Hiệp hội luôn tích cực tư vấn, đóng góp ý kiến vì sự phát triển của giáo dục

15/12/2022 12:03
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Qua hoạt động tư vấn, đóng góp ý kiến, vai trò, vị trí của Hiệp hội được xác lập, tạo ảnh hưởng tích cực nhất định trong ngành giáo dục và xã hội.

Sáng ngày 15/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức họp Ban Chấp hành lần thứ 3 nhiệm kỳ II, báo cáo tình hình triển khai và kết quả hoạt động trong năm 2022, dự kiến chương trình công tác năm 2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 100% Ủy viên Ban chấp hành tham dự.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức họp Ban Chấp hành lần thứ 3 nhiệm kỳ II bằng hình thức trực tiếp tại Trường Đại học Thăng Long (Ảnh: Nguyên Phương)

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức họp Ban Chấp hành lần thứ 3 nhiệm kỳ II bằng hình thức trực tiếp tại Trường Đại học Thăng Long (Ảnh: Nguyên Phương)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chủ trì Hội nghị. Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội cùng điều hành Hội nghị.

Chương trình còn có sự tham dự của các Phó Chủ tịch Hiệp hội, đại diện các phòng, ban chuyên môn, các hội đồng của Hiệp hội cùng lãnh đạo của các trường đại học, cao đẳng là hội viên của Hiệp hội.

Tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ đã báo cáo hoạt động của Hiệp hội trong năm 2022. Theo chia sẻ của Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, những tháng đầu trong 2022, dịch Covid-19 tuy vẫn diễn biến phức tạp, nhưng có biểu hiện giảm dần vào cuối năm. Cùng với sự cố gắng chung của cả nước, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã từng bước đưa các hoạt động trở lại, tiếp tục duy trì sự ổn định với sự thận trọng và khẩn trương hơn, để phấn đấu hoàn thành tốt chương trình công tác của năm 2022, tạo tiền đề tốt cho năm 2023.

Đóng góp nhiều tư vấn, ý kiến quan trọng cho ngành giáo dục

Trong những năm qua, Hiệp hội luôn tích cực tham gia tư vấn, đóng góp, phản biện các chính sách cũng như những vấn đề nóng của ngành giáo dục. Thông qua hoạt động này, vai trò, vị trí, địa vị của Hiệp hội được xác lập, tạo .ảnh hưởng tích cực nhất định trong ngành giáo dục và xã hội.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ báo cáo hoạt động của Hiệp hội trong năm 2022. (Ảnh: Nguyên Phương)

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ báo cáo hoạt động của Hiệp hội trong năm 2022. (Ảnh: Nguyên Phương)

Cụ thể, Hiệp hội đã chủ động liên hệ và bố trí lịch để trực tiếp báo cáo với Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, làm việc với các Bộ, Ban, ngành có liên quan về một số vấn đề nóng của ngành giáo dục.

Trên cơ sở tìm hiểu thực tế thực trạng của ngành giáo dục, sau khi tổ chức tọa đàm trao đổi, Thường trực Hiệp hội thấy rằng cần phải mạnh dạn phản ánh, đề xuất một số giải pháp quan trọng, thiết thực để các cấp quản lý xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thì công cuộc đổi mới của ngành giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng mới có thể đạt được kết quả mong muốn. Hiệp hội đã cân nhắc và chọn ra 6 vấn đề được xem là nóng nhất của ngành cần có sự quan tâm đúng mức và giải quyết kịp thời

Vì vậy, ngay từ đầu xuân năm Nhâm Dần, Lãnh đạo Thường trực Hiệp hội đã được gặp và trực tiếp báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Lãnh đạo Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội. Đồng thời, Hiệp hội cũng đang có kế hoạch làm việc với Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với Hội đồng Lý luận Trung ương.

