Hải Phòng mạnh tay lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè

15/11/2022 07:02
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một trong các nguyên nhân gây ùn tắc, mất an toàn giao thông tại nội thành Hải Phòng là việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, đậu đỗ ô tô.

Muôn kiểu vi phạm trật tự đường hè

Trong những đợt Ban An toàn giao thông thành phố Hải Phòng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các quận tổ chức kiểm tra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, điều dễ nhận thấy là tình trạng vi phạm tràn lan, tuyến đường nào cũng có vi phạm ở các mức độ khác nhau, kể cả cho dù đó là những tuyến đường kiểu mẫu.

Tại báo cáo gửi Uỷ ban nhân dân thành phố, Ban An toàn giao thông chỉ rõ những quận có mức vi phạm cao là: Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng và Kiến An.

Lực lượng chức năng Hải Phòng xử lý vi phạm đường hè trên tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Ảnh: ML)

Lực lượng chức năng Hải Phòng xử lý vi phạm đường hè trên tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Ảnh: ML)

Cụ thể tại quận Lê Chân, tuyến đường có mức độ vi phạm nhiều nhất là Tô Hiệu, Hàng Kênh, Mê Linh, Trần Nguyên Hãn, Kênh Dương; quận Hồng Bàng có đường Trần Quang Khải, Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Tam Bạc, Điện Biên Phủ;

Quận Ngô Quyền có đường Lạch Tray, An Đà, Văn Cao; quận Hải An có đường Ngô Gia Tự, Cát Bi; quận Kiến An có đường Trường Chinh, Trần Nhân Tông, Nguyễn Lương Bằng…

Các tuyến đường này có đủ hình thức vi phạm như: đậu đỗ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng.

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã trở thành thói quen của người dân, thậm chí cũng thành thói quen của người mua hàng khi cảm thấy tiện lợi cho bản thân mình.

Bất chấp việc cấm, người bán vẫn cứ bán, người mua vẫn cứ mua, nếu gặp lực lượng chức năng thì rút.

Vì thế, không hiếm gặp những trường hợp đang ngồi ăn sáng, chủ quán thì bê ghế, người ăn thì... bê bát bỏ chạy khi gặp lực lượng quản lý đô thị. Có những trường hợp chạy không kịp bị tạm giữ biển hiệu, bàn, ghế bày ra lấn chiếm vỉa hè.

Nhưng điều đáng nói là kể cả sau khi bị xử phạt, lấy được đồ về, họ vẫn bán hàng như cũ, coi như chưa có chuyện gì xảy ra.

Tại khu vực cầu Rào, thành phố Hải Phòng đã nghiêm cấm bán hàng, nhưng cứ vắng lực lượng của phường Cát Bi, tình trạng lấn chiếm lại xuất hiện.

Không những thế, có người còn tự ý kẻ vạch lên vỉa hè để... “xí chỗ”, thậm chí bán lại cho những ai cần!

Lực lượng chức năng quận Hải An ra quân xử lý vi phạm trật tự đường hè trên đường Đình Vũ-Nguyễn Bỉnh Khiêm (Ảnh: CTV)

Lực lượng chức năng quận Hải An ra quân xử lý vi phạm trật tự đường hè trên đường Đình Vũ-Nguyễn Bỉnh Khiêm (Ảnh: CTV)

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã đành, tại khu vực nội thành, nhất là quanh khu vực dải trung tâm thành phố, tuy không lấn chiếm hẳn ra vỉa hè, nhưng người dân hoặc các cơ sở kinh doanh tại mặt tiền một số tuyến phố tự coi vỉa hè và khoảng đường trước cửa là của riêng mình, tự ý cấm người dân dừng, đỗ xe.

Thậm chí có nơi còn tự ý đặt vật cứng xuống lòng đường với mục đích không cho xe ô tô đỗ vào đó, có trường hợp đã xảy ra cãi vã, xô xát.

