Hạng mới, lương mới nhưng nhiều giáo viên đang ở hệ số lương 3,99 rất thiệt thòi

14/11/2023 09:04
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những thầy, cô giáo ở các cấp học phổ thông phấn đấu ròng rã hàng chục năm trời mới được tăng lương trước hạn 2 lần, mỗi lần 9 tháng.

Bài viết Nhiều giáo viên tốn tiền triệu học chứng chỉ, lương mới thêm được hơn 22 nghìn đồng được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ngày 11/11 vừa qua đã nhận được sự quan tâm, đồng cảm của đông đảo nhà giáo trên cả nước.

Bởi lẽ, bài viết đã phản ánh đúng tâm tư của nhiều nhà giáo khi chuyển từ hạng cũ, lương cũ sang hạng mới, lương mới theo hướng dẫn của Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT đang được thực hiện ở các địa phương.

Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT giúp cho nhiều nhà giáo đang hưởng lương bậc 4, hệ số 3,33 và bậc 5, hệ số 3,66 vui mừng vì mỗi tháng có thêm trên dưới hàng triệu đồng, cá biệt có những địa phương giáo viên đang hưởng lương bậc 3, hệ số 3,0 cũng được chuyển sang hạng II mới, hưởng lương bậc 1, hệ số 4,0 nên số tiền lương mới chênh lệch với lương cũ đến 2.287.150 đồng/tháng.

Thế nhưng, cũng có những nhà giáo cũng được chuyển sang hạng II tương ứng với hạng cũ và được…lên lương nhưng mỗi tháng chỉ nhận thêm 22.871 đồng. Trong khi đó, những năm vừa qua những giáo viên này đã đầu tư khá nhiều tiền để học các loại chứng chỉ theo hướng dẫn của Bộ qua các thời điểm khác nhau.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Phấn đấu ròng rã suốt chục năm mới được tăng lương 2 lần, mỗi lần 9 tháng

Khi đọc bài viết Nhiều giáo viên tốn tiền triệu học chứng chỉ, lương mới thêm được hơn 22 nghìn đồng, một thầy giáo hiện nay đang là phó hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở chia sẻ rằng: Đọc bài viết này mình thấy đồng cảm vô cùng.

Bản thân là phó hiệu trưởng chuyên môn, có bằng thạc sĩ; bằng trung cấp chính trị; chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục; có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp đầy đủ; đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua nhiều năm.

Đặc biệt, năm học vừa qua đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (một danh hiệu rất hiếm giáo viên đạt được vì phải có 3 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cơ sở).

Hàng tuần, ngoài quản lý chuyên môn của 1 trường loại I, bản thân còn đang dạy 4 tiết/ tuần theo đúng quy định.

Vậy nhưng vừa qua, khi lĩnh lương mới theo hướng dẫn Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi thì tiền lương chỉ chênh lệch 22.871 đồng so với lương cũ. Bởi lẽ, trước đây đang là giáo viên hạng II, hưởng lương bậc 6, hệ số 3,99 , nay cũng được bổ nhiệm hạng II mới, hưởng lương mới bậc 1, hệ số 4,0.

Trong khi, nhiều giáo viên khác ra trường sau nhiều năm đang hưởng lương bậc 4, hệ số 3,33, dạy bình bình chẳng phải đầu tư học hành, phấn đấu nhiều, chỉ có 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp thì giờ cũng hạng II, lương cũng bậc 1, hệ số 4,0 giống mình.

Một tổ trưởng chuyên môn khác thì chia sẻ: "Tôi ra đi dạy đến nay đã bước sang năm thứ 15, có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ vì bản thân là tổ trưởng nên mọi chủ trương của ngành đưa ra thường phải gương mẫu đi đầu.

Đến nay, bản thân đã có 8 lần là Chiến sĩ thi đua cơ sở; 2 lần được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; 5 lần là đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 8 lần đạt giải sáng kiến kinh nghiệm và được tăng lương trước hạn 2 lần, mỗi lần được 9 tháng.

