Tại sao vẫn tồn tại tư duy phân biệt trường công, trường tư trong công tác quản lý giáo dục?
Tại sao trường tư không được tạo điều kiện hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh ngày một gia tăng?
Với sự áp đặt trường công và trường tư cùng tuyển sinh vào một thời điểm đã khiến cho nhiều trường tư thục gặp khó khăn và ngày càng bộc lộc sự lạc hậu trong công tác quản lý giáo dục.
Biểu hiện sự bất ổn của trường công lập trước hết chính là vấn nạn lạm thu, đến mức trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ huynh có con em học ở trường công.
Vào đầu năm học vấn nạn này được phản ánh dày đặc trên phương tiện truyền thông.
Tại các thành phố lớn lạm thu càng cao và diễn biến càng phức tạp. Nguồn gốc của lạm thu đó chính là sự bất cập về chính sách tài chính đối với các trường học công lập hiện nay.
Chính sách giáo dục cần cởi mở hơn nữa đối với các trường ngoài công lập (ảnh minh họa - nguồn TTXVN). |
Trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào 13/10/2017, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng:
“Nguồn gốc của lạm thu xuất phát từ thực tiễn vì nguồn kinh phí dành cho hoạt động nhà trường hạn chế.
Hơn nữa, chủ trương để có một khoản thu do phụ huynh đóng góp trên cơ sở tự nguyện với nhau, thống nhất với nhà trường nhằm hỗ trợ hoạt động dạy và học ở nhà trường đã tạo điều kiện cho lạm thu.
Để hạn chế lạm thu, giải pháp căn cơ là nhà nước phải tạo ra được kinh phí đủ đáp ứng được yêu cầu hoạt động của nhà trường thì lạm thu sẽ chấm dứt".
Trong khi nhu cầu chi tiêu cho giáo dục tại các trường công lập ngày càng cao nhưng ngân sách không kham nổi, nên lạm thu sẽ tiếp tục tồn tại và có nhiều biến tướng.
Không chỉ dừng lại ở lạm thu, nhiều hiệu trưởng đã lợi dụng để lập các quỹ đen nhằm chiếm đoạt tiền của phụ huynh học sinh.
Một chuyên gia thẳng thắn cho rằng: “Nếu thanh tra cho đúng và xử lý nghiêm minh thì số hiệu trưởng bị xử lý hình sự vì lạm thu là không ít.
Không điều chỉnh kịp thời, trong tương lai gần giáo dục sẽ còn mất đi nhiều cán bộ cốt cán vì vấn nạn lạm thu. Cũng chính vì lạm thu mà trường học đã xấu đi trong mắt của phụ huynh và học sinh”.
Không phân biệt trường công hay tư giáo dục mới có thể cất cánh |
Ngoài lạm thu, sự "khủng hoảng" của các trường công lập còn được biểu hiện ở vấn nạn bạo hành của giáo viên đối với học sinh.
Bạo lực học đường càng ngày tăng, gây bức xúc trong dư luận.
Trong những vụ việc nổi cộm vừa qua, từ thầy xâm hại trò, trò đâm thầy, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng hay trước đó là cô giáo phạt cả lớp quỳ rồi phụ huynh bắt cô giáo quỳ..., đều xảy ra tại các trường phổ thông công lập, từ tiểu học cho đến trung học phổ thông.
Nhiều vụ việc kiến phụ huynh không hiểu nổi vì sao thầy cô giáo lại đối xử vô nhân tính với học sinh của mình đến thế.
Nếu để ý có thể thấy rõ, những "con sâu" trong ngành giáo dục làm xấu hình ảnh người thầy trong nhà trường phổ thông, hầu hết đến từ trường công.
Tại sao trường tư thục không xảy ra những chuyện đau lòng này? Phải chăng trường tư hoạt động đúng nghĩa cung cấp dịch vụ giáo dục, sự hài lòng của học sinh và cha mẹ chính là uy tín, danh dự và nguồn sống của trường tư?
Trường tư thục lấy phục vụ dân làm "lẽ sống", chứ không phải nơi "ban phát phúc lợi cho dân".
Trường tư thục không có chuyện "chạy biên chế" hay đau lòng hơn là "đổi tình lấy biên chế".
Trường tư không cần hô khẩu hiệu, nhưng phẩm giá nhà giáo được tôn trọng, và thầy cô sống được với thu nhập chính đáng của mình, không phải tìm mọi cách dạy thêm học sinh chính khóa để lấy tiền.
