Không phân biệt trường công hay tư giáo dục mới có thể cất cánh

16/04/2018 06:39
Bạch Đằng
(GDVN) - Chính sách phải thực sự là một nguồn lực để phát triển, khi ban hành ra là để mở cửa cho giáo dục ngoài công lập chứ không phải trói buộc.

Tại sao trường công có sĩ số một lớp học luôn từ 50 đến 60 học sinh/lớp?

Tại sao giáo viên luôn tìm mọi cách để vào trường công dạy học. Họ sẵn sang bỏ vài trăm triệu đồng để chạy được một suất biên chế, thậm chí đổi tình để lấy biên chế?

Lý do là vì, trường công được nhà nước hỗ trợ về tài chính và nhiều chính sách khác trong khi trường tư không nhận được những hỗ trợ tương ứng.

Vì xây dựng chính sách luôn ưu tiên trường công nên học sinh, giáo viên muốn được hưởng chính sách của nhà nước chỉ còn cách vào trường công.

Không phân biệt trường công hay tư giáo dục mới có thể cất cánh (ảnh minh họa - nguồn vtv).
Không phân biệt trường công hay tư giáo dục mới có thể cất cánh (ảnh minh họa - nguồn vtv).

Cô Đoàn Thị Thắm – giáo viên dạy ở một trường tư thục cho biết: “Không hiểu tại sao cũng là giáo viên dạy học trong nghề được xem là quốc sách nhưng chúng tôi không nhận được hỗ trợ tài chính nào từ ngân sách nhà nước.

Sự phân biệt trường công, trường tư không khác nào như “con nuôi, con đẻ”.

Nếu vẫn giữ tinh thần đó thì trường tư sẽ khó “cất cánh” như kỳ vọng”.

Sự phân biệt trường công, trường tư trong chính sách giáo dục đã níu kéo sự phát triển của các trường tư thục.

Quan điểm này dễ dàng nhận thấy trong các chính sách liên quan đến giáo dục. Ngay trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang lấy ý kiến cũng bộc lộ rõ điều này.

Đơn cử như việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi: “Miễn học phí đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở công lập”.

Căn cứ pháp lý là Hiến pháp 2013, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục.

Không phân biệt trường công hay tư giáo dục mới có thể cất cánh ảnh 2

Trường công hay trường tư đều phải được đối xử như nhau, cạnh tranh bình đẳng

Bình luận về đề xuất này, ông Nguyễn Xuân Kiên (một giáo viên về hưu) cho rằng: “Thực tế không có Hiến pháp nào phân biệt trường công và trường tư; học sinh trường công hay học sinh trường tư.

Việc Luật Giáo dục sửa đổi mang nặng tư tưởng phân biệt như vậy là không phù hợp.

Trách nhiệm của nhà nước đối với công dân của mình phải bình đẳng, không nên phân biệt”.

Chị Nguyễn Minh Tú ở Hoàn Kiếm có hai con đang học trường tư thục cho rằng: “Trường công hay tư đều có mục đích giống nhau là dạy học sinh sau này phục vụ đất nước.

Quan điểm phân biệt công tư không còn phù hợp trong thời đại ngày nay. Nếu tiếp tục theo tư duy này thì chỉ cản trở việc đào tạo nhân tài cho đất nước mà thôi!”.

Tư duy giáo dục ở cấp Bộ đã vậy nên khi xuống địa phương đã tạo ra nhiều biến tướng gây khó cho trường tư phát triển.

Đơn cử như Hà Nội bắt buộc các trường công và trường tư ở bậc tiểu học và trung học cơ sở tuyển sinh trong một thời điểm.

Trường tư bất ngờ “bị trói” không được tuyển sinh tự do đã trở thành một bất cập tồn tại vài năm nay.

Không phân biệt trường công hay tư giáo dục mới có thể cất cánh ảnh 3Sở Giáo dục Hà Nội khẳng định tuyển sinh đầu cấp phải theo kế hoạch thành phố

Trả lời về vấn đề này tại cuộc giao ban báo chí của Thành ủy Thành phố Hà Nội vào 27/6/2017 ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng: “Tuyển sinh ở bậc trung học cơ sở và tiểu học theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành theo ngày giờ và toàn thành phố.

Ngày nào tuyển sinh Thành phố đã có kế hoạch rất rõ ràng. Cho nên, tất cả trường công và trường tư và trường thuộc địa bàn Hà Nội đều phải thực hiện theo kế hoạch của Thành phố.

Không có nghĩa là, trường tư nằm ngoài kế hoạch của Thành phố được và chúng tôi nói rằng khi đọc lại các luật trong Luật Giáo dục không có điều khoản nào nói về việc tuyển sinh và nói Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm trái luật”.

Lý luận của ông Phạm Văn Đại chả khác nào dấu chấm hết cho những kỳ vọng được trao quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường tư thục.

Phân tích kỹ về lý luận của ông Đại cho thấy lộ rõ nhiều điểm bất ổn. Về nguyên tắc, cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, còn công dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Như vậy là luật không quy định, không bắt buộc trường công và trường tư cùng tuyển sinh tại một thời điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không thể "đẻ" thêm quy định dưới luật, nhất là khi quy định ấy lại gây khó cho trường tư thục, gây khó cho cả phụ huynh và học sinh.

Chính sách phải thực sự là một nguồn lực để phát triển, khi ban hành ra là để mở cửa cho giáo dục ngoài công lập chứ không phải trói buộc.

Một chuyên gia giáo dục hiến kế: “Thành phố Hồ Chí Minh người ta không cấm mà tại sao Hà Nội cấm?  

Nếu muốn bình đẳng trong tuyển sinh tôi cho rằng cần để trường công và trường tư tự do tuyển sinh cả năm mà không nên quy định trường tư và công phải tuyển sinh cùng thời điểm như hiện nay.

Làm như vậy vừa đảm bảo được lợi ích của các nhà trường lại đảm bảo được quyền học tập của học sinh”.

Không phân biệt trường công hay tư giáo dục mới có thể cất cánh ảnh 4Muốn giáo dục phát triển, đừng làm khó trường tư

Trong Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao có quy định: “Đổi mới cơ bản chế độ học phí:

Ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước theo khả năng ngân sách, học phí cần bảo đảm trang trải chi phí cần thiết cho giảng dạy, học tập và có tích lũy để đầu tư phát triển nhà trường;

Bước đầu đủ bù đắp chi phí thường xuyên. Xoá bỏ mọi khoản thu khác ngoài học phí”.

Muốn đạt được mục tiêu xã hội hóa như vậy, Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách cởi trói cho các trường tư phát triển thay vì những chính sách phân biệt trường công, trường tư như hiện nay.

Ngay cả đề xuất “miễn học phí cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở các trường công lập” của Bộ Giáo dục và Đào tạo mang tính phân biệt trường công, trường tư cũng đã bị 3 Bộ (Bộ Nội vụ, Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp) “tuýt còi”.

Theo Bộ Nội vụ việc quy định: “Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí” là chưa phù hợp với quy định tại các Nghị quyết của Đảng và làm tăng chi ngân sách nhà nước trong khi ngân sách nhà nước khó khăn”.

Bộ Tài chính thì cho rằng trong điều kiện Ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc cân đối kinh phí để thực hiện chính sách này là không khả thi.

Còn Bộ Tư pháp có ý kiến, đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ hơn điều kiện bảo đảm về tài chính để bảo đảm thi hành quy định này.

Qua ý kiến của 3 Bộ này có thể thấy tư duy bao cấp trong giáo dục không còn phù hợp với tình hình mới.

Việc xã hội hóa giáo dục cần được ưu tiên hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm gánh nặng chi ngân sách.

Muốn đạt được điều đó cần thiết phải xây dựng các chính sách làm bệ đỡ cho trường tư thục phát triển.

Mà trước hết là nên thay đổi các quy định ràng buộc vô lý đối với quyền tự chủ của trường tư thục như quy định của Hà Nội bắt buộc trường công và trường tư tuyển sinh trong cùng một thời điểm.

Tổ chức Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp

Với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường tư thục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về tuyển sinh ở các trường tư thục với mong muốn tìm kiếm các giải pháp đóng góp cho công tác quản lý của các Sở giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn cho các trường tư thục.

Hội thảo tổ chức từ 8h30-11h ngày 26/4/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 phố Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

Để đăng ký tham dự hội thảo và gửi các ý kiến đóng góp tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường tư thục, xing vui lòng liên hệ:

toasoan@giaoduc.net.vn

Hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666
Bạch Đằng