Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2025. Trong đó, những nội dung liên quan đến vấn đề tuyển sinh vào lớp 10 đang thu hút nhiều sự quan tâm.
Với hình thức thi tuyển, theo Điểm a), Khoản 1, Điều 13, Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT:
Số môn thi, bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn 01 (một) trong 02 (hai) phương án sau:
- Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp;
- Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.
Điểm mới này trong quy định được đánh giá sẽ giúp hạn chế vấn đề học sinh "học tủ", chỉ tập trung cho những môn sẽ có trong kỳ thi tuyển sinh.
Can thiệp bằng kỳ thi để chống việc học lệch
Đề cập đến vấn đề tuyển sinh trung học phổ thông, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bày tỏ:
“Có thể nói, hiện tại, tuyển sinh trung học phổ thông là kỳ thi có tính cạnh tranh cao và khó nhất trong hệ thống thi cử của Việt Nam, tác động lớn đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, chúng ta bắt buộc phải giải quyết bài toán thi vào lớp 10.
Khác với cấp trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, ở đó học sinh được lựa chọn môn học theo công việc tương lai, cấp tiểu học đến trung học cơ sở là giai đoạn giáo dục cơ bản, bắt buộc, chỉ có “học gì thi nấy” học sinh mới học đầy đủ, đảm bảo chất lượng đúng với yêu cầu của chương trình.
Theo thầy Thái, ở góc độ quản lý giáo dục, bây giờ chưa có giải pháp nào tốt hơn là can thiệp bằng kỳ thi để chống việc học lệch, cắt xén chương trình, nhằm duy trì chất lượng giáo dục tối thiểu cho giai đoạn từ lớp 1 đến lớp 9.
Nếu chỉ tổ chức thi vào lớp 10 với 3 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc, 1 môn thứ ba và thực tế hầu hết các địa phương chọn Tiếng Anh, tức là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay vẫn chỉ xoay quanh 3 môn học trên.
Để có thể cạnh tranh vào lớp 10 của những trường trung học phổ thông công lập (vì nhiều gia đình không đủ khả năng tài chính để cho con học ở những trường trung học phổ thông tư thục, có chất lượng tốt), ngay từ đầu cấp học trung học cơ sở, gia đình, nhà trường, học trò đều dồn sức “học gạo” ba môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh và bỏ qua những môn học khác.
Những môn học này bị cho là “môn phụ” hoặc không quan trọng, trong đó có các môn khoa học tự nhiên.
Hệ lụy từ tâm lý “thi gì học nấy”
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái chỉ ra: "Hệ quả của việc chỉ tập trung cho 3 môn thi vào lớp 10 là học sinh rơi vào tình trạng mất gốc các môn khoa học tự nhiên.
Hơn nữa, chúng ta không thể bước qua sự thật về tâm lý phổ biến của phụ huynh, học sinh và cả nhà trường vẫn là “thi gì học nấy”. Vì thế, nếu không thi, sẽ khó ép học sinh học tốt. Khi không học tử tế các môn khoa học tự nhiên, học sinh khó có thể hình dung về nghề nghiệp tương lai liên quan đến kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học… Không hiểu và không yêu, đương nhiên các em sẽ không chọn học những môn này ở cấp trung học phổ thông.
Học sinh sẽ quay lưng lại với các môn khoa học tự nhiên, hệ lụy tất yếu là số lượng học sinh lớp 12 đăng ký tốt nghiệp và tuyển sinh đại học theo khối ngành liên quan đến khoa học tự nhiên ngày càng giảm sút.
Khi đó, chúng ta sẽ thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự mất cân bằng trong cơ cấu đào tạo các ngành nghề ở bậc đại học. Từ đó, có thể dẫn đến cơ cấu nguồn nhân lực, cơ cấu các ngành kinh tế của đất nước cũng mất cân đối, thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ chủ trương đẩy mạnh các cái mũi nhọn về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Bởi vậy, việc thi tuyển sinh vào lớp 10 không còn là câu chuyện của riêng ngành giáo dục. Nguy cơ đó phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc ngay từ bây giờ, tránh để vấn đề trở nên trầm trọng và khó giải quyết hơn".
![Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Ngân Chi gdvn-gs-do-duc-thai-5844.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/zfryxqvsxr/2025_02_08/gdvn-gs-do-duc-thai-5844-6041-425.jpg)
Nên tuyển sinh bằng bài thi tổng hợp gồm kiến thức của tất cả các môn
Theo thầy Đỗ Đức Thái, dứt khoát phải chuyển đổi từ tâm lý “thi gì học nấy” sang “học gì thi nấy”. Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, ngoài môn Toán và Ngữ Văn là 2 môn bắt buộc, điển hình cho 2 loại hình tư duy tối cần thiết để con người tồn tại và phát triển trong xã hội, cần có thêm 1 bài thi tổng hợp bao gồm nội dung của tất cả các môn học đánh giá bằng điểm số ở bậc trung học cơ sở.
Khi học sinh học đủ và trải qua kỳ thi chuyển cấp, các em mới đủ trải nghiệm để biết rõ sở trường, sở thích, mong muốn của bản thân và lựa chọn nhóm môn học phù hợp lúc vào lớp 10.
Từng có các địa phương đã áp dụng phương thức thi lớp 10 như trên, nhưng sau đó rút dần bài thi tổng hợp, giảm số môn thi, cuối cùng chỉ còn lại Toán, Ngữ Văn hoặc Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái nói: “Ban đầu, việc thay đổi có thể sẽ khó khăn đối với giáo viên, học sinh, phụ huynh và cả với dư luận nhưng không phải không làm được. Vì cơ cấu nguồn nhân lực lâu dài của đất nước buộc chúng ta phải thay đổi, không còn thời gian để chần chừ.
Cũng giống như với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể công bố đề thi tham khảo, ma trận đề thi của bài thi tổng hợp, quy định rõ những nội dung học sinh học ở môn đó, xây dựng đề cương ôn tập môn tổng hợp dựa trên những kiến thức cốt lõi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô giáo tại địa phương. Các Sở Giáo dục và Đào tạo có thể tự xây dựng đề thi hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chuyên gia nhằm xây dựng ngân hàng đề thi, cho các địa phương mua lại để sử dụng trong kỳ thi của mình. Trên cơ sở những đề thi trong ngân hàng đó, các địa phương cụ thể hóa theo tình hình thực tế, thích hợp với trình độ của học sinh”.