Suốt 15 năm qua phấn đấu không ngừng nghỉ nhưng cũng mới được tăng lương trước hạn 2 lần là 18 tháng. Sau 15 năm phấn đấu, được hưởng lương bậc 6, hệ số 3,99 giờ chuyển sang lương mới với hệ số 4,0, chênh lệch hệ số 0,01 tương đương với 22.871 đồng/ tháng.

Đáng lẽ ra, trong bối cảnh giáo viên bỏ việc nhiều như những năm vừa qua, khi chưa đủ nguồn lực để ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong đơn vị hành chính sự nghiệp công lập thì cần ưu tiên cho những giáo viên trẻ mới vào nghề để thu hút các bạn trẻ và tránh tình trạng giáo viên bỏ việc.

Tuy nhiên, Thông tư số 03/2021 và sau này là Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi giúp những giáo viên đang hưởng lương bậc 4, bậc 5 nên nhiều giáo viên “tự nhiên” được tăng 1-2 bậc lương (tương đương 3-6 năm công tác).

Cá biệt, có nơi bổ nhiệm hạng trước khi Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT nên có giáo viên hạng II cũ đang hưởng lương bậc 3, hệ số 3,0 cũng được chuyển sang hạng II mới, hưởng lương bậc 1, hệ số 4,0 và được tăng lên 3 bậc lương (tương đương với quãng thời gian hơn 9 năm công tác).

Hy vọng cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 sẽ giải quyết được những bất cập

Theo hướng dẫn hiện hành, giáo viên muốn được tăng lương trước hạn được yêu cầu rất khắt khe. Cụ thể tại một Điểm đ, e, Khoản tại Điều 3 Thông tư 08/2013/TT-BNV hướng dẫn chế độ nâng bậc lương trước thời hạn như sau:

“đ) Xác định thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc: Thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn được xác định theo thời điểm ban hành quyết định công nhận thành tích đạt được trong khoảng thời gian 6 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên và 4 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn…

Việc xét nâng bậc lương trước thời hạn được căn cứ vào thành tích cao nhất đạt được của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nếu thành tích cao nhất bằng nhau thì xét đến các thành tích khác; trường hợp có nhiều người có thành tích như nhau thì thực hiện ưu tiên theo quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị.

e) Tiêu chuẩn xét nâng bậc lương trước thời hạn: Tiêu chuẩn, cấp độ về lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và thời gian được nâng bậc lương trước thời hạn tương ứng với từng cấp độ thành tích khác nhau của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trao đổi với cấp ủy và Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp quy định cụ thể trong Quy chế nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị.

Căn cứ vào quy định này, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc diện được xét nâng bậc lương trước thời hạn hằng năm do tập thể bình chọn, nhưng mỗi năm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị”.

Theo cách xét nâng lương trước hạn của một số địa phương đang thực hiện, giáo viên muốn được nâng lương trước hạn 6 tháng phải đạt 1 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; xét nâng lương trước hạn 9 tháng, giáo viên phải có 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, hoặc được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố).

Xét nâng lương trước hạn 12 tháng phải đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (3 lần Chiến sĩ thi đua cơ sở), hoặc Bằng khen của Bộ, của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào có đủ thành tích là đều được xét nâng lương trước thời hạn vì mỗi năm đơn vị chỉ được xét không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị. Và, nếu không được xét nâng lương trước hạn trong năm đó, giáo viên lại phải đợi thêm mấy năm nữa khi gần đến chu kỳ tăng lương thường xuyên mới được xét tăng lương trước hạn.

Vậy nên, có những giáo viên phấn đấu ròng rã hàng chục năm trời cũng mới được tăng lương 2 lần với quãng thời gian 18 tháng. Nhiều giáo viên chẳng cần phấn đấu, chỉ cần có thêm 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cũng nghiễm nhiên được tăng 1-3 bậc lương, tương đương 3-9 năm công tác theo hướng dẫn của Thông tư số 03/2021 và sau này là Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi.

Chính vì thế, việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 kể từ ngày 01/7/2014 tới đây, giáo viên hy vọng các cơ quan chức năng sẽ giải quyết được những bất cập về chính sách tiền lương hiện nay để những nhà giáo tâm huyết, tích cực phấn đấu được hưởng chế độ tiền lương tương xứng với công sức mà bản thân họ đang cống hiến cho đơn vị, cho ngành.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG