Chương trình giáo dục mầm non hiện hành được ban hành từ năm 2009. Đến nay, chương trình đã thực hiện được 15 năm. Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, khoa học giáo dục, sự phát triển của trẻ em và đòi hỏi của hội nhập quốc tế, chương trình giáo dục mầm non hiện hành chưa thể hiện rõ về quan điểm tiếp cận hội nhập và tiếp cận văn hóa, đa văn hóa để phát huy các giá trị văn hóa địa phương, cộng đồng nơi trẻ em sinh sống, bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non để xin ý kiến góp ý.
Tỷ lệ trẻ em được huy động đến trường tăng lên hàng năm
Đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non tại dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, nhờ sự phát triển của mạng lưới trường lớp mà tỷ lệ trẻ em được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để tiếp cận với Chương trình giáo dục mầm non tăng lên hàng năm. Tuy nhiên, hiện tại giáo dục mầm non vẫn là cấp học gặp nhiều khó khăn, hạn chế về phát triển mạng lưới trường, lớp và về khả năng đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân.
Những năm vừa qua, các địa phương đã quan tâm quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non; ban hành các đề án, chính sách địa phương, đầu tư và huy động mọi nguồn lực phát triển giáo dục mầm non đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân.

Tính đến năm học 2023-2024 cả nước có 15.256 trường mầm non, tăng 2.280 trường so với năm học 2010-2011. Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, dân lập phát triển nhanh, nhất là ở các thành phố, thị xã, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất. Toàn quốc có 3.184 trường mầm non ngoài công lập đạt tỉ lệ 20,9% và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập), đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 1.275.455 trẻ em mầm non, đạt tỉ lệ 24,9% số trẻ đi học ngoài công lập.
Bên cạnh đó, sự phát triển các loại hình cơ sở giáo dục mầm non khá đa dạng. Trong đó, hệ thống cơ sở giáo dục mầm non độc lập đóng góp vai trò lớn huy động trẻ em, tháo gỡ khó khăn cho những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ em đến trường.
Năm học 2023- 2024, toàn quốc huy động 5.120.710 trẻ em đến trường để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non, tăng 1.216.091 trẻ (so với năm học 2010- 2011), tỷ lệ huy động trẻ đạt 72,6%; trong đó trẻ nhà trẻ đạt tỷ lệ 34,6%, tăng 13,1% ); trẻ mẫu giáo đạt 93,4 %, tăng 10,9%; riêng tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%.
Tỷ lệ huy động trẻ có sự chênh lệch giữa các vùng kinh tế xã hội. Trong đó, vùng có tỷ lệ huy động cao nhất là vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng có tỷ lệ huy động thấp nhất là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đáng chú ý, một số tỉnh/thành phố có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ rất thấp so với mức chung cả nước, rất cần được quan tâm, đầu tư, như Cà Mau 5,4%, An Giang 8,1%, Trà Vinh, Gia Lai 10,9%.

Tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, phần lớn trẻ em con công nhân, con người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non độc lập với điều kiện về chất lượng còn nhiều hạn chế (đặc biệt phải gửi ở những nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 7 trẻ. Nơi đó, đội ngũ người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phần lớn chưa đảm bảo trình độ, năng lực chuyên môn nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ khá lớn).
Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tăng hằng năm, đạt 59,8% vào năm 2024. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn chưa cao (59,8%) và chưa đồng đều giữa các vùng miền, vẫn còn 30 tỉnh đạt mức dưới 50%..


Cơ sở vật chất, thiết bị chưa đủ điều kiện đổi mới chất lượng giáo dục mầm non
Về điều kiện cơ sở vật chất, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã quan tâm đến đầu tư xây dựng phòng học, các công trình phụ trợ và mua sắm, trang bị thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi kiên cố hóa trường lớp, từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị chưa đủ điều kiện đổi mới chất lượng giáo dục mầm non.

Nhiều địa phương thiếu phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố thấp (mới đạt 85,1%); còn nhiều phòng học tạm, học nhờ, đặc biệt là ở các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn Theo thống kê cả nước trong năm học 2023-2024 phòng học tạm còn 1.036 phòng (0,5%), phòng học nhờ còn 1.237 phòng, có 173.505 nhóm/lớp có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu, đạt 81,7%.
Tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn, thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn còn phổ biến. Nhiều nhóm/lớp chưa được trang bị đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu. Tỷ lệ đáp ứng thiết bị dạy học chỉ 48%, các hạng mục hỗ trợ như phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật, phòng đa chức năng còn nhiều nơi không có.