Tại các buổi làm việc, Thường trực Hiệp hội nhận thấy rằng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất đồng tình với những ý kiến phản ánh, các kiến nghị của Hiệp hội về lĩnh vực giáo dục đại học. Một số ý kiến của Hiệp hội nêu lên đã được các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan có liên quan từng bước giải quyết, tháo gỡ vướng mắc cho ngành giáo dục nói chung, cho giáo dục đại học nói riêng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã có văn bản số 522/BC-BGDĐT ngày 17/5/2022 gửi, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc Bộ đã tiếp thu các ý kiến đóng góp về giáo dục đại học của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Đây là lần đầu Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thể hiện quan điểm bằng văn bản đối với ý kiến góp ý của Hiệp hội. Trong buổi họp định kỳ 6 tháng đầu năm 2022, Văn phòng Hiệp hội đã cung cấp tài liệu này tới toàn thể Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã có nhiều đề xuất tổ chức hội nghị về tự chủ đại học. Từ những năm trước đây của nhiệm kỳ I (2014-2020) Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã rất quan tâm, từng tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia về tự chủ đại học để các trường hội viên nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả .

Tự chủ đại học đã và luôn là chủ đề quan trọng nhất của các hội thảo khoa học lớn nhỏ, của các buổi tọa đàm do Thường trực Hiệp hội và ban chủ nhiệm các câu lạc bộ tổ chức, thu hút được đông đảo các trường hội viên tham gia tích cực. Nhiều vấn đề cụ thể, thiết thực, liên quan được nêu ra, cùng trao đổi và cho thấy việc triển khai tự chủ đại học, tuy đã có những kết quả bước đầu, nhưng chưa đạt được yêu cầu đề ra, đang có những vướng mắc, ách tắc cần được xem xét, tháo gỡ.

Vì vậy, cuối năm 2021, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tổ chức tiếp một hội nghị về tự chủ đại học.

Đề nghị của Hiệp hội đã được Thủ tướng lắng nghe và chỉ đạo thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết về tự chủ đại học. Hiệp hội rất vui mừng và kỳ vọng vào nội dung và kết quả của Hội nghị này. Những thành công và hạn chế của việc thực hiện thí điểm tự chủ đại học mà 23 trường đã thực hiện sẽ được nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ hơn, nghiêm túc hơn. Hội nghị tự chủ đại học trước đã đề cập tới nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tế.

Phối hợp chuẩn bị nội dung cho hội nghị, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội cử 2 cán bộ tham gia trong Ban Tổ chức.

Ngày 04/8/2022, Hội nghị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ủy ban Văn hoá giáo dục của Quốc hội phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Lãnh đạo Hiệp hội đã được mời tham dự và đã trực tiếp đóng góp ý kiến.

Tại hội nghị đánh giá rút kinh nghiệm lần này, tới dự và chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thêm một lần nữa, đã khẳng định vai trò tích cực của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đối với việc triển khai chủ trương tự chủ đại học.

Năm 2022, Hiệp hội đã gửi nhiều văn bản đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản và đề nghị các cơ quan quản lý các cấp có liên quan xem xét giải quyết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các trường hội viên.

Cụ thể, góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (CV số 69/HH-NC&PTCS ngày 18/8/2022) tới Bộ Lao động, Thương binh và xã hội.

Góp ý cho dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 45/2010/NĐ-CP ký ngày 21/4/2012 về tổ chức và quản lý hội (CV số 66/HH-VP ngày 15/8/2022) gửi tới Bộ Nội vụ.

Góp ý cho dự thảo các văn bản phục vụ xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới phát triển Giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới (CV số 39/HH-NC&PTCS ngày 16/5/2022) gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Kiến nghị rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học (CV số 20/HH- NC&PTCS ngày 18/4/2022) gửi trình Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói trong văn bản này, quan điểm của Hiệp hội đã trình bày rõ, rất cụ thể và thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm của một tổ chức tâm huyết với giáo dục đại học.

Hiệp hội tổ chức thành công hội thảo về Tự chủ đại học

Ngày 16/01/2022, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tiếp tục tổ chức hội thảo với chủ đề “Đổi mới tư duy tự chủ giáo dục đại học ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới”.

