS Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, so với các nước trên thế giới năm nào SGK ở bậc phổ thông của chúng ta cũng được in lại, do vậy rất lãng phí tiền của và công sức của xã hội, lỗi này thuộc trách nhiệm của Quốc hội khi không có chế tài. SGK làm ra phải dùng được ít nhất một vòng là 12 năm hoặc lâu hơn.
|
GS Nguyễn Xuân Hãn, mọi thứ so sánh đều có thể khập khiễng nhưng có thể chọn ra một hình ảnh để hình dung ra bản chất của vấn đề: “Hôm nay ta thẩm định “cái tay” của hoa hậu, ngày mai đến “cái chân” còn hình dáng cô hoa hậu cụ thể thế nào thì không ai hình dung được. |
Theo GS Hãn, chương trình SGK ở bậc phổ thông là một chỉnh thể khoa học thống nhất, bao gồm sự nhất quán theo từng môn và sự hài hòa giữa các môn, trong khi chúng ta lại sử dụng cách tiếp cận tiểu nông “cắt khúc, cuốn chiếu, vừa chạy vừa xếp hàng, đó là cách làm không khoa học, thậm chí là phản khoa học, phá vỡ tổng thể khoa học. “Vênh nhau, giữa các môn, giữa các phần của từng môn học. Không ai, kể cả những người có trách nhiệm cũng không hình dung được tổng thể chương trình giáo dục”, GS Hãn nhấn mạnh.
Sự bất cập trong việc làm SGK hiện nay ở nước ta đang khiến nhiều nhà chuyên môn lo ngại, và nếu còn áp dụng chương trình này sẽ có hại cho học sinh. GS Nguyễn Xuân Hãn đặt câu hỏi: Một chương trình giáo dục có mấy cách viết SGK? Và ông dẫn chứng cụ thể rằng, một chương trình trên thế giới chỉ có vài cách biên soạn SGK chứ không phải là vô hạn. Bộ SGK chuẩn phổ thông phải thỏa mãn các tiêu chí phổ thông về kiến thức, ngôn ngữ và cách trình bày.
GS Hãn nói về những bất cập trong việc làm chương trình SGK những năm qua: “Cuối những năm 1980 một chương trình ta biên soạn ba bộ SGK toán, hai bộ SGK văn, những năm 2000 ta hợp nhất làm một bộ toán, văn. Năm 2002, ta lại chỉ đạo một chương trình viết hai bộ SGK cho các môn toán, lý, hóa, sinh và ngữ văn (văn và tiếng Việt). Đến năm 2005, ta có tới 5 ban thì việc biên soạn còn hỗn loạn hơn”.
Nói như GS Nguyễn Xuân Hãn, mọi thứ so sánh đều có thể khập khiễng nhưng có thể chọn ra một hình ảnh để hình dung ra bản chất của vấn đề. “Hôm nay ta thẩm định 'cái tay' của hoa hậu, ngày mai đến 'cái chân' còn hình dáng cô hoa hậu cụ thể thế nào thì không ai hình dung được”, GS Hãn ví von.
Hiện nay, chương trình sách giáo khoa, người chuyển tải (giáo viên), trường học và cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đang là những vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà chuyên môn. Nhiều nhà nghiên cứu đã cảnh báo, nếu cứ phải “quay lưng vào nhau” để biên soạn ra các bộ SGK khác nhau, khi chưa nhận thức rõ đâu là chuẩn mực về mặt học thuật thì lúc đó sự rắc rối cho việc dạy và học sẽ trở thành một mối lo lớn. “Rõ ràng, không hiểu tính khoa học của chương trình SGK và lúc đó sự chỉ đạo ở tầm quốc gia còn tít mù sẽ càng làm vấn đề vòng quanh hơn”, GS Hãn khẳng định.
Sự bất cập trong cách làm SGK hiện nay khiến GS Nguyễn Xuân Hãn phải thốt lên rằng, không nên dùng chương trình SGK như hiện nay vì nó có hại cho học sinh. GS Hãn dẫn chứng, so với thế giới chương trình SGK của chúng ta phải giảm tải, bỏ bớt kiến thức khoảng 30% - 50% (loại bỏ phần kiến thức đại học) trong SGK ở các cấp, đồng thời sử dụng cách trình bày phổ thông, thay đổi căn bản con người và tổ chức biên soạn lại.
Quốc Hội phải có chế tài cho SGK, phải dùng được ít nhất từ 10 - 12 năm mới tiến hành in lại một lần. “Làm như vậy vấn đề chương trình SGK sẽ được giải quyết, vấn đề còn lại là con người và tổ chức, người chúng ta đã có nhưng phải biết chọn mà dùng”, GS Hãn bày tỏ.
Thước tre cho chương trình sách
Ví von cho những điều không hợp lí trong chương trình SGK hiện nay, GS Nguyễn Xuân Hãn nói, điều quan trọng trong chương trình SGK là chuẩn kiến thức, nó được ví như cái thước tre giống mà người nông dân sử dụng chúng để xây nhà, không có thước ngôi nhà sẽ méo mó. “Các nước châu Phi, châu Mỹ La Tinh họ biên soạn được chương trình SGK chuẩn, tại sao họ làm được mà ta đã 28 năm qua vẫn còn loay hoay?”, GS Hãn đặt câu hỏi.
Theo GS Hãn, thậm chí đã có thời kỳ chúng ta cho người nước ngoài tham gia vào việc chỉ đạo, thẩm định chương trình SGK nhưng vẫn chưa xong.
GS Nguyễn Xuân Hãn chia sẻ một bất cập nữa, hiện tại trong toàn quốc có 55 nhà xuất bản và 6.200 doanh nghiệp cùng với các cơ sở in ấn của nhà nước và tư nhân với doanh thu 1 tỷ USD/năm. Riêng giấy in sách giáo dục cần khoảng 2 triệu tấn/năm, trong nước chỉ cung cấp được 40%, còn lại 60% phải nhập ngoại. Trong khi các loại sách tham khảo đang bị thừa trầm trọng.
Theo số liệu điều tra của Công ty phát hành sách Hà Nội năm 2008: Có 3.120 sách tham khảo cho tất cả học sinh phổ thông. Cụ thể, lớp 1 có 59 cuốn, lớp 2 có 85 cuốn; lớp 3 có 109 cuốn; lớp 4 có 147 cuốn; lớp 5 có 180 cuốn; lớp 6 có 202 cuốn; lớp 7 có 199 cuốn; lớp 8 có 288 cuốn; lớp 9 có 357 cuốn; lớp 10 có 394 cuốn; lớp 11 có 442 cuốn; lớp 12 có 148 cuốn…
Bàn về những dự toán kinh phí thực hiện chương trình SGK, GS Nguyễn Xuân Hãn cho biết, đợt thay sách từ năm 2002 – 2011 dự chi 32.000 tỷ đồng, đây là tiền của dân bỏ ra. Sắp tới có dự kiến thay SGK vào sau năm 2015 với kinh phí 70.000 tỷ đồng – khoảng 3,5 tỷ USD trong khi một số nhà khoa học nêu ý kiến có thể giải quyết vấn đề chương trình và SGK chuẩn cho cả phổ thông lẫn đại học trong vòng một năm và kinh phí 100 tỷ đồng lại không được đoái hoài.
GS Phạm Minh Hạc: Giáo dục Việt Nam phải làm được 3 việc tối thiểu sau:
Thứ nhất, đủ trường lớp với tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT về sĩ số. Kiên cố ở tất cả mọi vùng miền, học 2 buổi/ngày, 35 học sinh/lớp ở tiểu học, 45 học sinh/lớp trung học. Theo quy định của Bộ mỗi lớp chỉ 35 em, nhưng thực tế một cô giáo phải quản lý từ 40 – 60 học sinh/lớp. Quá vất vả và rất khó quản lý.
Thứ hai, Bộ GD& ĐT cần có một bộ SGK tốt, đạt chuẩn quốc tế, không quá tải, đủ đảm bảo chất lượng. Mau chóng có bộ SGK mới (về khoa học tự nhiên như các nước có nền giáo dục tiên tiến, về khoa học xã hội thiết thực, vừa sức, không ôm đồm, tạo cơ sở hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn đầu hình thành nhân cách – thành người và làm người). Đủ thiết bị và phương tiện dạy học tối thiểu.
Thứ ba, chấn chỉnh, củng cố và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ tư cách và năng lực, đảm bảo số lượng, cơ cấu. Xem xét các chính sách đối với đội ngũ này, đảm bảo cho giáo viên đủ sống bằng nghề.
Xuân Trung