Theo ông Vũ Thái Bình, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và An toàn giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng), vỉa hè và lòng đường là của nhà nước và sử dụng vào mục đích giao thông, không phải của cá nhân hay tập thể nào.

Vì thế, người dân và các tổ chức ở mặt đường không có quyền ngăn cản các hoạt động giao thông.

Trước tình trạng này, Sở Giao thông Vận tải có ý kiến với cơ quan quản lý dải trung tâm và Công an thành phố đề nghị vào cuộc xử lý, tuy các lực lượng cùng ra quân xử lý, nhưng hiện vẫn còn một số khu vực người dân vẫn tự ý đặt các vật cản xuống lòng đường, ngăn chặn đỗ xe chắn cửa, dù đó là nơi mới được Sở kẻ ô, cho phép đỗ xe.

Quy định lại việc quản lý vỉa hè

Khoản 6, điều 84 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương.

Để lập lại trật tự đường hè, cần phải thực hiện 2 việc song song là quy định lại về quản lý và chỉ đạo các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn. (Ảnh: CTV)

Để lập lại trật tự đường hè, cần phải thực hiện 2 việc song song là quy định lại về quản lý và chỉ đạo các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn. (Ảnh: CTV)

Như vậy, việc quản lý đường hè do chính quyền các địa phương thực hiện và ở góc độ này, cấp phường cũng được tham gia quản lý, nếu như không có sự thống nhất của Uỷ ban nhân dân cấp cao hơn.

Do đó, có phường còn làm ngơ, để cho tình trạng lấn chiếm diễn ra; có phường còn thu tiền, cho phép người dân bán hàng trên vỉa hè.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, có đợt Thanh tra sở phối hợp với một số đơn vị thuộc Công an thành phố đến kiểm tra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, có người bê đồ bỏ chạy, nhưng có người vẫn điềm nhiên bán hàng vì cho biết là phường có cho phép. Họ chỉ dừng bán khi nhận được thông báo (miệng) mà thôi.

Thiếu thống nhất trong quản lý và thiếu kiên quyết trong xử lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đường hè như hiện nay.

Do vậy, để lập lại trật tự đường hè, cần phải thực hiện 2 việc song song là quy định lại về quản lý và chỉ đạo các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn.

Căn cứ theo các quy định của pháp luật, Uỷ ban nhân dân thành phố cần quy định lại việc quản lý đường hè, trong đó cho phép cấp phường, cấp quận và các sở chuyên ngành được làm gì và không được làm gì.

Riêng cấp phường cần có quy định chặt chẽ để tránh tình trạng dễ dãi trong quản lý đường hè, xử lý nghiêm nếu cấp phường cho phép người dân lấn chiếm, bán hàng.

Trước đây, tại các cuộc họp về trật tự đường hè, Uỷ ban nhân dân thành phố cũng nhắc nhở các quận có biện pháp xử lý lãnh đạo phường nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm đường hè, nhưng rồi cũng bị lờ đi, không có lãnh đạo phường nào bị xử lý cho dù tình trạng lấn chiếm đường hè tràn lan với mức độ ngày càng nhiều hơn.

Sau thời gian thực hiện đề án của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng về Tổ quản lý đô thị cấp phường (nay đã kết thúc), có nhiều phường trong khu vực nội thành đã xây dựng được lực lượng quản lý đô thị khá mạnh, có năng lực, chuyên môn, góp sức cùng thành phố thực hiện quản lý trật tự đường hè.

Tuy nhiên, do lực lượng mỏng và thiếu kiên quyết của người đứng đầu địa phương, nên vẫn có phường không phát huy được năng lực, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đường hè.

Vì vậy, sự chỉ đạo quyết liệt từ thành phố và cấp quận sẽ là thước đo để đánh giá sự vào cuộc ở cấp phường. Cần đưa tiêu chí về quản lý đường hè vào tiêu chí thi đua đối với cấp phường. Chẳng có lý do gì để bình xét một phường xuất sắc nếu như tình trạng lấn chiếm đường hè tràn lan!

LÃ TIẾN