Sau chuỗi hội thảo, tọa đàm với chủ đề này được tổ chức từ năm 2017 đến nay, Ban Tổ chức hội thảo đã chọn lọc những bài viết, bài phát biểu của các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, nhà quản lý, đặc biệt là những người đang trực tiếp triển khai thực hiện chủ trương thí điểm tự chủ đại học… để in thành Kỷ yếu. Nội dung các bài viết tập trung chủ yếu là: đánh giá quá trình, thực trạng việc triển khai thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam; đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới tư duy về tự chủ giáo dục đại học…

Hiệp hội cũng tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới.

Với 8 chủ đề và nội dung quan trọng, Hội thảo đã tiến hành trong cả ngày 07/10/2022 tại thành phố Huế. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã tham dự và phát biểu ý kiến. Hội thảo còn có sự tham gia của Đại diện Lãnh đạo cùng chuyên viên các Vụ, Cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các chuyên gia giáo dục và 288 đại biểu là lãnh đạo, giảng viên đến từ các Đại học, Trường Đại học, Học viện, Trường Cao đẳng, trường Trung cấp trên cả nước. Hội thảo đạt được thành công nhiều hơn kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã tổ chức nhiều hội thảo /tọa đàm với nhiều nội dung phong phú, thiết thực được Thường trực Hiệp hội và Ban Chủ nhiệm của các câu lạc bộ tổ chức.

Trong năm 2022, Thường trực Hiệp hội đã tổ chức gần 30 buổi tọa đàm khoa học.

Hầu hết các thứ Sáu hàng tuần, thường trực Hiệp hội đều tổ chức tọa đàm khoa học, với sự tham dự của cán bộ Thường trực Hiệp hội; một số chuyên gia về khoa học giáo dục, về quản lý; đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương; Lãnh đạo Hội đồng Cố vấn Hiệp hội,…

Các đề tài được trao đổi ở đây rất đa dạng, phong phú,… Đó là những vấn đề liên quan đến Chiến lược phát triển giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng; vấn đề tự chủ đại học; về trường đại học không vì lợi nhuận; về kiểm định, đánh giá chương trình đại học, cao đẳng; tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo; khuyến nghị về hệ thống giáo dục khu vực và thế giới của UNESCO; chính sách thuế đối với giáo dục; Mục tiêu đổi mới giáo dục đại học, xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới và Việt Nam; Chuyển đổi số trong giáo dục đại học; vấn đề quản trị trường đại học; về thành tựu nghiên cứu plasma và những ứng dụng,…

Trong năm 2022, tất cả 24 Câu lạc của Hiệp hội đều tổ chức hoạt động chuyên môn, thông qua các hội thảo hoặc tọa đàm.

Quan tâm nghiên cứu trao đổi vấn đề của khối trường cao đẳng

Thực tế cho thấy không phải không có lý do mà tỉ lệ các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp với tỉ lệ phiếu không cao; thậm chí thấp hơn rất nhiều so với các luật khác.

Tiếp đó, Chính phủ được Quốc hội giao xem xét quyết định chuyển các trường cao đẳng chuyên nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sự thuyên chuyển này chưa được nghiên cứu thấu đáo, không đủ căn cứ để thuyết phục,… vì vậy Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã bày tỏ quan điểm không đồng tình.

Trước đây nhiều năm, thực hiện yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã 3 lần với 3 văn bản gửi báo cáo lên Văn phòng Chính phủ, đã thẳng thắn chỉ rõ những điều khoản không phù hợp, thiếu căn cứ trong bản giải trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rất cần được sửa đổi; đồng thời Hiệp hội cũng đã cảnh báo trước một số hệ lụy không đáng có trong việc thuyên chuyển này.

Những hệ lụy đó sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng đào tạo, tới cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, phát triển kinh tế xã hội, bởi vì khuyết đội ngũ cán bộ kỹ thuật, sản phẩm bấy nay của các trường cao đẳng chuyên nghiệp, nay không còn được đào tạo nữa.

Khối trường cao đẳng đã xuất hiện một số vấn đề bức xúc, rất cần được quan tâm xem xét giải quyết.