Còn các trường công lập, tư duy quản lý giáo dục đã khiến thày cô phải chạy, từ chạy hợp đồng, đến chạy biên chế, chạy thăng hạng với đủ thứ văn bằng chứng chỉ gần như không phục vụ gì cho công việc chính: dạy học.
Người đánh giá chất lượng giáo viên không phải học sinh hay cha mẹ học sinh, mà là các cấp quản lý giáo dục.
Như thế chẳng khác nào muốn biết phở ngon hay không đi hỏi ông chủ tịch phường, thay vì phải hỏi người ăn phở - những khách hàng của giáo dục.
Hà Nội ép trường tư "kiểm tra, đánh giá năng lực" sẽ làm khổ học sinh |
Lương thấp luôn là "bài ca muôn thuở" của giáo viên trường công, trừ một số thày cô có "lò dạy thêm" học sinh chính khóa của mình trên lớp.
Lương giáo viên trường tư gần như luôn cao hơn trường công, trừ một số ít thày cô lấy dạy thêm làm nguồn thu nhập chính.
Nhưng tăng lương đồng loạt cho giáo viên trường công là bất khả thi.
Hiện tổng biên chế sự nghiệp của cả nước là 2,3 triệu, trong đó ngành giáo dục là 1,2 triệu - chiếm 52% và trong quỹ lương chi cho khối sự nghiệp thì ngành giáo dục chiếm ở mức hơn 70% đã cho thấy để thay đổi thu nhập cho giáo viên là một việc cực kỳ khó nếu vẫn giữ nguyên bao cấp giáo dục.
Quan trọng hơn là giả sử có ngân sách đi nữa, thì tăng lương cho giáo viên trường công trên cơ sở nào, ai là người đánh giá nếu người sử dụng dịch vụ giáo dục vẫn bị gạt ra ngoài? Tăng lương cào bằng, thì lấy gì đảm bảo sẽ tăng chất lượng giáo dục, chấm dứt lạm thu và dạy thêm học sinh chính khóa kiếm tiền?
Do đó, tạo cơ chế để các trường tư thục phát triển lành mạnh chính là một giải pháp căn bản nâng cao cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục, qua đó nâng chất lượng giáo dục;
Đồng thời nó sẽ giải quyết được triệt để các vấn đề nổi cộm của giáo dục công lập: lạm thu, dạy thêm chính khóa, bạo lực học đường, giả dối trong giáo dục.
Phát triển các trường phổ thông tư thục là cách bảo vệ người thầy và người học tốt nhất.
Điều này đã được Đảng và Nhà nước nhìn thấy từ lâu và đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục.
Tiếc rằng khi đi vào thực tế thì đâu đó vẫn có tư duy làm khó các trường ngoài công lập. Và câu chuyện ấy lại đang hiện hữu ngay giữa thủ đô.
Cụ thể, việc Hà Nội quy định trường công và trường tư buộc phải tuyển sinh trong một thời điểm đã gây khó khăn rất nhiều cho công tác tuyển sinh.
Một hiệu trưởng một trường tư thục xin được giấu tên chia sẻ:
“Trường tư đã tự chủ về tài chính, nhân sự thì họ phải được quyền tự chủ trong tuyển sinh.
Với quy định như vậy thật vô lý khi đi tuyên truyền với phụ huynh học sinh chúng tôi chỉ được phép giới thiệu chay (tức là giới thiệu về cơ sở vật chất của nhà trường) mà không dám nói về tuyển sinh của nhà trường đối với phụ huynh.
Chúng tôi đã có ý kiến lên phòng, sở nhưng không hiểu sao năm nay vẫn giữ nguyên quy định đó”.
Thiết nghĩ, xã hội hóa giáo dục không chỉ là xu thế tích cực mà ở khía cạnh nào đó nó còn được xem là cứu cánh của giáo dục hiện nay.
Việc ưu tiên cho giáo dục ngoài công lập phát triển cần thiết phải có những chính sách khuyên khích hơn nữa.
Vì thế những quy định làm khó trường tư cần thiết phải được thay đổi để giáo dục tư thục ngày một phát triển mạnh mẽ hơn.
Tổ chức Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp Với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường tư thục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về tuyển sinh ở các trường tư thục với mong muốn tìm kiếm các giải pháp đóng góp cho công tác quản lý của các Sở giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn cho các trường tư thục. Hội thảo diễn ra từ 8h30-11h ngày 26/4/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Để đăng ký tham dự hội thảo và gửi các ý kiến đóng góp tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường tư thục, xing vui lòng liên hệ: toasoan@giaoduc.net.vnHotline: 0938.766.888 - 0243.5569666 |