Thứ nhất, vấn đề của khối cao đẳng liên quan tới việc thống nhất quản lý nhà nước về đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW, liên quan nội hàm của bậc giáo dục đại học, liên quan tới các trường sư phạm, tới cơ cấu nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, tới chất lượng của hệ cao đẳng sau khi hợp nhất hai loại trường cao đẳng (nghề và chuyên nghiệp), hệ đào tạo thí điểm 9 + 3 cấp bằng kỹ sư thực hành. Vấn đề đặt ra là, Công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Việt Nam có còn cần đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật nữa không? Nếu còn thì nơi nào sẽ đảm đương nhiệm vụ đào tạo? ….

Thứ hai, sau hội nghị Ban Thường vụ họp ngày 24/7/2022, Thường trực Hiệp hội, qua nhiều lần cân nhắc thấy cần thiết phải có những buổi tọa đàm, hội thảo khoa học để trao đổi thật kỹ những vấn đề nêu trên đây của Khối cao đẳng. Lãnh đạo Hiệp hội đã phân công chuẩn bị để có thể tổ chức hội thảo trực tiếp vào đầu Quý II/ 2023.

Nhìn chung, chương trình công tác của Hiệp hội trong năm 2022 đã đạt được kết quả rất khả quan, có bước tiến triển mới so với năm trước. Một số ý kiến, đề xuất, giải pháp của Hiệp hội đã được các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước lắng nghe, tiếp nhận và có ý kiến chỉ đạo tới các Bộ, ngành liên quan.

Uy tín của Hiệp hội được duy trì và có mặt tăng lên. Hiệp hội luôn thể hiện là một tổ chức xã hội nghề nghiệp có bản lĩnh vững vàng, có tiếng nói khoa học thuyết phục, là tổ chức tin cậy để các trường hội viên gửi gắm lòng tin.

Kết quả đạt được của năm 2022 sẽ tạo khí thế mới để Hiệp hội tiếp tục vươn lên trong những năm tới.

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng cho hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới.

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông chia sẻ tại Hội nghị.

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông chia sẻ tại Hội nghị.

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông chia sẻ, thời gian tới, Hiệp hội nên tăng cường các hoạt động phong trào, có nhiều hoạt động để gắn kết các trường hội viên.

Giáo sư Trần Hữu Nghị - Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đề xuất, thời gian tới Hiệp hội tiếp tục quan tâm và phát triển giáo dục mở và thư viện mở. Đồng thời cho nhiều hoạt động liên kết các trường trong hợp tác xây dựng các chương trình đào tạo.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp - thành viên Hội đồng cố vấn của Hiệp hội cũng cho rằng, cần phải sớm tạo điều kiện để liên kết các trường trong xây dựng chương trình đào tạo, cũng như xây dựng ngân hàng câu hỏi để đánh giá dựa trên đo lường hiện đại.

Một số hình tại tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 3 nhiệm kỳ II của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tại Trường Đại học Thăng Long:

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo - Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Trưởng ban Kiểm tra trình bày Báo cáo của Ban Kiểm tra.(Ảnh: Nguyên Phương)

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo - Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Trưởng ban Kiểm tra trình bày Báo cáo của Ban Kiểm tra.(Ảnh: Nguyên Phương)

Ông Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Trưởng ban Tài chính trình bày Báo cáo của Ban Tài chính về Quyết toán Quỹ hội năm 2022 và Dự toán kinh phí năm 2023. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Ông Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Trưởng ban Tài chính trình bày Báo cáo của Ban Tài chính về Quyết toán Quỹ hội năm 2022 và Dự toán kinh phí năm 2023. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Giáo sư Trần Hữu Nghị trao đổi tại Hội nghị. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Giáo sư Trần Hữu Nghị trao đổi tại Hội nghị. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Chuyên gia Trần Đức Cảnh chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Chuyên gia Trần Đức Cảnh chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Các đơn vị, tổ chức được Hiệp hội trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong năm 2022. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Các đơn vị, tổ chức được Hiệp hội trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong năm 2022. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Các cá nhân được trao tặng Bằng khen của Hiệp hội tại Hội nghị. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Các cá nhân được trao tặng Bằng khen của Hiệp hội tại Hội nghị. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 3, nhiệm kỳ II bằng hình thức trực tiếp

Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 3, nhiệm kỳ II bằng hình thức trực tiếp

Nguyên Phương